Chương 10: Các Hoạt Động Bổ Túc Hỗ Trợ Giáo Dục

G

CHƯƠNG 10

CÁC HOẠT ĐỘNG BỔ TÚC HỖ TRỢ GIÁO DỤC

10.1. HOẠT ĐỘNG BỔ TÚC VIỆC TU HỌC

10.1.1. Tu tập

Giáo dục GĐPT là khoa giáo dục “ Tâm Tính “. Tu tâm sửa tính là trọng tâm của sự đào luyện. Trong giáo dục GĐPT dẫu theo phương thức, phương pháp nào cũng theo tiến trình Văn Tư Tu. Sau nghe nhìn, học hỏi, nghiên cứu ( Văn ) qua tư duy, thảo luận nhận thức ( Tư ) rồi thực hành tu tập và áp dụng trong thực tiễn đời sống ( Tu). Tu thì phải Hành, có hành mới có tu, không hành thì những gì đã học hỏi nhận thức được chẳng đem lại lợi lạc gì cho người học. Vậy GĐPT phải tạo điều kiện, cơ hội, cảnh huống cho người học (huynh trưởng và đoàn sinh) tu tập và áp dụng vào sinh hoạt trong cuộc sống .

10.1.1.1. Tu tập thường xuyên

Sau mỗi bài học Phật pháp về pháp môn tu học, bài học về đạo đức, bổn phận … cần có kế hoạch hướng dẫn cho người học thực hành tu tập và ứng dụng trong đời sống thường ngày như : Niệm Phật, thực tập sinh hoạt, hành động, làm việc trong chánh niệm, thực tập thiền quán…, thực hiện tốt các bổn phận đối với gia đình, học đường, xã hội…

Muốn cho việc tu tập của đoàn sinh tinh cần, huynh trưởng cần có kế hoạch hướng dẫn, theo dõi, khích lệ … Điều quan trong là huynh trưởng cũng phải tinh cần trong việc tu tập để làm gương cho đoàn sinh noi theo ( Một thí dụ:  Lễ Phật rất quan trọng trong việc hành tri tu tập của người Phật tử, không chỉ huynh trưởng phụ trách điều hành lễ mà tất cả huynh trướng đêu phải vào hành lễ với đoàn sinh )

10.1.1.2. Tổ chức tu tập định kỳ

Ngoài các buổi giảng dạy các môn học thường kỳ theo chương trình, nên tổ chức các buổi tu tập (một hoặc hai tháng một lần) để đoàn sinh thực tập “việc tu hành” liên quan đến các bài học, nhất là về Phật Pháp và Tinh thần như: Tổ chức buổi “Pháp thoại”, thực tập “Chánh niệm”, thực hiện “giáo dục về tinh thần và tình cảm”. Muốn có kết quả tốt đẹp, huynh trưởng phụ trách phải chuẩn bị chu đáo về nơi chốn, đề cương tu tập, chương trình sinh hoạt, mời Tăng, Ni hướng dẫn,…

Vào dip này có thể thực hiện việc “giáo dục tinh thần, tình cảm” việc này đòi hỏi huynh trưởng phụ trách tinh thần hiểu trẻ mến trẻ, tin trẻ mà chuẩn bị chu đáo để tiến hành các sinh hoạt về mặt này tốt. Điều quan trọng trước nhất là tạo được một “mái ấm” trong GĐPT. Nơi đây là “ngôi nhà hạnh phúc” của các em, các em được thương yêu, chia sẻ, giải tỏa được tâm tư tình cảm, ước mong của tuổi thơ, tuổi trẻ. Huynh trưởng phụ trách tổ chức buổi họp mặt thân ái chia sẻ. Trước đó huynh trưởng phụ trách cần phải có kế hoạch tìm hiểu tâm lý đoàn sinh về hoàn cảnh cuộc sống, tính tình, nỗi niềm từ gia đình, nhà trường, xã hội kể cả trong GĐPT tác động lên tâm tư các em. Do tâm lý ngại ngùng e sợ, các em không dám thổ lộ tâm sự với người khác. Tổ chức buổi họp mặt thế nào để các em thấy được tình yêu thương và quan tâm của các anh chị trưởng, tình thân thiết của bạn Đoàn mà yên tâm tỏ bày tâm sự. Rồi Đoàn tìm cách giúp đỡ, hướng dẫn, tháo gỡ giải tỏa vướng mắc cho các em. Điều này làm cho Đoàn sinh thấy an lạc và lợi ích khi đến với Đoàn, gắn bó với GĐPT, vui thích để tu tiến.

