Áp Dụng Bộ Giáo Án Vào Việc Hướng Dẫn Môn Phật Pháp Trong Gia Đình Phật Tử

A-VÌ SAO BỘ GIÁO ÁN RA ĐỜI?

            Vì sao đã có tài liệu tu học do Trung ương (TW) ấn hành, lại phải soạn thêm giáo án? Xin thưa, vì mấy lý do sau đây:

          1)Tài liệu tu học do TW ấn hành là để cho huynh trưởng tham khảo chứ không thể cho đoàn sinh học trực tiếp, vì nội dung trong tài liệu thì quá bao quát mà chúng ta chỉ có 30 phút để hướng dẫn, vì vậy phải chọn lọc, rút gọn sao cho vừa đủ 30 phút mà vẫn chuyển tải hết nội dung cần hướng dẫn theo chương trình tu học đã ấn định, đó chính là việc soạn giáo án cho mỗi bài dạy.

          2)Giáo án là cái nề, cái ni, là cây thước của người thợ. Người thợ không có những dụng cụ đó thì không thể xây nên một cái nhà hay đóng một cái tủ hoặc may một cái áo… Cũng vậy, giáo viên lên lớp mà thiếu giáo án thì cũng như người thợ thiếu đồ nghề vậy. Giáo án có thể ví như một "kịch bản" chủ đạo cho mỗi lời nói, mỗi động tác của người thầy khi đứng trên bục giảng. Nhờ có giáo án mà người thầy biết phải nói điều gì, phải làm việc gì, phải dạy cái gì trong tiết học của mình. Giáo án giúp cho ông thầy nắm vững được con đường mình đi và mục tiêu mình đến trong thời gian của một tiết học, nhờ vậy mà người dạy đạt được mục đích là truyền thụ những gì và người học cũng đạt được kết quả là tiếp thu được những gì mà người dạy muốn truyền thụ cho mình.

          3)Trong chương trình Phật Pháp ngành Oanh cũng như ngành Thiếu đều có những đề tài xuyên suốt, năm trước đã học rồi, năm sau vẫn phải học lại, có đề tài học xuyên suốt cả bốn bậc (tức 4 năm) trong khi mỗi đề tài chúng ta chỉ có một tài liệu, vì vậy phải soạn giáo án thì mới có thể thưc hiện được tinh thần "xuyên suốt" của chương trình tu học hiện hành. Cách soạn giáo án hướng dẫn các đề tài xuyên suốt phải đạt hai yêu cầu sau:

          -Một: bậc học dưới chỉ học những kiến thức đơn giản, càng lên bậc học trên càng được học những kiến thức sâu hơn

          -Hai: năm sau không được lặp lại những gì đã học ở năm trước

          Để đạt được yêu cầu trên, đòi hỏi huynh trưởng phải biết chọn lọc những kiến thức nào dạy cho bậc dưới, kiến thức nào để dành cho bậc học trên, trong khi tài liệu Trung ương chỉ có một và đôi khi nội dung kiến thức không đủ cho chúng ta dàn trải cho cả 4 năm học (TD: đề tài Lịch sử ĐPTC) Công việc này đối với đại đa số huynh trưởng tại Kiên Giang, kể cả trong nước, là một công việc rất khó vì nó đòi hỏi mỗi huynh trưởng phải có vốn Phật học phong phú, có chuyên môn sư phạm và có tư duy sắc sảo mới làm được.

           Do đó, sự ra đời của bộ giáo án 4 bậc ngành Oanh và 4 bậc ngành Thiếu do chúng tôi biên soạn là vô cùng cần thiết cho việc áp dụng chương trình tu học mới tại các đơn vị nhằm đạt kết quả trong sự nghiệp hướng dẫn đoàn sinh học môn Phật pháp – Tinh thần và Lịch sử GĐPT.

B-BỘ GIÁO ÁN HIỆN NAY KHÁC VỚI BỘ TÀI LIỆU TU HỌC DO MINH KIM BIÊN SOẠN TRƯỚC ĐÂY NHƯ THẾ NÀO?

