Kinh Người Áo Trắng – Pháp tu dành cho người Phật tử tại gia

G

HUYNH TRƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
VÀ PHÁP TU CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ TẠI GIA
(Tiếp theo)

PHẦN IV:
KINH NGƯỜI ÁO TRẮNG
(Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch và diễn giải) 

I-DẪN NHẬP

Thay cho lời dẫn nhập, chúng tôi xin trích Lời tựa sách do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh viết: “Kinh Người Áo Trắng là Kinh thực tập căn bản của người Phật tử tại gia. Thực tập theo Kinh này, hành giả có hạnh phúc và an lạc ngay trong đời sống hiện tại và nắm vững được tương lai, vì biết rằng mình sẽ không còn đi về những nẻo đường đen tối và khổ đau gọi là ác đạo…”

Sau đây, chúng tôi xin tóm lược nội dung Kinh Người Áo Trắng:

II-NGUYÊN DO PHẬT THUYẾT KINH

Một hôm, Thế Tôn đang ngự tại tu viện Cấp Cô Độc nơi vườn cây Kỳ Đà.

Hôm ấy, ông Cấp Cô Độc cùng với 500 vị cư sĩ đến thăm Tôn giả Xá Lợi Phất. Sau đó, Tôn giả đến tu viện thỉnh an Đức Phật, ông Cấp Cô Độc cùng 500 cư sĩ cùng theo chân thầy đến viếng Phật.

III-TÓM LƯỢC KINH VĂN

Sau khi mọi người đã an tọa, Đức Thế Tôn bảo thầy Xá Lợi Phật:

“Này Xá Lợi Phất, nếu một vị cư sĩ áo trắng biết hộ trì năm giới và tu tập bốn tâm cao đẹp (tăng thượng tâm) thì rất dễ dàng đạt được hạnh phúc ngay trong hiện tại và biết chắc chắn rằng mình sẽ không còn bị đọa lạc vào địa ngục, ngạ quỷ và các nẻo ác khác trong tương lai?

1)Hộ trì năm giới:

Xá Lợi Phất, vị đệ tử áo trắng hộ trì năm giới như thế nào ?

  • Giới thứ nhất: Không giết hại, tu tập tâm Từ bi, bảo hộ cho mọi loài sinh vật kể cả loài côn trùng.
  • Giới thứ hai: Lìa bỏ sự không cho mà lấy, thường ưa bố thí
  • Giới thứ ba: Lìa bỏ sự tà dâm, sống chung thủy một vợ một chồng
  • Giới thứ tư: Lìa bỏ sự nói dối, chỉ nói sự thật
  • Giới thứ năm: Chấm dứt sự uống rượu

 2)Tu tập bốn tâm cao đẹp:

Xá Lợi Phất, các vị đệ tử áo trắng làm thế nào để đạt tới bốn tâm cao đẹp (tăng thượng tâm) và an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng?

2-1/Trước hết, vị đệ tử áo trắng thực tập quán niệm về Như lai (niệm Phật). Vị ấy quán niệm như sau: Như lai là bậc giác ngộ chân chánh không còn dính mắc, là bậc Minh hạnh túc, là bậc Thiện thệ, là bậc Thế gian giải, là bậc Vô thượng sĩ, là bậc Điều ngự trượng phu, là bậc Thiên nhân sư, là Phật, là Thế tôn. Quán niệm về Như lai như thế thì những dục vọng xấu xa đều được tiêu diệt, trong tâm người quán niệm không còn những yếu tố bất thiện, uế nhiễm, sầu khổ và lo âu.

Nhờ tưởng niệm tới Như lai mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niềm vui, và người ấy đạt tới tâm cao đẹp thứ nhất, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng.

