BẢN NĂNG và ĐẠO ĐỨC (tiếp theo)

G

Đạo đức Phật giáo (ĐĐPG) sở dĩ được giới khoa học trí thức đánh giá là nền đạo đức ưu việt, là mẫu mực của tương lai nhân loại vì ĐĐPG có những đặc điểm sau đây:

1. ĐĐPG xuất phát từ sự giác ngộ các chân lý về vũ trụ và nhân sinh:

Đức Phật Thích Ca được người đời xưng tụng là Bậc Chánh biến tri vì Ngài là người duy nhất biết rõ tất cả quy luật của vũ trụ và đời sống con người trên hành tinh này. Những phát hiện của Ngài như : luật Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi, thuyết Duyên khởi, sự thật về Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã v.v… đều là những định luật  tự nhiên. Vũ trụ này, thế giới này bắt đầu hình thành và vận hành đều tuân theo những quy luật ấy. Toàn bộ đời sống con người cũng bị chi phối bởi những nguyên lý ấy.

ĐĐPG được thiết lập trên nền tảng nhận ra các chân lý khách quan và sống thuận theo các chân lý ấy, đó là lối sống Trung đạo, không chê bỏ cuộc đời nhưng cũng không tham đắm vật chất theo bản năng của con người. Bởi vì ĐĐPG được thiết lập trên các giá trị chân lý của vũ trụ và nhân sinh nên nó có giá trị tuyệt đối, vượt mọi không gian và thời gian. Nhân loại càng văn minh thì càng nhận ra giá trị từ những lời dạy của Như Lai, cũng tức là nhận ra giá trị của ĐĐPG.

2. ĐĐPG không phải là giáo điều của đạo Phật nhằm bắt tín đồ tôn thờ và phục vụ cho Đức Phật hay cho giới Tăng sĩ Phật giáo:

Đây là giá trị thứ hai của ĐĐPG, làm cho đạo Phật khác xa với các tôn giáo nhất thần và đa thần khác trong đời sống nhân loại. Đức Phật thường tuyên bố :”Những sự thật mà Như Lai phơi bày, giới thiệu, truyền dạy trong suốt 45 năm không phải do Như Lai sáng tác ra. Đó là những chân lý vốn có của vũ trụ và nhân sinh, dù cho chư Phật có ra đời hay không thì những chân lý ấy cũng đã có sẵn mọi lúc mọi nơi. Chư Phật chỉ là người chỉ bày các chân lý ấy cho mọi người được biết mà thôi”.

ĐĐPG mang tính khách quan tuyệt đối và do đó đầy chất cao thượng. Người Phật tử có thực hành ĐĐPG hay không cũng không có tội lỗi gì đối với Đức Phật cả. Có chăng là tội lỗi đối với chính bản thân người ấy, vì mỗi hành vi bất thiện sẽ cấu thành nghiệp dữ đeo đuổi người ấy đời này qua đời khác, và đến khi nhân duyên đã chín muồi nghiệp dữ sẽ biến thành nỗi đau khổ bất hạnh mà người ấy phải gánh chịu.

ĐĐPG không giống như giáo điều của các tôn giáo khác nhằm mục đích nô lệ hóa tín đồ, bắt họ phải tôn thờ vị giáo chủ và các giáo sĩ một cách vô điều kiện như hình ảnh một đàn cừu tuyệt đối vâng lời người mục đồng vậy.

3. ĐĐPG cao hơn, tuyệt đối hơn luân lý đạo đức thông thường :

Con người khác với các loài động vật khác ở chỗ: con người có nền luân lý đạo đức trong khi các loài động vật khác chỉ biết sống theo bản năng. Luân lý đạo đức đã làm nên giá trị nhân văn của loài người, tuy nhiên, nếu so sánh luân lý đạo đức thông thường với ĐĐPG thì sẽ thấy ngay sự chênh lệch về tính chất cao thượng tuyệt đối của ĐĐPG so với nền luân lý đạo đức thông thường.

Xin đưa ra một vài thí dụ để chứng minh :

-Luân lý đạo đức thông thường dạy con người phải yêu thương gia đình mình, quê hương mình, Tổ quốc mình. ĐĐPG khuyên con người, ngoài 3 đối tượng yêu thương nêu trên, còn phải yêu thương tất cả chúng sanh, nghĩa là yêu thương con người không phân biệt quốc gia chủng tộc, yêu thương tất cả các loại động vật và yêu thương cả cỏ cây hoa lá…Giá trị tình thương của Phật giáo ngày nay đã được cả thế giới tôn vinh qua sự kiện tổ chức Liên Hiệp Quốc vinh danh đạo Phật là tôn giáo hòa bình của toàn nhân loại.

-Luân lý thông thường khuyến khích giúp đỡ người nghèo khó hoạn nạn. ĐĐPG cũng khuyên mọi người bố thí, nhưng ĐĐPG xem việc bố thí cho người nghèo chỉ là công việc nhất thời, là phương tiện chứ không là cứu cánh. Đạo Phật chủ trương giúp người nghèo thoát nghèo bền vững bằng cách dạy đạo lý cho họ, khiến họ thấy được các sự thật của cuộc sống mà rời xa các tệ nạn xã hội và siêng năng, cần kiệm hơn để thoát nghèo, thay vì chỉ biết ngồi không chờ sự giúp đỡ vật chất từ cộng đồng.

