Chắc Cà Đao – một miền quê vừa quen vừa lạ.

G

Hơn 300 năm khẩn hoang đất lành phương Nam vẫn còn ẩn chứa nhiều giai thoại dân gian độc đáo như địa danh Chắc Cà Đao trong ca dao Nam Bộ cứ làm liên tưởng đến một vùng đất xa xôi, hoang vắng nghe cứ vừa quen vừa lạ.

Đi giữa miền chắc mấy lần sẽ nghe câu ca dao dân dã:

“Em là gái Chắc Cà Đao
Xứ quê xa lắm anh nào có hay
Thương anh còn một chút này
Gửi thuyền cho bến, gửi mây cho trời…”
Hay
“Làng quê tên Mặc Cần Dưng
Hướng lên Châu Đốc nửa chừng cầu cao.
Dưới kia là Chắc Cà Đao,
Cách tám cây số không sao lạc đường.”

Những câu ca dao mộc mạc ngọt ngào như miền quê có tên gọi Chắc Cà Đao. Vậy thì Chắc Cà Đao ở đâu ? Nghe cứ tưởng quen mà khi hơi Chắc Cà Đao ở đâu nhiều người cứ mường tượng đó là một nơi xa lơ xa lắc ở đâu đó của vùng đồng bằng sông nước như những người chân quê mến khách ngay cả người miền Tây chính gốc cũng có đôi chút mơ hồ.

Cầu Chắc Cà Đao nối liền đôi bộ kênh Chắc Cà Đao này chính là minh chứng cho sự tồn tại của làng Chắc Cà Đao ngày trước.

Về nguồn gốc tên gọi Chắc Cà Đao có nhiều giả thiết. Cụ Vương Hồng Sển trong cuốn Tự vị quốc âm miền Nam nói có hai cách lý giải:

  • Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng Chắc Cà Đao là do tiếng Khmer “chắp kdam” nghĩa là “bắt cua” vì vùng này xưa kia có nhiều cua.
  • Nhà nghiên cứu Sơn Nam nói Chắc Cà Đao là từ tiếng Khmer “prek pedao”. “Prek” là rạch, “pedao” là một loại dây mây (trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam thì Sơn Nam nói prek pedao là rạch có cây rừng mọc).

Cụ Vương Hồng Sển cho rằng ý kiến ông Nguyễn Văn Đính đúng hơn. Có lẽ vì so với Chắc Cà Đao thì “chắp kdam” gần âm hơn là “prek pedao”. Tuy nhiên, theo cách nói của ông Nguyễn Văn Đính thì ta biết “chắp kdam” là một động từ, mà trong việc đặt tên cho các địa danh, người ta ít sử dụng động từ mà thường sử dụng danh từ hơn. Do đó, cách lý giải của nhà nghiên cứu Sơn Nam lại nghe có vẻ hợp lý hơn.

Chac Ca Dao Mot Mien Que Vua Quen Vua La 1

Lịch sử ghi nhận rằng:

” Năm 1699, vua Chân Lạp là Nặc Thu (Ang Saur, có sách ghi Nặc Ong Thu – Chey Chettha IV) đem quân tiến công Đại Việt. Trước đó, năm 1689, anh trai của Nguyễn Hữu Cảnh là Nguyễn Hữu Hào đã theo lệnh chúa Nguyễn đi bình định Nặc Thu nhưng không thành công.

Chúa Nguyễn Phúc Chu lại cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh, cùng với Phó tướng Phạm Cẩm Long, Tham tướng Nguyễn Hữu Khánh đem quân lính, thuyền chiến hợp cùng tướng Trần Thượng Xuyên lo việc đánh dẹp và an dân. Và thủy binh của Nguyễn Hữu Cảnh đã tiến thẳng đến thành La Bích (Nam Vang), đánh tan quân của Nặc Thu.

Sau khi vua Chân Lạp qui hàng, Nguyễn Hữu Cảnh cho thuyền ghé lại thăm nom, khích lệ dân chúng, dù Khmer, Hoa hay Việt, hãy cùng nhau gìn giữ tinh thần thân thiện, tắt lửa tối đèn có nhau. Những hành động khoan hòa, thiết thực, những cử chỉ ưu ái thật lòng của ông đã làm cho đồng bào vô cùng cảm mến.

Tháng 4 năm Canh Thìn (1700), Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao (sử cũ gọi Cù lao Sao Mộc hay Tiêu Mộc hoặc châu Sao Mộc, sau dân địa phương nhớ ơn ông, nên gọi là Cù lao Ông Chưởng, nay thuộc Chợ Mới, An Giang), và báo tin thắng trận về kinh.

Ở đây một thời gian ông bị “nhiễm bệnh, hai chân tê bại, ăn uống không được. Gặp ngày Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khuyến lạo tướng sĩ, rồi bị trúng phong và thổ huyết, bịnh tình lần lần trầm trọng.

Ông được lệnh Triều Đình kéo binh về.

Trước khi rút binh, ông triệu tập binh lính dưới trước tuyên bố, ai muốn giải giáp ở lại khai hoang lập nghiệp ở vùng đất này thì ở lại, khai khẩn được bao nhiêu sẽ tâu với triều đình cấp đất lập làng.

Lúc đó, một số binh sĩ xin được giải giáp ở lại, trong đó có 04 gánh họ lớn là : Lê, Lý, Phan, Nguyễn kéo đến vùng đất cặp sông Hậu khai khẩn và lập nên Làng Bình Phú và đứng đầu là vị quan Tuần Phủ (Thái văn Huấn) dưới trướng Của Chưởng Binh Lễ Nguyễn Hữu Cảnh cai quản.

Do địa hình phức tạp, rừng và sông ngòi chằng chịt, phương tiện giao thông khó khăn, nên hàng năm vào ngày giỗ của Quan Chưởng Binh Lễ ( được lập đền thờ trong Làng) nhiều vị quan chức các thôn đến trễ nên bị trách phạt.

Đến năm 1890 các vị hương chức ở thôn Mặc Cần Dưng xin phép Quan Phủ được tách làng lấy tên là Làng Bình Hòa.

Học hỏi các vị làng Bình Hòa, đến năm 1891, 4 họ Lê, Lý, Phan , Nguyễn cũng xin được tách ra với làng Bình Phú và được chấp thuận lấy tên là Làng Hòa Bình Thạnh ( lấy con rạch Chắc Cà Đao làm trung tâm)
Đến năm 1892 thì xây dựng Ngôi Đình Làng để làm nơi làm việc của các Hương Chức và là nơi tụ tập sinh hoạt của dân làng.

Sau năm 1975 thì làng Hòa Bình Thạnh được tách ra làm 3 Xã : An Châu, Hòa Bình Thạnh, Vĩnh Lợi. 3 Xã này lấy Ngôi Đình Hòa Bình Thạnh làm nơi tụ tập sinh hoạt và tín ngưỡng.

Đình Thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh và là nơi tưởng nhớ các bậc Tiền Nhân có công sáng lập Làng.”

Chac Ca Dao Mot Mien Que Vua Quen Vua La 2

Ngày giải phóng khoảng năm 1980 xã Hòa Bình Thạnh ( tức làng Chắc Cà Đao) được chia tách thành thị trấn An Châu, xã Hòa Bình Thạnh, và xã Vĩnh Lợi đều thuộc huyện Châu Thành tỉnh An Giang. Dù nhiều lần thay tên nhưng người dân vẫn quen gọi nơi này là làng Chắc Cà Đao theo tên gọi của cây cầu và con rạch nay là tên Chắc Cà Đao.

Từ khoảng 1980 trở về trước người dân ở Chắc Cà Đao sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh bắt thủy sản, xung quanh ở nơi đây đa phần là ruộng.

Về Chắc Cà Đao hôm nay vùng đất quê nghèo có tên Chắc Cà Đao đã là chuyện của ngày xưa những dải đất hoang cằn cỏi, bùn lầy trong lời kể nay đã được phủ xanh bởi những cánh đồng trù phú cò bay thẳng cánh. Đúng là “người mến đất, đất chẳng phụ người” chỉ tiếc là chẳng có người nào còn lưu giữ lại hình ảnh về làng Chắc Cà Đao năm cũ.

