…Sự thành lập Giáo hội Tỳ Kheo Ni cũng là một thành công xã hội rất lớn của đức Phật, đối với nữ giới mà dân Ấn Độ Ba La Môn giáo thường hay khinh rẽ, và một nhà văn hào Ấn Độ, ông Hemacondra xem nữ giới như những ngọn đuốc soi sáng con đường dẫn xuống địa ngục.
Nếu chúng ta đọc kỹ kinh Kùtadantà (Trường Bộ Kinh, tập II trang 142) về các loại tế đàn, chúng ta sẽ nhận thấy đức Phật ước mong một xã hội, trong ấy người, vật không tàn hại lẫn nhau, trong ấy, mọi người sinh sống và làm việc trong niềm hoan hỷ tự do, như đoạn văn sau đây diễn tả : "Này Bà la môn, trong tế đàn của các vị này cũng vậy, không có trâu bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có loại sinh vật nào khác bị sát thương, không có cây cối bị chặt để làm cột trụ tế lễ…Và những người gia bộc hay những người đưa tin, hay những người làm thuê không bị dọa nạt bởi hình phạt, không bị dọa nạt bởi sợ hãi và không làm việc trong than khóc…"
Từ lãnh vực xã hội bước qua địa hạt chính trị, dầu đức Phật luôn luôn giữ vững lập trường và vị trí của một bậc tu hành, đức Phật cũng nhiều lần có những quan niệm về hòa bình, chiến tranh rất rõ rệt. Đối với đạo Phật, không chiến tranh nào có thể được gọi là chân chánh, vì người chiến thắng và hùng mạnh là "chánh" và kẻ chiến bại, yếu thế là "bất chánh". Chiến tranh "của chúng tôi" là luôn luôn chánh đáng, còn chiến tranh "của các anh" là bất chánh. Thât khó mà chấp nhận những quan điểm như vậy.
Đạo Phật điểm thị hai nguyên nhân chánh của chiến tranh, đó là lòng tham dục của con người hay nguyên nhân của những chiến tranh kinh tế, thuộc địa. Thứ hai là tà kiến hay nguyên nhân của những chiến tranh chủ nghĩa, tôn giáo. Ngày nào loài người chế ngự được lòng dục của con người và trừ được những chủ nghĩa, triết thuyết lệch lạc thời mới hy vọng chấm dứt chiến tranh.
Chúng ta cũng được biết đức Phật đã thân hành ra chiến trường ngăn cản chiến tranh có thể xảy ra giữa dòng họ Sakya và dòng họ Kolasa vì tranh chấp nước sông Rohimi. Chúng ta cũng được nhắc lại những câu hỏi khéo léo của đức Phật đã khiến cho vua Ajàtasattu nước Magadha từ bỏ ý định chinh phục nước Vàjja như đã được đề cập trong kinh Đại Bát Niết Bàn. Chính trong đoạn kinh này, chúng ta được biết lập trường chính trị, xã hội của đức Phật, để có một nước được phú cường thịnh trị, không bị chinh phục. Một là dân chúng thường hay tụ họp, và tụ họp đông đảo để bàn luận việc làng nước. Hai là dân chúng tụ họp trong niềm đoàn kết, giải tán trong niềm đoàn kết và làm việc trong niềm đoàn kết. Ba là dân chúng không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã ban hành, sống đúng với truyền thống của dân tộc như đã ban hành thời xưa. Thứ tư là dân chúng tôn trọng, đảnh lễ các bậc trưởng lão và nghe theo lời dạy của những vị này. Thứ năm là dân chúng không bắt cóc và cưỡng hiếp những phụ nữ và thiếu nữ phải sống với mình. Thứ sáu là dân chúng tôn trọng, đảnh lễ các tự miếu của dân tộc, không bỏ các cúng lễ đã có từ trước. Thứ bảy là dân chúng bảo hộ, cúng dường các vị tu hành chân chính. Một quốc gia được sự tham gia của quần chúng đông đảo, tích cực và đúng luật pháp truyền thống như vậy thời quốc gia ấy thế nào cũng được cường thịnh, không bị chinh phục.
Còn đối với một vị vua cai trị đất nước, đức Phật có đề cập đến mười đức tính sau đây:
Thứ nhất là bố thí, nghĩa là người cai trị dân phải bố thí tiền của cho dân, chớ không tham nhũng của dân .
Thứ hai là giới hạnh, nhà cầm quyền phải có đức độ mới có thể cai trị dân
Thứ ba là biến xả, nghĩa là sẵn sàng hy sinh tất cả cho hạnh phúc và an lạc của dân.
Thứ tư là chân thật, người cầm quyền không dối lừa dân.
Thứ năm là kiệm ước, không sống xa hoa hưởng thụ
Thứ sáu là nhu hòa, cai trị dân bằng sự hòa nhã
Thứ bảy là bất hại, người cầm quyền không mưu hại, tàn nhẫn với dân
Thứ tám là không tư thù, người cầm quyền cần độ lượng với dân
Thứ chín là nhẫn nhịn, không nóng vội duy ý chí
Thứ mười là không đối lập, nghĩa là không đi ngược lại nguyện vọng của dân.