Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kinh bái bạch Giác linh Cố Ni trưởng thượng Như hạ Hải
Chúng con đại diện cho 700 đoàn viên GĐPT trong tỉnh Kiên Giang, vào giờ phút thiêng liêng này, tề tựu trước kim quan Thầy bộc bạch tâm tư của chúng con trong thời khắc tiễn biệt Thầy về với Phật.
Kính bạch giác linh Thầy,
Nhớ khi xưa, vào năm 1955, quý Hòa thượng giảng sư Thích Thanh Từ, Thích Huyền Vi và Thích Thiền Định đến quận Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh giảng pháp cho Phật tử lớn tuổi nghe, đồng thời kêu gọi thành lập GĐPT tại các chùa của Hội Phật Học, lấy giáo lý Phật Đà làm căn bản, đào tạo thanh thiếu nhi theo tinh thần Bi-Trí-Dũng. Cô nữ sinh Huỳnh Thị Phước cùng các bạn đến nghe không sót đêm nào. Sau đó, cô trở thành đoàn sinh Thiếu nữ đầu tiên trong chúng Sen Trắng thuộc GĐPT Chánh Hòa , chùa Vạn Hòa tại quê hương Cầu Kè.
Năm 1959, khi quý Thầy Thanh Từ và Huyền Vi trở lại đây mở khóa giáo lý hướng dẫn Phật tử tu học, bảy cô đoàn sinh chúng Sen Trắng đồng loạt xin phép cha mẹ và được quý Thầy chấp nhận cho xuất gia . Kể từ ngày ấy, cô nữ sinh Huỳnh Thị Phước bước vào đời sống xuất gia cao quý, mang hạnh nguyện Bồ tát phụng sự chúng sanh.
Năm 1974, sau khi tốt nghiệp nhiều khóa tu học ở các Phật học đường, trí tuệ và đạo hạnh đã vững vàng, Sư cô Thích Nữ Như Hải được nhị vị sư phụ là HT Thích Thanh Từ và Thích Huyền Vi đích thân đưa về Hà Tiên, tận tay giao chùa Sắc Tứ Tam Bảo cho Sư cô trụ trì. Phật sự quan trọng đầu tiên của Sư Cô tại chùa Tam Bảo là tái lập ngay sinh hoạt GĐPT và đổi tên Gia đình Chánh Từ thành GĐPT Chánh Pháp.
Năm 1990, khi sinh hoạt Phật Giáo tại Kiên Giang nói chung, sinh hoạt hướng dẫn Phật Tử nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, Ni Sư Thích Nữ Như Hải đã dũng cảm nhận lấy trách vụ Trưởng ban Hướng Dẫn Nam Nữ Cư sĩ Phật tử do Tỉnh Hội giao cho. Đức Dũng của Ni sư đã thổi bùng lên ngọn lửa sinh hoạt GĐPT vẫn âm ỉ bấy lâu nay trong từng trái tim anh chị em Áo Lam tại Kiên Giang. Trong trách vụ này, Ni sư đã làm hồi sinh các hoạt động của đoàn thể Sen Trắng tại Kiên Giang, trong khi nhiều địa phương khác trong cả nước vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt GĐPT. Từ đó, mọi đoàn viên GĐPT trong tỉnh đều ngưỡng mộ và xem Ni sư là vị Thầy đáng kính.
Thầy tìm mọi cách khôi phục sinh hoạt GĐPT mà không chấp vào tên gọi. Do đó, vào năm 1990, trong khi Trung ương Giáo hội chưa có chủ trương phục hồi sinh hoạt GĐPT thì Thầy đã mạnh dạn thành lập Tiểu Ban Thanh Thiếu Niên Phật Tử nằm trong cơ chế tổ chức của Ban Hướng Dẫn Nam Nữ Cư Sĩ Phật Tử , đây chính là tiền thân của Phân ban Gia Đình Phật Tử thuộc Giáo Hội Phật Giáo Kiên Giang ngày nay. Vì vậy, có thể nói Phân ban GĐPT Kiên Giang ra đời sớm hơn cả Phân ban GĐPT Trung ương (1997). Đó chính là nhờ tinh thần Bi – Trí – Dũng của Ni Trưởng Thích Nữ Như Hải vậy.
Tổ chức Áo Lam Kiên Giang được như ngày hôm nay là nhờ tình cảm thương yêu và sự nâng đỡ, chở che, dìu dắt của Ni Trưởng Như Hải. Tình cảm của Ni Trưởng dành cho đoàn viên GĐPT là tình cảm của Người Mẹ dành cho đàn con. Đó là thứ tình cảm tự nhiên không tính toán. Các anh chị huynh trưởng mỗi khi gặp khó khăn trong sinh hoạt đều tìm đến Ni Trưởng để được động viên an ủi và giúp đỡ những việc cần thiết. Ni Trưởng hoan hỷ dành khuôn viên chùa Tam Bảo cho GĐPT làm trại trường. Mỗi khi Ban Hướng Dẫn Phân Ban GĐPT Kiên Giang tổ chức trại huấn luyện huynh trưởng tại chùa Tam Bảo thì Ni Trưởng không quản tốn kém lãnh phần nuôi ăn cả trăm trại sinh trong suốt 7 ngày trại.
