Đi theo người hướng đạo, chúng ta tin vào họ rồi sinh ra ỷ lại vì nghĩ rằng người hướng đạo sẽ đưa ta tới nơi. Nếu chúng ta tu học với tâm lý như vậy là đi ngược lại với quan niệm của đạo Phật và sẽ không bao giờ đạt được Đạo.
Ở thời Đức Phật, Ngài giảng dạy cách tu học và đặt ra những giới luật để hướng dẫn tăng chúng theo đó mà tu sửa, tẩy bỏ các phiền não nhiễm ô, dứt bỏ các kiết sử ràng buộc, cho dần dần thành thanh tịnh, chứng đắc thánh quả, tiến tới giải thoát Niết Bàn.
Sau Đức Phật, các Phật tử tiếp tục theo lời dạy của Ngài ghi trong kinh sách để tu sửa trên con đường giải thoát. Nhưng kinh sách cũng chỉ là những "Ngón Tay Chỉ Trăng", kinh sách không dẫn ta tới "Mặt Trăng" , không đưa ta tới Niết Bàn. Người Phật tử sau khi học xong phải xếp bỏ kinh sách rồi tự đi trên con đường tu học; nêu cứ bám víu (chấp) vào lý luận một cách đơn thuần rồi bị mắc kẹt trong đó và không bao giờ ra khỏi. Mục đích của người tu học là giác ngộ chứ không phải chứa chất kiến thức. Kinh điển đối với người Phật tử cũng như những sách dạy toán cho người làm toán. Họ học trong sách cách làm toán, cách giải phương trình v.v… Khi tinh thông rồi họ không dùng sách nữa và tự giải các bài toán lấy một mình; nếu họ cứ lo lục tìm giải pháp trong sách hay nhờ thầy giải hộ thì không bao giờ thành một nhà toán học được.
Cũng vì vậy, Đức Phật không muốn các đệ tử của Ngài ỷ vào kinh điển, bám chặc vào ngôn từ trong kinh mà Ngài đã nói trong suốt 49 năm truyền đạo Ngài không có nói gì cả. Ngôn từ sinh ra phân biệt, người nào mắc vào trong đó khó có thể giác ngộ chân lý được.
Về sau, các vị Thiền sư cũng luôn dạy đệ tử phải đập bò thái độ "bám víu" , "ỷ lại" này, không được trông cậy vào ai khác vì không ai có thể truyền kinh nghiệm chứng đắc cho mình được.
"Tự tu tự chứng" là đặc điểm của Phật Giáo, nó khác với nhiều đạo khác. Ở các đạo này, tín đồ tin tưởng hoàn toàn vào một ông Trời hay một ông Chúa dắt dẫn họ tới cùng. Họ tin và làm theo ý muốn của các Ngài mà không cần suy xét. Họ làm không phải là làm cho họ, mà làm để cho Trời hay Chúa được hài lòng hoặc để trả ơn các Ngài đã ban phúc cho họ được sinh ra ở đời. Đối với họ, Trời hay Chúa là một vị hướng đạo thực sự.
Ở Đạo Phật, chúng ta phải tự đi trên con đường tu học. Sự chứng đạt chân lý là do chí cương quyết, do lòng kiên nhẫn của chúng ta, Chúng ta nghe theo lời giảng dạy, lời khuyến khích của Đức Phật, noi theo gương Ngài mà tiến tới. Đức Phật không đi cùng với chúng ta. Đức Phật không phải là một vị "hướng đạo" mà là một vị "chỉ đạo", chỉ cho chúng ta con đường phải theo, và chúng ta phải tự mình theo đó mà đi.
BS PHẠM HỮU DUNG
(Paris – France)