Chánh Tín và Mê Tín

G

HT Thích Thanh Từ

Phật là gì?

Phạn ngữ gọi Phật là Buddha, dịch nghĩa là Giác Giả, tức "người giác ngộ". Nên biết nói tới Phật là nói tới sự giác ngộ, mà giác ngộ bằng trí tuệ chớ không phải bằng lòng tin. Song, ngày nay Phật tử đi chùa phần nhiều vì lòng tin hơn là vì giác ngộ. Đó là cái đau của chúng ta. Nguyên đạo Phật là đạo giác ngộ, mà Phật tử đến với đạo Phật bằng lòng tin thì đã làm mất hết giá trị của đạo Phật, thật đáng buồn!

Phật là một vị giác ngộ, mà giác ngộ là thấu triệt được lý nhân sinh v.v… chớ không phải giác ngộ theo nghĩa thông thường của người thế gian.

dansinholong

Đạo Phật là gì?

Đạo là phương pháp, là con đường ; Phật là sáng suốt, là giác ngộ.

Vậy, đạo Phật là phương pháp dạy cho chúng ta được sáng suốt, giác ngộ. Nên đạo Phật có giá trị là đem lại cho mọi người trí tuệ sáng suốt chớ không phải đem lại cho mọi người lòng tin. Đạo Phật đã lấy trí tuệ, lấy giác ngộ làm gốc, thì tại sao trong đạo Phật chấp nhận mê tín được? Nhưng hiện nay Phật tử chúng ta đến với đạo Phật để mở sáng trí tuệ thì rất ít, mà đến với đạo Phật bằng lòng tin, bằng cầu xin thì rất nhiều. Cho nên có một thời người trí thức nhìn đạo Phật như là một đạo mê tín. Phê bình như vậy có oan cho đạo Phật không? Đạo Phật dạy một đàng mà Phật tử làm một nẻo nên bị người ta phê bình sai lầm.

Thế nào là mê tín?

Mê tín là tin một cách mờ mịt sai lầm, không hợp với lẽ thật. Đạo Phật lẽ ra không phải mê tín, tại sao trở thành mê tín? Để giải thích điều này cho tỏ tường thì phải nói dài dòng lắm. Ở đây, tôi xin nói tắt: đó là vì đạo Phật khi truyền sang các xứ ở phía bắc Ấn Độ như Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Triều Tiên… thường gọi là đạo Phật Bắc truyền, hoặc còn gọi là Phật Giáo Đại thừa, hay gọi theo các nhà sử học Phật Giáo là đạo Phật phát triển. Phật Giáo Phát triển khi du nhập vào xứ nào thì thường hòa nhập vào văn hóa, tín ngưỡng bản địa, vì vậy mà Phật giáo Bắc truyền thường bị pha trộn ít nhiều màu sắc tín ngưỡng của địa phương.

phuong

Bởi do sự hội nhập của Phật giáo ban đầu hòa vào tình người bản địa, nên sự tin tưởng không đúng như đạo Phật gốc. Việc mê tín này không chỉ người quê dốt mới mê tín, mà có khi giới trí thức cũng mê tín như thường. Vì sao tín ngưỡng dân gian thường ẩn chứa sự mê tín? Là vì tín ngưỡng dân gian xuất phát từ những sợ hãi của con người trước các nỗi khổ mà con người thường xuyên phải chịu như: đói, rét, nóng, mưa bão, lụt lội, nắng nóng, khô hạn v.v…Từ đó họ tưởng tượng ra các vị thần ban phước giáng họa cho họ như: ngọc hoàng, thượng đế, diêm vương, thần tài, thổ địa, thần gió, thần mưa, thần sấm v.v… Nhưng thực tế có ai thấy ngọc hoàng, thượng đế, nam tào, bắc đẩu… nào xuống trần gian để răn kẻ ác thưởng người hiền không? Cũng vậy, có ai thấy quỷ sứ, diêm vương, ngưu đầu, mã diện… nào đến bắt hồn ai không? Nếu chúng ta tin có một đấng thiêng liêng cầm cân nẩy mực để ban phước giáng họa, thì cái tin đó có đúng sự thật không? Tin vào những người mà mình hoàn toàn không biết gì hết thì thật là dại dột. Hiện giờ, người Phật tử chúng ta có tin như thế không? Ngoài ra, bói toán, xem tay xem tướng, coi hướng xây nhà xây bếp, coi ngày giờ tốt xấu, coi tuổi tốt tuổi xấu… cũng là những thứ mê tín mà Phật chưa bao giờ dạy. Hiện nay chúng ta mắc phải mê tín rất nhiều. Lý do, một là vì lòng tham, hai là do sợ hãi, ba là tại si mê. Ba thứ đó là ba cái nhân của mê tín.