-Luân lý thông thường khuyến khích mọi người làm giàu không giới hạn và cứ hưởng thụ thỏa thích miễn là không vi phạm luật pháp. Trong khi đó ĐĐPG chủ trương nếp sống “thiểu dục, tri túc”. Ngày nay, ai cũng thấy sự giàu có quá mức cùng với việc hưởng thụ quá đáng sẽ đưa xã hội đến chỗ mâu thuẩn giữa người giàu và người nghèo như thế nào. Ngoài ra, lòng tham không giới hạn của con người càng khiến cho tài nguyên trên trái đất cạn kiệt, đưa đến những hậu quả thiên tai khó lường. ĐĐPG chứng minh cho con người thấy rằng, chính lòng tham của con người là nguyên nhân chính khiến cho trái đất sớm suy tàn, dẫn đến  kết thúc sự sống loài người trên hành tinh này.

-Vân vân…

ĐĐPG nhìn thấu suốt nhiều vấn đề mà nhãn quan của đạo đức luân lý thông thường không thấy. Thí dụ :

Khổ : Khổ là một sự thật khách quan và là bản chất của đời sống, được Đức Phật, với trí tuệ siêu việt, khám phá ra. Trong khi đó, con người đã không nhận ra sự thật này. Chính vì vậy mà đời sống nhân loại từ xưa đến nay tràn ngập đủ loại khổ đau. Đức Phật đã từng đưa ra hình ảnh một con thạch sùng mê mẩn liếm từng giọt mật đường dính trên lưỡi dao cạo mà không biết rằng chỉ trong chốc lát nữa đây lưỡi của nó sẽ bị dao cạo cắt đứt lìa, đó cũng chính là hình ảnh của nhân loại mãi mê hưởng thụ các thú vui trần gian mà không thấy được những bất hạnh đang ẩn tàng sau các thú vui ấy. Chân lý về Khổ giúp cho con người bớt hưởng thụ để hướng về nội tâm tu tập các hạnh lành, xa rời các điều dữ, góp phần cho thế giới này được an lạc.

-Không, Vô thường, Vô ngã…: là các sự thật hiển nhiên trong đời sống, nhưng với nhãn quan bình thường của con người không thể nhìn thấu mà chĩ với Phật nhãn mới nhận ra các sự thật ấy, Người hiểu và thực hành các chân lý Không, Vô thường, Vô ngã chắc chắn là người có đầy đủ các đức tính Khiêm hạ, Thiểu dục, Tri túc, Hỷ xả, Từ bi, Trí tuệ…

-Vân vân…

Tóm lại, chúng ta thấy rõ luân lý đạo đức thông thường chỉ thỏa mãn trong sự đối đãi nhất thời mà không đạt được cái tuyệt đối của đạo đức. Chính vì vậy, luân lý đạo đức thông thường có tính tương đối, tạm bợ, tùy lúc tùy nơi, thay đổi theo không gian và thời gian.

Trong khi đó ĐĐPG là chân lý tuyệt đối, trường tồn theo không gian và thời gian. Vì vậy, không phải cường điệu khi cho rằng ĐĐPG chính là mẫu mực chung cho đạo đức của toàn thể nhân loại trong tương lai.

C-KẾT LUẬN

Kết luận đề tài “Bản năng và Đạo đức”, chúng ta có thể rút ra các bài học ứng dụng như sau :

1)Bản năng là do thiên nhiên cài đặt cho mỗi cá thể sống bao gồm động vật và thực vật. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta nói về bản năng của con người.

2)Bản năng còn có tên gọi khác là “Thú tính”. Bản năng không cần học hỏi, không cần tập luyện mà vẫn thông thạo, ví như cỏ dại không cần ai trồng mà hễ có đất là cỏ tự mọc tràn lan vậy.

3)Bản năng mỗi ngày một phát triển hơn lên chớ không hề suy giảm. Đặc biệt ở con người, bản năng đã phát triển và biến dạng một cách không ai có thể thống kê. Khi văn minh vật chất của nhân loại càng phát triển thì bản năng của con người cũng càng phát triển và biến thái đến độ không còn kiểm soát được nữa.

4)Sống theo bản năng thường dẫn dắt con người đến tội lỗi . Bản năng được biểu hiện bằng hình ảnh Ma vương (Phật giáo) hay Quỷ Sa-tăng (Thiên Chúa giáo, Hồi giáo…)

5)Đạo đức là do trí tuệ con người sáng tạo ra nhằm mục đích han chế tội lỗi do lối sống theo bản năng mang lại.

6)Đạo đức là thứ quý báu, phải được thực tập và gìn giữ từng phút giây không được xao lãng. Đạo đức là chiếc phao cứu giúp con người lội ngược dòng nước lũ cuốn ta xuống vực thẳm tội lỗi.

7)Nền đạo đức của nhân loại được hình thành bởi rất nhiều bậc hiền triết ở nhiều quốc gia và trong mọi thời đại, trong đó đạo đức Phật giáo do Đức Phật Thích Ca truyền bá được giới trí thức và khoa học đánh giá là nền đạo đức mẫu mực chung cho nhân loại trong tương lai.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang