Lửa Căn Bản Thắp Sáng Tình Phụ (Mẫu) Tử – Phần 1

b

Đức Thế Tôn dạy:

– Người thiện nam đem tiền, của do tự mình làm ra đúng pháp cung cấp, dưỡng nuôi cha mẹ, làm cho cha mẹ được an vui. Đó gọi là lửa căn bản. Vì sao gọi là căn bản? Vì người thiện nam do cha mẹ sinh ra nên gọi cha mẹ là căn bản vậy.[1]

1. Bổn phận của con cái đối với cha mẹ

Qua lời kinh trên, ngoài việc khuyên con cái nên phụng dưỡng và làm cho song thân vui lòng, đức Phật còn muốn nhắc rằng cha và mẹ là hai yếu tố đầu tiên để ta có mặt trên cõi đời này. Ta được sanh ra từ cha mẹ, được nuôi dưỡng nhờ cha mẹ, được giáo dục bởi cha mẹ.v.v… công đức ấy không thể cân, đo, đong, đếm được.

Cho nên, đức Như Lai mới dạy: “Có hai hạng người chúng ta không thể đền trả hết được công ơn. Thế nào là hai? Đó là Cha và Mẹ. Nếu có người vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ đến ngàn vạn năm, lo y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc men trị bệnh, dù cha mẹ đại tiện, tiểu tiện ở trên vai, người ấy cũng chưa thể báo đáp công ơn của cha và mẹ. Tại sao? Vì cha mẹ ơn nặng, làm nhiều điều cho con cái, bồng ẵm, nuôi dưỡng con khôn lớn, giới thiệu con vào đời.[2]

Vì thế, dù ta có “treo mình cúng Phật thế đèn” hay “cõng mẹ cha tất cả hai vai” đi“giáp vòng hòn núi Tu Di, trải trăm ngàn kiếp” thì ơn kia vẫn chưa thể đáp đền trọn vẹn. Thế nên, phận làm con cần phải phụng dưỡng song thân và chớ để mẹ cha buồn lo sầu khổ vì mình, nhất là khi tuổi của hai đấng sanh thành đã ngã bóng xế chiều.

Đối với người già nhu cầu chính yếu không phải là nhà cao cửa rộng, món ngon vật lạ, nhung gấm lụa là, quần áo bảnh bao. Điều mà các bậc cao niên hằng mong mỏi đó là sự quan tâm, chăm sóc bằng tất cả tấm lòng, với tình thương chân thật và qua câu chuyện sau, ta sẽ thấy rõ nét hơn về điều đó.

Màn đêm buông xuống, khí trời se lạnh, một thanh niên bước vào shop đặt một bó hoa và nhờ dịch vụ chuyển về cho mẹ của mình vào sáng ngày mai. Lúc đó, có em gái nhỏ cũng mua hoa nhưng không đủ tiền, thấy vậy anh thanh niên phụ em một ít và vì tiện đường nên cho em quá giang một đoạn.

Anh vô cùng ngạc nhiên, bởi nơi em đến là một nghĩa trang. Hóa ra cô bé mua hoa để tặng cho người mẹ đã mất. Bỗng dưng tim anh se thắt, mắt anh chùng xuống. Anh vội quay lại lấy bó hoa vừa đặt, vượt gần trăm cây số trong đêm về lại mái ấm gia đình, để tự tay tặng bó hoa tươi thắm cho mẹ của mình nhân ngày “Mother’s day” (Ngày của Mẹ).

Cửa vừa mở anh ôm chằm lấy mẹ và siết thật chặt rồi nói: “Con yêu mẹ nhiều lắm, đừng xa con mẹ nhé!” Người mẹ rất bất ngờ trước sự xuất hiện và hành động của cậu con trai. Bà vui sướng và hạnh phúc đến nỗi không cầm được nước mắt. Bởi lâu rồi hơi ấm tình thương mới được lặp lại trong căn nhà ấy.

