Đạo Phật Với Câu “Tôn Giáo Là Thuốc Phiện Của Nhân Dân” (tiếp theo)

G

Phần 2:  PHẬT GIÁO TRẢ LỜI CÂU
 “TÔN GIÁO LÀ THUỐC PHIỆN CỦA NHÂN DÂN”

Bây giờ tôi nói sang vấn đề thứ hai. Tuy Marx và Engels, khi nói tới tôn giáo nói chung, các vị không ám chỉ Phật giáo, nhưng Phật giáo cũng nên tự phản tỉnh xem. Phật giáo có làm mê muội, bạc nhược quần chúng không, Phật giáo có làm giảm giá trị con người hay không, Phật giáo có đánh lừa quần chúng bằng một hạnh phúc hư ảo hay không?

Xem thêm: Phần 1: Karl Marx và câu nói: “Tôn Giáo là Thuốc Phiện của Nhân Dân”

Để giải quyết tốt vấn đề này, và giải quyết nó một cách dứt khoát, tốt nhất là bỏ qua phần trung gian của các công trình nghiên cứu đạo Phật ở Tây phương, một số công trình này (tôi không nói tất cả) đã trình bày đạo Phật theo một hình ảnh, khuôn sáo rất méo mó; tốt nhất là tìm đến những lời Phật dạy, tìm hiểu mục đích cứu cánh của đạo Phật, tìm hiểu căn nguyên của nỗi khổ ở đời và các phép tu của đạo Phật nhằm diệt trừ căn nguyên đó. Trên các phương diện ấy của đạo Phật, chúng ta hãy nghiên cứu, suy xét một cách khách quan và vô tư.

1. Mục đích của đạo Phật là giác ngộ, tức là hiểu biết hoàn toàn.

Một đạo -là công cụ mê hoặc không đặt cho mình một mục đích như vậy. Như mọi người đều biết, Phật (Buddha) nghĩa là người giác ngộ (l’eveillé), chứ không phải là Thượng đế, và mọi chúng sinh, mọi người vì có sẵn mầm giác ngộ ở trong mình (Phật tính) cho nên đều sẽ thành Phật, miễn là biết đi theo con đường mà Phật vạch ra.

2. Nguồn gốc của mọi đau khổ ở đời, theo đạo Phật, là mê lầm, vô minh, tức là không hiểu biết hay hiểu biết sai lầm.

Tham, sân, si là ba phiền não cơ bản, nhưng si (tức là vô minh) là phiền não cơ bản nhất, vì si mê mà sinh ra tham lam, tham lam mà không được hoặc gặp điều trái ý thì đâm ra giận dữ (sân). Đạo Phật đặt cho mình mục đích là phá mê, xóa bỏ mọi mê lầm, cho nên không thể là đạo mê hoặc quần chúng.

3. Trong số các phép tu của đạo Phật, người ta đề cao thái độ tỉnh táo, cảnh giác, có ý thức đôi với tất cả mọi hành tướng của thân và tâm.

Phép đếm và theo dõi hơi thở trong Thiền học chính là như vậy. Thở là công việc mọi người làm không ngừng, một cách tự phát, không có ý thức. Bây giờ, người tu phải tỉnh táo, có ý thức về từng hơi thở vào, hơi thở ra, về đường hơi vận động ở trong thân mình. Tư tưởng hoàn toàn tập trung vào hơi thở, không nghĩ một chuyện nào khác. Người luyện phải ngồi xếp bằng tròn, lưng thẳng, đầu thẳng, mắt ngó đằng trước. Đó là thái độ ngồi vững chải nhất, nhờ chân xếp bằng tròn nên máu dồn lên đầu, chống tệ buồn ngủ. Phép ngồi Thiền giúp cho sự định tâm và mở mang trí tuệ.

Nhưng tu Thiền không phải chỉ là ngồi Thiền. Tu Thiền là có ý thức đầy đủ về tất cả mọi hành động của thân và tâm: đi biết mình đi, đứng biết mình đứng, ăn biết mình ăn v.v… người tu sống hoàn toàn trong thực tại, trong hành động, trong công việc của mình. Đó là sự bảo đảm tốt nhất cho tính hoàn thiện và sự thành công của mỗi một cử chỉ và hành vi của chúng ta. Đối với tất cả những gì xảy ra trong nội tâm, chúng ta cũng đều phải cảnh giác, tỉnh táo như vậy. Với thái độ tỉnh táo, khách quan, chúng ta phải theo dõi dòng ý niệm nổi lên trên bình diện ý thức, và “nhận mặt” từng ý niệm một. Ý niệm tham thì biết là tham, ý niệm giận thì biết là giận, kiêu biết là kiêu, nghi biết là nghi v.v… Ở đây cũng là phân tâm học, nhưng là tự mình phân tâm mình, chủ thể và khách thể là một, không có một bác sĩ tâm thần nào đứng cạnh để theo dõi quan sát hộ cho mình.

Tu Thiền là có ý thức đầy đủ về tất cả mọi hành động của thân và tâm (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Một khi tư tưởng đã khá tập trung rồi, người tu bèn dùng tư tưởng tập trung đó để “quán chiếu” mọi sự, mọi vật trong thân tâm cũng như ở ngoại giới, để hiểu biết sự vật đó như nó tồn tại, chứ không phải hiểu biết nó dưới dạng hư ảo đảo ngược.

Có thể nói trong các phép tu của đạo Phật không có cái gì bí ẩn và mê hoặc cả.

Khi bàn tới nguyên nhân của sự khổ ở đời, Phật giảng lý Mười hai Nhân duyên, tức là giảng Lý Nhân quả : Vì bản thân mê lầm cho nên bản thân mình có các hành động bất thiện (nghiệp) và cũng bản thân mình chịu khổ (khổ). Đó là sợi dây chuyền hoặc nghiệp khổ. Đó là sự phân tích khoa học, không có gì gọi là thần bí, khó hiểu cả. Nói một cách khác, đó là quyết định luận (déterminisme) tương tự như Anghen viết trong chương bàn về tự do và tất yếu (chống Duhring) nhưng cái khác của đạo Phật là thừa nhận quyết định luận không những trong phạm vi tự nhiên, xã hội, mà cả trong cuộc sống cá nhân nữa.

Trong Bát chánh đạo, tức tám pháp tu chân chánh, chúng ta cũng không thấy một phép tu nào mang màu sắc thần bí, tám phép tu đó là:

1.Chánh tri kiến:thấy biết đúng đắn về mọi vấn đề của cuộc sống
2.Chánh tu duy:suy nghĩ đúng đắn
3.Chánh ngữ:nói năng đúng đắn
4.Chánh nghiệp:hành động đúng đắn
5.Chánh mạng:làm ăn, sinh sống đúng đắn
6.Chánh tinh tấn:siêng năng bỏ ác làm thiện
7.Chánh niệm:nhớ nghĩ đúng đắn
8.Chánh định:tập trung tư tưởng đúng đắn.

Chúng ta cũng thấy rõ, tu theo Bát chánh đạo không có gì là mê tín, thần bí, không có chuyện lễ bái, cầu trời khấn Phật. Ngoài ra, người tu theo đạo Phật còn thực hành các phép tu khác như : Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, cùng với Bát chánh đạo kể trên, gọi chung là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đó hoàn toàn là những phép tu dựa trên cơ sở khoa học, không một phép tu nào mang tính chất thần bí siêu nhiên cả.

Một lần, Đức Phật nói với các đệ tử : “Cũng như người có trí thử vàng, xem có đúng là vàng thật hay giả, bằng cách đốt lên, cắt ra, lấy đá xát vào. Cũng như vậy, các người chỉ nên chấp nhận lời nói của Như Lai sau khi xem xét kỹ, chứ không nên vì lý do kính nể và sùng bái Như Lai”. Đấy, Phật khuyên Phật tử nên có một thái độ phân tích khoa học như vậy đối với lời Phật dạy, vì vậy mà Phật giáo thường được các học giả Tây phương mệnh danh là tôn  giáo của lý trí.

Đối với Phật còn như vậy, huống hồ là đối với Tăng. Đạo Phật bác bỏ thần quyền, đồng thời cũng bác bỏ giáo quyền. Khi Phật nhập diệt, Ngài không để lại một giáo chủ nào thay Ngài. Ngài chỉ dặn lại người đệ tử thân cận nhất là Anan như sau:

“Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm nơi nương tựa, chớ nương tựa một gì khác v.v…” (Kinh Đại Bát Niết Bàn).

Nên hiểu rằng đó là lời dặn chung cho toàn thể Phật giáo đồ lúc bấy giờ và mãi mãi về sau này nữa. Phật luôn căn dặn rằng: Giải thoát, giác ngộ là vấn đề cá nhân của mỗi người. Không ai có thể giải thoát cho ai và giác ngộ thay ai cả. Mỗi người đều nên dựa chủ yếu vào sức mình và Chánh pháp của Phật để quyết định đường lối tu hành thích hợp nhất với mình. Tăng sĩ chỉ là ông thầy tốt, người bạn tốt. Giá trị nhân bản lớn của đạo Phật chính ở chỗ nó xác định tính bình đẳng của mọi người trước chân lý, khả năng của mọi người tự giải thoát và tự giác ngộ, xác định thái độ kiên quyết bác bỏ mọi hình thức thần quyền và giáo quyền, nó làm cho tinh thần của con người ta bị mê muội, bạc nhược và nô lệ hóa.

Đạo Phật bác bỏ thần quyền, đồng thời cũng bác bỏ giáo quyền (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Có người cho rằng, vì Đức Phật không xác lập giáo quyền cho nên sau khi Phật nhập diệt mới sinh ra lắm tông nhiều phái, không ai chịu nghe ai cả.

