Thực Hành Nếp Sống Trung Đạo Của Người Phật Tử – Kỳ 1

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

-Ý Hòa đồng duyệt
-Kiến Hòa đồng giải

THỰC HÀNH NẾP SỐNG TRUNG ĐẠO
CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Kỳ 1: Nói về tác phong bên ngoài của
người huynh trưởng
Gia Đình Phật Tử

Bạn thân mến!

Trung Đạo là tư tưởng chủ đạo của Đạo Phật; là nếp sống đặc thù của mọi người Phật tử, dĩ nhiên trong đó có chúng ta, những người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Nhớ lại năm xưa khi mới gia nhập GĐPT, chúng ta đươc học bài học vỡ lòng  “Lịch sử Đức Phật Thích Ca”. Khi học tới bài thứ hai “Từ Xuất Gia đến Thành Đạo” , chúng ta, những đoàn sinh non nớt dạo ấy, vô cùng “hồi hộp” khi anh chị  trưởng kể tới đoạn Sa môn Cồ Đàm tu khổ hạnh đến mức sức cùng lực kiệt, mạng sống như “chỉ mành treo chuông”…

Tôi còn nhớ ngày ấy, anh trưởng của tôi còn “bịa” (sau này tôi mới biết) thêm câu chuyện sau đây để minh họa cho ý nghĩa Trung Đạo :

“Lúc ấy, Ngài ( Sa môn Cồ Đàm hay Thái tử Tất Đạt Đa) chợt nghe tiếng dạy con của người nghệ sĩ hát rong đang trú nắng dưới một bóng cây gần đó. Người ấy nói :”Con ạ ! đàn của ta, nếu lên dây dùn quá thì không thể hát được; ngược lại, nếu lên dây căng quá thì dây đàn dễ bị đứt. Vì vậy, dây đàn phải được lên vừa phải, không quá dùn mà cũng không quá căng thì tiếng đàn nghe mới hay…”

Lúc đó, Ngài nghiệm ra rằng : “Nếu sống quá nhiều hưởng thụ thì con người sẽ bị nô lệ vào vật chất, còn đâu ý chí cao thượng hướng về mục đích giải thoát; Ngược lại, nếu sống quá khổ hạnh thì trí cùng lực kiệt cũng không đủ sức đi cho hết con đường tu hành giải thoát. Có một con đường dung hòa  hai thái cực trên, con đường không thiên về hưởng thụ cũng không thiên về khổ hạnh ép xác, đó chính là con đường Trung Đạo”

Sau khi suy nghiệm như vậy, Sa môn Cồ Đàm đã từ bỏ lối tu khổ hạnh. Ngài thọ dụng bát cháo sữa do thôn nữ Sujata cúng dường rồi xuống sông Ni Liên Thuyền tắm rửa sạch sẽ. Sau đó, Ngài xin một mớ cỏ khô của anh nông dân Cát Tường, trải dưới gốc cây Tất Bát La và thiền tọa tại đấy trong 49 ngày đêm… Đến ngày cuối cùng, khi sao Mai vừa mọc, Ngài lần lượt chứng đác Tam Minh, Lục Thông và thành Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni…

Bài học vỡ lòng ấy, dù mấy mươi năm đã trôi qua nhưng tôi không bao giờ quên. Tư tưởng Trung Đạo của Phật Giáo trở thành kim chỉ nam cho cuộc đời của tôi. Bất cứ trong cuộc sống vật chất hay trong tư tưởng, lời nói và hành động, tôi đều lấy Trung Đạo làm thước đo cho cuộc đời của mình.

•••

Bài học Trung Đạo thường xuyên được đưa vào chương trình các trại huấn luyện huynh trưởng hiện nay dưới nhiều đề tài khác nhau. Trong bài “Người huynh trưởng GĐPT” ở trại Lộc Uyển đã giới thiệu chân dung người huynh trưởng GĐPTVN mẫu mực. Trong phần nói về tư cách người huynh trưởng, chắc bạn còn nhớ bài học đã đề cập tới hai phần chính yếu là :

1)Tác phong bên ngoài của người huynh trưởng

2)Đức độ bên trong của người huynh trưởng

Về tác phong bên ngoài còn chia làm ba phần nhò :

1)Trang phục

2)Lời nói

3)Cử chỉ, hành động

Hôm nay, tôi muốn trao đổi với bạn về việc ứng dụng tư tưởng Trung Đạo vào trang phục, hay nói rộng hơn, về VẺ NGOÀI  của huynh trưởng chúng ta.

