3. Phật Giáo không có một tổ chức Tăng đoàn chặt chẽ theo kiểu các tôn giáo thần quyền phương Tây. Vì sao? Vì tinh thần dân chủ và bình đẳng trong đạo Phật không cho phép có một tổ chức chặt chẽ như vậy. Không những trong thời kỳ Phật Giáo bộ phái, không những ở Ấn Độ, mà ngay ở Trung Hoa, Nhật Bản, tổ chức Phật Giáo vẫn bao gồm nhiều giáo phái và hệ phái khác nhau với những chùa chiền, tu viện và thiết chế giáo dục, hoằng pháp của riêng các giáo phái và hệ phái đó.
Ở Việt Nam tuy có một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập năm 1981, thế nhưng Hiến chương của Giáo hội tôn trọng sự tồn tại trong phạm vi Giáo hội của những giáo phái và hệ phái khác nhau, như Phật Giáo Nam tông, hệ phái Khất Sĩ, Phật Giáo Khmer v.v…
Ngày xưa, khi Thiên Chúa giáo mới bắt đầu vào nước ta, có sự phân biệt đồng bào giáo và lương. Đồng bào giáo chỉ cho tất cả đồng bào theo tôn giáo mới, tức Thiên Chúa giáo; còn đồng bào lương chỉ cho tất cả đồng bào theo các đạo Phật, Lão, Nho hay bất cứ một tín ngưỡng bản địa nào khác. Vì sao vậy? Phải chăng vì người Việt Nam cũng như người Á Đông nói chung không có một quan niệm về tôn giáo chặt chẽ về mặt tổ chức như đạo Thiên Chúa. Một người Trung Hoa, người Nhật Bản hay người Việt Nam có thể theo cả ba đạo Phật, Lão, Nho và cả "đạo ông bà" nữa mà trong lương tâm họ tuyệt đối không có mặc cảm gì hết. Chẳng hạn, họ không bị chi phối về mặt tâm lý bởi những bài thuyết giảng kiểu như những bài thuyết giảng của các bậc tiên tri đạo Do Thái chống lại mọi biểu hiện của tà đạo và tà giáo, khi các bộ tộc Do Thái từ kiểu sống du mục chuyển thành những bộ tộc định cư và sản xuất nông nghiệp, sau khi vương quốc Israel đầu tiên được thành lập, với các vua David rồi Solomon, như đã được ghi chép trong sách Cựu Ước.
Người Á Đông, dù là ở Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam, chấp nhận tín ngưỡng đa thần giáo một cách tự nhiên, thông thoáng, có thể vì vậy mà họ cũng không có tư tưởng kỳ thị tôn giáo. Tôn giáo nào cũng cung cấp một trả lời mà tín đồ tin là thỏa đáng đối với ý nghĩa của nhân sinh, của cuộc sống. Niềm tin của tín đồ có thể nông hay sâu, liên tục hay ngắt quãng, nhưng niềm tin đó phải có, thì mới có tôn giáo; bởi lẽ niềm tin tôn giáo là động lực khiến tín đồ sống cả đời theo niềm tin đó. Đặc sắc của Phật Giáo là kết hợp niềm tin với lý trí hay trí tuệ; cho rằng : hiểu biết càng sâu thì niềm tin tôn giáo càng vững. Còn tổ chức của Giáo hội có chặt chẽ hay lõng lẽo cũng không thành vấn đề. Thậm chí có những tín đồ thuần thành của Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo hay một tôn giáo nào khác, rất có thể không đi chùa, không đến nhà thờ, không chấp hành những nghi lễ nào đó do Giáo hội quy định, nhưng họ vẫn là tín đồ tôn giáo thuần thành, theo đúng đòi hỏi của lương tâm họ.
Đức Phật từng dạy học trò mình rằng :"Không nên chấp nhận lời dạy của ta do lòng kính trọng, mà trước hết hãy kiểm nghiệm lời dạy đó như dùng lửa thử vàng vậy" Phật lại dạy : "Một điều là đúng hay sai, không phải do quyền uy và thần khải". Phật ví những tín đồ Bà-la-môn giáo tụng thuộc lòng sách Veda như một đoàn người mù dắt dẫn nhau đi, người đi đầu không thấy gì hết, người đi giữa cũng không thấy gì hết và người đi sau cùng cũng không thấy gì hết. Phật cho rằng chấp nhận chân lý và giác ngộ chân lý là hai chuyện khác nhau. Giác ngộ chân lý như người nếm mật; còn chấp nhận chân lý mà không hiểu, thì cũng giống như người dùng thìa hứng mật, múc mật mà không nếm mật vậy.
Cũng như thế, đơn thuần chấp nhận chân lý do quyền uy của người khác, dù người khác đó là bậc đạo sự, sẽ không thể có được sự giác ngộ tâm linh, dẫn tới giải thoát tối hậu. Tuân thủ một truyền thống hay quyền uy, tự nó không có giá trị gì hết. Để được giác ngộ, học hỏi là cần thiết nhưng sự học hỏi đó phải được bổ sung bằng thực nghiệm cá nhân. Tôn giáo luôn luôn là thực nghiệm qua cuộc sống như là vị thầy tốt nhất, qua thân tâm mình như là cuốn sách quý nhất.
Phật Giáo là như vậy.