Theo kinh điển Phật giáo Đại thừa, ngày mùng tám tháng hai âm lịch hằng năm là ngày kỷ niệm sự kiện Thái tử Tất Đạt Đa âm thầm rời bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan; từ bỏ địa vị thái tử cao sang quyền quý, xuất gia làm một Sa môn không nhà không cửa, hằng ngày đi khất thực , dành trọn cuộc đời quyết chí tìm đạo giải thoát cứu độ chúng sanh đang chịu muôn ngàn đau khổ của kiếp luân hồi sanh tử.
Ngày nay, các nhà nghiên cứu Phật học đều thống nhất nhận định về ý nghĩa của việc Thái tử xuất gia. Ý nghĩa trong việc xuất gia thì có nhiều, nhưng ý nghĩa nổi bật nhất mà những học trò của Ngài luôn phải ghi nhớ để noi gương Đức Từ Phụ, đó là Hạnh DŨNG mà Ngài đã thể hiện qua việc xuất gia tìm đạo.
Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPT) nhân ý nghĩa này, đã lấy ngày Xuất gia 8/2 âm lịch hằng năm làm ngày truyền thống của ngành Thanh-Thiếu Nam GĐPT với tên gọi NGÀY DŨNG. Vào ngày này, nhiều hội trại ngành Thanh-Thiếu Nam đã được Ban Hướng dẫn các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức nhằm mục đích ôn lại hạnh Dũng của Đức Từ Phụ Thích Ca để làm bài học cho huynh trưởng nam và đoàn sinh thanh, thiếu nam noi gương nhằm trau dồi đức tính Dũng cảm trong đời sống hằng ngày và trong sự nghiệp tu thiện hành thiện của đoàn viên GĐPT.
Vì sao việc Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia nói lên hạnh Đũng của Ngài? Chúng ta hãy cùng nhau lý giải về chữ DŨNG nhân dịp ngày lễ Xuất Gia sắp về với hàng triệu triệu Phật tử trên khắp thế giới.
Một: Thái tử Tất Đạt Đa sinh ra và lớn lên trong đời sống vương giả nơi cung vàng điện ngọc. Ngài được phụ vương đào luyện mọi thứ để sau này trở thành quân vương kế vị ngai vàng nước Ca-Tỳ-La-Vệ. Ngài cưới Công chúa xinh đẹp Da-Du-Đà-La làm vợ và sinh được một trai nối dõi là La-Hầu-La. Theo đánh giá của thế gian, Thái tử Tất Đạt Đa đã có đủ mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống, không thể đòi hỏi gì hơn nữa.
Nhưng, với lòng từ bi vô hạn trước cảnh khổ của con người, Ngài quyết chí rời bỏ đời sống vương giả, chọn đời sống Sa môn đầy cam go vất vả với lý tưởng cao cả “tìm ra chân lý để thoát khổ” trước là tự cứu mình, sau là cứu độ cho mọi người thoát khỏi các đau khổ của kiếp trầm luân.
Nếu không có lòng từ bao la, nếu không có lý tưởng cao đẹp, nếu không có ý chí sắt đá và quan trọng hơn cả là nếu không có lòng dũng cảm vô hạn thì Ngài đã không có quyết định ra đi xuất gia vào đêm mùng tám tháng hai năm Ngài vừa mới 19 tuổi (1)
Hai: trong cuộc hành trình đi tìm chân lý, Thái tử phải trải qua cuộc sống vô cùng khắc khổ như :
-Không nhà cửa, đêm đến chỉ ngủ dưới một gốc cây
-Chỉ ăn một bữa trong ngày. Ai cho gì ăn nấy, không phân biệt ngon hay dở
-Y phục chỉ là một tấm vải liệm xác chết được thu nhặt từ nghĩa địa
-Khi có bệnh chỉ dùng vài thứ lá rừng để tự chữa bệnh
-Tìm thầy học đạo phải đi bộ hàng trăm cây số
Tóm lại, từ một Thái tử thụ hưởng mọi tiện nghi cao sang nơi hoàng cung, Ngài đã chọn đời sống xuất gia làm một vị sa môn với các tiện nghi vật chất tối thiểu nhất, so ra còn thua kém cả một người ở giai cấp Thủ-Đà-La, giai cấp tận cùng dưới đáy xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.
Nếu không phải là con người dũng cảm tuyệt trần thì làm sao kham nổi đời sống thiếu thốn cùng cực như thế?
Ba: sau khi học đạo với các đạo sư Uất-Đầu-Lam-Phất và A-La-La, Ngài cảm thấy không thỏa mãn với các phương pháp tu của hai vị thầy nói trên. Quyết tâm tìm cho ra chân lý, sau đó Ngài chuyển sang tu khổ hạnh trong 6 năm. Ngài áp dụng một cách triệt để các phương pháp khổ hạnh thời bấy giờ như :
-Ăn rất ít, tiết giảm cho đến lúc mỗi ngày chỉ ăn vài hạt mè
-Không ngồi, không nằm, bắt cơ thể phải chịu đựng đau đớn cùng cực bằng những tu thế dị thường.
-Không tắm rửa, không cắt tóc hay cạo râu, không cắt móng tay móng chân
-Hạt cò, hạt cây rụng lên đầu cũng cứ để mặc cho chúng mọc thành cây v.v…
Sau 6 năm tu khổ hạnh, Sa môn Cồ Đàm gầy guộc như một bộ xương, nhưng Ngài vẫn chưa thấy chân lý giải thoát. Với việc chịu đựng mọi cực hình đau đớn, đói khát, dơ bẩn, suy nhược ốm yếu… ròng rã 6 năm trời, Sa môn Cồ Đàm đã cho ta thấy Ngài có một nghị lực cao vời, một ý chí sắt đá và một lòng dũng cảm có một không hai của bậc vĩ nhân trong thế giới loài người.
Bốn: sau 6 năm tu khổ hạnh mà không thấy kết quả giải thoát, chỉ thấy hậu quả sắp chết, Sa môn Cồ Đàm mạnh dạn thay đổi tư duy. Ngài suy nghĩ: :”Nếu ta chết đi thì lấy ai giải thoát?” Rồi Ngài lại quán chiếu: “Trong đời sống có hai cực đoan cần tránh: một là, hưởng thụ quá đáng sẽ trở thành nhu nhược và sa đọa, không thể là người thanh cao và giải thoát; Hai là, khổ hạnh đến mức cùng cực thì trí tuệ suy kiệt, sinh mạng chẳng còn, lấy gì để giải thoát!” Nhờ mạnh dạn thay đổi tư duy đúng lúc, Ngài quyết định từ bỏ lối tu khổ hạnh, thọ dụng bát cháo sữa do thôn nữ Sujâta dâng cúng, nhờ đó sức khỏe dần hồi phục . Sau đó Ngài chọn phương pháp Thiền định để tìm ra chân lý và sau 49 ngày đêm thiền tọa dưới gốc cây Tất-bát-la, Ngài đã thấu đạt mọi chân lý của vũ trụ và nhân sinh, trở thành bậc Chánh đẳng Chánh giác, tức Bouddha, kinh điển Trung Hoa phiên âm thành Phật-đà.
Đức Dũng của Ngài thể hiện chỗ nào trong trường hợp này? Xin thưa: đó là biết mạnh dạn thay đổi tư duy đúng lúc. Người không có đức Dũng thì không thể vượt qua lực cãn của chính mình, không thể thoát ra khỏi lối mòn trong suy nghĩ để vươn đến điều chân-thiện-mỹ trong cuộc sống. Trong lịch sử thế giới cận và hiện đại, chúng ta đã chứng kiến nhiều quốc gia vươn lên trở thành cường quốc cũng nhờ người lãnh đạo đã dũng cảm thay đổi tư duy kịp thời. Đức Phật dạy rằng: “Chiến thắng chính mình là chiến thắng vinh quang nhất”
Trên đây là bốn điều khó làm đối với mọi người trần thế, nhưng Thái tử Tất Đạt Đa, vì lý tưởng cứu độ chúng sanh, đã làm được, tạo nên bốn chiến thắng vô tiền khoán hậu trong lịch sử nhân loại . Đó là :
1)Từ bỏ đời sống vương giả để chọn lấy đời sống thiếu thốn vất vả của một Sa môn. Đó là chiến thắng tham ái
2)Ngài đã chịu biết bao thử thách gian nan vất vả của đời sống xuất gia “Nhất bát thiên gia phạn – Cô thân vạn lý du” (2) Đó là chiến thắng bản năng
3)Tu khổ hạnh ép xác đến cùng cực, đến nỗi sinh mạng như “Ngàn cân treo sợi tóc” Đó là chiến thắng bản ngã
4)Vượt thắng chính mình, thay đổi tư duy đúng vào lúc cần thiết nhất. Đó là chiến thắng vô minh
Với bốn chiến thắng vĩ đại vừa nêu, người đời đã tôn vinh Ngài là bậc Thánh có Đức Dũng đệ nhất trên thế gian này. (Còn tiếp…)
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1