2-2/Xá Lợi Phất, vị đệ tử áo trắng thực tập quán niệm về Pháp (niệm Pháp) Vị ấy quán niệm như sau: Giáo pháp được đức Thế tôn giảng dạy là giáo pháp diễn bày khéo léo, có khả năng đưa tới giải thoát hoàn toàn, đưa tới trạng thái không phiền não, có tính cách thường tại. Quán niệm và giác tri như thế về Pháp, thì những dục vọng xấu xa sẽ được tiêu diệt, trong tâm người quán niệm không còn những yếu tố bất thiện, uế nhiễm, sầu khổ và lo âu.

Nhờ tưởng niệm tới Pháp mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niềm vui, và người ấy đạt tới tâm cao đẹp thứ hai, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng.

2-3/Xá Lợi Phất, vị đệ tử áo trắng thực tập quán niệm về Tăng (niệm Tăng). Vị ấy quán niệm như sau: Thánh chúng của Như lai đang đi về nẻo thiện, đang đi trên đường chánh, đang hướng theo giáo pháp, đang thực tập theo giáo pháp và sống đúng tinh thần giáo pháp. Trong thánh chúng ấy có các bậc A la hán đã thành và đang thành, các bậc A na hàm đã thành và đang thành, các bậc Tư đà hàm đã thành và đang thành, các bậc Tu đà hoàn đã thành và đang thành. Thánh chúng của Như lai đã thành tự được giới, được tam muội, được bát nhã, được giải thoát, được tri kiên giải thoát, thánh chúng này đáng được tôn kính, đáng được quý trọng, đáng được phụng sự, đáng được cúng dường, và đó là ruộng phước tốt đẹp cho cuộc đời.

Nhờ tưởng niệm tới Tăng mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niềm vui, và người ấy đạt tới tâm cao đẹp thứ ba, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng.

2-4/Xá Lợi Phất, vị đệ tử áo trắng thực tập quán niêm về Giới (niệm Giới). Vị ấy quán niệm như sau: Giới luật này không có khuyết điểm, không bị sứt mẻ, không bị cấu uế, không bị ô trược, có khả năng giúp ta an trú trong lãnh thổ của Như lai. Giới luật này không có tính cách giả dối, thường được các bậc hiền thánh khen ngợi, tiếp nhận, thực tập và hộ trì.

Nhờ tưởng niệm tới Giới mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niềm vui, và người ấy đạt tới tâm cao đẹp thứ tư, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng.

Xá Lợi Phất, thầy nên ghi nhớ rằng, một người đệ tử áo trắng nêu thực tập được như thế là đã chấm dứt được sự sa đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và các đường dữ khác, đã chứng đạt được quả vị Tu đà hoàn, không còn thối đọa vào các ác pháp. Người ấy chắc chắn đang đi về nẻo chánh giác và chỉ cần qua lại tối đa là bảy lần nữa trong các cõi trời và người là có thể đạt tới biên giới của sự hoàn toàn giải thoát và diệt khổ”.

Đức Thế Tôn nói như thế, Tôn giả Xá Lợi Phất, các vị khất sĩ, cư sĩ Cấp Cô Độc và 500 vị cư sĩ đồng hoan hỷ phụng hành.

Hết phần kinh văn.

IV-PHẦN DIỄN GIẢI CỦA THIỀN SƯ NHẤT HẠNH

Để làm sáng tỏ thêm lời dạy trong Kinh Người Áo Trắng, chúng tôi xin tóm lược phần diễn giải của tác giả:

1) Nguồn gốc của Kinh này:

Trong Đại tạng kinh chữ Hán, kinh này có tên là Kinh Ưu Bà Tắc, là kinh số 128 trong bộ Trung A Hàm. Trong văn hệ Pali, kinh tương đương với kinh này là kinh Gia Chủ thuộc Tăng Chi Bộ.

2)Niềm tin trong đạo Phật:

Niềm tin trong đạo Phật không phải là niềm tin mù quáng vào một vị thần linh siêu hình. Niềm tin trong đạo Phật là tin vào một diều gì tốt đẹp, có thật và có thể tạo dựng hạnh phúc, và cái ấy ta có thể sờ mó, tiếp xúc, thể nghiệm.