Kênh Chắc Cà Đao dài chừng 15 cây số chảy qua thị trấn An Châu, xã Bình Hòa Thạnh và xã Vĩnh Lợi. Là một chỉ lưu của sông Hậu nên nước kênh Chắc Cà Đao đổi sắc theo mùa xanh trong từ tháng 1 đến tháng 6 âm lịch, thời gian còn lại thì chuyển màu phù sa như bao con kênh con rạch ở đồng bằng khác. Dù là mùa nào thì dòng kênh Chắc Cà Đao vẫn hiền hòa như dòng sữa mẹ, ngọt ngào hết lòng yêu thương ưu ái đất lành .

Người cũng mến sông nên tụ hội cuộc sống ngày càng sung túc hàng quán bên đường luôn tấp nập rộn ràng. Hai bên bờ kênh nổi bật bởi màu đỏ tươi của rạch. Một nghề từng ăn nên làm ra từng làm nên sức sống của vùng đất một thời chiến tranh, lạc hậu, nghèo nàn.

Đình thần An Châu ( Hòa Bình Thạnh) là chứng nhân văn hóa của vùng đất này. Ngược dòng lịch sử đình được xây dựng năm 1892 nhân kỷ niệm một năm thành lập làng Chắc Cà Đao. Việc giữ đình mang ý nghĩa xác lập văn hóa tín ngưỡng trên vùng đất mới, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để người dân làm ăn sinh sống. Ban đầu đình xây dựng đơn sơ bằng gỗ, lợp lá, nền đất chủ yếu từ kinh phí đóng góp của người dân địa phương. Sau khi xây dựng ban hương chức hội tề có cử hai vị mang tấm long bài ra triều đình Huế cầu thỉnh chúa bang sắc phong. Lúc bấy giờ Vua Thành Thái chưa 14 tuổi chưa đủ tuổi chấp chánh, nên quan chánh phủ trông coi bảo quan hội tề hãy về thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh chờ vua chấp chánh sẽ ký sắc phong Thần. Triều đình không có sắc phong nhưng trải qua hơn 100 năm tồn tại ngôi làng trở thành chứng nhân cho làng Chắc Cà Đao xưa, lưu giữ sinh hoạt lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương, là địa chỉ tâm lo linh cho nhiều thế hệ. Ngôi đình đơn sơ vách lá năm nào nay được xây khang trang, chánh điện khắc chạm nhiều liễng đối, rồng phượng đẹp mắt. Những dịp hội đình như Lễ Hạ Điền tháng 12 âm lịch, lễ kỷ niệm tháng 2 âm lịch, Tết Đoan ngọ, các ngày rằm lớn người về hội đông đúc, rộn ràng báo hiệu cuộc sống no ấm, thịnh vượng, sung túc người người về thăm dấu xưa “ôn cố tri tân”

Chắc Cà Đao hôm nay ta đã thấy làng quê khởi sắc cá tôm được mùa, vườn cây trĩu quả, cuộc sống ấm no. Miền quê xa trong câu ca dao ngày nào thực sự chỉ còn còn dĩ vãng.

Người Chắc Cà Đao với tinh thần lao động bền bỉ, nối tiếp truyền thống khẩn hoang lập nghiệp của cha ông luôn ý thức giữ gìn tâm huyết của bao lớp người.

Tài liệu tham khảo:

  • Ông Đặng Hoài Dũng – Chủ tịch hội Lịch sử khoa học tỉnh An Giang.
  • Tự vị quốc âm miền Nam- Vương Hồng Sển.
  • Gia Định Thành thông chí – Trịnh Hoài Đức
  • Đại Nam thập lục tiền biên
  • Đại Nam liệt truyện
  • Ban hương chức đình thần An Châu ( An Giang )
  • Bản đồ đồng bằng sông Cửu Long


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
27
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Thìn
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 06
Kiên Giang