Vai Trò, Vị Trí Phật Giáo Kiên Giang Trong Công Cuộc Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam ( 1930 – 1945 )

G

I-BỐI CẢNH PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO TẠI NAM KỲ

             Ý tưởng chấn hưng Phật Giáo tại Nam Kỳ xuất phát từ năm 1923.
            Ngày 19 tháng Chín năm Quý Hợi (1923), nhân ngày giỗ tổ tại chùa Long Hòa, quận Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, một cuộc họp mặt của các bậc tôn túc các tổ đình Nam Kỳ lục tỉnh gồm các thiền sư: Huệ Quang (Trà Vinh), Khánh Hòa (Bến Tre), Chí Thành (Châu Đốc), Từ Phong (Chợ Lớn), Trí Thiền (Rạch Giá), Chánh Quả, An Lạc, Huệ Định (Sài Gòn), Diệu Pháp v.v… Kết quả cuộc họp mặt bàn về việc chấn hưng Phật Giáo lần đầu tiên này cho ra đời hội Lục Hòa Liên Hiệp,
            Từ nền tảng ban đầu này, đến năm 1930, hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học (NKNCPH) chính thức ra mắt, mở đầu cho công cuộc chấn hưng Phật Giáo tại Nam Kỳ và làm tiền đề cho phong trào chấn hưng Phật Giáo tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ lần lượt diễn ra sau đấy. Hội NKNCPH đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn) do Thiền sư Từ Phong làm chánh hội trưởng, thiền sư Khánh Hòa làm hội phó thứ nhất, thiền sư Huệ Định và Trí Thiền làm cố vấn.
            Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học hoạt động không hiệu quả do nội bộ thiếu thống nhất. Thiền sư Khánh Hòa trở về Trà Vinh vận động thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật Học năm 1934. Trong thời gian này, giữa hội NKNCPH và hội Lưỡng Xuyên Phật Học thường có những bài viết phê phán nhau qua lại trên hai tờ báo: Từ Bi Âm (của hội NKNCPH) và Duy Tâm (của hội LXPH).
            Những người đồng tâm, đồng chí với thiền sư Khánh Hòa như thiền sư Trí Thiền (Rạch Giá) và Thiện Chiếu (Sài Gòn) từ đó cảm thấy không còn phù hợp với quan điểm và đường lối hoạt động của hội NKNCPH cũng như hội LXPH. Đó chính là động cơ ra đời của hội Kiêm Tế Phật Học tại Rạch Giá (Kiên Giang).
 

II-HỘI KIÊM TẾ PHẬT HỌC VỚI CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO TẠI KIÊN GIANG

 
            1)Khái quát về Hội Kiêm Tế Phật Học :
Hội Kiêm Tế Phật Học ra đời năm 1937, do Hòa thượng Thích Trí Thiền (thế danh Nguyễn Văn Đồng) làm hội trưởng, đặt trụ sở tại chùa Sắc Tứ Tam Bảo thuộc làng Vĩnh Thanh Vân – Rạch Giá (nay là phường Vĩnh Bảo, tp Rạch Giá) Bản Điều lệ hội được chánh quyền phê chuẩn ngày 23.3.1937. Thiền sư Trí Thiền (tục gọi Hòa thượng Đồng), trụ trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo (Rạch Giá) làm Chánh tổng lý, Hai chức vụ phó tổng lý được hai vị Nguyễn Văn Ngọ (trụ trì chùa Sắc Tứ Thập Phương) và Ngô Thành Nghĩa (trụ trì chùa Phước Thạnh) đảm nhiệm. Cơ quan ngôn luận của Hội là tạp chí Tiến Hòa ra đời ngày đầu năm 1938 do thiền sư Pháp Linh (Phan Thanh Hà) làm chủ bút, cư sĩ Đỗ Kiết Triệu làm chủ nhiệm. Một nhân vật rất quan trọng của tạp chí Tiến Hóa nhưng không giữ chức vụ nào là thiền sư Thiện Chiếu. Trước đây, ông cộng tác mật thiết với thiền sư Khánh Hòa nhưng vì không đồng tính với cung cách làm việc của thiền sư Khánh Hòa nên ông quay sang cộng tác với thiền sư Trí Thiền.
 
            Danh từ Phật Học Kiêm Tế đã phần nào nói lên ý hướng của những người chủ trương: đây không chỉ là một cái hội chỉ để học Phật mà còn để thực hành kinh bang tế thế nữa. Danh từ Tiến Hóa cũng nhằm nói lên lập trường tiến bộ của hội. Ngay sau khi hội được thành lập, một Viện Mồ Côi được tổ chức tại chùa Tam Bảo. Đây có thể nói là cô nhi viện đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam được tổ chức theo kiểu phương Tây.
 
            Ngoài ra, hội còn tổ chức một trại cứu tế nạn nhân bão lụt nuôi ăn trên 200 người trong thời gian hai tháng tại trụ sở hội.
            Chủ trương của Hội Kiêm Tế Phật Học được công khai trên tạp chí Tiến Hóa, gồm những điểm sau đây :
            1-Người Phật tử , ngoài học Phật, còn phải học cho thông các môn khoa học, kinh tế để giúp đời
            2-Đức Phật là một con người giác ngộ chứ không phải là một vị thần ban phước giáng họa cho chúng sanh
            3-Muốn cứu độ chúng sanh, ngoài cải tạo Tâm còn phải chú trọng cải tạo Cảnh. Phải lập trường học cung cấp cơ hội cho những người nghèo khó thất học.
            Ngoài ra, trong nhiều bài đăng trên Tiến Hóa, người ta cũng bắt gặp một số tư tưởng tiến bộ của hội, như :
            -Kêu gọi một Đạo Phật nguyên gốc, bác bỏ Kinh Địa Tạng vì nội dung huyền hoặc của kinh này.
            -Kêu gọi cách mạng trong đường lối tu tập và hành đạo của tu sĩ Phật Giáo, học hỏi lối tu của phong trào Tân Tăng bên Nhật Bản
            -Kêu gọi tăng ni và Phật tử tích cực nhập thế
 
2)Những trụ cột trong hội Kiêm Tế Phật Học :

            –Thiền sư Trí Thiền : thế danh Nguyễn Văn Đồng, sinh năm 1882 tại Rạch Giá. Ông xuất gia học đạo với Hòa thượng Vĩnh Thùy tại Hòn Quéo (Hòn Đất-Kiên Giang) lúc 30 tuổi (1912). Năm 1913, do yêu cầu của bổn đạo chùa Tam Bảo-Rạch Giá, ông về đây trụ trì. Ông cho xây dựng chùa Tam Bảo-Rạch Giá từ năm 1915 cho đến 1917 thì hoàn thành. Ngoài công đức tôn tạo chùa Tam Bảo, ông còn vận động xây dựng thêm các  ngôi chùa khác như: Tam Bảo Từ Tôn (Sóc Xoài), Tam Bảo Long Sơn (Hòn Đất), Tam Bảo Kỳ Viên (Hòn Quéo), Tam Bảo Hòa Thạnh (Rạch Giá), Vĩnh Phước tự (Tà Niên-Châu Thành), Bửu Hưng tự (Gò Đất-Châu Thành), Phước Hưng tự (Ngang Dừa-Vĩnh Thuận). Ông có tài thuyết pháp lưu loát và thu hút, là bậc long tượng Phật Giáo lục tỉnh Nam Kỳ. Ông là một trong những nhân vật đi đầu công cuộc chấn hưng Phật Giáo Nam Kỳ, ông được thiền sư Khánh Hòa mời làm cố vấn cho hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học.
Thiền sư Trí Thiền rất tâm đắc với tư tưởng, đường lối tiến bộ của Thiện Chiếu. Ông mang hoài bảo chống thực dân Pháp nên thường xuyên quan hệ với các nhân sĩ phong trào Đông Du và Việt Minh. Trong thời gian này, chùa Tam Bảo là nơi liên lạc của Xứ Ủy Nam Kỳ (Đảng Cộng Sản Đông Dương), là nơi cất chứa vũ khí và nuôi dấu cán bộ Việt Minh. Ông có thu một người đệ tử là Sư Thiện Ân, về sau được kết nạp vào đảng Cộng Sản.
            Giữa năm 1941, mật thám Tây bao vây chùa Tam Bảo, tịch thu nhiều vũ khí, tài liệu, truyền đơn kháng chiến. Trí Thiền bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Do không chịu nổi đòn tra tấn của bọn cai ngục, ông qua đời trong tù năm 1943.