Vào tháng 7/2005, khi trại Vạn Hạnh II kết khóa tại trại trường chùa Trúc Lâm-Huế, Ni Trưởng từ Hà Tiên đã vượt đường xa trên ngàn cây số đến Huế để sách tấn 3 anh chị trại sinh Vạn Hạnh đầu tiên của GĐPT Kiên Giang và dự lễ mãn khóa. Sau đó, Ni Trưởng tưởng thưởng cho 3 anh chị một chuyến du lịch lên đỉnh Bà Nà (Đà Nẳng) . Rồi Ni Trưởng còn đích thân đưa 3 anh chị về đến Kiên Giang. Thử hỏi, có vị Trưởng ban HDPT nào đối đãi với anh chị em GĐPT một cách chu đáo, thâm tình và nồng hậu như thế chăng?
Tháng 8/2007, để tạo điều kiện cho huynh trưởng tham dự trại họp bạn ngành Thiếu GĐPT toàn quốc tổ chức tại chùa Linh Ứng, Bãi Bụt, tp Đà Nẳng, Ni Trưởng đã chi một số tiền lớn thuê xe đưa đoàn đi và về. Chỉ có tình cảm của Người Mẹ đối với đàn con thì mới được như vậy mà thôi.
Đối với toàn thể đoàn viên GĐPT Kiên Giang, Ni Trưởng luôn mở rộng vòng tay với tất cả anh chị em. Dù anh chị em nào do quá khó khăn mà phải tạm rời xa chiếc áo lam, Ni Trưởng vẩn căn dặn các anh chị trên Ban Hướng Dẫn Phân Ban không được xóa tên anh chị em đó, mà hãy thường xuyên an ủi, động viên và giúp đỡ, tạo điều kiện cho các anh chị sớm quay lại với tổ chức. Nhờ tài lãnh đạo khéo léo, nhờ tấm lòng từ ái bao dung của Ni Trưởng mà anh chị em Áo Lam Kiên Giang từ ngày tái sinh hoạt (1990) đến nay vẫn giữ được sự đoàn kết theo tinh thần Lục Hòa, chung tay xây dựng tổ chức GĐPT tại Kiên Giang không ngừng nề nếp và phát triển.
Sau gần 30 năm nỗ lực của Thầy cùng với sự tinh tấn chuyên cần của chúng con, GĐPT Kiên Giang từ con số không, đến nay đã có được 14 đơn vị, trong đó 12 đơn vị đã được Giáo hội công nhận và 2 đơn vị đang trong thời gian hoàn thiện tổ chức. Nhưng điều quan trọng chúng con muốn trình với Thầy là sinh hoạt GĐPT ngày càng được chư Tôn đức Tăng Ni hiểu và thương hơn. Như vậy, hoài bảo “trồng người” của Thầy đã được thành tựu, chúng con kính xin Thầy an tâm cao đăng Phật quốc.
Kính bạch Chư Tôn Đức môn đồ pháp quyến
Kính thưa anh chị em Áo Lam
Bình sinh, Ni trưởng thường tâm sự : “Suốt những năm qua, trách vụ mà tôi tâm đắc nhất chính là chức Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử, vì đây là ngành hoạt động vừa phù hợp với lý tưởng hoằng pháp của tôi, mà cũng thích hợp với tâm tư tình cảm của tôi”
NT cũng thường nói : “Trong đời tôi có ba thứ tình yêu lớn nhất: một là tình yêu cha mẹ, hai là lòng kính yêu đối với tôn sư và ba là tình yêu Đạo pháp và màu áo lam GĐPT”
Năm 2016, nhân kỷ niệm GĐPT Kiên Giang tròn 60 tuổi, NT có bài viết trên tập Kỷ Yếu GĐPT Kiên Giang mà nội dung như một lời di chúc cho thế hệ đi sau. NT viết rằng:
Phật đã dạy cuộc đời là vô thường, không có gì tồn tại mãi. Năm nay tôi đã ở tuổi xấp xỉ tám mươi. Theo quy định của Trung ương Giáo hội, nhiệm kỳ sắp tới tôi phải về hưu và giao lại các chức vụ cho những vị còn trẻ. Đây là một điều tất yếu, trước sau gì cũng đến, không có gì phải nuối tiếc hay buồn phiền. Với tinh thần trách nhiệm của người đi trước, tôi muốn chia sẻ một vài điều tâm đắc trong những năm thừa hành nhiệm vụ quản lý sinh hoạt GĐPT tại Kiên Giang:
1)Là người tu sĩ Phật Giáo với nhiệm vụ trọng yếu là hoằng pháp độ sanh, tôi cho rằng việc đưa Phật Pháp đến với thanh, thiếu, đồng niên là quan trọng và hữu hiệu nhất, vì:
-Măng dễ uốn hơn tre
-Giáo hội luôn cần có một lực lượng Phật tử chân chính để đem Phật Pháp đi vào đời xây dựng xã hội và bảo vệ Đạo pháp khi cần thiết. Đào luyện các em ngay từ tuổi thơ là cách hữu hiệu nhất để Giáo hội có được những Phật tử chân chánh.
