Mùa Xuân, Hà Tiên, Chùa Tam Bảo, Gia Đình Phật Tử Và Tôi

Tôi sinh ra tại thị xã Rạch Giá nhưng phần lớn thời thơ ấu của tôi lại ghi dấu ấn nơi thị xã Sa Đéc (nay là thành phố Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp). Nguyên nhân là vào năm 1945, chánh quyền thực dân Pháp phát hiện ba tôi cộng tác với Việt Minh nên phát lệnh lùng bắt ông. Do đó ông phải đưa gia đình ra Sa Đéc lánh nạn, thay đổi họ tên và sinh sống tại đây cho đến năm 1959 mới trở về quê cũ.

Tháng 6 năm 1959 tôi theo gia đình về Rạch Giá. Lúc ấy tôi 16 tuổi, vừa thi đậu Trung học đệ nhất cấp. Đến Rạch Giá, việc đầu tiên của tôi là tới trường Trung học Nguyễn Trung Trực làm đơn xin thi tuyển vào lớp đệ tam niên học 1959 – 1960. Kết quả thi rớt làm tôi cụt hứng. Tuy nhiên tôi cũng không vì thế mà tuyệt vọng. Tôi quyết định “nghỉ xả hơi” một năm, đợi hè năm sau xin thi lại. Tôi sắp đặt cho mình một thời khóa biểu tự học ở nhà chứ không thèm đến trường lớp nào cả (Quả nhiên năm sau tôi thi đậu vào lớp đệ tam trường Nguyễn Trung Trực).

Lụi hụi mà tết Nhâm Dần đã đến, cái tết đầu tiên của tôi tại nơi “chôn nhau cắt rún”. Sáng mùng hai tết, tôi rủ hai thằng em, một đứa con người cô tên Tuấn, một đứa con người chú tên Nghĩa cùng làm một chuyến phiêu lưu lên xứ Hà Tiên.

Bây giờ đi Hà Tiên là chuyện quá bình thường, nhưng vào thời đó đối với ba đứa chúng tôi chưa đứa nào đặt chân đến Hà Tiên thì chuyến đi này quả là một cuộc phiêu lưu không hơn không kém.

Đến đây, trời ơi, thấy cái gì cũng lạ, cái gì cũng đẹp, cái gì cũng hấp dẫn quá chừng. Tôi là người có máu thi văn nên nhìn đâu cũng thấy lãng mạn nên thơ. Ấn tượng tốt đẹp ban đầu về Hà Tiên đến nay vẫn còn sâu đậm trong tôi.

Với nỗi háo hức của những “chú ngựa non” và với cái túi không nhiều tiền lắm, chúng tôi quyết định du Xuân Hà Tiên bằng đôi chân. Sau khi leo lên núi Tô Châu ngắm cảnh Hà Tiên cho thỏa thích, ba đứa tôi đi ra Mũi Nai tắm biển. Tuy Rạch Giá cũng có biển nhưng chưa bao giờ chúng tôi tắm vì bãi biền ở đây lắm bùn và rác. Còn ở bãi biển Mũi Nai, cát thì trắng, nước biển trong xanh. Chúng tôi thỏa sức nô đùa với sóng biển, lại thêm lượm được nhiều vỏ ốc biển đem về khoe với tụi bạn nữa!

Buổi trưa đứng bóng, bãi biển dần vắng người, ba đứa mua xôi ăn cho chặt bụng rồi bàn tính chuyện đi Thạch Động. Làm cách nào đi Thạch Động bây giờ? Thật sự lúc đó không có phương tiện nào “thù thắng” cho bằng cuốc bộ. Mà cuốc bộ theo đường cái thì đâu có trí tuệ! Ba đứa quyết định làm một cuộc đi bộ từ Mũi Nai qua Thạch Động vô tiền khoán hậu là đi theo đường thẳng! Cứ nhắm đỉnh núi Thạch Động mà đi, gặp ruộng thì càn, gặp sông rạch thì lội. Có lẽ từ xưa đến nay chưa có ai đi từ Mũi Nai qua Thạch Động theo con đường và cách mà chúng tôi đã đi vào ngày mùng hai tết năm đó. Kết quả chúng tôi cũng tới được Thạch Động nhưng trong tình trạng thảm thương, chẳng giống bộ dạng người đi du Xuân chút nào! Quần áo ướt loi ngoi, hai ống quyển bị gốc rạ, cỏ gai cứa cho rướm máu… thật là sự thử thách lớn lao cho sức khỏe của ba chú ngựa non.

Làm cách nào mà ba đứa về tới chùa Tam Bảo được thì thú thật bây giờ tôi không còn nhớ. Chỉ biết chúng tôi kết thúc một ngày du Xuân Hà Tiên và đặt chân đến chùa Tam Bảo trong bộ dạng thật bơ phờ hốc hác, ba đứa vào chùa xin nước uống trước ánh mắt từ bi thương xót của các Sư cô trong chùa. Sư cô trụ trì chùa Tam Bảo lúc ấy hỏi han chúng tôi từ đâu đến, từ sáng tới giờ đi chơi những đâu, tối nay ngủ đâu… Chúng tôi trả lời bằng lời lẽ và thái độ của những người có học khiến Sư cô rất hoan hỷ. Sư cô bảo người dọn cơm cho chúng tôi ăn và chỉ nơi cho chúng tôi ngủ qua đêm. Đó là những kỷ niệm êm đềm về một chuyến du Xuân tại xứ Hà Tiên và về chùa Tam Bảo mà tôi vẫn còn ghi đậm trong tâm tư cho đến ngày nay.

Tôi có một người anh cô cậu tên Hồng, biệt danh Hồng Thầy Pháp (vì anh xuất sắc thủ vai thầy pháp trong một vở kịch biểu diễn vào dịp lễ phát thưởng do nhà trường tổ chức) Hiện anh đang làm giáo viên và là huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT) Chánh Quang tại chùa Tam Bảo (Rạch Giá). Anh thấy tôi hằng ngày, ngoài giờ tự học ôn thi, chẳng làm gì, bèn dẫn tôi vào sinh hoạt GĐPT. Tôi gia nhập GĐPT đúng vào ngày đại lễ Phật Đản năm 1960, vì đơn vị thiếu huynh trưởng nên vào ngày lễ Thành Đạo 8/12 âm lịch năm đó tôi được ban huynh trưởng cho làm Đoàn phó đoàn Nam Oanh Vũ. Lúc ấy tôi vừa bước sang tuổi 17.

Tôi rất yêu thích sinh hoạt GĐPT. Vào những lúc rảnh rỗi, tôi thường đọc ngấu nghiến các loại sách Phật và sách Hoạt động thanh niên, đồng thời tôi cũng thuộc hầu hết các bài hát GĐPT. Riêng các tác phẩm của Anh Võ Đình Cường như Đây Gia Đình, Thử Hòa Điệu Sống,Những Cặp Kính Màu, Ánh Đạo Vàng…thì tôi xem như sách gối đầu giường, đọc tới gần như thuộc lòng. Đi đâu, làm gì, tôi cũng cầm theo một trong những quyển sách ấy và cố làm ra vẻ đạo mạo của người huynh trưởng GĐPT. Có lẽ tác phong “già trước tuổi” của tôi làm cho các anh chị huynh trưởng lớn phải mỉm cười, nhưng bù lại tôi được các anh chị tin tưởng, giao tôi dạy Phật pháp cho ngành Oanh và hướng dẫn môn Hoạt động thanh niên cho ngành Thiếu, đồng thời là người dạy hát cho Gia Đình.

Lúc ấy GĐPT Chánh Từ ở chùa Tam Bảo (Hà Tiên) đã được quý Thầy Thanh Từ và Huyền Vi thành lập. Thỉnh thoảng hai Gia đình Chánh Quang và Chánh Từ họp mặt giao lưu rất thân ái. Trong những lần họp mặt của hai Gia Đình, tôi có kết bạn với anh Đường Minh Phương, một huynh trưởng giỏi của GĐPT Chánh Từ. Những năm sau đó tôi bận học Sư Phạm ở Vĩnh Long rồi ra trường dạy học xa nhà, không có dịp gặp lại anh Phương. Không ngờ sau này (khoảng năm 2000) tôi đi du lịch Đà Lạt, có đến tham quan Trúc Lâm Thiền viện thì gặp lại anh trong màu áo…nâu sồng, anh đã xuất gia với pháp hiệu Thích Kiến Nguyệt. Gần đây, cuôi năm 2019 tôi theo đoàn Phân ban GĐPT Trung ương đi thăm các đơn vị phía Bắc, khi đến thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên ở tỉnh Vĩnh Phúc thì một lần nữa lại gặp Thầy Kiến Nguyệt tại đây vì Thầy hiện là viện chủ Thiền viện này. Thật không sao tả hết nỗi hoan hỷ của chúng tôi. Rất tiếc vì thời gian lưu lại thiền viện không lâu nên tôi không có dịp tâm sự nhiều với Thầy.

Mua Xuan Chua Tam Bao Va Toi
Tôi xin đính kèm bức ảnh chụp với Thầy Kiến Nguyệt tại thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên cuối năm 2019

Kể từ năm 1964, tôi ra trường Sư Phạm và đi dạy học ở xã Tân Lộc Tây, quận Thốt Nốt (An Giang). Nơi đây là đất của đạo Hòa Hảo, không có chùa và cũng không có sinh hoạt GĐPT. Tôi đành xếp cất chiếc áo Lam cho đến năm 1972 mới đem ra mặc lại (vì năm 1972 tôi được Bộ Giáo dục chấp thuận cho tôi đổi về Rạch Giá dạy học).

Từ năm 1990, khi sinh hoạt GĐPT được phục hồi và Ni Sư Thích Nữ Như Hải (trụ trì chùa Tam Bảo-Hà Tiên) làm Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử, tôi có thiện duyên trở lại chùa Tam Bảo đất Hà Tiên nhiều lần. Mặc dù thời cuộc đã đổi khác, nhưng đất Hà Tiên và những con người Hà Tiên mà tôi được giao tiếp như gia đình bác Thiện Niệm, gia đình bác Minh An, gia đình ông bà giáo sư Minh Ân-Diệu Hạnh, các anh chị huynh trưởng GĐPT thế hệ sau này v.v…vẫn cho thấy miền đất này là nơi địa linh nhân kiệt, đã để lại trong lòng tôi nhiều cảm tình sâu đậm.

Mùa Xuân – Hà Tiên – Chùa Tam Bảo – Gia Đình Phật Tử và tôi đã trở thành một mệnh đề không thể tách rời trong cuộc đời tôi; hay nói cách khác, đã hình thành nên Thiện Nghiệp của đời tôi, sẽ theo tôi suốt kiếp.

Tôi thật sự hạnh phúc được nói như vậy.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.