Không ít người, trong đó có cả những người tự nhận mình là Phật tử, thường nói rằng :“Đạo nào cũng dạy con người ăn hiền ở lành, đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng giống như đạo nào”.
Nhận định như trên là hết sức hồ đồ. Người nói câu này có hai trường hợp:
-Một là, trường hợp người nói vì chưa hiểu hết giá trị cao quý của đạo Phật nên mới nhận định mơ hồ như vậy;
-Hai là, trường hợp người nói dùng câu này để dụ người của đạo khác vào đạo mình.
Là Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, được giáo dục trong môi trường Phật giáo nhiều năm từ khi còn là một đoàn sinh Oanh Vũ, đến nay đã trưởng thành nối tiếp cha anh làm công việc hướng dẫn tu học cho đoàn sinh, anh chị em chúng ta cần rạch ròi trong nhận định, không thể mù mờ về giá trị của đạo Phật mà ảnh hưởng đến tiến trình tu học của bản thân, thậm chí còn có thể làm những việc phản Thầy, hại Đạo…
Vậy, Phật giáo có những đặc điểm quý báu nào ?
Những đặc điểm quý báu của Phật giáo thì rất nhiều, người nói tùy theo hoàn cảnh, tùy theo đối tượng người nghe và tùy theo mục đích mà chọn ra những đặc điểm phù hợp để nói. Ở đây, trong hoàn cảnh những Người Áo Lam trao đổi, tìm hiểu để sách tấn nhau trên đuờng tu, để chung tay bảo vệ và hoằng truyền đạo pháp, hoàn thành sứ mệnh của người Huynh trưởng GĐPT, chúng ta cùng nhau phân tách những đăc điểm quý báu sau đây của Phật giáo:
Đặc điểm thứ I : Đạo Phật không bắt con người nô lệ thánh thần
Đạo Phật không giống với bất cứ tôn giáo nào có mặt hiện nay trên trái đất ở chỗ đạo Phật không chấp nhận có một vị thần linh sinh ra con người và vạn vật. Đạo Phật cho rằng con người cũng như vạn vật trên cõi đời này sinh ra là do hòa hợp nhiều nhân duyên mà thành.
Với quan điểm này, đạo Phật lấy Con Người là trung tâm chứ không phải Thượng Đế là trung tâm. Tất cả giáo pháp mà Đức Thích Ca truyền bá chỉ nhằm mục đích duy nhất là để giải thoát con người ra khỏi đau khổ, tức đồng nghĩa với việc giúp họ sống một cuộc đời có nhiều ý nghĩa cao đẹp và hạnh phúc hơn.
Đau khổ ở đây không phải do thần linh nào giáng xuống cho con người, mà chính do con người tự mình tạo ra đau khổ cho mình. Muốn hết đau khổ thì chỉ có một con đường duy nhất là chính con người phải nỗ lực tu tập để giác ngộ chân lý. Khi đã giác ngộ ra chân lý rồi thì đau khổ sẽ không còn.
Như vậy, đạo Phật dạy cho con người làm chủ lấy cuộc đời mình, chứ không phải phó thác cuộc đời mình vào tay thượng đế hay thần linh nào hết. Các nhà nghiên cứu tôn giáo phương Tây thường dùng danh từ “Tôn giáo vô thần” để chỉ đạo Phật, chính là muốn nói đến đặc điểm này của đạo Phật. Đây là điểm khác biệt đầu tiên giữa Phật giáo với các tôn giáo khác.
Đặc điểm thứ II : Đạo Phật là tôn giáo phù hợp với khoa học
Nói đến tôn giáo, người ta thường nghĩ ngay đến cái gì phản khoa học. Thí dụ : khi gặp bão lụt, động đất, sóng thần… các tôn giáo đều dạy tín đồ hãy cầu nguyện và cúng tế thần linh để thần hài lòng mà tha tội cho.