Bài học về tác phong bên ngoài của người huynh trưởng viết rằng : “Bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, người huynh trưởng phải ăn mặc đứng đắn, giản dị, không luộm thuộm, không lòe loẹt, không chạy theo thời trang kệch cởm. Tóc tai gọn gàng, thân thể sạch sẽ. Lúc công tác Phật sự thì đồng phục chỉnh tề, đầy đủ, đúng quy định…”  Tóm lại, vẻ ngoài của người huynh trưởng không được trau chuốt, sang trọng, đỏm dáng quá; nhưng cũng không nên xuề xòa, luộm thuộm, bê bối quá.

Tuy nói đơn giản vậy, chớ thực hành không phải dễ, vì ranh giới giữa hai cực đoan nói trên thật khó phân biệt: vẻ ngoài tươm tất hơi quá một chút có thể bị người khác cho là đỏm dáng; vẻ ngoài giản dị hơi quá một chút cũng dễ bị cho là bê bối.

Phật tử tại gia nói chung, hàng huynh trưởng chúng ta nói riêng,  còn bị ràng buộc với cuộc đời với biết bao trách nhiệm và bổn phận. Chúng ta còn phải làm ăn sinh sống, giao tiếp thù tạc với đủ hạng người… Vì vậy, để thực hành lý Trung Đạo một cách khế lý, khế thời, chúng ta cần phải quán chiếu vấn đề một cách sâu sắc và thực hành một cách tế nhị để vừa đáp ứng với yêu cầu cuộc sống, vừa giữ được nếp sống Trung Đạo của người huynh trưởng. Chúng ta hãy quán chiếu một số trường hợp như sau :

 

Trường hợp 1: Chúng ta đã được dạy: trang phục người huynh trưởng không được chạy theo thời trang, không lòe loẹt, kệch cởm… Nhưng, nếu bạn làm ăn lớn, giao thiệp rộng, hoặc vì công việc đòi hỏi mà đôi khi bạn phải chưng diện một chút “để đi ăn nói” cho có hiệu quả. Nhất là nếu bạn sống bằng nghề kinh doanh, cần có cái “mã bên ngoài coi cho được”  thì bên đối tác họ mới tin tưởng hợp tác làm ăn. Trong những trường hợp như thế, nếu ai đó chỉ trông thấy nhất thời mà vội phê phán bạn thích chưng diện lòe loẹt, không xứng đáng là người huynh trưởng mẫu mực, e rằng “oan ơi ông địa” cho bạn lắm !

Ở chỗ tôi có một chị huynh trưởng cũng thường bị anh chị em Áo Lam phê bình hoài về cái vụ ăn mặc kiểu cọ quá đáng. Nhưng riêng tôi thì lại rất thông cảm cho chị, bởi vì chị sống bằng nghề thợ may và chị thường phải “lăng xê” sản phẩm do mình thiết kế, chính vì vậy mà trong cách ăn mặc của chị luôn có phần đỏm dáng hơn mọi người.

Hoặc có một anh huynh trưởng nọ, ngoài đời làm ăn, giao tiếp khá rộng, vì thế diện mạo anh lúc nào cũng bảnh chọe, láng coóng, sáng rực với sắc vàng của các loại trang sức khắp người. Nhưng khổ thay, lúc mặc đoàn phục GĐPT điều khiển sinh hoạt đơn vị, hoặc khi làm trại trưởng một trại huấn luyện… anh đã quên bài học vỡ lòng “Chân dung người Huynh trưởng GĐPT” , anh đem tất cả những thứ “xa hoa giả dối” ngoài đời ấy vào hình ảnh người huynh trưởng đứng trước đoàn sinh, trại sinh, làm cho bao lời giảng dạy của anh trở thành mây khói trôi dạt nơi nao, chứ không lọt được vào tai của đoàn sinh, trại sinh của anh một lời nào!