-Phương thức và chương trình giáo dục cùng với cách tổ chức của GĐPT đem lại kết quả đáng tin cậy nhất trong việc đưa Phật Pháp đến với thanh thiếu nhi. Ngoài ra không có một hình thức nào khác có thể sánh bằng.
2)Sinh hoạt GĐPT cũng giống như bao hoạt động Phật sự khác mà chư Tăng, Ni trụ trì có bổn phận phải thực hiện hằng ngày, nhưng đầu tư cho sinh hoạt GĐPT có ý nghĩa hơn cả vì đây là công cuộc “trăm năm trồng người”, tuy không thấy cái lợi trước mắt, nhưng là cái lợi lâu dài và to lớn cho cả tương lai Phật Giáo Việt Nam.
3)Đối với hàng huynh trưởng GĐPT Kiên Giang, tôi có lời nhắn nhủ:
*Truyền thống của tổ chức GĐPT là luôn luôn sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của một tổ chức Giáo hội hợp pháp. Hiện nay, đó là Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Các anh chị em phải cố gắng giữ lấy truyền thống đó. Nếu không như vậy tức đồng nghĩa với việc tự mình đào thải chính mình.
*Xây dựng GĐPT là một việc làm khó khăn, gian khổ. Các anh chị đừng nản chí và đừng mất niềm tin. Sau lưng các anh chị luôn có đông đảo chư vị Tăng, Ni trụ trì đồng cảm và ủng hộ công cuộc “đào luyện thanh, thiếu, đồng niên thành Phật tử chân chánh” của tổ chức GĐPT.
*Các anh chị huynh trưởng không nên nghĩ rằng trách nhiệm phát triển GĐPT là của chư Tôn đức trong Giáo hội, mà các anh chị phải tự nhận lấy trách nhiệm này. Hãy tự lực cánh sinh, năng động, tùy duyên và biết phát huy mọi sáng kiến trong công cuộc xây dựng Ngôi Nhà Lam Kiên Giang. Giáo hội và quý Tăng, Ni trụ trì luôn thương mến và sẵn lòng hỗ trợ cho các anh chị.
*Các anh chị hãy tích cực hợp tác với vị tân trưởng ban Hướng dẫn Phật tử trong nhiệm kỳ tới như đã từng cộng tác mật thiết với Thầy trong 26 năm qua. Hãy làm mọi cách cho tổ chức GĐPT Việt Nam nói chung, GĐPT Kiên Giang nói riêng luôn trường tồn, vì đây là công trình giáo dục được kết tinh bởi trí tuệ của Phật Giáo Việt Nam, không có một quốc gia theo Phật Giáo nào trên thế giới có được. Đừng để GĐPT mai một mà có tội lớn với các bậc tiền nhân.
Kính bái bạch Giác linh Thầy,
Hôm nay Thầy đã thuận thế vô thường trút bỏ thân tứ đại trở về với Chân như Phật tánh. Chúng con ở lại thế gian như đàn gà con mất mẹ, bơ vơ lạc lõng, buồn tủi biết bao. Nhưng buồn tủi mãi thì có ích lợi gì, chúng con nguyện biến nỗi đau mất mẹ thành sức mạnh để xây dựng tổ chức Áo Lam ngày thêm vững mạnh. Như thế, từ trên cõi Phật nhìn xuống chắc chắn Thầy sẽ hài lòng và mãn nguyện hơn.
Trước giác linh Thầy, chúng con nguyện ghi nhớ lời dạy của Thầy và tinh tấn tiếp nối con đường Thầy đã vạch ra trong sự nghiệp đào luyện thanh thiếu đồng niên trở thành Phật tử chân chánh. Chúng con kính xin Thầy an tâm vì GĐPT chúng con được sự thương yêu dìu dắt của Chư Tôn đức lãnh đạo Ban trị sự GHPGVN Tỉnh Kiên Giang cùng sự chở che giúp đỡ của chư Tăng, Ni trụ trì các tự viện và công đức bảo trợ của hàng cư sĩ các đạo tràng trong tỉnh.
Chúng con tin tưởng rằng, rồi đây tổ chức GĐPT Kiên Giang sẽ càng lớn mạnh để đóng góp vào sự nghiệp “trồng người” của Phật giáo Việt Nam, góp phần làm cho đạo Phật ngày càng hưng thịnh và trường tồn trên thế gian này.
Nam mô Giác linh Cố Ni Trưởng thượng Như hạ Hải chứng giám
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
MINH KIM
(Cẩn bút)