Ngày xuân tản mạn về chữ Phúc

G

Ngũ phúc lâm môn:

Đón năm mới, người Trung Quốc xưa thường dán ở cửa nhà hoặc trên cánh cổng năm chữ: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh và gọi chung là “Ngũ phúc lâm môn”, tức năm điều phúc đến nhà hoặc vào nhà.

Phúc là những điều tốt lành, may mắn…

Lộc là có thêm tài sản từ việc được cấp trên ban tặng hoặc khen thưởng…

Thọ là được sống lâu, sống vui khỏe, sống đẹp…

Khang là được khỏe mạnh, khang cường…

Ninh là được yên ổn, bình an vô sự và bình tĩnh trong mọi công việc…

Đó là cách nghĩ, cách làm và điều mong ước của người xưa, nhưng suy cho cùng thì chỉ một chữ Phúc đã là đủ. Bởi trong Phúc đã có cả Lộc, Thọ, Khang, Ninh, nếu không có 4 yếu tố sau thì Phúc không còn đầy đủ, trọn vẹn nữa. Ngược lại, trong từng chữ Lộc, Thọ, Khang, Ninh cũng đã có Phúc, vì có Lộc hay Thọ hoặc Khang, Ninh tức là đã có một phần của Phúc rồi.

Còn trong xã giao, khi gặp nhau vào những ngày đầu năm mới thì người ta thường chỉ chúc nhau ba chữ là: Phúc, Lộc, Thọ (trong dân gian thường gọi là “Tam đa”) và về sau, thay cho những lời chúc, những gia đình khá giả người ta đã cho đúc “Tam đa” thành ba ông tượng vừa để chiêm ngưỡng vừa để cầu nguyện tại gia. Nhưng cũng có gia đình vào ngày tết Nguyên đán, họ chỉ viết hoặc dán trên bàn thờ tổ tiên, ông bà một chữ Phúc và bên cạnh đó là lời chú “Phúc như Đông hải” – nghĩa là Phúc đầy như biển Đông. Hoặc cũng có gia đình viết đôi câu đối dán ngoài cửa:

Ngoài cửa mừng xuân, nghênh chữ Phúc;

Trong nhà chúc tết, hưởng Tam đa.

Nói tóm lại, quan niệm của người xưa về đạo lý làm người là sống thì phải biết tích đức, làm phúc, làm thiện, giúp đỡ người nghèo, kẻ khó, tức là “Thương người như thể thương thân”, hay nói theo cách khác là “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Còn trong gia đình, gia tộc thì ông bà, cha mẹ, anh chị phải biết dạy bảo cháu, con và các em…là phải biết sống có ích cho đời, phải giữ đúng đạo nhà, làm cho gia đình yên ấm, thuận hòa và cuộc sống của gia đình, dòng tộc ngày càng tốt đẹp hơn. Và đó là một gia đình có phúc vì con hơn cha, thế hệ sau hơn thế hệ trước…

Tuy nhiên, người xưa cũng đã dạy rằng, một gia đình muốn có phúc, có đức thì trước hết là tổ tiên, sau đến ông bà, cha mẹ phải có công đức dành cho đời sau. Đồng thời, con cháu phải biết hiếu để thảo hiền với các bậc tiền nhân… thì phúc, đức ấy mới được lâu bền:

Tổ tiên tích đức, thiên niên thịnh;

Tôn tử thảo hiền, vạn đại vinh.