Xin trả lời: Có nhiều tông phái là chuyện tất nhiên, hợp lý và đáng mừng. Nó chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của đạo Phật. Nó chứng tỏ khả năng thích nghi lạ lùng của đạo Phật dưới nhiều thời đại khác nhau và ở nhiều quốc độ khác nhau. Đạo Phật hiện nay như một cây lớn, thân chắc, chia ra nhiều cành lá xum xuê, bóng mát phủ rộng khắp nơi. Nếu có sai lầm đáng tiếc là do đầu óc chấp nê, hẹp hòi của một số tông phái, kích bác khuynh loát nhau, quên rằng tất cả đều được nuôi dưỡng từ một thân, một gốc.

Việc thiết lập giáo quyền không những hạn chế tự do dân chủ trong nội bộ Giáo hội, mà còn làm nghèo nàn, xơ cứng đạo Phật, một đạo giáo vốn phong phú và đầy sức sống, bám sát cuộc sống, không tách rời cuộc sống, dù chỉ là một ly, một tấc.

Đạo Phật không bị cái mặc cảm của các đạo giáo thần khải (religion révélée). Phật không bao giờ khẳng định kinh Phật là sách chép lời Thánh, sách chép những chân lý bất di dịch, không lệ thuộc không gian và thời gian. Phật nói đạo có thể ví như ngón tay chỉ mặt trăng, như chiếc bè chỉ là phương tiện để đạt tới chân lý. Sáng suốt thay mà cũng vĩ đại thay: Một giáo chủ như vậy, khi nói về tôn giáo của mình như vậy.

Đức Phật là một người rất thực tế. Ngài thường khuyên răn người không nên ham mê lễ bái, trái lại nên chăm làm điều thiện, tránh điều ác. Nội dung Kinh Thiện Sinh mà tôi giới thiệu sau đây cho thấy điều đó:

Kinh kể chuyện, Phật gặp một thanh niên tên là Sigala (Hán dịch Thiện Sanh) ngày nào cũng lễ bái sáu phương. Phật hỏi nguyên do thì anh trả lời là, lúc cha anh mất, ông có lời nhắn nhũ anh hằng ngày nên lễ bái sáu phương như vậy. Phật hỏi ý nghĩa của việc lễ bái sáu phương, anh bảo không biết. Phật bèn giải thích:

“Phương Đông là cha mẹ, lễ bái phương Đông tức làm tròn nhiệm vụ đối với cha mẹ; phương Nam là thầy, lễ bái phương Nam tức làm tròn nhiệm vụ đối với thầy dạy; phương Tây là vợ con, phương Bắc là bạn bè, quyến thuộc, láng giềng; phương dưới là người giúp việc, phương trên là những người tu hành đạo đức. Lễ các phương ấy là làm tròn nhiệm vụ đối với vợ con, quyến thuộc, bạn bè, người giúp việc và các nhà tu hành đạo đức…”

Cách đây hơn 2.500 năm mà Đức Phật đã truyền bá những tư tưởng tiến bộ như trên thật là đáng khâm phục. Tư tưởng này không những chứng tõ đạo Phật là tôn giáo bình đẳng, nhân bản mà còn cho thấy đạo Phật không phải là tôn giáo thiên về cầu khấn lễ bái thần linh.

Ngày nay có nhiều triết gia, nhà lãnh đạo và giáo sĩ các tôn giáo khác không tiếc lời ca ngợi tư tưởng của Phật giáo. Thí dụ như:

-Tổng thống Ấn Độ Radha Krisman (một người theo Ấn giáo) viết như sau: “Cầu nguyện mang tính chất một sự giao thiệp riêng tư, một sự mua bán đầy vị kỷ với thần linh. Nó đeo đuổi những tham vọng thế gian và càng tôn cao ý thức về cái “Ta”.Ngược lại, Thiền định có công dụng biến đổi y thức về cái “Ta”.

-Linh mục Thiên Chúa giáo C. Beard cũng viết: “Tôi không hiểu vì sao người ta vẫn tiếp tục cầu nguyện, trừ phi người ta tin rằng có những lỗ tai đang nghe họ”. (xem trong cuốn Reformation trang 491).

Trong Kinh Trung A Hàm, số 20, Đức Phật dạy các đệ tử: “Chính con người phải tự mình quyết định, kiên trì, nỗ lực vươn lên và mở đường đến cánh cổng đưa đến tự do, và bất luận lúc nào, con người luôn luôn có đủ khả năng để làm việc ấy”

Những lời dạy như trên không thể thốt ra từ một giáo chủ có dụng tâm mê hoặc quần chúng hay từ một tôn giáo thực chất là là thuốc phiện và thuốc độc đối với nhân dân.

Vì vậy, nếu nói tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, thì dứt khoát đạo Phật không phải là thứ tôn giáo đó. Còn nếu hiểu “Tôn giáo là là giáo lý về một nhận thức sâu sắc hơn đối với sự sống, là giáo lý không phải nhìn hời hợt, mà là nhìn sâu vào sự sống, giáo lý dạy người ta hành động phù hợp với kiểu nhìn theo chiều sâu đó, giúp cho người có được nhận thức đó có thể sống lạc quan và chết bình thản, thì đạo Phật đúng là một tôn giáo, một tôn giáo được hiểu như là “một hệ thống biện pháp diệt trừ mọi nỗi thống khổ ở đời này”.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang