Đạo Đức Phật Giáo (tiếp theo)

G

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt
Kiến hòa đồng giải

ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO

(tiếp theo)

Bạn thân mến,

Trong lá thư kỳ trước, chúng ta vừa tìm hiểu khái quát về đạo đức thế gian và tính chất bất định của nó. Nền đạo đức của một dân tộc, một quốc gia thể hiện trong luật pháp của quốc gia đó. Công dân nào vi phạm luật pháp của nước mình tức là vi phạm đạo đức của dân tộc mình và người đó sẽ bị trừng phạt bằng nhiều hình thức từ nhẹ đến nặng tùy theo tính chất và mức độ của tội đã phạm.

Như vậy, chúng ta thấy rằng đạo đức thế gian thể hiện qua luật pháp do Nhà nước đương quyền ban hành là một thứ đạo đức “đối phó” với tình hình đời sống xã hội. Do đó nó không ngừng thay đổi và con người vẫn có nhiều phương cách để “lách luật”, tức vi phạm đạo đức một cách công khai mà luật pháp không làm gì được.

Bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về đạo đức Phật giáo.

Đạo đức Phật Giáo (ảnh minh họa)
Đạo đức Phật Giáo (ảnh minh họa)

 

Đạo đức Phật Giáo có những tính chất sau đây :

1-Đạo đức Phật Giáo bắt nguồn từ những chân lý trong đời sống con người : bằng trí tuệ siêu việt của bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Đức Phật Thích Ca đã khám phá ra nhiều nguyên nhân cội rễ khiến cho con người chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống. Từ đó Ngài chỉ dạy những đạo đức để con người sống theo nhằm loại trừ đau khổ và mang lại hạnh phúc cho kiếp người.

2-Đạo đức Phật Giáo là bất biến : trong khi đạo đức thế gian luôn thay đổi theo đời sống xã hội loài người, thậm chí có những điều được gọi là đạo đức, nhưng bản chất điều đó không được một bộ phận lớn công dân chấp nhận…

Thì đạo đức Phật giáo từ khi được bậc Đạo Sư công bố cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, ngày càng được nhiều bậc thức giả trên thế giới chấp nhận và tôn vinh.

3-Đạo đức Phật giáo chỉ nhằm mục đích diệt trừ khổ đau, mang lại hạnh phúc cho con người : Đạo đức Phật giáo không nhằm phục vụ lợi ích cho riêng đạo Phật, hay cho bất cứ một giai cấp nào, hoặc cho bất cứ một chế độ chính trị nào, cũng không phục vụ lợi ích cho bất cứ một chủ thuyết nào, một tôn giáo nào do con người đặt để ra.

4-Đạo đức Phật Giáo không được duy trì bằng pháp luật và hình phạt: Nếu một người vi phạm luật pháp chắc chắn sẽ bị luật pháp xử tội, thậm chí đến mức phải chịu tử hình…

Đạo đức Phật Giáo (ảnh minh họa)
Đạo đức Phật giáo chỉ nhằm mục đích diệt trừ khổ đau, mang lại hạnh phúc cho con người (ảnh minh họa)

Trong khi đó, đạo đức Phật giáo quan niệm rằng :

“Tội từ tâm khởi, đem tâm sám

Tâm được tịnh rồi, tội liền tiêu…”

Trên đây là bốn tính chất cơ bản của đạo đức Phật giáo.

Đạo đức Phật giáo dạy những gì ?

Có thể nói, tất cả những gì Đức Phật thuyết giảng suốt 49 năm truyền đạo, đều là đạo đức Phật giáo cả. Bởi vì, nếu nói rằng đạo đức làm thăng hoa tâm hồn, tạo nên giá trị của con người, thì tất cả những gì bậc Đạo Sư đã dạy đều nhằm mục đích nâng con người từ một chúng sanh vô minh đi tới chỗ giác ngộ và trở thành bậc Thánh trong cuộc đời này.

Nhưng, nói như vậy thì quá bao la, khó cho hàng huynh trưởng trẻ nắm bắt vấn đề. Vì vậy, tôi xin tóm gọn rằng : đạo đức Phật giáo chính là nằm trong giới luật của người Phật tử. Cụ thể là :

-Tỳ kheo giữ 250 giới
-Tỳ kheo ni giữ 348 giới
-Cư sĩ Phật tử giữ 5 giới

Ở đây, chúng ta chỉ đề cập về 5 giới của người Phật tử tại gia (Cư sĩ) . Năm giới gồm có :

1.Không sát sanh
2.Không trộm cắp
3.Không tà dâm
4.Không nói dối
5.Không uống rượu

Có lẽ bạn nghĩ rằng “chỉ có năm giới thì có gì khó đâu!”

Đạo đức Phật Giáo (ảnh minh họa)
Cư sĩ Phật tử giữ 5 giới (ảnh minh họa)

Lầm rồi nghe bạn ! Chỉ có năm điều đạo đức này mà từ ngàn xưa đến nay trong lịch sử loài người, con người đã không giữ được, cho nên mới đưa nhân loại vào cảnh chém giết triền miên, gây biết bao cảnh khổ đau cho con người khắp năm châu bốn biển. Thậm chí giờ đây, loài người đang từ từ đi vào chỗ săp diệt vong vì môi trường sinh thái đang bị hủy hoại là cũng do con người vì không giữ được năm điều đạo đức này đấy !

-Tại sao có tham nhũng ? Vì những người ấy không biết và không giữ giới “Không trộm cắp”

-Tại sao có khủng bố ? Vì những người ấy không biết và không giữ giới “Không sát sanh”

-Tại sao có vụ Khai Silk bán khăn lụa Trung Quốc mà nói gạt khách hàng là khăn lụa Việt Nam ? Vì ông ấy không biết và không giữ giới “Không nói dối”

-Tại sao có người nỡ nhẫn tâm quăng bỏ đứa con sơ sanh của mình vào sọt rác ? Vì cô ấy không biết và không giữ giới “Không tà dâm”

-Tại sao có những người trẻ chỉ vì một câu nói không vừa ý mà nỡ ra tay giết người? Vì người đó không biết và không giữ giới “Không uống rượu”

Trong lá thư sau chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về nội dung Năm Điều Đạo Đức Phật Giáo.

Thân chúc bạn thường xuyên quan tâm gìn giữ Năm Giới.

Ong Mật


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 09 năm 2024
12
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Mão
Tháng Quý Dậu
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
10
Tháng 08
Kiên Giang