mẫu chữ Phúc

một số mẫu chữ Phúc

Những giai thoại về chữ Phúc

Giai thoại thứ nhất: Vào thời nhà Đường (618-907) ở Trung Quốc ngày xưa có một danh tướng tên là Quách Tử Nghi. Ông là người có công lao to lớn đối với nhà Đường và bản thân ông phục vụ dưới 4 đời vua Đường là Huyền Tông, Túc Tông, Đại Tông và Đức Tông. Ông là người có dáng vẻ rất đẹp, da hồng hào quanh năm, râu tóc bạc phơ. Khi tuổi cao, ông cáo quan về quê và luôn bồng trên tay một bé trai trông rất thanh nhàn. Khi còn tại vị, cuộc sống của ông là một chuẩn mực về tu thân tích đức. Trong triều, ông luôn giữ đạo trung quân, về an trí tại gia ông luôn giữ đúng đạo vợ chồng, cha con, ông cháu, cụ với chắt… Đến năm cả hai ông bà cùng tròn 83 tuổi thì có chút đích tôn – cháu đời thứ năm (ngũ đại đồng đường – năm thế hệ sống cùng một nhà). Một hôm, ông bồng đứa chút trên tay rồi cả kỵ với chút cùng nhìn nhau cười. Sau tiếng cười mãn nguyện ấy, cụ Quách Tử Nghi từ từ đi vào cõi vĩnh hằng. Người đương thời cho rằng, sống ở đời mà được như cụ Quách Tử Nghi là có được cả “ngũ Phúc”. Vì nếu không có “Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh” thì sao ông có được cuộc sống như vậy, rồi gia đình nào cũng mong có được điều ấy trong nhà và từ đó xuất hiện câu thành ngữ: “Ngũ phúc lâm môn”.

Giai thoại thứ hai: Đây còn gọi là giai thoại về chữ Phúc viết thuận. Trong những ngày tết Nguyên đán, người Trung Quốc có tục treo thuận hoặc treo ngược chữ Phúc ở trên cửa. Có hai truyền kỳ giải thích chuyện này. Thứ nhất là chuyện xảy ra từ đời nhà Minh (1368-1644) về chữ Phúc viết thuận. Một hôm, Minh Thái Tổ, tức Chu Nguyên Chương vi hành tới một thị trấn nhỏ. Nhà vua thấy một đám đông người cười rỡn bên một bức họa. Khi tới gần, nhà vua thấy đó là bức vẽ một bà già có bàn chân lớn quá khổ, tay ôm một trái dưa hấu. Nhà vua nhận ra bà già này chính là hoàng hậu. Nổi giận, nhà vua sai quân hầu theo dõi từng người trong đám người hỗn xược kia về tận nhà và đánh dấu bằng cách viết chữ Phúc trên cánh cửa, để ngày mai nhà vua sẽ phái quân tới bắt. Trở về hoàng cung, nhà vua kể lại chuyện này cho hoàng hậu nghe. Hoàng hậu vốn sẵn từ tâm, bà khẩn sai quân hầu hỏa tốc tới thị trấn này viết chữ Phúc trên cửa mọi nhà dân. Sáng mai, quan quân tới sau nên không còn cách nào nhận ra được nhà nào có người bị nhà vua cho lệnh tới bắt. Từ đó, người ta tin rằng chữ Phúc được viết ở cửa có thể dùng làm bùa hộ mạng cho mọi người.

phúc đảo

Giai thoại thứ ba: Là giai thoại nói về chữ Phúc treo ngược, viết ngược. Chuyện xảy ra vào thời nhà Minh. Ngày ấy có một ông thầy rất giỏi về nghề mộc. Những bông hoa gỗ do ông chạm khắc chẳng khác nào hoa thật, những phòng ốc do ông tạo ra, bất chấp mưa sa bão táp vẫn vững như bàn thạch, mọi người cảm phục tài nghệ của ông nên gọi ông là “Núi Thái” (Thái Sơn). Một lần, nhà kia muốn mở một cửa hiệu và đã mời ông đến chủ trì việc xây cất. Ông dắt theo 8 đồ đệ đến cùng làm. Chẳng bao lâu cửa hiệu đã hoàn thành. Ngày khánh thành, ông chủ giết mấy đầu heo để đãi thầy trò Thái Sơn và các bạn hữu đến chúc mừng nhà mới. Chủ nhân tốt bụng nên đã gói thịt và cả lòng, gan để thầy trò người thợ mai về khi đi đường có sẵn thức ăn. Nhưng ông Thái Sơn không biết đó là ý tốt của chủ nhà, thấy trên bàn hết sạch cả lòng, gan… và cho rằng chủ nhà đã ăn hết nên trong bụng giận lắm, cứ lẩm nhẩm hoài: “Núi Thái ta đến đâu, ở đó đều tiếp như khách quý, tiếp đãi đàng hoàng. Nay người có mắt mà chẳng biết Núi Thái, được thôi, ta sẽ cho nhà ngươi biết tay!”.

