Thực là hiểu lầm to, khi chúng ta quan niệm chủ nghĩa Mác như một cái gì cứng nhắc, máy móc theo kiểu chủ nghĩa duy vật cơ giới tầm thường của thế kỷ XVIII. Chủ nghĩa duy vật tầm thường xem thiên nhiên phong phú chỉ là vật chất với những tính cơ giới như dung tích, độ bền, độ co dãn v.v… Xem mọi sinh vật như là sự kết hợp cơ giới của những thuộc tính cơ bản đó, xem tư tưởng như là do não bài tiết ra, xem tâm thức như một hiện tượng phụ, một sản phẩm phụ của các quá trình sinh lý, vật hóa lý, xem người như một sinh vật với những nhu cầu sinh lý cơ bản ăn, uống, ngủ…
Tất nhiên, một kiểu nhìn như vậy, dung tục như vậy đưa tới một quan niệm quá ư nghèo nàn đối với thiên nhiên, cuộc sống và con người.
Vật lý học hiện đại và các ngành khoa học hiện đại, từ lâu đã vượt xa một quan niệm như vậy, tuy rằng quan niệm đó vẫn còn rơi rớt lại ở một số ngành khoa học nhân văn như học thuyết Behaviorisme của Watson, học thuyết thể hữu cơ xã hội của Spencer, Worms v.v…
Như đã nói trên, chủ nghĩa duy vật máy móc là sản phẩm của thế kỷ XVIII, vào lúc mà các ngành khoa học tự nhiên đang còn ở thời kỳ phôi thai. Thế nhưng ngay lúc bấy giờ, một số nhà triết học có tầm mắt rộng như Holbach, Diderot đã sớm thấy quan điểm về vũ trụ và nhân sinh của họ quá ư đơn giản. Và họ bắt đầu thấy thiên nhiên cũng như con người là những thể thống nhất vô cùng phức tạp và sống động. Thí dụ như Diderot viết: “Mọi sự vật đều thay đổi, đi qua, chỉ có cái toàn thể là ở lại, thế giới khởi đầu và kết thúc không ngừng. Trong từng giây phút, là điểm khởi đầu và cũng là điểm kết thúc. Không có thê giới nào khác và sẽ không co thế giới nào khác. Trong đại dương vật chất bao la này, không có một phân tử nào giống một phân tử nào, không có phân tử nào không biến dạng, dù là trong khoảnh khắc”[1].
Như vậy để chúng ta thấy, một số nhà Duy vật Tây phương, ngay từ thế kỷ XVIII, đã có một quan điểm biện chứng đối với vũ trụ và nhân sinh, và từ quan điểm đó, họ đã rút ra những nguyên lý đạo đức cao thượng, đẹp đẽ chứ không phải là vị kỷ. Trong cuốn “Đứa Con Hoang” (Le fils naturel) Diderot viết :”Chúng ta luôn luôn dạy cho con cái biết rằng nhân loại có những quy luật cố định; những quy luật không thể bị xóa bỏ và chúng ta sẽ thấy trong linh hồn chúng, nẩy sinh ra một lòng từ ái phổ biến, bao trùm cả thiên nhiên”.
Chủ nghĩa duy vật của thế kỷ XVIII còn có những tư tưởng sâu sắc và thấm nhuần đạo đức như vậy, huống hồ là chủ nghĩa Duy vật biện chứng của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, với những bậc thiên tài như Mac, Anghen, Lê-Nin. Các trí thức Phật tử nên tự mình nghiên cứu nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa các tác phẩm của Mac, Anghen và Lê-Nin để kiểm tra những điểm khác nhau có thực giữa chủ nghĩa Mac và Phật giáo, đồng thời cũng tránh cường điệu những mâu thuẩn không có thực giữa hai bên.
Mac-Anghen khi đưa phép biện chứng của Hégen vào triết học duy vật cũng chấp nhận lý vô thường của sự vật. Vũ trụ, theo Mac-Anghen không phải là một tập hợp của những cái gì chết cứng mà là một thể tổng hợp của những quá trình luôn luôn biến động sinh diệt. Phép biện chứng vạch ra tính trống rỗng của mọi sự vật, trong mọi sự vật. Tôi dùng ở đây nguyên văn của Lê-Nin (La caducité de toute choses et en toute choses)[2]. Đối với phép biện chứng, cái tồn tại chỉ là một quá trình liên tục không ngứt đoạn của trở thành và diệt vong.
Rất rõ ràng, quan điểm của đạo Phật và chủ nghĩa Mac về lẽ vô thường, lẽ biến động của sự vật là nhất trí.
Chúng ta hãy xem cách giải thích của hai bên, và nhất là kết luận dẫn tới hành động thực tiễn của hai bên khác nhau như thế nào?
Chủ nghĩa Mác vạch ra những lực (forces) tác động từ bên trong, tạo ra bởi sự va chạm và mâu thuẩn giữa các xu hướng khác nhau, hoạt động trong khung cảnh một hiện tượng nhất định, một sự vật nhất định.
Còn đạo Phật thì giải thích hiện tượng biến động của sự vật bằng lý nhân duyên sinh. Vì tất cả mọi sự mọi vật đều do nhân duyên sinh, hòa hợp là sinh, ly tán là diệt. Vì vậy vạn vật trong vũ trụ đều không ngớt trải qua các chu kỳ thành, trụ, hoại, không.
Mọi sinh vật, trong đó con người cũng vậy, cũng là tướng hòa hợp của nhiều nhân duyên mà thành. Đạo Phật gọi là năm uẩn, năm nhóm của sự sống. Vấn đề này, ở đoạn trên đã giải thích rõ. Người không phải là một cái gì khác mà chỉ là một tập họp của năm uẩn. Không những toàn bộ tập hợp đó vận động không ngừng, mà mỗi một uẩn, tức là mỗi một nhóm sắc, thụ v.v… cũng vận động không ngừng.
Cần chú ý là đạo Phật bác bỏ thuyết linh hồn, như một cái gì siêu vật chất, thoát vật chất mà vẫn tồn tại được, cái thân vật chất chết đi, hoại đi, nhưng phần linh hồn vẫn tồn tại hoặc lên thiên đàng vĩnh viễn, hoặc xuống địa ngục vĩnh viễn (theo đạo Gia-tô), hoặc đi đầu thai một nơi khác (theo Ấn Độ giáo) và chính ở đây, là ranh giới phân biệt rõ Phật giáo và các tôn giáo khác.
Thế thì Phật giáo có nói đại não sinh ra tư tưởng, ý niệm hay không ?
Không, đạo Phật không nói như vậy, bốn công thức của lý nhân duyên sinh là:
-Cái này có mặt thì cái kia có mặt
-Cái này sinh ra thì cái kia sinh ra
-Cái này không có mặt thì cái kia không có mặt
-Cái nài diệt thì cái kia diệt
(Majihima Nikaya)
Riêng giữa tâm thức hay biết và các hoạt động tâm sinh lý khác thì đạo Phật không nói cái này sinh ra cái kia hoặc ngược lại, mà hai nhóm này nương tựa nhau mà tồn tại[3].
Lời Phật sau đây rất rõ: “Nếu có người nói: tôi sẽ chỉ ra sự đến, sự đi, sự sinh, sự tăng trưởng hay sự phát triển của tâm thức biệt lập với sắc, thụ, tưởng, hành thì người ấy đã nói một chuyện không có thực” (S.III tr.58) .
Và Phật nói ở một kinh khác: “Năm uẩn giống như một dòng thác đổ, chảy mau và trôi xa, mang theo nó mọi vật, không một lúc nào, phút nào nó ngửng chảy và cứ tiếp tục chảy mãi, trôi mãi. Hỡi những người Ẩn sĩ, đời người cũng thế, giống như một dòng thác”.
Vũ trụ là dòng tương tục và vô thường. Người hay bất cứ một sinh vật nào khác, cũng là một dòng tương tục vô thường.
Trên bình diện lịch sử, chủ nghĩa Mác giải thích cuộc vận động thay đổi các hình thức kinh tế, xã hội bằng quy luật thích ứng của quan hệ sản xuất và tính chất của lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất là nhân tố động, nó phát triển nhanh hơn so với quan hệ sản xuất. Đến một thời điểm nào đó, mâu thuẩn giữa quan hệ sản xuất, và lực lượng sản xuất yêu cầu phải thay thế quan hệ sản xuất lỗi thời bằng quan hệ sản xuất mới tiến bộ hơn. Trước chủ nghĩa xã hội, một sự thay đổi như vậy là một cuộc cách mạng xã hội có bạo lực. Lý do dễ hiểu: giai cấp thống trị, đại biểu cho quan hệ sản xuát lỗi thời, không bao giờ chịu rời bỏ địa vị ưu đẳng của mình một cách hòa bình và tự giác.
Như vậy, tức là Mac-Anghen đã từ quy luật biện chứng rút ra những kết luận khoa học để giải thích cuộc vận động lịch sử, để phủ định tính vĩnh hằng của chế độ tư bản chủ nghĩa và dự đoán cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tất yếu sẽ xảy ra.
Còn đạo Phật thì từ quy luật vô thường (tức biện chứng) của sự vật rút ra những kết luận có ý nghĩa đạo đức và tâm linh. Vì sự vật là vô thường, luôn luôn thay đổi, cho nên đam mê chúng là ngu xuẩn. Nên chú ý là từ ngữ Phật giáo dùng để chỉ sự vật là “Pháp” (Dharma). Và khi nói “pháp”, đạo Phật không những chỉ ngoại giới không tri giác, mà còn chỉ cả loài hữu tình, trong đó có người, chỉ cả những hiện tượng tâm lý nữa.
(Còn tiếp…)
[1] Diderol – p.924 (Rêve d’Alembert) NXB Pléiade
[2] Lénine-Marx-Engels-Marxisme- p.17
[3] Chủ nghĩa Mac cũng không quan niệm quy luật nhân quả một cách đơn giản. Anghen viết trong “chống During”: nhân quả là những khái niệm chỉ có giá trị như vậy, khi áp dụng vào một trường hợp đặc biệt, nhưng khi chúng ta xem xét trường hợp đó trong mối liên hệ chung với toàn thế giới thì chúng sẽ hòa đồng, sẽ tự tiêu tan trong quan điểm một tác động hỗ tương bao quát tất cả, trong đó nhân và quả luôn chuyển dịch vị trí, cái là nhân bây giờ và ở đây thì biến thành quả ở một nơi khác, sau này và ngược lại (tr.8)