Theo các nhà sử học tôn giáo, Đạo Phật biến tướng thành thứ tôn giáo tín ngưỡng vào thời gian khoảng sáu trăm năm sau khi Phật tịch diệt. Có lẽ các nhà sử học vin vào sự xuất hiện của các kinh điển Đại thừa như Hoa Nghiêm, Kim Cang, Di Đà v.v… nhất là kinh Pháp Hoa với khung cảnh được mô tả hoàn toàn như trong thần thoại mà kết luận như thế chăng ?
Thật ra, kinh điển đại thừa nếu được hiểu đúng, thì đàng sau khung cảnh đầy huyễn hoặc mà các Tổ đại thừa trình bày, là sự thăng hoa tuyệt đỉnh của giáo lý Đạo Phật, hoặc có thể nói đấy chính là sự diễn giải tuyệt vời của người đời sau về những gì mà Đức Phật đã thuyết giảng, được ghi lại trong kinh tạng Nikàya , như thiền sư Nhất Hạnh đã viết : “Đạo Bụt Đại Thừa là những hoa trái phát triển từ cội nguồn Phật Giáo nguyên thỉ”(Kinh A Di Đà giảng giải-Thích Nhất Hạnh)
(Một minh chứng: chính nhà bác học kiệt xuất nhất thế kỷ XX là Albert Einstein, nhờ nghiên cứu kinh điển Phật Giáo Đại Thừa, đặc biệt là Kinh Hoa Nghiêm, mà Ông đã có những nhận xét rất trung thực và có giá trị về Đạo Phật)
Nhưng, cũng vì ý nghĩa kinh đại thừa cao quá, ít người có khả năng diễn dịch và khó tìm người hiểu cho hết những ẩn dụ đằng sau các chi tiết thần thoại trong kinh mà người đời sau cứ lấy câu chữ trong kinh mà khuyến tu đối với quần chúng tín đồ hay chăng?
Thí dụ : Kinh A Di Đà mô tả cảnh Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà chỉ là một ẩn dụ để dạy con người lấy Tứ Diệu Đế làm kim chỉ nam, lấy Bát Thánh Đạo làm phương tiện xây dựng Tịnh Độ ngay tại thế gian này và ngay bây giờ chứ không đợi đến lúc qua đời mới đi qua Tây phương; Rằng: Vô lượng quang và Vô lượng thọ phải được hiểu theo thâm nghĩa là: Niết Bàn ( Tịnh Độ, Cực Lạc…) không có không gian và không có thời gian, Niết Bàn chỉ hiện ra tùy thời và tùy xứ . Nơi nào, lúc nào mà con người không còn tham – sân – si thì Niết Bàn có mặt tại nơi ấy, lúc ấy.
Điển hình như khi Đức Phật thành đạo vào rạng sáng ngày mùng tám tháng chạp năm 594 trước Tây lịch (theo kinh điển Đại thừa), chúng ta phải hiểu rằng kể từ giờ phút ấy, bậc Đạo Sư của chúng ta đã đạt đến cõi Niết Bàn. Như vậy, bất cứ thời nào, bất cứ chỗ nào có sự hiện diện của Thế Tôn thì nơi ấy, lúc ấy Niết Bàn cũng đang có tại đấy, chứ không phải đợi đến lúc Ngài xả bỏ thân tứ đại mới gọi là nhập Niết Bàn. Tất nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng Niết Bàn chỉ có mặt với Phật mà thôi, còn đối với chúng ta, dù lúc ấy chúng ta cũng có mặt bên cạnh Phật, nhưng chúng ta không có Niết Bàn, vì trong con người chúng ta vẫn chưa dứt sạch tham-sân-si. Vậy, có thể nói một cách dễ hiểu là : Niết Bàn hay Tịnh Độ chính là trạng thái tâm lý mà một người đã giác ngộ, giải thoát đạt đến; Niết Bàn hay Tịnh Độ không phải là một nơi chốn cụ thể ở tại một nơi nào đó mà mình có thể dùng các phương tiện giao thông để đi đến đó.
Nhưng, thay vì mất công hướng dẫn cho Phật tử khám phá ra thâm nghĩa của Kinh, các tăng sĩ Trung Hoa đã làm một việc dễ duôi là y cứ vào câu văn trong Kinh mà dạy Phật tử phải “thường niệm tên Phật Di Đà để khi chết được vãng sanh qua Tây phương Tịnh độ”. Dạy như vậy là đi sai lệch tinh thần “Tự độ” của Phật Giáo; là dùng sự huyễn hoặc không có thật để ru ngủ quần chúng, làm cho quần chúng tin vào điều không có thật, tức là mê tín. Một bộ kinh hết sức thâm sâu như Kinh A Di Đà đã bị các tăng lữ Trung Hoa, do vô tình hay cố ý, làm cho trở thành một thứ tín ngưỡng nhất thần và đa thần, khiến các nhà sử học ngày nay kết luận một cách thiếu khách quan đối với giá trị của Đạo Phật. Trách nhiệm này thuộc về hàng đệ tử xuất gia của Phật đã biến giáo lý thậm thâm vi diệu của Đấng Từ Phụ thành một thừ tín ngưỡng dễ duôi, tầm thường, mê muội…
Thí dụ nữa : Kinh Pháp Hoa giới thiệu về Bồ tát Quán Thế Âm, đấy là cách Phật dạy chúng đệ tử tu các hạnh lắng nghe và thông cảm . Nhưng, cũng vì lý do như đã nói ở trên mà các tăng sĩ Trung Hoa đã vẽ vời ra hình ảnh một Bồ tát Quan Âm qua hình dáng một người phụ nữ và còn thêu dệt rất nhiều huyền thoại xung quanh nhân vật không có thật này với các “hóa thân” như: Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Nam Hải, Chuẩn Đề ngàn mắt ngàn tay… cho đến Tiêu Diện đại sĩ vốn để hù dọa quần chúng, tạo thành một thứ tín ngưỡng rất phổ biến đến nổi ngày nay tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Phật tử chỉ biết ngày ngày thắp nhang cầu khấn Phật Bà mà quên bẳng người đã giới thiệu “bà” trong kinh Pháp Hoa là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Nhân viết đến đây, người viết bài lại nhớ ra rằng : các “đại sư” pháp môn tịnh độ cũng thường khuyên tín đồ “chỉ niệm danh hiệu A Di Đà mà thôi”, không cần niệm danh hiệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (!) Sao mà các “ngài” sớm quên nguồn cội như thế? Sớm quên câu “ Ăn trái nhớ kẻ trồng cây – Uống nước nhớ người đào giếng” như thế ? Hay các “ngài” cho rằng đức Phật A Di Đà và Phật bà Quan Âm mới là sáng tạo tuyệt vời của Phật Giáo Trung Hoa nên làm đủ cách để “lăng xê” thành thương hiệu của Phật Giáo Trung Hoa ?
Cũng như thế, Kinh Dược Sư, Kinh Địa Tạng v.v… cũng được các “đại sư” Trung Hoa biến thành thứ tín ngưỡng nhất thần và đa thần rồi truyền sang Việt Nam gần hai ngàn năm qua. Xin hỏi các “ngài” vì thiếu trí nên không diễn giải nổi thâm nghĩa kinh điển Đại Thừa; hay vì các “ngài” lười biếng, giải đãi trong trách vụ “Sứ giả Như Lai”; hay vì sự tham danh tham lợi mà xui khiến các “ngài” “hoằng hóa lợi sanh” một cách hồ đồ như thế ?
Hiện nay, đa số chùa chiền trong nước ta đã bị ảnh hưởng quá nặng thứ Đạo Phật mê tín mà các “đại sư” Trung Hoa cố tình truyền sang để làm tiêu đi cái tinh hoa của Phật Giáo Luy Lâu thời Trưng Trắc-Trưng Nhị. Người viết xin nêu một số tệ nạn mê tín trong các chùa Việt Nam hiện nay :
-Cúng sao giải hạn: hàng năm số tiền bỏ ra cho các nghi thức cúng sao giải hạn trên khắp các ngôi chùa Việt Nam có thể lên đến hàng ngàn tỷ VNĐ. Đa số lọt vào túi của mấy Chú Ba người Việt gốc Hoa làm nghề sản xuất hương-đăng-vàng-mã. Số còn lại chui vào hòm công đức các chùa chiền. Cúng sao giải hạn thật sự có kết quả gì không ? Xin thưa: Không! Tại sao người viết dám mạnh dạn nói “không” ? Là vì hàng ngàn năm qua, năm nào các chùa cũng đều tổ chức cúng sao giải hạn với lời cầu khấn “mưa thuận gió hòa, thiên hạ thái bình, quốc gia hưng thịnh, làm ăn thịnh vượng, sức khỏe miên trường v.v…” mà sao đất nước ta cứ phải nghèo nàn lạc hậu, nô lệ ngoại bang, nội chiến tương tàn, thiên tai bão lụt v.v… triền miên hết đời này sang đời khác , sao không thấy ông Tinh Quân nào xuống đây phù hộ hết vậy? Sự thật là như vậy, nhưng các thầy cứ nhắm mắt làm ngơ thì thật tội nghiệp cho Phật Giáo Việt Nam, tội nghiệp cho hàng thiện nam tín nữ lắm vậy !
-Coi ngày giờ tang ma, cưới hỏi : đã biết coi ngày giờ là tệ nạn mê tín dị đoan mà các thầy mình vẫn làm, phải chăng cũng vì tiền mà ra ? Thử hỏi, ngoài các nước Á Đông bị ảnh hưởng Phật Giáo tín ngưỡng của Trung Hoa, các nước còn lại trên thế giới không ai biết coi ngày giờ , chẳng lẽ họ chết cả hay sao ?