Thế nào là chánh tín?

Chánh tín tức là Phật pháp. Người nào tin và thực hành theo lời Phật dạy tức là chánh tín. Phật pháp thì rất nhiều và rất rộng. Ở đây tôi chỉ nói nền tảng của đạo Phật là "Lý Nhân quả".

Nhân quả có hai phần: chánh nhân và trợ nhân.

Chánh nhân là nhân; trợ nhân là duyên.

Trợ nhân có hai phần phụ: thuận nhân, nghịch nhân cũng gọi là thuận duyên, nghịch duyên. Thí dụ như người nông dân trồng lúa thì hạt giống lúa là chánh nhân. Nhưng nếu có hạt giống mà không có đất, không có nước, không có công chăm bón… thì hạt lúa sẽ không nẩy mầm, tăng trưởng thành cây lúa và trổ bông được.

Nhân quả là lẽ thật, có thể gọi là chân lý phổ biến. Tuy nhiên, với tầm nhìn hạn hẹp hoặc do thiếu trí mà chúng ta không thấy hết sự diễn biến của nhân quả. Thí dụ như có người than "Tôi ở tốt với người đó mà sao họ toàn đem điều xấu đến cho tôi" Tôi xin kể trường hợp như sau:

-Lúc trước có người đem cho tôi một số hạt hoa quý. Tôi gieo xuống đất, hằng ngày tưới nước đầy đủ. Nửa tháng sau chúng mọc lên xanh mướt. Tôi mừng lắm. Nhưng một tháng sau coi lại toàn là cỏ chớ không phải cây hoa. Tôi thất vọng, nghĩ mình trồng hoa mà tại sao lên toàn là cỏ? Hóa ra vì tôi quên rắc thuốc trừ kiến nên bọn kiến âm thầm tha hết hạt giống hoa đem về tổ làm thức ăn. Tôi lo tưới nước mỗi ngày mà không ngờ mình nuôi toàn là cỏ!

-Trường hợp thứ hai: Có người bác nuôi mấy đứa cháu mồ côi, con của em trai mình. Người bác cũng thương và cho ăn học đàng hoàng, nhưng mỗi khi con mình và các cháu đi xem chiếu bóng thì ông cho con mình hai mươi ngàn, cho cháu chỉ mười ngàn. Tới khi lớn lên, những người cháu này không thương, không trọng ông bác nữa. Ông bác đâm ra bực bội: tại sao mình nuôi nấng cho nó ăn học, đối xử tốt với nó mà bây giờ nó xấu với mình?

13412 new life plant grow green hope wide 1200w tn

Do đó, mặc dù có chánh nhân nhưng nếu không có trợ duyên hoặc trợ duyên không tốt thì kết quả có thể thay đổi. Như vậy, nhân quả trong cuộc sống không đơn giản như ta nghĩ. Không phải làm điều tốt thì mọi việc tốt sẽ đến với mình. Nhiều người không hiểu cứ hỏi tại sao nhân tốt mà quả không tốt. Nhân quả trùm khắp thế gian, chân thật chớ không phải tưởng tượng ảo huyền. Chúng ta gieo nhân tốt và luôn trợ duyên tốt thì kết quả sẽ tốt. Vậy, quả tốt quả xấu đến với chúng ta rõ ràng đâu phải do các đấng thiêng liêng nào ban cho. Chúng ta là chủ để tạo những điều tốt, điều xấu. Chúng ta cũng là chủ để nhận nhũng quả tốt, quả xấu. Như vậy, quyền tạo và hưởng là quyền của mình. Hiểu được nhân quả, chúng ta thầy cuộc sống thật dân chủ. Vì chính mình có quyền tạo nhân tốt và chính mình có quyền hưởng quả từ nhân đã tạo.

Lại nữa, nhân muốn thành quả còn phải có thời gian. Thí dụ: chúng ta gieo hạt lúa xuống ruộng thì ít ra ba, bốn tháng sau mới có trổ bông (quả). Tùy theo nhân duyên đủ hay thiếu mà trổ quả nhanh hay chậm. Người hiểu và tin nhân quả là người sống có trách nhiệm với mọi người. Tin nhân quả như vậy gọi là chánh tín.

Trong Kinh A Hàm có ghi lại câu chuyện sau đây:

Một hôm, có các thầy Ba la môn đến hỏi Phật: "Thưa ngài Cồ Đàm, đệ tử ngài sau khi chết, ngài có thể cấu nguyện cho học sinh về cõi lành được không?"

Phật không trả lời mà hỏi lại: "Đệ tử của các ông chết, các ông có thể cầu nguyện sanh về cõi lành được không?"

Các vị ấy nói: Được!

Đức Phật liền dùng thí dụ như có cái giếng sâu, một người lăn cục đá lớn để trên miệng giếng, rồi mời vài chục thầy Bà la môn đến hỏi "Tôi xô hòn đá này xuống giếng, quý thầy cầu nguyện cho nó đừng chìm được không?" Các thầy Bà la môn lắc đầu. Phật hỏi tại sao? Các vị ấy trả lời vì đá nặng chìm tận đáy giếng, dù cho có một ngàn người cầu cũng không được.

Phật lại dùng thí dụ thứ hai: Như có người đem dầu rưới xuống miệng giếng và yêu cầu hai, ba mươi thầy Bà la môn tới cầu nguyện cho dầu chìm xuống tận đáy giếng được không? Các thầy Bà la môn lắc đầu. Phật hỏi tại sao? Các vị ấy trả lời "Vì dầu nhẹ nên phải nổ. Dù có bao nhiêu người cầu nguyện cũng không thể làm cho dầu chìm được!"

Phật nói: "Cũng vậy, nếu người làm lành làm thiện, dù cho các ông cố cầu cho họ bị đọa địa ngục, họ cũng không đọa. Còn người làm ác, nhiều tội lỗi, dù cho các ông có cầu nguyện mấy cũng không thể khiến họ chỗ lành được!"

Su that ve cuoc doi 5 1

Thế nên biết, người chánh tín là người có trí huệ, can đảm, dám chịu trách nhiệm và ít tham lam. Người như vậy có tu chưa? Tu rồi! Tu là nhận định đúng, sống đúng, chớ không phải tu là ăn chay cho nhiều, cầu nguyện cho nhiều. Cho nên, người chánh tín là người sáng suốt, tự lực, can đảm, tự chủ. Ngược lại, nếu mê tín thì sẽ chuốc lấy những điều tai hại như sau:

-Một là mù tối, không có trí tuệ

-Hai là ỷ lại quỷ thần

-Ba là yếu đuối, không tự chủ, không gan dạ

-Bốn là bị tha hóa, bị lệ thuộc vào đáng này, đấng kia v.v…

Như vậy, chánh tín, mê tín có những lợi hại hết sức rõ ràng. Qua đó, chúng ta thấy chánh tín là sức mạnh của cuộc sống. Nếu người Phật tử hiểu đạo Phật đúng như vậy mới thấy giá trị của đạo Phật rất cao. Phật tử ngày nay vì chưa hiểu được như vậy, khiến cho đạo Phật bị hiểu nhầm là mê tín. Đó là lỗi của những vị thiếu nghiên tầm, thiếu hiểu biết.

 

(Diệu Trang tóm lược)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
20
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 4
Ngày Mậu Tý
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
20
Tháng 10
Kiên Giang