Vua Trang Vương nước Sở cho các quan uống rượu. Trời đã tối, đang lúc rượu say, đèn nến bỗng gió tắt cả. Trong lúc ấy, có một viên quan thừa cơ kéo áo cung nữ. Người cung nữ nắm lấy, giật đứt giải mũ, rồi tâu với vua rằng: "Có kẻ kéo áo ghẹo thiếp. Thiếp giật được giải mũ. Xin cho thắp đèn ngay để khám xem ai đứt giải mũ, thì chính là kẻ ghẹo thiếp…" Vua gạt đi nói: "Thôi! không làm gì! cho người ta uống rượu, để người ta say, quên cả lễ phép, lại nỡ nào vì câu chuyện đàn bà mà làm sỉ nhục người ta!"
Rồi lập tức ra lệnh rằng: "Ai uống rượu với quả nhân hôm nay mà không say đến bứt đứt giải mũ là chưa được vui".
Các quan theo lệnh, đều dứt giải mũ cả. Nên suốt tiệc hôm ấy, được vui vầy ổn thỏa.
Hai năm sau nước Sở đánh nhau với nước Tấn. Ðánh luôn năm trận, mà trận nào cũng thấy một viên quan võ, liều sống, liều chết xông ra trước và đánh rất hăng, làm cho quân Tấn phải lùi. Vì thế mà quân Sở được. Trang Vương lấy làm lạ cho đòi viên quan ấy lại hỏi: "Quả nhân đãi nhà người cũng như mọi người khác, cớ sao nhà ngươi lại hết lòng giúp quả nhân khác người như vậy?"
Viên quan thưa rằng: "Thần rắp tâm muốn đem tính mệnh để hiến nhà vua đã lâu. Mãi đến bây giờ mới gặp dịp báo đền nghĩa xưa, thực là may cho thần lắm… Thần là Tưởng Hùng, chính là người trước bị đứt giải mũ mà nhà vua không nỡ làm tội đấy".
Ðào Ngột (Sở Sử)
Ông vua không làm tội người công thần ghẹo cung nữ thực là có độ lượng, bao dong được lỗi của người. Người ghẹo cung nữ không quên cái ơn đã chịu, tìm cách để báo đáp, thực là có nghĩa, tỏ được cái bụng trung thành với người gia ơn. Có vua ấy tất có tôi ấy, vua tôi như thế thì nước đời nào mất được.