10.1.2. Sinh hoạt theo chủ điểm giáo dục

10.1.2.1. Ý nghĩa

Giáo dục chủ điểm là phương pháp giáo dục mang tính cộng đồng xã hội áp dụng trong các “học đường mới”, giáo dục bằng thực tế để sống trong thực tiễn xã hội. Đối với sinh hoạt của GĐPT, chúng ta có thể dựa vào những ưu điểm của nó để áp dụng có thời hạn vào những cơ hội thuận tiện để tổng dợt, ôn luyện, mở rộng kiến thức, nhuần nhuyễn kỹ năng thực hành để việc học tập trong GĐPT đạt hiệu quả, nâng cao chất lượng đào luyện giáo dục trong GĐPT.

Thí dụ về cách giáo dục theo chủ điểm “Mừng Khánh Đản Đức Phật Thích Ca”:

Ta tổ chức sinh hoạt học tập hướng đến ý nghĩa kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Đản sinh. Thời điểm này cũng đã hoàn tất chương trình tu học của niên khóa, là dịp để tổng ôn luyện các môn học.

10.1.2.2. Các nguyên tắc thực hiện

Các sinh hoạt, học tập, thực hành phải xoay quanh chủ điểm “Mừng Khánh Đản đức Phật Thích Ca”.

– Phật Pháp và Tinh thần: Học ôn, mở rộng hiểu biết về lịch sử đức Phật Thích Ca, về giáo pháp, lời dạy của Phật. Hiểu biết thêm chuyện Đạo, chuyện tiền thân của đức Phật,…

– Hoạt động thanh niên – Xã hội:

+ Thủ công: Làm lồng đèn, lẵng hoa, vẽ, sưu tầm tranh ảnh, tạo nặn hình tượng, làm mô hình (có ý nghĩa về Phật Đản) để trang hoàng cúng dường Đại Lễ.

+ Tổ chức đi tham quan Phật đài, dự các buổi lễ, cắm trại hộ lễ, làm công tác từ thiện xã hội,…

– Văn nghệ: Tập dượt bài hát để hát trong ngày lễ, làm bích báo, tập san với nội dung mừng Phật Đản. Tổ chức sinh hoạt hội diễn ca vũ kịch, triễn lãm tranh, tác phẩm mỹ nghệ do đoàn sinh sáng tác sưu tầm. Nếu có chủ trương và khả năng thiết kế làm thuyền hoa, xe hoa, cổng chào, cúng dường Phật Đản.

Trong sinh hoạt tập thể, mọi người cùng làm việc để thực hiện cho được mục tiêu. Kế hoạch được đưa ra thảo luận giữa người phụ trách với người học. Kế hoạch có những nội dung phù hợp với trình độ học tập của Đoàn sinh mỗi ngành. Các Đoàn nhóm nhận nhiệm vụ, tự tổ chức và tất cả thành viên cùng nhau thực hiện. Người phụ trách chỉ làm công việc theo dõi, nhắc nhở, hướng dẫn khi cần, có thể cung cấp tài liệu phương tiện cho các em.

10.1.2.3. Tiến hành các hoạt động chủ điểm

Theo tiến trình đi từ tổng quát đến phân tích, từ phân tích đến tổng hợp. Nghĩa là từ ý nghĩa, yêu cầu của ngày Đại Lễ, các Đoàn nhóm thực hiện liên tục các hoạt động về học tập, ôn luyện, thực hành hướng đến chủ điểm Mừng Khánh Đản. Các em được củng cố kiến thức, tiếp thu chặt chẽ tri thức mới và nhuần nhuyễn thực hành.

Phát huy tinh thần đồng đội, nâng cao chất lượng học tập của toàn thể, vừa rèn luyện uốn nắn cá nhân.

Những tri thức tiếp thu được là kết quả kinh nghiệm từ các hoạt động, việc làm của mọi người. Cá nhân có sổ ghi chép kết quả thu được. Đoàn nhóm có sổ ghi chép để tổng hợp kết quả thu lượm được của toàn nhóm. Đó là quyển sách của bài học thực tiễn mà mọi người có cảm tưởng do cá nhân và tập thể họ đã cố gắng lập nên. Kết quả đó là một thắng lợi rất quí báu mà họ giữ gìn và áp dụng trong học tập và trong đời sống Đạo.

Kết thúc chủ điểm cần có tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm, khen thưởng khích lệ để cổ súy tinh thần cho các chủ điểm giáo dục khác.

10.2. CÁC HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ HỌC TẬP VÀ THỰC HÀNH

10.2.1. Ý nghĩa

Đây là các hoạt động ngoại khóa cần tăng cường để hỗ trợ việc giáo dục vừa tạo không khí sinh động hấp dẫn cho sinh hoạt GĐPT. Sau khi phân phối bài học theo chương trình tu học, số buổi sinh hoạt tu học trong niên khóa vẫn còn thừa. Ngoài ra còn các ngày học sinh nghỉ lễ, nghỉ hè,… Chúng ta nên tận dụng các thời điểm đó để tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho việc tu học và thực hành của đoàn sinh. Thường là chương trình sinh hoạt ngoại khóa của các môn hoạt động thanh niên, văn nghệ và xã hội.

