Thư Gởi Các Bậc Phụ Huynh (4)

G

THƯ GỞI CÁC BẬC PHỤ HUYNH

Kỳ 4:  NHỮNG TÍN HIỆU VUI HÔM NAY TỪ PHẬT GIÁO QUA CÁC HOẠT ĐỘNG TU THIỆN DÀNH CHO TUỔI TRẺ


           Kính thưa Quý vị Phụ huynh,
          Tam tạng giáo điển còn ghi lời Phật dạy rằng : “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật”. Ngày nay, có một câu nói nổi tiếng của một thiền sư được nhiều người biết đến : “Đạo Phật ra đời là để phụng sự chúng sanh; Đạo Phật ra đời không phải để cho con người sùng bái lễ lạy”.
           Trên tinh thần ấy, Phật Giáo Việt Nam qua các triều đại Đinh – Lê – Lý – Trần đã đóng góp cho đất nước và dân tộc Việt Nam biết bao chiến công giữ nước và dựng nước. Trong thời cận và hiện đại, PGVN tiếp tục công cuộc “hộ quốc an dân” thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Trong phạm vi lá thư này, chúng tôi muốn giới thiệu với Quý vị một trong những cống hiến xuất sắc của PGVN trong lãnh vực đem đạo đức đến với thanh thiếu nhi. Đó chính là việc sáng lập ra tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi theo tinh thần Phật Giáo mang tên Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPT).
           Tiền thân của GĐPT là Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục do Cư sĩ Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, hội trưởng Hội An Nam Phật Học thành lập tại Huế năm 1940 trong phong trào Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam. Đoàn quy tụ nhiều thanh niên tân học trí thức thông thạo Phật học. Hoạt động của Đoàn là chia nhau đi đến các chùa vào mỗi ngày chủ nhật để hướng dẫn đạo đức Phật Giáo cho các em thiếu nhi . Các em này là con cháu của Phật tử trong chùa, tập họp lại với tên gọi Đoàn Đồng Ấu. Đến năm 1943, Đoàn TNPHĐD sát nhập với các Đoàn Đồng Ấu trở thành những đơn vị Gia Đình Phật Hóa Phổ, tôn chỉ và mục đích hoạt động vẫn như trước. Các đơn vị GĐPHP dần dần phát triển ra Bắc và lan đến tận các tỉnh nam Trung phần. Năm 1951, đại diện các GĐPHP họp đại hội tại chùa Từ Đàm-Huế, thống nhất chọn tên gọi Gia Đình Phật Tử làm danh xưng cho tổ chức, đồng thời xác lập mục đích của GĐPT là “Đào luyện thanh thiếu đồng niên trở thành Phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”
           Từ đó GĐPT dần phát triển khắp ba miền Trung-Nam-Bắc. Tôn chỉ của GĐPT là luôn hoạt động trong lòng một Giáo hội hợp pháp qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước, như một chồi non cần được che chở và nuôi dưỡng từ cây đại thụ mẹ. Tính đến năm 1975, GĐPT có mặt từ Quảng Trị đến Cà Mau với hơn hai trăm ngàn đoàn viên bao gồm đủ mọi lứa tuổi : từ em thiếu nhi cho đến cụ già , tất cả cùng sinh hoạt dưới ánh sáng Phật Pháp và tình cảm màu áo Lam thân thiết.
 
           Ngày nay, GĐPT sinh hoạt trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam và luật pháp Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tôn chỉ vẫn như trước, riêng mục đích có một chút thay đổi nhỏ cho phù hợp với thời đại như sau : Mục đíchGĐPT là : “Đào luyện thanh thiếu đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chánh – Góp phần phụng sự Đạo Pháp và xây dựng xã hội”.
Tính đến năm 2014, tổ chức GĐPT có mặt tại 32 tỉnh thành trong cả nước với số lượng gần 74.000 đoàn viên đang sinh hoạt tại 1.050 đơn vị GĐPT. Đặc điểm hoạt động của GĐPT như sau :
 
           Đặc điểm 1 : GĐPT là một tổ chức tự nguyện dành cho mọi lứa tuổi, từ nhi đồng cho đến lão niên. Đoàn viên GĐPT chia ra hai đối tượng chính :
           a-Huynh trưởng : là những cư sĩ Phật tử từ 18 tuổi trở lên đến với GĐPT vừa để có cơ hội học Phật tu thân, vừa đóng góp khả năng của mình vào việc hướng dẫn đạo đức Phật Giáo cho đoàn sinh. Huynh trưởng GĐPT không hưởng bất cứ chế độ lương bổng hay một hình thức đãi ngộ nào từ Giáo hội. Họ cúng dường tài chánh, thời giờ, công sức… cho sinh hoạt GĐPT như là một cách để trả Ân Tam Bảo.
           b-Đoàn sinh : có 3 hạng đoàn sinh :
                       1-Ngành Oanh Vũ : là những em từ 6 đến 12 tuổi
                       2-Ngành Thiếu : là những em từ 13 đến 17 tuổi
                       3-Ngành Thanh : là những thanh niên nam, nữ từ 18 tuổi trở lên không có điều kiện làm huynh trưởng.

           Đặc điểm 2 : GĐPT là một tổ chức giáo dục.
           1)Nội dung giáo dục của GĐPT lấy lời Phật dạy làm kim chỉ nam nhằm hướng đoàn viên trở thành những Phật tử chân chánh, nghĩa là những con người đạo đức trong xã hội.
           2)Các bộ môn học trong GĐPT là :
                       a-Phật Pháp : giúp đoàn sinh hiểu và thực hành các điều thiện trong đời sống (Đức dục)
                       b-Kỹ năng hoạt động thanh niên : đào tạo cho đoàn sinh có nhiều kỹ năng sống và những đức tính tốt nhằm áp dụng vào cuộc sống. (Trí dục – Thể dục)
                       c-Văn nghệ : khơi dậy và làm phát triển cái hay cái đẹp  trong tâm hồn đoàn sinh (Mỹ dục)
           Mọi hoạt động của GĐPT đều nhắm vào bốn mục đích giáo dục trên đây.

           Đặc điểm 3 : GĐPT có các phương pháp giáo dục đặc thù của nền giáo dục Phật Giáo
           1)Học mà chơi, chơi mà học : nhiều người không hiểu, cho rằng con em mình vào GĐPT chỉ thấy chơi mà không thấy học. Thật ra, GĐPT cố tránh cái học “nhồi nhét” như ở nhà trường.
           2)Huân tập : Vào GĐPT, các em tập dần những thói quen tốt để lâu ngày những thói quen ấy trở thành tác phong, tư cách của một người Phật tử. GĐPT không giáo dục theo cách áp đặt nóng vội.
           3)Lý giải : đối với đoàn sinh ngành Thanh, Thiếu, GĐPT áp dụng phương pháp lý giải để tập cho đoàn sinh phát triển tư duy và thực tập theo Lời Phật dạy.
           4)Hoạt động : những gì được học trên lý thuyết cần phải tạo cơ hội thực hành , đó chính là mục đích của phương pháp hoạt động.
           5)Quán niệm : đoàn viên được thực tập các hình thức Chánh Niệm (Thiền) để chuẩn bị đi sâu vào khoa học tâm linh một khi họ có đủ điều kiện chuyên tu sau này.

           Đặc điểm 4 : GĐPT không phải là một dạng câu lạc bộ thanh thiếu niên
           1)GĐPT không tập trung vào chùa trong một, hai, hay ba ngày gọi là “Tu” rồi giải tán như các câu lạc bộ thanh thiếu niên
           2)GĐPT tu học rất “chuyên nghiệp” bằng một chương trình kéo dài cả một đời người. Nhiều huynh trưởng cao niên đã có cháu nội cháu ngoại rồi mà vẫn chưa đi hết chương trình tu học của mình.
           3)GĐPT có một chương trình tu học được biên soạn rất công phu, khoa học và không ngừng được cải tiến suốt 60 năm qua. Chương trình gồm :
                      a-Ngành Oanh Vũ tu học trong 4 năm qua các bậc : Mở mắt, Cánh mềm, Chân cứng, Tung bay.
                      b-Ngành Thiếu tu học trong 4 năm qua các bậc : Hướng thiện, Sơ thiện, Trung thiện, Chánh thiện.
                      c-Ngành Thanh tu học 12 năm qua các bậc : Hòa, Minh, Kiến, Trực (mỗi bậc 3 năm)
                      d-Huynh trưởng tu học 11 năm qua các bậc : Kiên (1 năm), Trì (2 năm), Định (3 năm), Lực (5 năm)
           Như vậy, một thanh thiếu nhi bắt đầu bước chân vào GĐPT là bắt đầu cuộc hành trình tu thiện hành thiện cho đến suốt cuộc đời với cứu cánh là trở thành người Phật tử chân chánh.
           4)Sinh hoạt GĐPT không cần tổ chức rình rang tốn kém vài ba hôm rồi giải tán; Sinh hoạt GĐPT đòi hỏi sự nhẫn nại, kiên trì, bền bĩ và đi vào chiều sâu giáo dục để có kết quả nhất định trong một thời gian nhất định cho từng người.
           Năm 1964, trong một lần đến thăm Phật Giáo Việt Nam, Hòa thượng Tiến sĩ Narada MahaThéra , một vị cao tăng người Tích Lan đã có những lời khen tặng như sau :

"Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục thiếu nhi quan trọng và có sắc thái độc đáo; có thể nói đó là một trong những nét đặc biệt nhất của đạo Phật tại Việt Nam. Tại các nước Phật Giáo trên thế giới chưa có một tổ chức thiếu nhi nào đông đảo và có tổ chức khéo léo như thế” (Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang- NXB Lá Bối 1973)
           Tùy nơi tùy lúc nào đó, dưới con mắt của một người ngoại cuộc, có thể có người cho rằng sinh hoạt GĐPT thật buồn tẻ, đáng chán; nhưng dưới nhãn quan của người hiểu biết sâu sắc về sinh hoạt GĐPT, thì những hình ảnh “buồn tẻ” ấy nói lên giá trị tinh tấn tu học của những đoàn viên GĐPT trong cuộc. Bởi vì chúng ta đều biết rằng tuổi trẻ thì ham vui và mau chán, lâu lâu tụ họp lại chơi giỡn một,  hai ngày thì thích lắm; nhưng bảo kiên trì tu học xuyên suốt một năm thì ít có em nào có đủ ý chí theo đuổi ! Vì thế, hình ảnh những  đoàn viên GĐPT đang âm thầm tu học mỗi ngày chủ nhật đúng ra là một hình ảnh đáng mừng đáng quý chứ không hề đáng buồn!
 
           Kính thưa các bậc phụ huynh,
           Trong lịch sử Đạo Phật tại Việt Nam, sự xuất hiện của một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi theo tinh thần Phật Giáo như Gia Đình Phật Tử đã nói lên tinh thần khoa học, nhập thế, tùy duyên và khế cơ khế lý của Phật Giáo Việt Nam.
           Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quý phụ huynh gần xa , những người có duyên đọc được bài viết này, như là một tín hiệu vui từ Phật Giáo được coi như một giải pháp hữu hiệu cho tình trạng đạo đức xuống cấp hiện nay của một bộ phận không nhỏ con em chúng ta. Người viết bài này mong rằng đông đảo các bậc phụ huynh hãy động viên, khuyên nhủ và tạo điều kiện cho con em mình tham gia sinh hoạt GĐPT tại một ngôi chùa tại địa phương nơi mình đang sinh sống để các em có cơ hội tiếp cận với lời dạy của đức Phật nhằm đề kháng lại  với những cái xấu trong xã hội ngày nay đang từng ngày gậm mòn tâm hồn con em chúng ta.
           Để tìm hiểu sâu về sinh hoạt GĐPT, chúng tôi kính đề nghị quý vị tìm đọc loạt bài “Thư gởi người huynh trưởng trẻ” của tác giả Ong Mật đăng thường xuyên tại mục diễn đàn của trang Website này.
           Trân trọng kính chào và kính chúc Quý vị vô lượng an lạc.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 12 năm 2024
03
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 3
Ngày Tân Sửu
Tháng Bính Tý
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
03
Tháng 11
Kiên Giang