Thiền Sư Thích Thiện Chiếu (Ảnh tư liệu)

            Thiền sư Thiện Chiếu : thế danh Nguyễn Văn Sáng, Thiện Chiếu là một nhà sư tân học, tràn đầy lý tưởng cải cách Phật Giáo . Ông sinh năm 1898 tại Gò Công. Từ nhỏ đã theo hầu ông nội là thiền sư Huệ Tĩnh, trụ trì chùa Linh Tuyền (Long Hựu-Gò Công). Năm 21 tuổi, Thiện Chiếu được mời trụ trì chùa Linh Sơn (Sài Gòn) Khi hội Nam Kỳ Nghiên Cừu Phật Học thành lập thì ông đã có mặt, nhưng sớm bất mãn với đường lối của Hội mà ông cho là “ôn hòa- thụ động – cổ hủ”. Năm 1936, ông tìm về Rạch Giá cộng tác với thiền sư Trí Thiền. Những bài viết mang tính “tả khuynh” trên tạp chí Tiến Hóa phần lớn đều do ông viết với nhiều bút hiệu khác nhau. Giữa năm 1941, khi chùa Tam Bảo bị mật thám Pháp bố ráp, ông trốn được về Sài Gòn và “cởi áo nhà tu khoác chiến bào” trong hàng ngũ Việt Minh. Năm 1942, ông bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Năm 1945 được ra tù. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Ông mất tại Hà Nội ngày 6/7/1974, thọ 76 tuổi.
            Thiền sư Thiện Ân : thế danh Trần Văn Thâu. Ông xuất gia từ nhỏ, được giác ngộ cách mạng nên vào đảng Cộng Sản ngay tại chùa Tam Bảo năm 1937. Ông được Đảng giao nhiệm vụ quản lý vũ khí, tài liệu, truyền đơn… cất dấu trong một căn hầm trong phòng ngủ của Hòa thượng Trí Thiền. Ngoài ra, ông còn tự chế tạo lựu đạn bằng lon sữa bò có tính sát thương không thua gì lựu đạn của Pháp.
            Đêm 14/6/1941, mật thám Pháp bao vây chùa Tam Bảo, tịch thu nhiều vũ khí, tài liệu, Thiện Ân quăng lựu đạn tự chế làm bị thương vài tên lính. Chúng bắt ông đưa ra tòa kêu án tử hình. Cho tới giờ ra pháp trường, ông vẫn giữ được khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Con đường dẫn vào chùa Tam Bảo ngày nay được mang tên ông : đường Sư Thiện Ân.
Thiền sư Pháp Linh :  thế danh Phan Thanh Hà, chủ bút tờ báo Tiến Hóa của Hội Kiêm Tế Phật Học. Ông thông thạo cả Hán văn lẫn Pháp văn. Ông từng làm trụ trì chùa Phúc Thọ (Gia Định) và chùa Long Hưng (Sóc Trăng). Trong hội Kiêm Tế, ngoài trách vụ chủ bút tờ Tiến Hóa, ông còn tham gia giảng kinh, thuyết pháp và hốt thuốc cho dân nghèo.
Cư sĩ Đỗ Kiết Triệu : ông là công chức của Pháp với chức vụ đốc phủ sứ. Nhờ ông mà tạp chí Tiến Hóa được chánh quyền cấp phép xuất bản. Ông cũng là nhà tài trợ lớn cho tạp chí. Ông còn lôi kéo nhiều nhà tư sản có tên tuổi tại Rạch Giá tham gia ủng hộ hội như : thương gia Đỗ Khuôn Mậu, Nguyễn Văn Phụng, Nguyễn Đức Huệ, thanh tra giáo dục Huỳnh Văn Yến, chủ nhà máy xay lúa Tôn Quang Huy v.v…
            Ngoài ra, hội Kiêm Tế Phật Học còn quy tụ nhiều nhân sĩ trí thức khác tham gia như : lương y Trần Xuân Tánh, nhà giáo Giang Minh Xinh v.v…