I)Về bộ tài liệu tu học trước đây:

          Sau khi dự hội nghị huynh trưởng toàn quốc lần thứ X (2006) tại Sài Gòn trở về, tôi bắt đầu soạn bộ tài liệu này theo nội dung và tinh thần chương trình tu học đổi mới do Hội nghị bàn bạc và thống nhất áp dụng trong cả nước. Bộ tài liệu này có những đặc điểm như sau:

          1-Các đề tài được biên soạn đúng với chương trình tu học hiện hành

          -Tất cả nội dung kiến thức trong bộ tài liệu là do chính tôi tham cứu từ nhiều tài liệu Phật học trong nước mà viết ra, chứ không căn cứ vào tài liệu nào do BHD.GĐPT Trung ương ấn hành.

          2-Đối với các đề tài xuyên suốt, tôi biên soạn đúng với tinh thần như đã nêu ở trên (càng lên cao càng được học thêm những nội dung mới mà không lặp lại những gì đã học ở bậc dưới)

          3-Đây là tài liệu chứ không phải là giáo án (Trong tài liệu chỉ đưa ra các nội dung kiến thức để huynh trưởng truyền đạt cho đoàn sinh; Còn giáo án thì có tính chất "kịch bản", nghĩa là ghi sẵn những điều gì huynh trưởng cần nói, cần làm trong tiết dạy nhằm mục đích truyền đạt nội dung đề tài đến đoàn sinh)

II)Về bộ giáo án hiện hành:

          -Sau khi 2 bộ tài liệu tu học ngành Thiếu và ngành Đồng do Trung ương biên soạn được chính thức phát hành trong cả nước, BHD Tỉnh Kiên Giang có chỉ thị cho các đơn vị trong tỉnh phải dạy theo tài liệu của Trung ương. (Nhưng trên thực tế, vì tài liệu của TW khó thực hiện giảng huấn quá nên các đơn vị vẫn tiếp tục dạy theo bộ tài liệu trước đây do Minh Kim biên soạn)

          -Sau khi nghiên cứu nội dung và cách thức biên soạn của 2 bộ tài liệu tu học ngành Thiếu và ngành Đồng do Trung ương ấn hành, tôi thấy rằng nếu để nguyên như vậy thì chẳng bao giờ các đơn vị có thể theo đó mà thực hiện giảng huấn cho đoàn sinh được (nhất là đối với những đề tài xuyên suốt). Vậy, chẳng hóa ra là Kiên Giang sẽ không bao giờ sử dụng tài liệu tu học của TW hay sao? Vì trăn trở đó nên tôi căn cứ vào 2 bộ tài liệu của TW mà soạn ra 2 bộ giáo án gồm 4 bậc ngành Thiếu và 4 bậc ngành Đồng mà các anh chị đang cầm trên tay.

          -Bộ giáo án hiện nay có những đặc điểm như sau:

          1-Các đề tài được biên soạn đúng theo chương trình tu học hiện hành

          2-Nội dung các bài dạy hoàn toàn căn cứ vào tài liệu của TW. Tuy nhiên, có một vài bài, vì tài liệu TW không đủ kiến thức cho việc biên soạn các đề tài xuyên suốt nên tôi có thêm vào đó một số kiến thức của bộ tài liệu do Minh Kim biên soạn trước đây (Đây là việc làm bất khả kháng, chứ bản thân tôi không bao giờ muốn "lấn sân" TW)

          3-Giáo án được biên soạn theo hình thức một "kịch bản", trong đó mọi lời nói, mọi động tác của "thầy và trò" đều được ghi cụ thể (sự khác nhau giữa tài liệu và giáo án là ở chỗ này). Do đó đòi hỏi huynh trưởng phải tuyệt đối trung thành với giáo án, không được thêm bớt hay sửa đổi nội dung theo ý riêng của mình.

C- ÁP DỤNG BỘ GIÁO ÁN VÀO VIỆC HƯỚNG DẪN MÔN PHẬT PHÁP-TINH THẦN- LỊCH SỬ TẠI ĐƠN VỊ

I) Những điểm chung cần lưu ý:

          1 Bộ tài liệu tu học của TW hiện hành, nếu thấy cần, huynh trưởng có thể tham khảo trước khi lên lớp, nhưng tuyệt đối không đem ra trực tiếp dạy cho đoàn sinh. Khi tham khảo tài liệu của TW, cần so sánh với giáo án về đề tài mình sắp lên lớp để nắm vững những nội dung mình sắp dạy.

          2- Bộ tài liệu do Minh Kim soạn trước đây cũng được làm tài liệu tham khảo, chứ không trực tiếp lên lớp bằng bộ tài liệu ấy.

