Đạo Phật Của Chúng Ta

G

HT Thích Trí Quảng

Đạo Phật chủ trương xây dựng và phát triển khả năng của con người để họ làm chủ được bản thân, làm chủ thiên nhiên và không bị lệ thuộc thế lực thần linh chi phối như chủ trương của các tôn giáo đương thời với Đức Phật.

Thật vậy, trước khi Đức Phật hiện hữu đã có 94 thứ đạo. Họ đặt ra những giáo điều phải tuân thủ và hậu quả là tự ràng buộc cuộc sống và tín đồ vào một đấng thần linh tưởng tượng nào đó mà chính họ cũng không biết mặt. Họ cũng đem vận mạng tín đồ giao phó cho thần linh quyết định. Theo họ, mọi người chỉ biết van xin, cầu nguyện thần linh che chở và ban ơn phước.

Đức Phật hiện thân trên cuộc đời trong một xã hội đặt trọn niềm tin ở đa thần giáo như vậy. Ngài đã nhận thấy những sai lầm, đau khổ của con người. Vì vậy, Đức Phật đã khởi tâm đại bi thương xót mọi người và muốn cứu họ thoát khỏi những suy nghĩ mê lầm, những việc làm vô ích, tội lỗi. Đó là nguyên nhân thúc đẩy Ngài từ bỏ đời sống đế vương và xuất gia để tìm ra phương cách lý giải mọi sai lầm trong nếp nghĩ, nếp sống của mọi người đương thời.

Trải qua lộ trình 5 năm tìm chân lý, 6 năm trắc nghiệm pháp điều chỉnh thân tâm, cuối cùng Ngài đắc đạo, nhận chân được giá trị vô cùng của con người. Ngài khẳng định rằng con người có toàn quyền quyết định vận mạng của mình : tốt hay xấu, thiên đường hay địa ngục, hạnh phúc gay khổ đau đều do chính con người tự tạo ra.

Theo Phật, phần lớn sai lầm của con người là muốn trút bỏ khổ đau, nhưng họ lại cố tạo ra nhân đau khổ. Vì vậy, Ngài đưa ra 4 chân lý là : cuộc đời đau khổ, nguyên nhân dẫn đến đau khổ, an lạc Niết bàn và con đường dẫn đến Niết bàn. Theo kinh điển, 4 chân lý đó được gọi là Tứ Diệu Đế hay Tứ Thánh Đế.

dao phat

Từ nền tảng Tứ Thánh Đế, Đức Phật đưa ra giáo lý hoàn thiện con người. Ngài chỉ dạy mọi người phương pháp hạn chế cho đến dứt trừ hẳn lòng tham lam, ganh ghét, ích kỷ, thù hận và phát triển tâm thương yêu, hiểu biết, thể hiện thành nếp sống hài hòa, bao dung giữa con người với nhau, hay giữa con người và muôn loài cùng thiên nhiên.

Với quy tắc sống giúp đỡ, đùm bọc như vậy, Đức Phật đã hình thành một giáo đoàn theo tinh thần Lục Hòa. Mọi người trong tăng đoàn, dù xuất thân từ giai cấp giàu có hay nghèo hèn, tất cả đều tìm thấy an lạc, giải thoát khi cùng hòa nhịp sống trong tình thân thương, chia sẻ cho nhau những vật dụng để duy trì mạng sống của thân tứ đại, và nhất là hỗ trợ cho nhau thăng hoa đời sống tâm linh để cùng tiến đến Thánh quả. Tăng đoàn thể hiện nếp sống cao đẹp dưới sự hướng dẫn sáng suốt và lòng từ ái vô biên của Đức Phật thời bấy giờ đã được mọi người tôn kính và coi đó là mô hình thiên đường trần gian của Phật xây dựng.

Đến khi Phật nhập diệt, tinh thần cao quý và nếp sống vô ngã vị tha vẫn hiện hữu sống động trong hàng ngũ đệ tử nối tiếp dấu chân Phật. Trên vạn nẻo đường đời, bước chân của các vị phạm hạnh thanh tịnh giải thoát đến nơi nào đều mang lại niềm an lạc và hiểu biết cho mọi người. Dưới bóng mát từ bi và trí tuệ của người con Phật, sát hại, hận thù, đau khổ v.v… nói chung, những gì xấu xa, ác độc, gây khổ đau, chết chóc cho con người, cho muôn loài, cho thiên nhiên không thể nào hiện hữu.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang