Lẽ vô thường là thuyết trung tâm của đạo Phật. Khi Phật Thích Ca sắp tịch diệt, lời nói cuối cùng của Ngài với các đệ tử là: “Mọi sự vật do nhân duyên sinh đều là vô thường, biến động, các người hãy chăm lo học và phấn đấu”. Và theo một huyền thoại, khi Phật nhập diệt, Sakka, vua của các cõi Trời đã đọc bài lệ như sau:
“Mọi sự vật nhân duyên sinh đều vô thường.
Chúng nẩy sinh rồi tan biến, bản chất chúng là như vậy.
Chúng đến rồi lại đi.
Tách rời chúng là hạnh phúc tối thượng”
Hiện nay, ở các nước Đông Nam Á theo Phật giáo Nguyên thủy (Theravada), các vị Sư cầu nguyện cho người chết đều tán bài kệ trên của Sakka.
Ở các chùa chiền, tự viện, Phật tử dâng hoa, thắp nến trước tượng Phật, không phải là để cầu nguyện một siêu nhân cứu rỗi, mà để tự nhắc nhở chính mình. Cuộc đời là vô thường, mọi sự vật cũng đều vô thường như bó hoa tàn héo sớm chiều, như đèn nến tắt dần từng phút một.
Tuy là vô thường bao quát mọi sự, mọi vật trên thế gian này, nhưng điều mà đạo Phật quan tâm trước hết là con người. Đạo Phật phân tích con người là sự tập họp của nâm uẩn, tức năm nhóm.
Như chúng ta thấy, người là tập hợp của năm nhóm, mỗi nhóm lại là sự tập hợp của nhiều thành phần. Trên đây, tôi đã giới thiệu nhóm sắc do bốn chất liệu cơ bản tạo thành. Nếu phân tích nhóm thức (phân biệt), chúng ta cũng sẽ thấy như vậy:
Phân tích thêm một bước nữa, chúng ta sẽ thấy mỗi một thức cũng không phải là cái gì thuần nhất, mà cũng là sự tập họp của nhiều điều kiện. Thí dụ: muốn cho sự thấy phát sinh, phải có con mắt (sách Phật gọi là nhãn căn) tiếp xúc với màu sắc, hình sắc, với ánh sáng v.v… Đối với các thức khác, tình hình cũng tương tự như vậy.
Phương pháp phân tích tỉ mỉ, chi tiết của đạo Phật nhằm làm cho Phật tử nhận thức được mọi sự vật, to cũng như nhỏ, đều được cấu tạo bởi nhiều nhân duyên, nhiều điều kiện, không có sự vật nào có thực thể thuần nhất, do đó mà biến động vô thường.
Phật nói: “Năm uẩn là vô thường. Cái gì vô thường đều là khổ. Cái gì khổ đều là vô ngã, không có cái “ta”. Cái gì vô ngã là không phải của tôi. Tôi không phải là cái đó. Cái đó không phải là “cái ngã” của tôi. Với trí tuệ hoàn thiện, phải nhận thức như vậy đó, nhận thức sự vật đúng như nó tồn tại, tâm thức của anh ta, nhờ không bám vào sự vật mà tách rời được mọi cáu bẩn. Anh ta được giải thoát” (Samyutta III tr.44).
Ngài Bồ tát Long Thọ (Nagarjuna), sau này được trích dẫn nhắc lại lời nói trên đây của Đức Phật như sau: “Khi đã vứt bỏ các khái niệm Atman (tức đại ngã), ngã và linh hồn, thì khái niệm “của tôi” cũng không còn nữa, và chúng ta sẽ cởi bỏ được tư tưởng “tôi” và “của tôi” “.
Để minh họa tính vô thường của năm uẩn, Phật đã dùng các hình ảnh: Sắc ví như bọt nước, thọ như bong bóng, tưởng như huyễn ảnh, hành như thân cây chuối, thức như ảo tưởng, và Phật nói: “Hỡi các Thầy, làm sao mà có thực thể được nếu năm uẩn chỉ là bọt nước, bong bóng, huyễn ảnh, thân cây chuối và ảo tưởng?” Tiếp đó, Phật nói:
“Dù cho sắc tướng có như thế nào, thuộc về quá khứ, hiện tại hay vị lai, là ở trong thân hay ở ngoài thân, thô hay tế, thấp hèn hay cao thượng, ở gần hay ở xa, người tu hành xem xét sắc tướng, suy tư, khảo sát nó chăm chú và có hệ thống. Sau khi xem xét, suy tư, khảo sát cẩn thận và có hệ thống, anh ta sẽ thấy nó trống rỗng, nó không có thực thể, không có bản chất. Hỡi các Thầy, các sắc tướng còn có thể có bản chất gì nữa?”
Phật cũng lập luận như vậy đối với thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.
Không những các uẩn là vô thường, mà những điều kiện và nhân duyên tạo ra các uẩn cũng là vô thường, đau khổ và vô ngã.
Các uẩn tạo ra tâm và thân của con người biến đổi vô cùng mau lẹ như đợt sóng vô tận nhấp nhô lên xuống của đại dương, hay như một dòng lũ cuồn cuộn chảy.
Heraclius, người Hi Lạp có lẽ là triết gia Tây phương đầu tiên nói tới tính chất biến động vô thường của sự vật. Ông ta giảng học thuyết “Panta Rhei”, tức là thuyết biến động ở thành phố Athène (Hi Lạp). Heraclius nói: “Không có vật nào tĩnh tại, không có thực thể nào bất động. Thay đổi, biến động là chúa tể của vũ trụ. Mọi sự vật đều ở trong trạng thái phát triển, trạng thái một dòng chảy tương tục” (Panta Rhei).
Heraclius nói tiếp: “Anh không có thể bước hai lần vào một dòng nước chảy, bởi vì chân anh gặp phải dòng nước luôn luôn đổi mới” (A.K. Rogers- A Student’s history of philosophy)
Thiếu sót của Heraclius là không nói tới tính biến động của bản thân con người, con người cũng là một dòng chảy tương tục, luôn luôn đổi mới của thân và tâm. Dòng lũ của con sông đổi mới, nhưng con người bước chân vào dòng nước cũng đổi mới trong từng giấy phút.
Nếu con người nhận thức được bản thân mình như vậy thì hãy hỏi đâu là bóng dáng của cái “ta”, dù là cái ta nhỏ hay cái ta lớn theo kiểu Atman của Ấn Độ giáo?
Làm quen được với một nhận thức như vậy thực là khó khăn đối với một người bình thường, bởi vì chúng ta quen nhìn bản thân mình và sự vật ngoại giới như là những thể thống nhất đông đặc. Nhưng, chỉ với kính hiển vi thông thường -không nói kính hiển vi điện tử, chúng ta đã không thấy con người và sự vật ngoại giới như vậy. Thậm chí, bản thân nguyên tử cũng không đông đặc. Giửa các vòng đai điện tử và hạt nhân, còn có bao nhiêu khoảng trống. Và cả trong hạt nhân nữa cũng vậy.
Với con mắt trang bị kính hiển vi, nhà bác học nhìn người và sự vật đã rất khác với con mắt của người bình thường rồi. Newton thấy thế giới vật chất như gồm vô số, vô lượng hạt chuyển động khắp nhiều phía. Einstein thấy thế giới là vô vàn làn sóng giao xen và biến động. Và tất nhiên, Phật là bậc Đại giác, Ngài cũng nhìn thấy thế giới với con mắt khác chúng ta rất nhiều.
(Đón xem tiếp kỳ sau: “Lẽ vô thường của chủ nghĩa duy vật tầm thường”)
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Phẩm Song Yếu