10.2.2. Hoạt động Thanh niên

10.2.2.1. Tham quan – Du ngoạn

Mục đích tổ chức đi tham quan để các em đoàn sinh thấy rõ hiện cảnh, mở rộng tầm nhìn, học hỏi thêm, tăng sự hiểu biết liên quan đến các bài đã học (hoặc sẽ học) ở Đoàn. Chẳng hạn như đi tham quan ngôi chùa, tháp, tượng đài, các cơ sở văn hóa từ thiện, xã hội Phật giáo,…

Huynh trưởng không những lo các thủ tục liên hệ, hành chánh, chương trình sinh hoạt mà còn phải chuẩn bị chu đáo cho việc học hỏi của đoàn sinh. Phải có đề cương hướng dẫn đoàn sinh: Những gì cần quan sát tìm hiểu, cần ghi chép đầy đủ sự việc đã hiểu biết (và ý tưởng nếu có) vào sổ ghi chép. Cho đoàn sinh biết sau tham quan sẽ có sinh hoạt ứng dụng,… Có như vậy đoàn sinh mới tích cực tìm hiểu đầy đủ chính xác theo mục đích yêu cầu của việc tham quan. Nếu không, những điều các em quan sát sẽ là những vụn vặt theo thị hiếu chẳng lợi ích gì cho việc học và hành.

10.2.2.2. Cắm trại

Tùy theo mục đích yêu cầu, có nhiều hình thức trại: Trại đoàn, trại gia đình, trại họp bạn nhiều đơn vị GĐPT, trại kỷ niệm, trại huấn luyện. Đã là huynh trưởng GĐPT thì ai cũng nắm được mục đích, nội dung sinh hoạt, cách tiến hành của việc cắm trại. Ngoài mục đích về ý nghĩa của trại, nhân cơ hội này huynh trưởng thực hiện:

– Kiểm tra kết quả học tập của đoàn sinh, cho các em thực hành những gì đã học ở Đoàn, bằng cách lồng vào các hoạt động như: Thi đua dựng lều làm thủ công trại, đố vui để học, trò chơi lớn, văn nghệ lửa trại,… để các em biểu hiện những hiểu biết, kỹ năng về các môn học.

– Đây là dịp Huynh trưởng chung sống gần gũi đoàn sinh nên tìm hiểu thêm tâm lý các em, hiểu rõ các em hơn để sau đó có phương cách giúp đỡ, uốn nắn.

10.2.2.3. Trò chơi

Trò chơi là những hoạt động vui chơi giải trí thư giãn, giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi về tinh thần, thể chất trong việc làm, học tập,… vừa là phương pháp rèn luyện thể, đức và trí dục.

“Học mà chơi, chơi mà học”, trò chơi có tác động luyện tập toàn diện cơ thể, đánh thức trẻ ý thức xã hội, thực hành những gì đã học và rèn luyện tính tình cá nhân. Ở GĐPT trò chơi ngoài vui chơi giải trí cần có những tính cách như sau:

– Đào luyện tinh thần cá nhân: Các đức tính như: Nhanh nhẹn, khéo léo, bình tĩnh, kiên trì, có ý chí, óc sáng kiến, tinh thần tập thể đoàn kết,…

– Thích ứng với khả năng về cơ thể, trí tuệ, độ tuổi (tránh rủi ro, phung phí nghị lực vô ích).

– Phật hóa, lành hóa cho phù hợp với tinh thần giáo dục GĐPT. Chọn trò chơi mà “vô ý thức” sẽ phản giáo dục có khi làm nẩy nở những tật hư tính xấu ở trẻ.

Các hình thức và ứng dụng

– Trò chơi nhỏ: Trò chơi trong phạm vi nhỏ, các hoạt động đơn giản ngắn hạn,… Sử dụng vào các sinh hoạt của GĐPT để tạo không khí vui vẻ, thích thú cho trẻ, đem lại sự tỉnh thức, thích học thích làm hơn. Chẳng hạn như: Cho trò chơi trước buổi học để tạo sự hứng khởi cho các em bắt đầu công việc học tập, vừa kiểm tra đánh giá sự hiểu biết của các em bài học trước. Giữa buổi sinh hoạt hay học tập để đánh thức trẻ khỏi tình trạng uể oải lơ đãng. Sau buổi sinh hoạt học tập để giải tỏa sự căng thẳng mệt mỏi vì chú tâm gắng sức trong công việc, vừa có tính cách củng cố bài học một cách nhẹ nhàng, vui vẻ,…

– Trò chơi lớn: Trò chơi tổ chức với quy mô lớn, nhiều người, nhiều tập thể tham gia, có chương trình, phương án, sử dụng nhiều phương tiện để thực hiện. Trò chơi lớn lâu lâu mới thực hiện. Sau một giai đoạn tu học, tổ chức một cuộc trò chơi lớn (hoặc trong các dịp du ngoạn, hội trại, khóa huấn luyện,…) nhằm mục đích cho trẻ vui chơi, thay đổi không khí sinh hoạt, vừa luyện tập tính tình, ôn tập kiến thức kỹ năng đã thu hoạch được.