Ăn cơm tối xong, nhân lúc trời tối, ông chỉ cho các đồ đệ làm ngược hết các cột hiên và cột chính của phòng lớn, muốn qua đó để triển khai phép thuật làm cho việc buôn bán sẽ thua lỗ. Sáng sớm hôm sau, chủ nhân mời mọi người ăn chút điểm tâm, rồi đưa cho họ một gói lớn đồ ăn, nói là để ăn dọc đường. Đi được nửa đường, thầy trò nghỉ ăn trưa và ngạc nhiên  phát hiện trong bọc ngoài cơm ra còn có khá nhiều lòng, gan và thịt heo đã nấu chín. Thấy thế, ông Thái Sơn vô cùng cảm động và hối hận thật sự. Ăn được một lát, ông lấy từ trong rương mấy tờ giấy hồng rồi vẽ chữ Phúc lên đó, sai đồ đệ lập tức chạy ngay về nhà chủ tiệm dán ngược chúng lên những khung cửa đã bị đặt ngược để mọi người khi đi qua nhìn thấy đều nói là “Phú đáo”(Phúc đến).

Các đồ đệ chạy đến nơi thì đúng lúc chủ tiệm đang đốt pháo chúc mừng ngày khai trương. Các đồ đệ liền dán ngược chữ Phúc lên các cửa. Mọi người nghi hoặc không hiểu tại sao dán ngược thì được họ giải thích rằng: Đây không phải là dán ngược mà là “Phú đáo”. Mọi người hãy cùng niệm mấy câu này thì sẽ phát tài lớn. Sau đó, mọi người đều đọc như vậy, chủ hiệu sau này quả nhiên phát tài lớn. Mọi người không hiểu sự kỳ diệu bên trong, chỉ cho rằng đó là cái duyên cớ để “phúc đến”. Thế là từ đó, cứ dịp khai trương cửa hiệu hay xuân về, mọi người đều muốn dán ngược chữ Phúc nơi cổng nhà mình hay cửa hiệu để cầu phúc và lâu dần trở thành phong tục.

Giai thoại thứ tư: Đây cũng là giai thoại về chữ Phúc viết ngược, treo ngược. Chuyện xảy ra vào đời nhà Thanh (1661-1911). Vào chiều ba mươi tết, quan phủ lý của Thái tử Cung Thân hạ lệnh cho thuộc cấp treo chữ Phúc trên những cửa chính ra vào đông cung. Có một tên lính hầu vì không biết chữ nên đã treo ngược chữ Phúc. Thái tử nhìn thấy và nổi giận định trừng phạt tên lính hầu này. Quan phủ lý vốn là người từ tâm, liền nghĩ ra cách gỡ tội cho tên lính hầu. Quan còn biết lòng thái tử khao khát may mắn để sớm lên ngôi báu nên đã tâu: Chữ Phúc treo ngược là “Phúc đảo”, mà theo tiếng Trung Quốc đồng âm với chữ đáo, nghĩa là tới. Vậy chữ Phúc treo ngược là điềm báo phúc đang tới. Thái tử hài lòng, không những không trừng phạt tên lính hầu mà còn trọng thưởng quan phủ lý và ban cho mỗi tên lính hầu 5 lạng bạc. Quả là phúc đã tới với đám người này trong đêm trừ tịch đó.    


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang