Trên con đường đi tìm một Đạo Phật Chân Chánh, chúng ta cần biết qua dôi nét về sự tương đồng và dị biệt của Phật Giáo Nam truyền (Nguyên Thủy) và Phật Giáo Bắc truyền (Đại Thừa). Việc làm này cũng đồng nghĩa với việc tìm hiểu sự tương quan giữa giáo lý Tiểu Thừa y cứ vào tam tạng kinh điển Pali (Nam Phạn) với giáo lý Đại Thừa y cứ vào tam tạng kinh điển Sancrit (Bắc Phạn). Việc tìm hiểu này không ngoài mục đích giúp người học Phật có cái nhìn chân xác hơn để củng cố niềm tin vững chắc vào Đạo Pháp trước hiện tượng phân hóa của Đạo Phật hiện nay.
Sau Đức Phật nhập diệt khoảng 100 năm, Phật Giáo đã bắt đầu xuất hiện sự thay đổi trong suy nghĩ của một bộ phận người xuất gia, khởi đầu bằng việc mở rộng quan điểm về việc giữ GIỚI. Kể từ đó nội bộ Tăng Đoàn chia ra hai nhóm chính : Nhóm bảo thủ gọi là Thượng Tọa Bộ; nhóm cải cách gọi là Đại Chúng Bộ.
Thựơng Tọa Bộ bảo lưu 100% Kinh – Luật từ thời Đức Phật còn tại thế, lưu truyền cho đến ngày nay, hình thành nên hệ phái Phật Giáo Nguyên Thủy
Cho đến khoảng 300 – 600 năm sau Phật nhập diệt, các luận sư kiệt xuất của Đại Chúng Bộ cho ra đời nhiều bộ KINH – LUẬN nổi tiếng, hình thành nên hệ thống kinh điển Đại Thừa được viết bằng tiếng Sancrit. Từ đó Đạo Phật chia làm hai hệ phái lớn : Nguyên Thủy và Đại Thừa.
Phật Giáo Nguyên thủy chủ yếu truyền bá đi các nước Nam Á nên về sau còn gọi là Phật Giáo Nam truyền; Phật Giáo Đại Thừa chủ yếu truyền bá ra các nước Trung – Bắc Á nên về sau còn gọi là Phật Giáo Bắc truyền.
Vì sao có tên Đại Thừa, Tiểu Thừa ?
Có tên Đại Thừa (cỗ xe lớn) vì trước đó xuất hiện tên gọi Tiểu Thừa (cỗ xe nhỏ) để chỉ cho Phật Giáo Nguyên Thủy. Các nhà tư tưởng Đại Thừa cho rằng giáo lý trong kinh tạng Nikaya mà Phật Giáo Nguyên Thủy đang y cứ tu hành là giáo lý tục đế, chỉ tự độ chớ không thể độ tha. Vì thế họ gọi những nhà sư Nguyên Thủy là những người đang đi trên một chiếc xe nhỏ tức Tiểu Thừa. Trong khi đó , giáo lý Đại Thừa được các nhà tư tưởng hệ phái này cho rằng có thể tự độ và độ tha. Vì vậy, họ ví giáo lý Đại Thừa như một cỗ xe lớn chở được nhiều người.
Vào thế kỷ XIII, Hồi Giáo đem quân xâm chiếm tiểu lục địa Ấn Độ. Trong cuộc xâm lăng này, chúng đã sát hại toàn bộ tu sĩ Phật Giáo và phá tan tất cả chùa chiền, tháp miếu… của Phật Giáo Ấn Độ. Trong cơn đại tàn sát này, tu viện Nalanda, viện đại học Phật Giáo đầu tiên với hơn 10.000 tăng sĩ lưu trú đã bị đốt cháy. Tất cả tăng sinh đều bị giết, kinh sách Phật Giáo đều bị đem thiêu hủy . Phật Giáo mất dấu hẳn trên quê hương Đức Phật.
May thay, lúc ấy Đạo Phật từ Ấn Độ đã được lưu truyền sang các nước châu Á. Một số nước Nam Á như: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào …vẫn còn lưu giữ được kinh tạng Nikaya, tức kinh tạng Pali. Một số nước Bắc Á theo Phật Giáo Đại Thừa như : Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam… đã có những bản dịch kinh điển Đại Thừa viết bằng tiếng Sancrit.
Như vậy, tuy Phật Giáo đã bị tiêu diệt trên đất Phật, nhưng tinh hoa của Đạo Phật đã kịp lan truyền và được gìn giữ trên các đất nước lân bang. Ngày nay, các nhà Phật Giáo Nguyên Thủy vẫn thường tự hào rằng Kinh tạng Nikaya mới chính là KINH GỐC do chính kim khẩu Đức Phật Thích Ca thuyết giảng trong 45 năm sau khi đắc đạo. Có người bạo miệng còn cho rằng kinh điển Đại Thừa là của Bà la môn giáo! Rằng các nhà sư Đại Thừa không phải là tu sĩ Phật Giáo(!?)
Trong khi đó, các nhà Đại Thừa Phật Giáo rất tự hào với nền giáo lý Đại Thừa vi diệu, thâm sâu, phát triển từ nền giáo lý Nguyên Thủy và trở thành nền minh triết sáng ngời của một Đạo Phật tùy duyên, bất biến mang lý tưởng Bồ Tát Đạo, khế cơ, khế thời, khế lý với cuộc sống ngày càng phát triển của nhân loại. Những bộ kinh Đại Thừa nổi tiếng được nhiều Tăng Ni, Phật tử đọc tụng, nghiên cứu, thực hành như : Pháp Hoa, A Di Đà, Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Kim Cang, Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh v.v…
Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu khái quát tính tương đồng và dị biệt giữa hai nền giáo lý Nguyên Thủy và Đại Thừa trong bối cảnh xã hội thế kỷ XXI, tức 2.559 năm sau khi Phật tịch diệt.
1- Giáo lý Nguyên Thủy đặt người cư sĩ Phật tử ở một vị trí thấp kém, cho rằng người cư sĩ không thể giác ngộ và giải thoát như người xuất gia. Các nhà sư Nguyên Thủy chỉ khuyến khích người cư sĩ quy y Tam Bảo – Giữ Năm Giới – Cúng dường chư Tăng để tích phước cho đời này và đời sau. Ngoài ra, người cư sĩ không được tìm hiểu sâu về giáo lý, cũng không được khuyến khích nỗ lực tu tập như chư Tăng.
Giáo lý Đại Thừa, điển hình như Kinh Pháp Hoa, đặt người cư sĩ Phật tử lên vị trí cao ngang với Phật và Bồ tát. Nhiều hình thức tu trì được đề ra cho người cư sĩ để họ nỗ lực hành trì với niềm tin rằng nếu họ tinh tấn đúng mức, họ cũng sẽ được kết quả tu tập như các nhà sư. Thậm chí người cư sĩ còn được khuyến khích tinh tấn thực hành các pháp tu, nếu không đạt sự an lạc tuyệt đối thì cũng có được kết quả an vui tùy theo mức độ giải thoát của từng người.
2- Giáo lý Nguyên Thủy quan niệm đức Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử, là một con người kết hợp bởi NGŨ UẨN , tuy nhiên đức Phật khác với chúng sanh ở chỗ Ngài là một bậc Thánh đã giác ngộ hoàn toàn, trong khi chúng sanh vẩn còn VÔ MINH.
Trong khi đó, giáo lý Đại Thừa cho rằng Đức Phật Thích Ca là một siêu nhân, rằng Ngài đã được quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác từ vô lượng kiếp trước, lần thị hiện Ta Bà này chỉ là ỨNG THÂN, HÓA THÂN mà thôi. Từ giáo lý ấy, người Phật tử Đại Thừa nâng việc lễ bái Đức Phật và chư Bồ Tát lên thành một bghi thức vừa thiêng liêng vừa huyền bí, thậm chí thành một pháp môn tu niệm để được giác ngộ, giải thoát y như những pháp môn khác.
3-Giáo lý Nguyên Thủy khá rõ ràng cho mọi người tu tập : Từ giáo pháp Tứ Đế như một bản tuyên ngôn của Đức Thích Ca Mâu Ni về cuộc đời , người Phật tử thực hành Bát Chánh Đạo để tận diệt đau khổ bằng phương pháp tu dựa trên 37 phẩm Trợ Đạo cùng với giáo lý Duyên khởi, Nghiệp Báo, Vô Thường, Vô Ngã v.v… Vị ấy, bằng nỗ lực tinh tấn của mình, thâm nhập được chân lý, giác ngộ tất cả sự thật, giải thoát khỏi phiền não vô minh và vị ấy chứng quả A LA HÁN.
Giáo lý Đại Thừa đề ra rất nhiều pháp môn từ “khó” cho đến “dễ”, từ những pháp môn dành cho hàng thượng căn cho đến những pháp môn dành cho người thiểu căn tu tập. Phật Giáo Đại Thừa chia ra nhiều tông phái, chỉ riêng pháp môn Thiền cũng đã chia ra nhiều dòng Thiền khác nhau. Có một pháp môn được rất nhiều người hiện nay hành trì là pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc .
4-Kinh điển Phật Giáo Nguyên Thủy đọc tới đâu hiểu tới đó. Còn kết quả tu tập của mỗi người là tùy theo sự tinh tấn nỗ lực của người ấy và tùy theo các thuận duyên mà người ấy có được.
Kinh điển Đại Thừa rát khó hiểu vì tuyệt đại đa số kinh văn Đại Thừa mang tính ẩn dụ rất cao, nếu không có minh sư hướng dẫn thì người Phật tử sẽ lầm đường lạc lối, càng tu càng xa giáo nghĩa Phật thuyết, thậm chí đi đến chỗ mê tín dị đoan, không còn là Đạo Phật nữa. Tuy ngày nay đã có rất nhiều tác phẩm Phật học ra đời đáp ứng cho nhu cầu nghiên cứu giáo lý của quần chúng, nhưng số người cố công tìm hiểu và thực hành giáo lý vẫn không nhiều. Bên cạnh đó, phần lớn nhà sư Đại Thừa không có khả năng và thời giờ hướng dẫn Phật Pháp một cách chu đáo cho Phật tử . Thành ra, nhìn đâu cũng thấy sự mê tín, lễ bái, cầu xin đầy rẫy khắp các chùa.
Một vài bộ Kinh Đại Thừa được hiểu quá nông cạn trở thành mê tín (không biết là do trình độ chư tăng hay do điều kiện nào khác) Đó là các bộ kinh Pháp Hoa (phẩm Phổ Môn), Kinh Dược Sư, Kinh Địa Tạng, Kinh A Di Đà, Kinh Quán Vô Lượng Thọ v.v…
5-Phật Giáo Nguyên Thủy do tính chấp thủ nặng nên ít khi bị đồng hóa với tín ngưỡng địa phương, vẫn giữ được cung cách hành đạo từ xưa , do vậy Phật Giáo Nguyên Thủy ít bị lai tạp và bề ngoài đời sống các tu sĩ cũng còn giữ được oai nghi tế hạnh.
Phật Giáo Đại Thừa truyền đến quốc gia nào thường bị đồng hóa với tín ngưỡng dân gian của đất nước đó, vì thế khó giữ được bản chất nguyên thủy của đạo gốc. Ngày nay Phật Giáo Đại Thừa tại Việt Nam bị tín ngưỡng dân gian ảnh hưởng nặng nề khiến những bậc cao tăng thạc đức lo ngại cho một Đạo Phật bị biến thái. Những tinh hoa rực rỡ của nền minh triết Đại Thừa có nguy cơ bị xóa như Đạo Phật đã từng bị xóa tại Án Độ. Mặt khác, đời sống một bộ phận không nhỏ tu sĩ Đại Thừa ngày nay cũng mất mát đi nhiều hình ảnh khả kính trước mắt người cư sĩ.
Trên đây là một vài nhận định về sự khác và giống nhau giữa hai hệ phái Phật Giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa. Chúng tôi không có ý định đưa ra kết luận thế nào là một Đạo Phật chân chính qua bài viết này. Với những gì được viết trong bài này, chúng tôi ước mong sao những bạn đọc bài viết này, trong đó không ít huynh trưởng trẻ có thêm một vài hiểu biết về Phật Giáo hôm nay. Từ đó chúng tôi mong rằng các bạn sẽ tự mình nhận định đâu là Đạo Phật chân chánh để chúng ta học hỏi, gìn giữ và thực hành trong đời sống tu tập của người cư sĩ Phật tử.