Phật giáo không dạy như vậy. Cách đây trên 2500 năm, Đức Phật đã khuyên các giáo sĩ Bà la môn từ bỏ cầu nguyện và cúng bái như sau : “Này, các Bà la môn, nếu có người khuân một tảng đá lớn ném xuống giếng này, rồi có 1000 người đến bu quanh miệng giếng mà cầu nguyện và cúng bái mong cho tảng đá nổi lên. Này, các Bà la môn, như vậy tảng đá ấy có thể nổi lên không?…”
Còn rất nhiều lời dạy của Đức Phật cách đây hơn 25 thế kỷ mà ngày nay khoa học mới phát hiện ra, nhưng trong phạm vi bài viết này không thể nêu cho hết. Chỉ xin mượn lời nhà bác học kiệt xuất Albert Einstein nói về đạo Phật để chứng minh cho đặc điểm thứ hai này.
Nhà bác học Albert Einstein đã nói:”Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học” (If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, becauseit embrances science as well as goes beyond science). (Trích từ Collected famous quotes from Albert Einstein. http://rescomp,stanford,edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm).
Đây là điểm khác biệt thứ hai giữa Phật giáo và các tôn giáo còn lại.
Đặc điểm thứ III: Đạo Phật không quan trọng hóa về số lượng tín đồ
Một người đến với đạo Phật hoàn toàn do tự nguyện. Người ấy nếu gặp phải “nghịch duyên” nào đó mà rời bỏ đạo Phật, thì cũng hoàn toàn hành động một cách tự do mà không gặp phải bất cứ một áp lực, một thứ kỷ luật hay một lời trách cứ nào xuất phát từ giáo hội, nhà chùa hay từ các bạn đồng tu.
Khi một người đến chùa xin quy y Tam Bảo chính thức làm Phật tử, nhà chùa vui vẻ làm lễ quy y cho, nhưng không bao giờ ghi tên người ấy vào sổ để thống kê xem chùa mình đã có được bao nhiêu Phật tử . Nhà chùa không bận tâm với công việc “hành chánh” đó. Vì vậy, rất khó thống kê chính xác số lượng Phật tử của một ngôi chùa.
Thông thường thì đạo nào cũng đều cố gắng phát triển tín đồ cho đạo mình, thậm chí dùng cả những thủ đoạn “không được đẹp” để dụ dỗ hoặc gài bẫy… người ngoài vào đạo mình. Một người Phật tử có thể bỏ đạo Phật bất cứ lúc nào, nhưng tín đồ đạo khác thì không thể bỏ đạo của họ.
Tại làng Mai (Pháp) của Thiền sư Nhất Hạnh, có rất nhiều vị linh mục, mục sư đến tu Thiền nhưng đều không có ai bỏ đạo của họ để trở thành Phật tử cả, và Thiền sư Nhất Hạnh cũng yêu cầu như vậy.
Từ đặc điểm thứ ba này mà Phật giáo, tuy được coi là một tôn giáo lớn nhưng luôn là tôn giáo có ít tín đồ nhất trên bản đồ tôn giáo thế giới. Đối với người có suy nghĩ bình thường thì đây là nhược điểm của Phật giáo, nhưng đối với các vị cao tăng lãnh đạo Phật giáo thì quý Ngài không quan trọng hóa việc Phật giáo có nhiều hay ít tín đồ. Đó chính là hạnh Xuất Thế Gian của bậc Bồ Tát đang sống trong cõi Ta Bà. Cũng nhờ vậy mà trong lịch sử hơn 2500 năm qua, Phật giáo chưa hề gây chiến tranh với bất cứ tôn giáo nào trên thế giới.
Người Phật tử huynh trưởng GĐPT chúng ta tự hào và hạnh phúc khi được đứng trong hàng ngũ những con người không nô lệ cho ai, lúc nào mình cũng tự do, tự giác, tự quyết định cho cuộc đời chính mình.
Đây là điểm khác biệt thứ ba của đạo Phật so với các đạo khác.
(Còn tiếp…)
MINH ĐẠO
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Phẩm Song Yếu