Thuyết ly dục của Phật chính là dựa trên lẽ vô thường của các pháp. Dục là thèm muốn khát khao. Đạo Phật phân biệt có năm dục là:
Đam mê năm dục là khổ vì đối tượng của năm dục là vô thường. Chính lòng đam mê năm dục trói buộc chúng ta vào bánh xe sanh tử, luân hồi. Bởi vì có đam mê nên mới nắm lấy, vơ lấy, chúng ta phải thi hành trăm phương nghìn kế: giết người, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói ác, nói vu v.v… Đạo Phật gọi đó là nghiệp, là karma (từ Sanskrit). Nên hiểu karma là một hành động có dụng ý, nó là một cái lực chi phối chúng ta, dắt dẫn chúng ta trong cuộc sống hiện tại cũng như trong các cuộc sống sau này. Đây là thuyết mười hai nhân duyên, một trong các thuyết cơ bản của đạo Phật, giải thích vòng quay sinh tử luân hồi vô tận của tất cả các loài hữu tình, trong đó có con người.
Vì trong năm dục, sắc dục là cái đáng sợ hơn cả, cho nên để trị sắc dục, đạo Phật dạy các phép quán: thụ là khổ, thân là không sạch, tâm vô thường. Tức là mọi cảm thụ (sensations) đều là đau khổ, hoặc là đau khổ trực tiếp, hoặc là đau khổ trong tương lai. Quán thân không sạch tức là xem mọi thân thể, kể cả thân thể cân đối của người đàn bà đẹp nhất, đều là nhơ bẩn, không đáng thèm muốn. Quán tâm vô thường nghĩa là xem xét cái tâm háo sắc của ta cũng thay đổi, cái tình của người yêu cũng biến dị, khó mà suốt đời chung thủy.
Nói tóm lại, theo đạo Phật, người chỉ là một tập hợp của năm uẩn, tức là năm nhóm của sự sống. Các nhóm kể trên đều nương tựa vào nhau mà thành. Không có nhóm nào tồn tại độc lập. Và cũng không một chủ thể nào, một cái “ta” nào thường còn, bất biến đứng đằng sau năm nhóm cả, hoặc là tách rời năm nhóm mà có được. Năm nhóm đó biến động, sinh diệt không ngừng, không khác nào một dòng chảy liên tục. Điều này không thấy rõ ở thân thể, tuy rằng các tế bào luôn bị đào thải và sinh nở mới. Nhưng trên bình diện tâm thức thì dòng ý niệm thay đổi trong nháy mắt, không bao giờ yên nghỉ, dù chỉ là một khoảnh khắc. Descartes nói: “Tôi suy nghĩ, cho nên tôi tồn tại”.
Phật nói: “Ở đằng sau dòng ý niệm nối tiếp nhau không ngừng đó, không có cái “ta” nào thường trú, bất biến tồn tại cả”.
Thuyết vô ngã là cốt tủy của đạo Phật, là cái trục xung quanh đó xoay chuyển mọi quan niệm khác nhau của đạo Phật về nhân sinh, đạo đức, bản thể của sự vật v.v…
Mọi tội ác đều xoay quanh cái ta này, mọi đau khổ, bất hạnh, đều cũng xoay quanh cái ta này. Mọi sai lầm về nhận thức triết học, khoa học cũng đều xoay quanh cái ta này, được hiểu như là bản thể chung cùng của sự vật, như một cái gì thực đơn chất, không phân chia được, không thay đổi được (Elementon, như các nhà vật lý hiện tại hằng mơ ước), nhưng các nhà vật lý học nguyên tử ngày càng tìm ra nhiều hạt cơ bản nằm ở trong hạt nhân và hy vọng tìm ra hạt cơ bản cuối cùng vẫn còn xa lơ xa lắc.
Như chúng ta biết, ngay từ thời niên thiếu (xem bản thảo 1844) Mác đã từng sống trong bối cảnh tư tưởng mà đặc điểm là sự quan tâm canh cánh đối với tự do và nhân phẩm, sự thù ghét tôn giáo đã quàng lên đầu óc con người những xích xiềng cuồng tín vô lý v.v… Lúc bấy giờ Mác chịu ảnh hưởng sâu sắc của Fobách.
Đưa con người trở về thực tại, trong môi trường sống cụ thể của nó là công đầu của Fobách.
Fobách cho rằng, Thượng đế chỉ là sản phẩm sáng tạo của người, nhưng sản phẩm đó bị khái niệm hóa, trở lại thống trị và chi phối con người. Công đó của Fobách cũng đã lớn rồi, nhưng Fobách không đề cập đến bản chất của con người là gì? Trong khi Hégen đề ra quan điểm người là sản phẩm tự tạo của bản thân nó, người là quá trình lịch sử tự tạo. Chính điểm này của Hégen đã được Mác thừa kế. Còn trong triết học của Fobách, Mác thừa kế quan điểm con người cụ thể.
Như chúng ta biết, Mác tìm hiểu con người trong những sự kiện cụ thể của cuộc sống, trước tiên là trong lãnh vực kinh tế, lãnh vực sản xuất. Mác đã thấy gì ở trong đó? Mác thấy được con người bị tha hóa, bởi một nền sản xuất xa lạ với nó, chế ngự nó, làm cho nó mất nhân phẩm, mất cả tình người.
Bản chất con người, Mác tìm thấy trong toàn bộ của cải vật chất và tinh thần mà người đã tạo tác và tạo dựng. Tất cả những của cải đó, chính là bản chất của con người được khách quan hóa. Ở đây, một lần nữa, chúng ta có thể thấy tính độc đáo trong sự vận động tư tưởng của Mác. Trong quá trình tha hóa, bản cách con người không phải nghèo đi mà ngày càng thêm phong phú bằng tất cả những của cải vật chát và tinh thần do con người tạo tác trong lịch sử.
Nhưng trong chế độ xã hội-kinh tế dựa trên tư hữu, số của cải vật chất tinh thần do người tạo tác nên, tuy lớn lao phong phú thật đấy, nhưng lại bị một số nhỏ nhà tư bản chiếm hữu và hơn nữa, lợi dụng sự chiếm hữu đó để thống trị trở lại người lao động. Cho nên theo Mác, muốn giải phóng con người, phải xóa bỏ chế độ tư hữu, thiết lập chủ nghĩa cộng sản, trả về cho con người những của cải do chính nó sáng tạo ra, tức là bản chất chân chính của nó. Và chỉ trong điều kiện xã hội mới, con người mới thực sự là con người được.
Chính trong ý nghĩa đó, chủ nghĩa Mác nói thời đại trước chủ nghĩa cộng sản là tiền sử của loài người, và lịch sử của loài người chỉ bắt đầu với chủ nghĩa cộng sản.
Với giai đoạn này, giữa người và thiên nhiên, cũng như giữa người và người sẽ không còn có sự đối lập nữa. Đó là lịch sử của sự hài hòa giữa người và thiên nhiên, giữa người và người. Đó là xã hội cộng sản lý tưởng mà Mác – Anghen hằng mơ ước.
Trong “Chống During”, Anghen trở lại vấn đề con người trong mục “Tự do và tất yếu”. Anghen viết: “Tự do tức là làm chủ bản thân mình và làm chủ ngoại giới, dựa vào sự hiểu biết những tất yếu tự nhiên” (Chống During trang 147)
Anghen còn gọi những tất yếu tự nhiên là những quy luật tự nhiên, cũng như các quy luật sinh lý và tâm lý của con người. Tự do củ người chính là sự hiểu biết và vận dụng những quy luật đó.
Thế nhưng, như mọi người đều biết, nếu chúng ta hiểu biết được phần nào về thiên nhiên ngoại giới, vĩ mô và vi mô (macroscome và microscome), nhưng chúng ta hiểu biết thật là ít ỏi về con người chúng ta, về cái gọi là thế giới nội tâm. Bertrand Rousell nói rằng: “Trong số tất cả mọi lãnh vực của kiến thức khoa học, lãnh vực kém phát triển nhất là tâm lý học” (Bertrand Rousell – Science and religion)
Chính trong bối cảnh u tối này mà những phát hiện của Freud về phân tâm học đã nổ bùng ở giữa châu Âu như một cuộc cách mạng. Trong một bài khác, tôi sẽ nói tới tâm học Phật giáo và phân tâm học của Freud.
Ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh một điểm là, phép Thiền quán của đạo Phật, bao gồm những phép luyện thân và tâm, những phép ăn, uống, ngồi, đi, đứng sinh hoạt rất độc đáo, giúp chúng ta không những đạt tới được sự tự do mà Anghen nói (tức là làm chủ được bản thân), mà còn đem lại sức khỏe, hạnh phúc và giác ngộ cho ai chịu khó luyện tập theo những pháp đó. Và bởi vì ở nước ta, lịch sử của 18 thế kỷ Phật giáo chủ yếu là lịch sử của Thiền tông, pha trộn ít nhiều Mật tông, cho nên tôi đề nghị một hướng nghiên cứu của tổ chức Phật học chúng ta là nghiên cứu Thiền học Việt Nam.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Phẩm Song Yếu