10.2.2.4. Thể dục – Thể thao

Thể dục – Thể thao nhằm mục đích tập cho trẻ ưa hoạt động, thích các môn thể thao để có sức khỏe, lành mạnh thể chất và tinh thần, có nhiều đức tính tốt, giúp trẻ sống và học tập tốt hơn. GĐPT cần tăng cường hoạt động này để tạo không khí sinh động, hấp dẫn cho sinh hoạt của tổ chức.

Ngoài những bài tập thể dục theo chương trình tu học, GĐPT nên tổ chức các sinh hoạt thể thao thể dục như bóng đá, bóng chuyền, vũ cầu, chạy maraton, võ thuật,… Mỗi đơn vị, gia đình hoặc liên gia đình có thể thành lập những đội thể thao, tổ chức đấu giao hữu (không có tính cách ganh đua),…

Cần chú trọng việc chọn môn thích hợp về tâm sinh lý cho đoàn sinh. Chẳng hạn như môn bóng đá, bóng chuyền chỉ cho các em có thể lực tham gia. Các em thể lực kém và tùy sở thích cho tham gia các môn bóng bàn, vũ cầu, thể dục nhịp điệu,… Các môn võ thuật sử dụng binh khí không nên cho các em tham gia, chỉ tham gia các môn có tính cách luyện tập sức khỏe và tự vệ.

10.2.3. Các hoạt động Văn nghệ

10.2.3.1. Bích báo – Tập san

Sau một giai đoạn sinh hoạt học tập và vào dịp lễ, các đoàn, đội làm một tờ bích báo (hoặc tập san nhỏ) với sự đóng góp bài của huynh trưởng và đoàn sinh. Chủ đề liên quan đến nội dung đã học tập hoặc hướng đến ý nghĩa ngày lễ, ngày kỷ niệm. Tập san do đơn vị GĐPT thực hiện vào các dịp lễ lớn, kỷ niệm ngày thành lập,… gồm các tác phẩm văn thơ, kể chuyện, tường thuật, ký họa,…

10.2.3.2. Trưng bày – Triển lãm

Nếu có phòng trưng bày thì tốt hoặc một góc của đoàn quán để treo, sắp đặt các tác phẩm văn thơ, hội họa, thủ công mỹ nghệ, cất giữ tài liệu sưu tầm, thu nhặt được của Huynh trưởng và Đoàn sinh. Việc này chỉ có lợi ích nếu ta làm thường xuyên và luôn bổ sung đổi mới. Đây là một “Bảo tàng tí hon” nói lên sự hoạt động tinh thần của toàn thể đơn vị gia đình.

Tổ chức các cuộc triển lãm nhỏ trình bày “sức sống” của đơn vị vào những dịp lễ, hội trại, ngày kỷ niệm…

Các Ban hướng dẫn Phân ban nên phát động tổ chức các cuộc triển lãm tác phẩm văn hóa Phật giáo và GĐPT, các buổi trình diễn văn nghệ (như văn nghệ cúng dường Phật đản) với sự tham gia hợp tác của các đơn vị gia đình Quận hoặc Tỉnh.

10.2.4. Các hoạt động xã hội

Ngoài các tiết học theo chương trình môn xã hội, GĐPT nên tăng cường các hoạt động xã hội để huynh trưởng và đoàn sinh trực tiếp với thực tế cuộc sống, thể hiện hạnh từ bi, đem vui cứu khổ, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Hiện nay GĐPT đã tham gia nhiều công tác từ thiện xã hội như: Hiến máu nhân đạo, giúp đỡ phòng ngừa (Bệnh AIDS – giúp đỡ trẻ vùng sâu vùng xa). Những việc này cần phát triển đồng bộ trong GĐPT và triển khai các mặt hoạt động xã hội khác (Các công cuộc từ thiện, cứu trợ, các việc làm tạo điều kiện sống tốt cho người).

Điều động đoàn sinh tùy theo công việc. Những việc nhẹ, dễ cho Oanh vũ, các việc cần đến thể lực tháo vác cho các đoàn sinh ngành Thiếu, ngành Thanh.

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 09 năm 2024
20
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 6
Ngày Đinh Hợi
Tháng Quý Dậu
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
18
Tháng 08
Kiên Giang