3) Quả vị Tu đà hoàn:

là quả vị đầu tiên trong bốn quả vị Thánh: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán. Tu đà hoàn còn được gọi là quả vị Vào Dòng (Trung Hoa gọi là Nhập Lưu)

4) Giới không sát sanh:

Ngoài việc không sát hại sinh mệnh các loài động vật, người Phật tử còn tôn trọng sự sống của môi trường thiên nhiên, bởi vì bảo vệ thiên nhiên cũng chính là bảo vệ sự sống muôn loài (trong đó có con người)

5)Giới không trộm cắp:

Ngoài ý nghĩa không lấy của không cho, giới còn mở rộng ở phạm vi lớn hơn. Thí dụ: làm quan mà tham nhũng, hối lộ; hoặc làm vua mà đem quân đi xâm chiếm xứ người… cũng là phạm giới này.

6) Giới không tà dâm:

Ngoài việc không quan hệ nam nữ với người ngoài hôn nhân, việc xem sách báo hay phim ảnh khiêu dâm, hoặc quan hệ tính dục đồng giới, ấu dâm, quấy rối tình dục v.v… cũng đều thuộc về giới này.

7) Giới không nói dối:

Giới này hiểu cho đầy đủ là gồm có bốn việc không nên làm và phải nên làm sau đây:

  1. Không nói sai sự thật – nên nói đúng sự thật
  2. Không nói đâm thọc – nên nói lời hòa hợp
  3. Không nói lới hoa mỹ – nên nói lời chân thành giản dị
  4. Không nói lời ác độc – nên nói lời hòa ái.

8) Giới không uống rượu:

Phải hiểu đầy đủ là ngoài việc không uống rượu, người Phật tử cũng không được sử dụng các chất ma túy như thuốc lá, thuốc phiện, héroin, thuốc lắc, ma túy đá, bong bóng cười v.v…

9)Tăng thượng tâm:

Chữ Tăng thượng có nghĩa là “có khả năng phát triển và đi lên”. Vậy, tăng thượng tâm có nghĩa là Tâm hướng thượng và có trí tuệ.

10)Niệm Phật:

Trong kinh này, Phật dạy rõ: “Niệm Phật là quán niệm về đức Phật qua 10 đức hiệu của Ngài” (chớ không phải kêu tên Phật ra mà gọi như pháp môn Tịnh độ của Phật giáo Trung Hoa truyền bá sau này)

11) Mười đức hiệu của Phật:

  • Như lai: nghĩa là người từ sự thật mà tới, hoặc từ Chân như mà tới.
  • Ứng cúng: là bậc xứng đáng hưởng sự cúng dường của Trời và Người
  • Chánh biến tri: là bậc có trình độ hiểu biết tất cả mọi sự vật
  • Minh hạnh túc: là bậc có nhận thức và hành động đạt tới mức sáng suốt cao tột.
  • Thiện thệ: là bậc đã khéo vượt qua sanh tử, đã khéo bước qua bờ giải thoát
  • Thế gian giải: là bậc đã hiểu rõ tâm trạng và bản chất của mọi chúng sinh
  • Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu: là bậc đã đạt tới nhân phẩm cao nhất, có khả năng điều phục con người
  • Thiên nhân sư: là bậc thầy của Trời và Người
  • Phật: là bậc đã đạt sự giác ngộ hoàn toàn (bao gồm tự giác và giac tha)
  • Thế tôn: là bậc đáng tôn quý nhất trên đời.

Mười đức hiệu trên đây không phải chỉ có Phật Thích Ca mới có, mà tất cả những vị Phật quá khứ (ra đời trước Phật Thích Ca) và Phật tương lai (ra đời sau khi Phật Thích Ca nhập Niết bàn) đều có đủ 10 đức hiệu này.

12) Niệm Pháp:

Pháp là những giáo lý, là những phương pháp thực tập do đức Phật thuyết giảng trong suốt 45 năm tại thế. Phật pháp có những tính chất như sau:

  • Có khả năng đưa tới giác ngộ hoàn toàn
  • Có tính trường tồn và không thay đổi
  • Rất sáng tỏ và hướng thượng để ai cũng có thể tự mình thực hành và chứng nghiệm mà không cần qua một trung gian giáo quyền nào cả.

13)Niệm Tăng:

Đức Phật khẳng định trong kinh này rằng: Người xuất gia hay người tại gia, nếu tu học tinh chuyên, đều có thể đạt quả vị giải thoát

Từ trước đến nay, chúng ta thường hiểu chữ Tăng theo nghĩa hẹp, nghĩa là người nam xuất gia mới gọi là Tăng, riêng Phật giáo Đại thừa thì mở rộng nghĩa chữ Tăng thêm thành phần nữ xuất gia (Ni), nghĩa là tất cả những người xuất gia (nam + nữ) đều gọi chung là Tăng.

Nhưng trong sách “Kinh Người Áo Trắng” này, Hòa Thượng Nhất Hạnh cho chúng ta biết thêm về nghĩa chữ Tăng như sau:

“Tăng là đoàn thể của những người thực tập theo Pháp dưới sự hướng dẫn của Phật, biết sống theo nếp sống hòa hợp và tỉnh thức. Tăng là từ chữ Sangha (Tăng già) mà ra, có nghĩa là cộng đồng hay đoàn thể, thường dịch là chúng hay đại chúng. Tăng không phải là để chỉ riêng người xuất gia, mà cũng để chỉ cho người cư sĩ áo trắng đang hành trì năm giới pháp và bốn tâm cao đẹp.

Tăng gồm có bốn chúng, gọi là tứ chúng: chúng xuất gia bên nam, chúng xuất gia bên nữ, chúng tại gia bên nam, chúng tại gia bên nữ. Người xuất gia tu học tinh chuyên thì đạt tới quả vị giải thoát, người tại gia tu học tinh chuyên cũng đạt tới quả vị giải thoát.

14)Niệm Giới:

Giới ở đây không phải là những kiêng cử mê tín có tính cách thần bí hoang đường. Giới ở đây lấy chánh niệm, tuệ giác và từ bi làm nền tảng. Giới ở đây là sự hành trì thông minh. Giới này có khả năng giúp ta an trú trong lãnh thổ của Như Lai.

Giới này không có tính cách giả dối, ai cũng có thể tìm hiểu và chứng nghiệm trực tiếp. Không ai có thể thành tựu được thiền định và trí tuệ nếu không giữ giới.

V-KẾT LUẬN

Qua loạt bài gồm bốn phần chúng tôi vừa trình bày về chủ đề “Huynh trưởng GĐPT và pháp tu của người Phật tử tại gia”, chủ ý của người viết nhằm giúp anh chị em huynh trưởng GĐPT:

1.Xác định đường lối học Phật tu Phật của huynh trưởng GĐPT là tu theo Nhân thừaThiên thừa. Không phải tu để thành bậc thánh như hàng xuất gia.

2.Phân tích để thấy rằng các khóa tu do các chùa thường tổ chức cho người cư sĩ (như Bát quan trai, niệm Phật, trì chú, Thiền…) chính là pháp tu dành cho chư tăng, ni. Huynh trưởng GĐPT và tuyệt đại đa số Phật tử tại gia do công việc làm ăn và phải hoàn thành các bổn phận trong gia đình và ngoài xã hội nên không có điều kiện tham dự.

Do chỗ này mà anh chị em huynh trưởng GĐPT thường bị coi là thành phần “thiếu tu”, từ đó gây cho anh chị em nỗi tự ti mặc cảm, ảnh hưởng không tốt đến vai trò người huynh trưởng mang nhiệm vụ hướng dẫn các em đoàn sinh tu học.