-Bên cạnh các chùa lấy việc cúng bái và sự mê tín của người đi chùa làm “kế sinh nhai”, hiện nay, tại các ngôi chùa được tạm gọi là “tiến bộ” vì các sư trụ trì có học qua các trường lớp Phật học, thậm chí có vị còn đi nước ngoài lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ , thì hiện tượng lễ bái, cầu khấn, mê tìn… vẫn chưa được mạnh dạn dẹp bỏ. Những hình thức cầu khấn mang dáng vẻ văn minh hiện đại như :
*Dạy mấy cô cậu học sinh, sinh viên lạy Phật, lạy Quan Âm cầu xin được thi đậu, tình duyên được toại nguyện, ra trường được có công ăn việc làm…
*Dạy người đi chùa viết những điều cầu khấn của mình lên một miếng giấy có hình lá bồ đề, hoặc hình “hoa Vô Ưu” …rồi treo lên “cây vàng, cây bạc” trước hình tượng Phật và Bồ tát và sì sụp lễ lạy, giống in như các tín đồ tôn giáo nhất thần, đa thần.
Đáng lý ra các cô cậu sinh viên học sinh đến chùa phải được các thầy dạy chánh kiến, chánh tư duy… để dần dần trở thành Phật tử chân chánh, thì lại chỉ được các sư thầy dạy thứ tà kiến, tà tư duy… đậm chất “ngu dân” của Phật Giáo Trung Hoa.
Ban Biên Tập xin gởi đến quý độc giả đoạn phóng sự của truyền hình An Viên về một vị đại đức tuyên truyền mê tín dị đoan một cách công khai
Trên đây chỉ mới là những hình thức cúng bái cầu khấn mê tín lộ liễu dễ nhận thấy. Thật ra Phật Giáo Việt Nam hiện nay còn rất-rất nhiều hình thái tín ngưỡng nhất thần và đa thần tinh vi mà người bình thường khó thấy, chỉ có những bậc cao tăng thạc đức liễu đạo mới nhận biết. Sở dĩ như vậy là vì từ hàng ngàn năm qua, Phật Giáo Việt Nam đã lệ thuộc rất nhiều vào Phật Giáo tín ngưỡng của Trung Hoa. Từ đó, thứ tín ngưỡng nhất thần và đa thần thật sự đã tiêm nhiễm vào đầu óc của đại đa số người xuất gia rồi ! Những nghi thức cúng bái cầu khấn đã từ lâu trở thành nề nếp sinh hoạt thiền môn của các chùa, nhất là các chùa Bắc tông. Dù cho thầy trụ trì là người có học, có óc cầu tiến, nhưng muốn bãi bỏ những thứ tín ngưỡng viễn vông này để tìm lại hình ảnh một Đạo Phật chân chính, là một việc làm không bao giờ dễ dàng, cũng giống như chèo thuyền đi ngược dòng nước lũ vậy!
Cũng không ít vị trụ trì khi được hỏi về sự sa sút giá trị của Đạo Phật ngày nay, đã biện minh rằng : “Đấy chỉ là phương tiện để hướng dẫn người sơ cơ mới đến với Phật Pháp”Nếu đã nói là “phương tiện” thì phải có lúc nào đó chấm dứt phương tiện để sử dụng đến những phương pháp chính thống chứ ! Nhưng thử hỏi quý vị rằng sự phương tiện này đến lúc nào mới kết thúc, thì e rằng người hỏi sẽ không nghe được câu trả lời thỏa đáng.
Tuy vậy, những người Phật tử chân chính vẫn nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm khi mà vào đầu thế kỷ XXI này, Phật Giáo Việt Nam cho thấy ngày càng xuất hiện nhiều vị Tăng tài tiếp nối con đường Khất Sĩ của đấng Từ Phụ Thích Ca. Chư vị Tôn Đức này đang từng ngày nỗ lực phục hồi lại Đạo Phật Chân Chính và số Phật tử chân chính đi theo con đường này ngày càng đông. Đó là tín hiệu đáng mừng cho Phật Giáo nói chung và Phật Giáo Việt Nam nói riêng.
Người viết bài này kính mong chư tôn thiền đức lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam hiện nay quan tâm đề ra nhiều biện pháp, một mặt khuyến tấn tăng, ni hành đạo theo Đạo Phật chân chính, mặt khác hạn chế những hình thức tín ngưỡng, cúng bái, cầu khấn làm mất đi giá trị Đạo Phật .
Không ít bậc thiện tri thức ngày nay nhìn vào tình trạng biến tướng của Đạo Phật đã không khỏi tự hỏi: không lẽ sự nghiệp giác ngộ giải thoát mà Đức Thích Ca để lại đến hôm nay bị chính những trưởng tử của Ngài phá cho tiêu vong hay sao?
Nếu thật sự Đạo Phật chỉ là một thứ tín ngưỡng nhất thần và đa thần như nó đang có mặt tại đa số chùa chiền Việt Nam hiện nay, thì nó đã không có được vị trí đáng trân trọng trong suy nghĩ, đánh giá của nhân loại ngày nay như đã thể hiện tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2000 vừa qua.
(TP.Hồ Chí Minh)