          3- Nếu huynh trưởng không có đủ thì giờ tham khảo tài liệu trước khi lên lớp thì vẫn có thể dạy theo những gì được biên soạn trong giáo án mà vẫn bảo đảm hoàn thành tiết dạy của mình về những nội dung cần truyền đạt cho đoàn sinh và bảo đảm giống y như nội dung được biên soạn trong bộ tài liệu TW.

          4- Trước khi lên lớp, huynh trưởng cần đọc tới đọc lui cho nằm lòng những điều ghi trong giáo án để khi lên lớp có được vẻ tự tin của người thầy trước mặt các học trò của mình. Những gì viết trong giáo án phải được huynh trưởng thuộc lòng để NÓI lại cho đoàn sinh nghe, chứ không phải tay cầm tập giáo án và nhìn vào đó để ĐỌC lại cho đoàn sinh chép.     

          5- Phật học là vô biên, huynh trưởng chúng ta phải luôn thường xuyên tìm tòi học hỏi thật nhiều các sách vở và tài liệu Phật học để làm giàu kho tàng kiến thức của mình, như vậy mới có thể giúp mình hoàn thành tốt vai trò hướng dẫn Phật pháp cho đoàn sinh. Học nhiều, hiểu nhiều, kiến thức phong phú cũng là một trong những yếu tố làm nên "thân giáo" của người huynh trưởng GĐPT.

          6- Thái độ, tư cách, cử chỉ, lời nói… của huynh trưởng giảng huấn chiếm phần quan trọng trong sự thành công của tiết học. Các anh chị cần có thái độ nghiêm túc bên trong, nhưng vẻ ngoài nên gần gũi, thân mật với đoàn sinh. Không dung túng dễ dãi quá mà các em lờn mặt khinh thường, mất kỷ luật là rất khó cho huynh trưởng điều hành lớp học thành công. Nhưng cũng đừng khô khan, nghiêm khắc quá mà ảnh hưởng đến tinh thần của đoàn sinh, khiến các em không còn hứng thú tiếp thu bài học nữa.

II) Đi sâu vào từng phần một bài giáo án:

          Bất cứ một bài giáo án nào cũng được biên soạn theo công thức sau đây:

          1. Tên đề tài

          2. Thời lượng

          3. Mục đích

          4. Chuẩn bị

          5. Khởi động

          6. Kiểm tra bài cũ

          7. Giới thiệu bài mới

          8. Nội dung bài dạy

                   a-Văn

                   b-Tư

                   c-Tu

          9. Câu hỏi kiểm tra

          10. Kết thúc tiết học

          Sau đây chúng ta đi sâu tìm hiểu và áp dụng từng tiểu mục nói trên trong giờ lên lớp..

1.Tên đề tài: nếu đề tài chỉ dạy trong 1 tiết học thì không có phụ ghi gì. Nếu đề tài được dạy trong 1,2,3,4 tiêt thì phía sau tên bài có phụ ghi (tiết 1, 2, 3, 4….)

2.Thời lượng: thời lượng 1 tiết học trong GĐPT là 30 phút. Thời lượng này đã được nghiên cứu kỹ càng và rút kinh nghiệm sau nhiều năm sinh hoạt. Ba mươi phút là phù hợp với tâm sinh lý đoàn sinh (không quá dài cũng không quá ngắn), đồng thời cũng phù hợp với kết cấu chương trình một buổi sinh hoạt. Tóm lại, thời lượng 30 phút cho một tiết học vừa mang tính khoa học sư phạm và vừa phù hợp với thực tiễn thời gian một buổi sinh hoạt. Huynh trưởng không nên tùy tiện nâng thời lượng giờ học lên với lý do "bài dài, không đủ giờ để dạy". Vả chăng, khi soạn giáo án, chúng tôi đã có chủ ý chọn lọc các nội dung để đưa vào bài dạy sao cho vừa đủ với thời lượng 30 phút, nếu như đề tài dài quá thì chúng tôi sẽ phân ra làm nhiều tiết để dạy.

3.Mục đích: tức là ấn định nội dung bài dạy trong một khuôn khổ nào đó cần truyền đạt cho đoàn sinh, chứ không phải muốn dạy tới đâu cũng được. Chúng ta đều biết rằng các đề tài Phật pháp có nhiều ý nghĩa thậm thâm vi diệu, muốn triển khai trong 1 giờ cũng được, mà muốn thuyết giảng trong một buổi cũng chưa hết… Ở đây, trong bậc học mà các em đang học, Ban Nghiên Huấn Trung ương ấn định chỉ dạy đến đó thôi, thì huynh trưởng chúng ta lên lớp cũng chỉ cần dạy đến đó thôi. Một số huynh trưởng hay có tật khoe khoang sở học và kiến thức của mình, thường diễn giảng lan man ra ngoài mục đích bài dạy, dẫn tới hậu quả hết giờ mà vẫn chưa dạy xong bài cần dạy.

4. Chuẩn bị: chuẩn bị gồm nhiều việc phải làm trước giờ lên lớp, như:

          -Đọc đi đọc lại giáo án nhiều lần cho thuộc lòng

          -Tìm ra các câu trả lời cho phần kiểm tra bài cũ

          -Lớp học chiều nay của mình sẽ học tại địa điểm nào cho thích hợp?

          -Tìm kiếm tranh ảnh minh họa hoặc học cụ thích hợp cho bài dạy nhằm thu hút sự chú ý và vui thích của người học;

          -Ghi sẵn vào sổ tay những "từ khóa" thể hiện nội dung cần ghi nhớ để đoàn sinh chép vào vở (thay cho cách chép toát yếu dài thườn thượt vừa tốn thì giờ vừa khó học thuộc như trước đây)

5. Khởi động: khởi động là để lôi kéo sự chú tâm của đoàn sinh vào việc học, gồm:

          -Hát một bài hát vui để gây hứng thú

          -Niệm Phật để tâm an tịnh, bớt vọng động

Lưu ý: nhiều huynh trưởng thường khá rề rà trong phần khởi động bởi tâm lý "thời gian còn dài, lo gì !" Hậu quả là phung phí thời lượng 30 phút của tiết học, dẫn đến không đủ giớ hoàn thành tiết học. Vì vậy, các anh chị nhớ phải tranh thủ từng giây từng phút chứ không được chủ quan lề mề trong thời điểm khởi động tiết học.

6. Kiểm tra bài cũ: bài cũ là bài đã dạy tuần trước (nếu là tiết học đầu tiên trong năm học mới thì bài cũ là bài cùng đề tài này của năm học trước) Huynh trưởng đọc câu hỏi, đoàn sinh giơ tay trả lời. Nếu em này trả lời chưa đúng hoặc chưa đủ thì huynh trưởng chỉ định một em khác bổ túc câu trả lời. Huynh trưởng chọn câu trả lời ngắn gọn và đầy đủ nhất rồi mời toàn thể các em cùng lặp lại câu trả lời ấy. Sau đó tiếp tục qua câu hỏi kế tiếp… Cho phép các em tham khảo các "từ khóa" đã chép vào vở trong khi trả lời câu hỏi.

Lưu ý: Huynh trưởng phải thuộc lòng các câu trả lời để hướng dẫn đoàn sinh ôn lại các kiến thức vừa học tuần trước.

          Huynh trưởng phải tranh thủ thời gian kiểm tra bài cũ, đừng chủ quan rề rà mất thì giờ.

7. Giới thiệu bài mới: Đây là một nghệ thuật. Nghệ thuật lôi kéo quần chúng lắng nghe mình nói. Vì vậy, trước khi giới thiệu bài mới, huynh trưởng phải tái lập không khí trật tự của lớp học, có thể bằng 1 bài hát ngắn hoặc một tiếng reo. Trong phần này, huynh trưởng kếp hợp tranh ảnh, học cụ… với lời nói để gợi sự chú ý của đoàn sinh và dẫn dắt các em bước vào đề tài mình sắp dạy. Trong giáo án, tôi có soạn sẵn lời giới thiệu, nhưng các anh chị có thể sáng tạo theo cách riêng của mình, miễn sao thu hút được sự chú tâm của đoàn sinh vào bài sắp học là được.

Lưu ý: khi giới thiệu bài mới, cử chỉ, nét mặt và ngôn ngữ của huynh trưởng phải chân thành, thể hiện tình cảm trong mỗi lời nói, mắt nhìn vào mắt từng em khiến cho các em bị thu hút bởi thái độ của anh, chị. Được như vậy tức là các em đã sẵn sàng tâm trí đón nhận bài học mới. Các anh chị hãy bắt chước những người bán "hàng la" đang quảng cáo sản phẩm của họ trước người đi chợ. Vẫn nhớ đừng lãng phí thời gian vào những câu nói bông đùa thừa thãi không liên quan gì đến bài cần dạy.

