Khi hoàng hôn buông xuống, thay vì như thường lệ theo mẹ đi rửa tay chân, thay áo quần và lên giường nằm ngủ, Đăng lại rơi vào những khoảng trống vắng lạnh lùng. Giấc ngủ của chú bé xa nhà được bắt đầu từ những suy nghĩ về cha mẹ, rồi anh chị, rồi bạn bè… Thỉnh thoảng chú bé lại bậm môi khóc lên vì sợ đánh động những người chung quanh. Cứ như thế , Đăng trằn trọc suốt đêm cho đến khi mệt lả người và chìm vào giấc ngủ.
Ngày qua ngày, chú bé chỉ sống với ký ức về tình yêu thương của cha mẹ. Trong những lúc học kinh hay hành lễ, nhìn vào đâu, em cũng thấy hình ảnh của cha mẹ và những người thân quen. Có khi gương mặt của đức Phật trên tòa sen phảng phất hương trầm, bỗng phút chốc biến thành gương mặt quen thuộc yêu thương của mẹ. Trong những lúc như thế, Đăng òa khóc mà chẳng hiểu tại sao. "Mình đã gặp Phật, Phật là mẹ hay mẹ là Phật?" Em thầm tự hỏi.
Những cảm nhận và kinh nghiệm đầu tiên này đã thực thụ dạy cho Đăng biết thế nào là giá trị của tình yêu thương. Và có lẽ đây cũng là bài học đầu tiên về giá trị của đời người mà em đã tự mình thấu hiểu.
Mỗi tuần vào ngày chủ nhật, Đăng xin phép sư phụ về thăm ba mẹ. Trên đường về nhà, chú bé thường ghé vào quán ở đầu đường để thăm bà chủ quán, một ngưới rất thương Đăng. Mỗi lần ghé vào, bà thường cho Đăng bánh kẹo. Em nhận nhưng không ăn mà bỏ vào cái túi xách đeo trên vai, và lấy đó để làm quà tặng cho ba mẹ và mấy em. Đăng rất vui sướng khi được nhận và cho, và xem đó như một việc làm hiếu đạo của một chú bé xa nhà.
Thời gian trôi qua, thấm thoát đã ba năm rồi, nhưng cái ngày chủ nhật yêu dấu đó của Đăng vẫn không thay đổi; vì đó là cơ hội duy nhất để chú bé vừa đeo đuổi lý tưởng trở thành tu sĩ của mình, lại vừa giúp em không đánh mất tình yêu thương nồng ấm của ba mẹ và gia đình. Và cũng chính cái ngày chủ nhật đó là ngày mâu thuẩn nhất trong cuộc đời của chú : "Tại sao mình vừa ước mong trở thành một tu sĩ sống đời phạm hạnh, giải thoát; rồi lại muốn quay về sống với tình yêu của mái ấm gia đình ?" Đấy là điều mâu thuẩn thường diễn ra trong đầu óc chú.
Thế rồi, vào một hôm chủ nhật mùa Đông, cảnh vật trông có vẻ lặng thinh, không vui, không buồn. Trên đường về nhà, như một thói quen đã chìm sâu trong tâm thức, Đăng ghé vào quán ở đầu đường để thăm bà chủ quán. Cũng như thường lệ, bà cho chú bánh kẹo và có kèm những đồng tiền lẻ. Nhưng buổi trò chuyện hôm nay sao có vẻ không bình thường. Nó trôi qua một cách chậm chạp và tĩnh lặng. Bà chủ quán hôm nay ít nói, đôi mắt bà nhìn Đăng như muốn thông báo một tin buồn nào đó. Đôi mắt chú giật liên hồi, chú cảm nhận một sự bồn chồn lo lắng mỗi lúc một tăng lên. Cuối cùng, không thể cầm lòng, chú hỏi :
-Bà sao thế ?
-Cháu đã hay tin gì chưa ?
-Tin gì vậy ? Cháu chưa nghe
-Em của cháu đã chết sau một căn bệnh ngặt nghèo cách đây năm hôm.
Đăng nghe xong, vụt đứng lên chạy nhanh về nhà, không kịp nói lời từ giã bà chủ quán.
Mặt đẫm mồ hôi hòa với nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt đau đớn, Đăng chạy vào nhà với mấy cái bánh còn trên tay. Chú quỵ xuống, ôm lấy chiếc bàn thờ xiêu vẹo dựng ở một góc nhà. "Em ơi !… Em ơi !… Mẹ ơi !… Mẹ ơi! Sao mẹ không cho con biết ? Chú khóc tức tưởi, cuống cuồng. Thật tội nghiệp cho Đăng, đây là lần đầu tiên chú đối mặt với vô thường, một sự thật của cuộc đời mà chú cứ ngỡ cuộc đời là trường tồn và vĩnh hằng.
Mãi về sau này, khi Đăng đã thực thụ là một tu sĩ, anh mới vỡ lẽ rằng :
Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.”
Dịch nghĩa:
Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương, như chớp loé,
Hãy quán chiếu như thế.
(Kinh Kim Cang)
Như Chiếu
(GĐPT Bình Định)