Thế nên, ta chớ cung phụng mẹ cha bằng vật chất mà thiếu vắng sự quan tâm, thăm hỏi bằng lời, cũng như bằng hành động. Hãy giảm bớt thời gian vui chơi cùng chúng bạn để tự tay chăm sóc song đường, đừng đợi sau khi mẹ cha mất đi, rồi ghi lời tiếc thương lên bia đá vô tri. Lúc ấy, nào có nghĩa gì?

Bởi vậy, đức Phật luôn khen ngợi việc nhớ ơn và đền ơn. Người dạy: “Nếu có chúng sanh biết nhớ ơn và đền ơn, người này đáng kính, ơn nhỏ còn chẳng quên huống là ơn lớn. Cho dù người ấy rời nơi đây ngàn do tuần, trăm ngàn do tuần mà cũng như đang ở gần bên Ta. Vì Ta thường khen ngợi người biết nhớ ơn và đền ơn.[3]

Thật tiếc cho những ai mải miết đi nơi này chốn nọ để làm từ thiện, đến xứ nọ xứ kia để xây dựng cầu đường, cúng dường bòn phước mà họ nào biết “có hai pháp dành cho người phàm phu, được công đức lớn, thành tựu quả báo lớn, được vị cam lồ, đưa đến Niết-bàn. Thế nào là hai pháp? Là cúng dường cha và mẹ. Cúng dường hai người đó sẽ được công đức lớn, thành tựu quả báo lớn.”[4]

Vì vậy, người Phật tử nếu chỉ chăm chăm vào việc tụng kinh, lễ Phật, hành thiền mà bỏ bê việc săn sóc mẹ cha là điều khó có thể chấp nhận. Bởi “cha mẹ tại tiền như Phật tại thế. Sanh ra thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật. tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.[5] Và để thể hiện bổn phận đối với song thân lúc còn sống cũng như khi đã qua đời, đức Như Lai dạy người cư sĩ nên thực hành theo năm pháp sau:

  1. Cung kính và vâng lời cha mẹ.
  2. Phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu.
  3. Giữ gìn thanh danh, truyền thống gia đình.
  4. Bảo vệ tài sản của cha mẹ để lại.
  5. Lo chu đáo tang lễ khi cha mẹ qua đời.[6]

Nếu làm được năm điều trên thì phần nào ta đã đáp đền công ơn của hai đấng sanh thành. Tuy nhiên, những việc làm đó mới là hiếu hạnh thế gian, là điều kiện Cần chứ chưa phải Đủ.  Cho nên, đức Thế Tôn còn dạy thêm: “Con cái hãy khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành, thọ trì Tam quy, thực hành năm giới để sau khi mãn phần cha mẹ được sanh về cõi lành. Đó là hạnh hiếu xuất thế gian.[7]

Đến đây, có lẽ ta đã hiểu được ý nghĩa Lửa Căn Bản và cách đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục khi song thân còn tại tiền, cũng như lúc đã quy tiên theo tinh thần Phật dạy.

Thiết nghĩ, kể từ bây giờ cho đến mãi về sau, ta chớ lãng xao việc quan tâm, chăm sóc, yêu thương, cung dưỡng vật chất lẫn tinh thần cho cha và mẹ của mình. Vì:

Ðược phụng dưỡng mẹ cha

       Là phước đức lớn nhất.[8]

Bên cạnh việc thực hiện bổn phận của mình đối với song đường, người cư sĩ còn có trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai trong gia đình. Vậy trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái như thế nào? Để biết điều ấy, ta hãy cùng tìm hiểu phần tiếp theo sẽ rõ.

[1] Tạp A-hàm, Q.1, tr 200.

[2] Tăng Nhất A-hàm, Q.1, tr 349.

[3] Tăng Nhất A-hàm, Q.1, tr 342.

[4] Tăng Nhất A-hàm, Q.1, tr 348.

[5] Kinh Tâm Địa Quán.

[6] Trường Bộ, tr 627.

[7] Kinh Hiếu Tử.

[8] Kinh Phước Đức.

Người con hiếu thảo

(Trích Nét đẹp người Phật tử – ĐĐ. Thích Thường Ninh)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang