Huynh trưởng GĐPT ngày nay nguyện đi theo con đường Đức Thích Ca đã vạch ra; nguyện học và tu theo lời dạy và các hạnh lành của Phật đã vì chúng sanh mà thuyết giảng và nêu gương. Con đường đó là con đường giác ngộ giải thoát; lời dạy của Phật là bài học bớt khổ thêm vui; hạnh lành của Phật là Bi – Trí – Dũng.
Người huynh trưởng GĐPT noi theo hạnh Dũng của Đức Phật Thích Ca như thế nào ?
Chúng ta không thể làm đúng những gì Đức Thế Tôn đã làm, nhưng chúng ta noi theo hạnh Dũng của Ngài mà làm những gì trong khả năng có được để tích lủy công đức mỗi ngày một ít, dần dần tiến lên trên con đường giải thoát. Để làm được việc này, người huynh trưởng cần vượt qua hai thách thức của bản thân là:
-Một: Vượt qua tự ti mặc cảm, cho rằng Đức Phật là bậc Thánh siêu phàm, chúng ta không bao giờ làm được như Ngài, từ đó chúng ta buông lung, phóng dật, sống theo bản năng thấp hèn, giá trị cuộc sống ngày càng đi xuống, không bao giờ thấy được ánh sáng giác ngộ giải thoát.
-Hai: Vượt qua sự nôn nóng, thiếu kiên nhẫn, thiếu niềm tin trên bước đường tu học. Cho rằng học theo Phật mãi mà không thấy kết quả gì, từ đó cũng dẫn đến thái độ buông xuôi, mặc cho dòng đời lôi cuốn ta vào vũng lầy tham – sân – si.
Huynh trưởng GĐPT noi theo hạnh Dũng của Đấng Từ Phụ bằng việc nỗ lực chiến thắng bản thân, đó là : chiến thắng tham ái, chiến thắng bản năng , chiến thắng bản ngã, chiến thắng vô minh.
trong cuộc sống ai cũng có công ăn việc làm, ai cũng có những thú vui riêng, ai cũng có “cái của tôi” để yêu quý giữ gìn v.v… Ai cũng muốn những thứ ấy ngày càng phát triển và vững chắc hơn, không ai muốn nó bị hao hụt, sứt mẻ. Vì vậy, một số huynh trưởng vì quá coi trọng những “thứ của tôi” đó mà đôi khi xao lãng trách nhiệm đối với GĐPT. Đồng đội có than phiền thì họ biện minh:”Tôi phải lo cho gia đình tôi trước rồi mới lo đến GĐPT được”.
Nếu một người quá yêu “cái của tôi” như thế thì đi GĐPT làm gì? Lại còn phát nguyện làm huynh trưởng làm gì? Cái của anh chị có hiện nay có bằng một phần triệu cái mà Thái tử Tất Đạt Đa có khi xưa không? Nhưng vì đâu mà Ngài bỏ tất cả không thương tiếc? Chẳng lẽ Ngài “thiếu suy nghĩ” hơn các anh chị chăng?
Chung quy là vì Lý Tưởng cả thôi. Ngày xưa Thất Đạt Đa rừ bỏ tất cả vì lý tưởng cứu độ chúng sanh. Còn chúng ta ngày nay, chỉ hy sinh một chút xíu thời gian, công sưc và trí óc vì lý tưởng GĐPT. Đâu có ai bắt buộc các anh chị bỏ hết sự nghiệp, tài sản, cửa nhà vì GĐPT đâu nào?
Nhân ngày lễ Xuất Giá 8/2, Ngày Dũng của GĐPTVN, mong rằng huynh trưởng chúng ta hãy suy ngẫm thêm về điều này.
ngày xưa lúc Phật sắp thành đạo, theo kinh điển kể lại, Ma Vương đã hiện lên quấy phá liên tục: nào dùng săc đẹp phu nữ để cám dỗ, nào hiện hình Da Du Đà La để khêu gợi tình cảm ủy mị nhớ nhung của Ngài mà khiến cho Ngài không thể thành đạo v.v…
Theo thiển ý, những sự việc ấy không phải do Ma Vương quấy rối đâu, mà chính là lúc bản thân Sa môn Cồ Đàm đấu tranh để chiến thắng những bản năng thấp hèn còn sót lại trong con người trần tục của Ngài, và sau trận chiến khốc liệt với chính mình, Ngài đã chiến thắng và thành Phật.
Huynh trưởng GĐPT cũng giống như 6 tỷ con người đang sống trên hành tinh này, mỗi người đều được thiên nhiên cài đặt sẵn bản năng hưởng thụ trong tâm thức: Mắt thích nhìn cái đẹp, lưỡi thích ăn món ngon, mũi ưa ngửi mùi thơm, tai chịu nghe lời nhẹ nhàng, thân thích sự êm ái, ý thích việc dễ dàng… Nói chung là ai cũng có nhu cầu hưởng thụ và ý thích lánh nặng tìm nhẹ. Ít có người chịu cực chịu khó hy sinh vì người khác.