III-SỰ KIỆN BI HÙNG TẠI CHÙA TAM BẢO-RẠCH GIÁ TRONG ĐÊM 14 THÁNG 6 NĂM 1941

Hội Kiêm Tế Phật Học và tạp chí Tiến Hóa từ khi mới thành lập đã tỏ rõ quan điểm chấn hưng Phật Giáo, kêu gọi Phật tử chống lại chế độ thực dân, giành độc lập cho dân tộc. Vì thế chánh quyền không ngớt dò xét, cài mật vụ vào đối tượng khách đi chùa… để hầu có chứng cớ triệt tiêu hội.
Đúng 1 giờ khuya ngày 14/6/1941, bọn mật thám Rạch Giá bao vây, lục soát và bắt hết những người có mặt tại chùa Tam Bảo lúc ấy. Chúng đào lên được một lu lớn chứa đầy lựu đạn tự chế, bắt trói Hòa thượng Trí Thiền, Sư Thiện Ân, thầy giáo Tất và vài cô vãi trong chùa. Chúng tra khảo tàn nhẫn để buộc mọi người khai ra .
Sư Thiện Ân nói với tên mật thám xin khai và yêu cầu chúng cởi trói. Sư dẫn chúng đi ngang cái bàn đang bày các trái lựu đạn rồi bất ý đá mạnh vào bàn làm lựu đạn rơi xuống phát nổ khiến trưởng ty mật thám và một tên lính bị thương nặng. Bọn mật thám bắt tất cả mọi người dẫn ra xe tù chở đi. Chùa bị niêm phong. Hội Kiêm Tế Phật Học và tạp chí Tiến Hóa cũng bị xóa tên từ đó.
Thiện Chiếu cũng có mặt tại chùa trong đêm đó, nhưng nhờ may mắn nên không bị bắt. Ông trốn về Sài Gòn ngay đêm ấy.
Nửa tháng sau, một phiên tòa tại Sài Gòn đã tuyên án tử hình Sư Thiện Ân, Hòa thượng Trí Thiền lãnh án chung thân đi đày tại Côn Đảo.
Năm 1945, sau ngày Cách Mạng Tháng Tám thành công, ngôi chùa Tam Bảo được mở cửa trở lại. Một trai đàn kỳ siêu lớn được tổ chức tại đây với sự tham dự đông đảo của Phật tử để tưởng niệm những người đã mất sau sự kiện bi hùng 14/6/1941 và để đánh dấu một khúc quanh lịch sử đầy bi tráng của dân tộc và Phật Giáo tại Kiên Giang.
Sự kiện Hội Kiêm Tế Phật Học tại Rạch Giá chứng minh một cách hùng hồn cho sự thật “Phật Giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng Dân tộc”
                      

MINH TRIẾT

 

Tài liệu tham khảo :
-Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang – NXB Văn Học –Hà Nội năm 2000
-Lịch Sử Chùa Tam Bảo – Trần Văn Chương & Thích Thiện Chí – BTS.GHPGVN Tỉnh KG

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 01 năm 2025
03
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Nhâm Thân
Tháng Đinh Sửu
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
04
Tháng 12
Kiên Giang