Chúng ta cần tư duy như sau :

Trong trường hợp vì công ăn việc làm mà bắt buộc một bộ phận huynh trưởng phải phương tiện trong cách ăn mặc và trang điểm. Thiết tưởng mọi người không nên vội vàng lên án. Tuy nhiên, tôi cũng khuyên các anh chị nên biết dừng lại đúng lúc cần thiết, nhất là khi đến chùa làm Phật sự hay khi đã mặc doàn phục GĐPT thì cần phải thể hiện tinh thần Trung Đạo “Thiểu dục – Tri túc” của một người huynh trưởng GĐPT.

 

Trường hợp 2 : Bài học Trung Đạo cũng dạy chúng ta nên ăn mặc đơn giản để thể hiện tinh thần “kiệm ước” của người con Phật. Tuy nhiên, cũng có không ít người chấp chặt vào điều này một cách cực đoan, vô tình trở thành hạng người mang bệnh “Giới cấm thủ kiến”

Trong sách “Góp Nhặt Cát Đá” có một câu chuyện minh họa cho bệnh “Giới cấm thủ kiến”. Câu chuyện như sau : “Có hai thiền sinh trên đường trở về thiền viện sau một ngày hóa duyên dưới phố chợ. Trời mùa đông, tuyết sa mù mịt, lạnh như cắt da, đường trơn trợt khó đi. Đến một bờ suối, hai người nhìn thấy một thiếu nữ run lập cập không dám lội xuống suối để sang bờ bên kia. Thiền sinh A  liền bế cô gái nhỏ đưa qua suối. Cô gái cảm ơn rồi đường ai nấy đi. Thiền sinh B thấy vậy, tâm tư nặng trĩu, không hài lòng. Khi về đến thiền viện, dằn không được, mới lên tiếng trách thiền sinh A: “Chúng ta đã giữ giới không được gần gũi phụ nữ, sao huynh dám phá giới?” Thiền sinh A cười đáp :”Tôi đã bỏ cô gái lại bên bờ suối, còn huynh sao lại mang cô gái về tận đây?”

 

Có không ít huynh trưởng thực hành “thiểu dục” một cách mù quáng đến nỗi làm cho hình ảnh của mình trở thành lôi thôi, lếch thếch một cách quá đáng. Tôi đã từng chứng kiến cảnh hai anh huynh trưởng giận nhau chỉ vì chuyện chải đầu. Chuyện là thế này :

Hai anh cùng đơn vị, cùng tham dự trại huấn luyện. Buổi sáng, sau khi rửa mặt xong, anh A móc trong túi ra một cây lược chài đầu. Anh B thấy vậy lên tiếng phê bình:

-Đã làm huynh trưởng rồi mà còn chưng diện

Anh A đáp lại :

-Đây không phải là chưng diện. Đây là làm cho tóc tai gọn gàng

-Muốn tóc tai gọn gàng chỉ cần lấy năm ngón tay vuốt tóc là được rồi

Anh A quay đi không tranh luận, nhưng trước khi bỏ đi, anh còn để lại một câu :

-Giới cấm thủ kiến !

 

Trên thực tế,  một số huynh trưởng có vẻ ngoài lôi thôi quá đáng như : đoàn phục nhăn nhúm, chân không mang giày, lưng không dây nịt, đầu không đội nón , phù hiệu, cấp hiệu, huy hiệu… cái có cái không, trông thật phản cảm !

Nhiều người nghĩ rằng: Đã là Phật tử thì không nên chú trọng hình thức bên ngoài. Thậm chí họ còn cho rằng : Càng ít chăm lo cho hính thức bên ngoài mới chứng tỏ họ là Phật tử chân chính, là người có thực tu. Và họ thường mỉa mai những ai còn để ý tới hình thức bên ngoài là “hạng thiếu tu”. Quan niệm này xuất phát từ bệnh “giới cấm thủ kiến” .

 

Trong trường hợp này, chúng ta cần tư duy như sau :

-Hình thức bên ngoài , suy cho cùng, là thứ giả tạm. Tuy nhiên khi còn sống trên đời, còn tiếp xúc, còn giao tế với mọi người trong xã hội, còn bổn phận và trách nhiệm với đời sống… thì việc giữ cho vẻ ngoài tươm tất, gây được thiện cảm và sự tín nhiệm của mọi người cũng là việc đáng quan tâm.