Đức Phật đã dạy về lối sống Trung đạo như sau: “Có 2 cực đoan mà ta nên tránh: một là hưởng thụ thái quá sẽ đưa đến sa đọa và tội lỗi; Hai là khổ hạnh ép xác quá độ thì sức khỏe và trí tuệ không còn” Huynh trưởng chúng ta học theo gương Dũng cảm của Đức Thích Ca bằng việc tiết chế hưởng thụ cho bản thân và hãy dành một ít thời gian, sức khỏe và trí tuệ phục vụ cho GĐPT, góp phần xây dựng đơn vị sinh hoạt đông vui, vững mạnh. Đó chính là việc làm có ý nghĩa trong Ngày Dũng năm nay.
Một trong những bản năng gốc của loài người là quý trọng những gì thuộc về mình: đây là thân xác tôi, đây là ý kiến tôi, đây là tài sản tôi, đây là quyền lợi tôi v.v… Trăm thứ “tôi” và “của tôi” hình thành nên bản ngã cứng khư rất khó phá vỡ. Muốn biết ai tu đắc đạo hay chưa chỉ cần đụng chạm đến bản ngã người ấy và xem thái độ phản ứng của đương sự là biết ngay.
Huynh trưởng GĐPT mà nói “chiến thắng bản ngã” là hơi quá đà. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể thành công nếu kiên trì thực hành từng việc nhỏ. Thí dụ:
-Trong đơn vị gặp việc khó, ai cũng đùng đẩy cho nhau. Người nào xung phong ra gánh vác, đó là người chiến thắng bản ngã.
-Biết lắng nghe và chấp nhận y kiến của người khác cũng là chiến thắng bản ngã
-Bị đồng đội nói chạm tự ái nặng, nhưng vẫn im lặng tiếp tục công việc được giao cho đến khi hoàn tất. Không vì tự ái mà bỏ ngang công việc chính là chiến thắng bản ngã.
-Lỡ làm việc gì sai mà biết nhận lỗi ngay cũng là chiến thắng bản ngã
-Khi người khác góp ý về sai sót của mình mà mình vẫn bình tỉnh lắng nghe, không buồn giận, đó là người chiến thắng bản ngã.
-Vân vân…
Vô minh, nói nôm na là ngu si mà làm người ai cũng có, chỉ những người nỗ lực tu hành hằng ngày mới dần dần bớt được vô minh. Một khi vô minh mất đi thì trí tuệ hiện ra, như ánh sáng xua đi bóng tối.
Vô minh được thể hiện qua rất nhiều dạng thức trong đời sống. Ở đây chúng ta nói về tật cố chấp, bảo thủ của con người, ví như câu chuyện sau đây:
“Nơi thị trấn kia có 5 anh mù sinh sống. Một hôm, 5 anh nghe nói có người dắt voi đi qua thị trấn. Từ nào đến giờ chưa biết con voi hình dáng ra sao, liền nhờ người dẫn đến chỗ xem voi. Người ta cho mỗi anh rờ một bộ phận của voi như: tai, vòi, chân, mình và đuôi. Khi voi được dắt đi rồi 5 anh mới ngồi lại bàn luận xem con voi giống cái gì. Anh sờ vòi nói “voi giống cái vòi nước”; người rờ tai nói “voi giống cái quạt”; người rờ chân nói “voi giống cột nhà”; người rờ mình voi nói “voi giống cái trống” và người rờ đuôi voi nói “voi giống cây chổi cùn”. Cả 5 người không ai chịu ai, cãi nhau hồi lâu rồi đi tới ấu đả đến nỗi u đầu sứt trán, kêu khóc vang trời…”
Huynh trưởng GĐPT cũng không tránh khỏi cái tật bảo thủ như 5 anh mù trên đây. Chúng ta hãy noi gương Đức Thế Tôn, việc gì cũng phải bình tỉnh suy xét, mở rộng tầm nhìn, lắng nghe nhiều phía để thay đổi tư duy kịp thời đúng lúc. Đừng như con ngựa kéo xe bị bịt mắt, đừng như con ếch an phận dưới đáy giếng sâu mà trở thành kẻ cố chấp, cứng đầu, ngu si, cực đoan, cuồng tín… thật là nguy hiểm cho xã hội!
Nhân Ngày Dũng của đoàn viên ngành Nam GĐPT, chúng ta cùng nhau ôn lại tấm gương Dũng cảm mà đấng Cha Lành Thích Ca đã để lại cho hậu thế. Ngày xưa, Đức Bổn Sư nhờ hạnh Dũng mà thành Phật; ngày nay huynh trưởng chúng ta học theo hạnh Dũng của Ngài để trở nên người huynh trưởng tốt, góp phần xây dựng ngôi nhà Lam ngày thêm bền vững, nâng đỡ nhau để cùng dắt tay nhau đi đến mục đích sau cùng là trở thành người Phật tử chân chánh.
BAN BIÊN TẬP