8. Nội dung bài dạy: đây mới là phần trọng yếu nhất của tiết học. Nảy giờ, qua 7 phần trên, tôi đã xem là quan trọng và dặn dò, lưu ý các anh chị khá nhiều điều cần thiết, thì giờ đây, tôi muốn các anh chị biết rằng phần này còn quan trọng hơn cả 7 phần trên, quan trọng đến mức ta phải dùng từ trọng yếu để nói về nó.  

          Phần này lại phân chia thành 3 phần nhỏ: Văn – Tư – Tu

          a) Văn: theo nghĩa nguyên gốc là nghe. Ở đây, chúng ta hiểu theo nghĩa rộng là tiếp thu những kiến thức do người dạy truyền đạt. Huynh trưởng hướng dẫn cho đoàn sinh những kiến thức mới theo đề tài và theo mục đích bài học đã đề ra.

          -Trong tập giáo án, chúng tôi ghi lại những kiến thức này theo hình thức "vạch đầu dòng", mỗi một nội dung là một lần vạch đầu dòng. Trong khi dạy cho đoàn sinh, huynh trưởng cần phải kết nối những nội dung này lại thành câu nói có chủ ngữ, vị ngữ hoàn chính (như ông bà mình thường bảo: "nói có đầu có đuôi"). Việc này đòi hỏi ở năng khiếu riêng của mỗi người. Vì vậy mới có người dạy hay, người dạy dở.

Lưu ý: kinh nghiệm cho thấy, nếu thầy dạy một cách say mê thì sẽ "lây" được cái say mê đó cho trò, biến thành học say mê. Nếu thầy giảng khô khan, nhạt nhẽo, không có hồn, không truyền được cảm hứng đến trò, thì trò cũng học một cách lơ đãng, học trả nợ và trong đầu không còn nhớ được chút gì đã học.

          Từ khóa là gì? Sau mỗi nội dung hoặc hai, ba nội dung, huynh trưởng nên dừng lại để hướng dẫn đoàn sinh chép "từ khóa" vào vở. Thí dụ: muốn cho các em nhớ về thân thế của thái tử Tất Đạt Đa, các em chỉ cần ghi những từ khóa sau đây: Ca Ty La – Tịnh Phạn – Ma Da – 15/4 – Lâm Tỳ Ni – Tất Đạt Đa v.v… Đây là cách chép bài học theo phương pháp mới. Chỉ cần ghi 6 từ khóa vừa rồi, đến khi học bài các em chỉ cần nhớ 6 từ đó thôi và các em sẽ kết hợp chúng lại thành một câu chuyện có đầu có đuôi. Quan trọng hơn, với cách chép bài theo phương pháp này, huynh trưởng tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong tiết học, như thế huynh trưởng có nhiều thời gian hơn cho việc giảng bài và các em cũng nhờ vậy mà củng cố sâu hơn những điều đã học. (Các anh chị nên biết, một nội dung khoảng 30 từ, nếu truyền đạt bằng miệng chỉ mất chưa đầy 30 giây, nhưng nếu cho các em chép đầy đủ 30 từ ấy vào vở thì phải mất hơn 3 phút)

          b) Tư: nghĩa là suy nghĩ, tư duy, quán chiếu… Nói dễ hiểu là rút ra một ý nghĩa nào đó từ bài vừa học để ứng dụng vào đời sống. Nội dung ý nghĩa đã được chúng tôi ghi sẵn trong phần này. Các anh chị cần thuộc lòng để truyền đạt lại cho đoàn sinh.

          2) Tu: nghĩa là từ ý nghĩa bài học này, đoàn sinh ứng dụng vào đời sống thường ngày bằng những việc làm cụ thể để đem lại lợi ích cho mình và cho người chung quanh

9. Câu hỏi kiểm tra: Nếu bài dạy của huynh trưởng được tiến hành một cách có bài bản đúng với giáo án từ đầu đến giờ, nghĩa là tiết học đạt được những điều kiện như sau:

          -Huynh trưởng thông thuộc đề tài

          -Các bước lên lớp đầy đủ

          -Đoàn sinh có kỷ luật, chăm chú nghe giảng

          -Huynh trưởng truyền được cảm hứng cho đoàn sinh

          -Đoàn sinh có ghi đầy đủ các "từ khóa" vào tập vở

          -Tiết học không bị mất thì giờ vào những việc không cần thiết v.v…

thì tôi bảo đảm với các anh chị là chúng ta còn đủ thời gian cho phần kiểm tra này. Tôi đã chứng kiến rất nhiều lần các anh chị không còn thời gian cho phần kiểm tra này chỉ vì các em mất quá nhiều thì giờ cho việc chép bài toát yếu khá dài và mất thì giờ bởi tác phong rề rà khi mới vào tiết học.

          Câu hỏi kiểm tra là một phần rất quan trọng, nó có tác dụng củng cố những điều các em mới vừa học bằng cách các em nhìn vào các "từ khóa" và tự mình đặt thành câu trả lời đầy đủ trước các câu hỏi kiểm tra do huynh trưởng nêu ra. Huynh trưởng hỏi và các em giơ tay trả lời (như ở phần kiểm tra bài cũ). Cho tất cả các em đều được lặp lại các câu trả lời này là có thể nói các em đã thuộc bài rồi, tuần sau không cần phải giở tập ra ê a học bài dài ngoằn như con vẹt nữa.

Lưu ý: trước đây huynh trưởng thường đọc cho đoàn sinh chép bài khá dài vào vở, việc làm làm này có hai tác hại:

          -Một là, phung phí thời gian của tiết học chỉ có 30 phút

          -Hai là, khi học bài các em phải học thuộc lòng rất nhiều từ. Thí dụ: nếu bài chép là 50 từ thì các em phải cố học thuộc 50 từ đó, nhưng đôi khi các em lại không nắm được ý nghĩa của bài và không thể trả lời được các câu hỏi kiểm tra bài cũ. Học như vậy gọi là "học vẹt"

          Nay, chúng ta áp dụng phương pháp chép bài mới là chỉ cần ghi các "từ khóa" vào tập. Một bài toát yếu trước đây chép chừng 50 từ, bây giờ cô đọng lại chỉ còn khoảng 5 từ khóa, các em chỉ nhìn vào từ khóa là nhớ ngay nội dung câu trả lời, đồng thời còn tập cho các em biết ăn nói thành câu.

10.Kết thúc tiết học: người huynh trưởng dạy tốt là người làm chủ được thời gian 30 phút của tiết học, tức là làm sao mỗi tiết học đều còn đủ thời gian (chừng 5 phút) cho phần kết thúc này. Phần này không kém quan trọng, vì nó có tác dụng như lời nhắc nhở của anh chị vào cuối tiết học. Khen ngợi những em chăm học và phê bình những em lơ đễnh trong giờ học là việc làm rất cần thiết để khuyên tấn các em. Nghi thức hồi hướng là để giữ các em luôn sống trong môi trường đạo pháp, bài hát vui là để giải tỏa mệt mỏi.

KẾT LUẬN

1.Trước đây: một bộ phận không nhỏ huynh trưởng thường rề rà "cà kê dê ngỗng" đủ thứ chuyện linh tinh không ăn nhập gì tới bài học cả – Tiếp đến, anh chị ấy giở tập tài liệu ra đọc cho đoàn sinh chép "tràng giang đại hải" những nội dung trong đó và… hết giờ ! Một tiết học như thế là một tiết học phản giáo dục, chẳng đem lại kết quả giáo dục nào hết.

          Anh chị nào dạy như vậy là đã vô tình làm cho đoàn sinh chán ngán sinh hoạt GĐPT và có thể do đó mà số lượng đoàn sinh đơn vị mỗi ngày một đi xuống.

2.Bây giờ: chúng ta phải chấm dứt ngay tình trạng trước đây bằng cách áp dụng triệt để các tập Giáo Án vào công việc hướng dẫn môn Phật Pháp – Tinh thần – Lịch sử cho đoàn sinh ở tất cả các cấp học. Muốn áp dụng thành công bộ giáo án, huynh trưởng chúng ta phải siêng năng, chịu khó, sáng tạo và có trách nhiệm trong vai trò hướng dẫn đoàn sinh của mình.

          Sinh hoạt GĐPT đi lên hay đi xuống đều được quyết định bởi đạo đức, tài năng và tâm huyết của mỗi người huynh trưởng chúng ta.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.