-Chúng ta đừng quá cực đoan khi cho rằng hình thức bên ngoài là giả tạm mà không thèm quan tâm chăm sóc đến nó. Kinh Jàtaka phẩm 38, trang 220 dưới nhan đề Tiền thân Baka thuộc Tiểu Bộ Kinh do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, có ghi lại câu chuyện như sau : “Một tỳ kheo chuyên may y đã dùng những miếng vải cũ nhặt được ghép lại thành tấm vải lớn, may thành y, nhuộm với nước bột, ủi bằng vỏ ốc, làm cho trơn láng đẹp đẽ. Những tỳ kheo không biết may y đem vải mới đến vị tỳ kheo ấy để đổi lấy y…”

Qua đoạn kinh trên, chúng ta cũng hình dung ra phần nào vẻ ngoài của các tỷ kheo thời Đức Phật . Từ đó suy ra Đức Phật đã không cấm các đệ tử xuất gia của Ngài mặc y áo được “nhuộm với nước bột, ủi bằng vỏ ốc, làm cho trơn láng đẹp đẽ…”

 

Trường hợp 3 : trong anh chị em Lam hữu của chúng ta cũng có một số ít người ưa thích biểu lộ sự “thực tu” của mình ra cho mọi người thấy bằng cách không đeo cấp hiệu, phù hiệu chức vụ, bảng tên … nhằm tỏ ra cho mọi người thấy rằng mình là Phật tử chân chánh không ham thích, không khoe khoang chức tước, cấp bậc, tên tuổi…

Trong trường hợp này, chúng ta tư duy như sau :

-Đây cũng là biến tướng của bệnh “Giới cấm thủ kiến” . Tâm lý của những anh chị này là muốn tỏ ra mình cao thượng, vượt trội hơn mọi người ở tư cách Phật tử của mình. Chính tâm lý ấy đã nói lên cái ngã của anh chị ấy to hơn những người khác rồi. Tâm lý này thường xuất hiện ở một số ít những anh chị cấp bậc cao và ở chức vụ cao .

-Thực tế, hậu quả của hành vi vừa nêu không đem lại sự kính trọng, khen ngợi, noi gương… của người khác, mà còn gây ra những tác hại như sau:

*Người khác cảm thấy những anh chị ấy thiếu tôn trọng mọi người, trong đó có mình

*Các huynh trưởng trẻ thiếu suy nghĩ thấy vậy sẽ noi gương theo hành vi này của anh chị lớn để rồi trở thành kẻ lập dị, kệch cởm, không giống ai giữa mọi người.

*Nếu càng có nhiều người bắt chước như thế thì còn đâu nề nếp, còn đâu kỷ cương của tổ chức ?

*Lời dạy của các anh chị ấy sẽ chỉ là giả dối đối với đoàn sinh, trại sinh khi mà các anh chị đã không được “Lời nói đi đôi với việc làm”, tức là thiếu đi phần “thân giáo” của người huynh trưởng.

-Đeo đầy đủ huy hiệu, cấp hiệu, phù hiệu chức vụ, bảng tên… theo quy định chung là thể hiện tính kỷ luật của người huynh trưởng. Cấp bậc càng cao, chức vụ càng lớn thì càng phải nêu gương kỷ luật cho đàn em bằng cách chấp hành tốt quy định về đeo huy hiệu, cấp hiệu… để đàn em noi theo.

-Đoàn phục không chỉnh tề còn nói lên tính cách lười nhác, hời hợt của người huynh trưởng. Nếu anh chị nào  quan niệm dễ dãi, buông thùa trong cách ăn mặc là chứng tỏ mình đã “ giải thoát” thì đó là quan niệm sai lầm. Nó chỉ mang lại tác dụng xấu cho chúng ta trong vai trò huynh trưởng GĐPT mà thôi.

 

Bạn thân mến,

Rất mong những điều tôi vừa trình bày trong lá thư này sẽ là đề tài cho bạn tư duy, quán chiếu để thực hành trong sinh hoạt GĐPT, góp phần hoàn thiện chân dung người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên lộ trình “Đào luyện trở thành người Phật tử chân chánh” của chúng ta.

Thân ái cháo bạn và hẹn gặp lại bạn ở lá thư kỳ tới.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.