3.Giới thiệu pháp tu của người cư sĩ do đức Phật dạy qua hai kinh “Kinh Thiện Sinh” và “Kinh Người Áo Trắng” để anh chị em thấy rằng những giáo lý và phương pháp mà Phật dạy trong hai kinh ấy, người Phật tử tại gia có thể tự mình tu tập tại nhà, tu nơi công sở, và tu trong mọi hoàn cảnh xã hội mình đang sống.Tu như vậy là tu bất cứ giờ phút nào và bất cứ tại đâu, chứ không chờ chùa có tổ chức khóa tu mới tu được.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi khuyên các anh chị em đừng đi chùa, bởi vì đi chùa thường xuyên là bổn phận và tình cảm của những người Áo Lam chúng ta:

  • Đi chùa hằng tuần vào chiều chủ nhật để tu học và hướng dẫn đàn em tu học.
  • Ngoài việc tu học, chúng ta còn thường xuyên tới chùa để tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho Gia đình.
  • Đi chùa để phục vụ các Phật sự do chùa tổ chức
  • Chẳng những đi chùa nơi mình sinh hoạt, chúng ta còn có nhiều dịp đi đến các chùa khác trong tỉnh để tham quan, chiêm bái hay phục vụ văn nghệ vào các dịp lễ lớn.

Tóm lại, cuộc đời huynh trưởng GĐPT là luôn gắn bó với mái chùa thân thương, xem ngôi chùa là một phần không thể thiếu trong đời sống chúng ta. Tuy nhiên, vì phải học tập, lao động và hoàn thành nhiều bổn phận của người Phật tử tại gia, chúng ta không còn thời gian tham gia các khóa tu do chùa tổ chức. (Vả lại những pháp tu ấy đều là pháp tu của các vị xuất gia, hàng cư sĩ lâu lâu mới vô chùa tu một, hai ngày thì kết quả chẳng đi tới đâu)

Với bài viết này, chúng tôi hy vọng mở ra trước mắt các anh chị em huynh trưởng GĐPT một cánh cửa trong cuộc đời học Phật tu Phật của mình. Cánh cửa này dẫn các anh chị em bước vào một pháp tu phù hợp với trình độ, hoàn cảnh và khả năng của người Phật tử tại gia, do chính Đức Phật dạy riêng cho hàng cư sĩ chúng ta.

Lời Phật dạy trong hai kinh “Thiện Sinh” và “Người Áo Trắng” hoàn toàn trong sáng, gần gũi, dễ hiểu, ai cũng có thể thực hành được (như TS Nhất Hạnh đã nói: “Không cần qua trung gian một giáo quyền nào cả”) Điều cốt yếu để đem lại kết quả tu tập là anh chị em phải ghi lòng những điều Phật day trong kinh và ứng dụng những điều ấy vào đới sống hằng ngày. Phải dũng cảm và nỗ lực ngăn chặn ngay những suy nghĩ, lời nói và việc làm đi ngược lại với những điều Phật dạy trong kinh. Phải nỗ lực không ngừng nghỉ, đừng lúc nào dễ duôi với chính mình, đừng xao lãng hay buông xuôi. Mỗi đêm trước khi ngủ, anh chị em hãy để ra 10, 15 phút ngồi chánh niệm theo dõi hơi thở và ôn lại những sự việc đã làm trong ngày để xem mình đã suy nghĩ, nói năng và hành động có đúng với lời Phật dạy trong kinh hay không, từ đó chúng ta rút kinh nghiệm và sẽ điều chỉnh lại hành vi của mình trong tương lai.

Người viết hy vọng, sau khi đọc loạt bài này, các anh chị huynh trưởng GĐPT sẽ chọn cho mình một pháp tu phù hợp với căn cơ, hoàn cảnh của người Phật tử tại gia để hành trì nhằm đem lại an vui, giải thoát thật sự, và hãy quên đi mặc cảm “thiếu tu” của mình.

Ong Mật


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 10 năm 2024
18
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 6
Ngày Ất Mão
Tháng Giáp Tuất
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
16
Tháng 09
Kiên Giang