Lịch Sử Thành Lập chùa Phật Quang (Kiên Giang)

G
Nhờ  duyên lành đưa đến, vào hạ tuần tháng Sáu âm lịch năm nay (2014)có một nhóm Phật tử Kiên Giang trong một lần chiêm bái tại thiền thất Ba La Mật, núi Thị Vải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã vinh hạnh được diện kiến Lão Sư Thích Giác Nguyên, người mà cách đây gần 50 năm đã khai sơn tịnh xá Ngọc Bửu nay là chùa Phật Quang. Trước khi từ biệt ra về, nhóm Phật tử đã được Lão Sư tặng cho một số tác phẩm Phật học do Lão Sư biên soạn, trong đó có quyển “Con Đường An Lạc – Tự Tại” nội dung chủ yếu ghi lại lịch sử khai sơn tạo tự ngôi tịnh xá Ngọc Bửu tại Rạch Giá (Kiên Giang) .
            Ban biên tập trang Web gdptkiengiang.vn trích đăng nội dung tác phâm nói trên  để chia sẻ hiểu biết về lịch sử khai sơn ngôi chùa Phật Quang cho những ai đang gắn bó hoặc có cảm tình với đạo tràng Phật Quang hiện nay.
 
* * *
           Thầy Thích Giác Nguyên thế danh Lê Hồng Túy, sinh năm 1937 tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.Mùa Hạ năm Canh Tý (1960),  Thầy xuất gia thọ giáo với Hòa Thượng Thích Đồng Phước trụ trì chùa Cổ Lâm thuộc xã Lâm Thủy, huyện Đạo Lộc, tỉnh Quảng Nam. Được Hòa thượng đặt pháp danh là NHƯ CẦM.
            Chùa Cổ Lâm do Tổ Minh Hải Pháp Bảo, đời thứ 34 phái Thiền Lâm Tế chánh tông khai lập vào năm 1676.
           Năm 1963, Thầy Giác Nguyên tham gia viết báo đấu tranh cho Phật Giáo tại Đà Nẳng nên bị chánh quyền (Ngô Đình Diệm) truy nã ráo riết , do đó Thầy phải trốn vào miền Nam. Trên đường đi trốn, Thầy phải thay đổi hình thức là một tu sĩ Khất Sĩ (với sự đồng ý giúp đỡ của ĐĐ Thích Giác Nhu và tập thể chư tăng Khất sĩ ) để đánh lạc hướng an ninh mật vụ. Pháp hiệu Giác Nguyên cũng từ đây mà có
            Tháng 3-1965, Sư đặt chân đến Rạch Giá. Lúc đầu không nơi trú ngụ, Sư phải tạm trú trong một cái miếu thờ Ông Tà của bà con người Khme tại nơi gần chùa Phật Lớn. Sư được hai ông Năm Keo (Trần Văn Thanh) và Mười Núi (Trịnh Văn Núi) phát tâm hộ trì . Ông Năm Keo bàn với thân tộc hiến cúng một khu đất ( nơi vị trí chùa Phật Quang hiện nay) để Sư lập tịnh xá. Vào lúc giờ Ngọ ngày Mười Sáu tháng Tư năm Ất Tỵ (tức ngày 16/5/1965), Sư làm lễ động thổ khởi công xây dựng tịnh xá Ngọc Bửu. Những vị Phật tử phát tâm tham gia khai lập tịnh xá Ngọc Bửu gồm có :
                                                -Bà Trương Thị Ngó
                                                -Ông Năm Keo tức Trần Văn Thanh
                                                -Ông Mười Núi tức Trịnh Văn Núi
                                                -Ông Hai Sến tức Huỳnh Kim Xuyến
                                                -Cô Ba Mý tức Huỳnh Thị Mý
                                                -Ông Hai Bành tức Lưu Kim Bá
                                                -Cô Tư Mạnh tức Huỳnh Thị Mạnh
                                                -Ông Thiện Hòa tức Nguyễn Thành Bình
            Công tác với Sư Giác Nguyên trong việc phát triển xây dựng còn có :
                        -Đại Đức Thích Phổ Tràng, chùa Thành Hoa, Cù lao Giăng, An Giang
                        -Đại Đức Thích Giác Pháp, đệ tử của Pháp Sư Giác Nhiên
 
            Năm 1966, Sư Giác Nguyên được Viện Hóa Đạo GHPGVNTN ủy nhiệm thực hiện một số công tác Phật sự tại các tỉnh miền Tây. Vào một hôm, Sư cùng Thượng tọa Mãn Giác đi công tác Phật sự ở Long Khánh về tới Sài Gòn. Sư có ghé Viện Hóa Đạo vấn an Đức Phó Tăng Thống là Hòa Thượng Thích Giới Nghiêm. Trong khi thưa chuyện, Sư có trình bạch với Hòa Thượng về dự định đổi tịnh xá Ngọc Bửu thành chùa mà chưa biết đặt tên chi. Hòa Thượng Phó Tăng Thống suy nghĩ giây lát rồi nói : ”Nếu muốn đổi thành chùa thì sư đặt tên Phật Quang là hay nhất”.
            Đây là một phước báu rất lớn mới được Đức Phó Tăng Thống đặt tên cho chùa.
            Bảng hiệu chùa Phật Quang được dựng lên vào tháng 3/1967.
 
            Vào khoảng cuối năm 1967, ông Trần Văn Thanh (chủ đất chùa Phật Quang) có dẫn một người cháu tên Trần Văn Thương 22 tuổi đến chùa nhờ Sư cho chú xuất gia. Sư đồng ý xuống tóc và làm lễ đắp y Sa di cho chú ấy và đặt pháp danh cho chú là Giác Phước.
            Vào đầu năm 1968, Sư vận động chánh quyền xin mở trường Trung học miễn phí Đức Trí tại ấp Tắc Ráng, xã Vĩnh Thanh Vân, thị xã Rạch Giá (nay là trụ sở Ban Dân Tộc Tỉnh Kiên Giang) để giúp đỡ học sinh nghèo học cho hết bậc trung học. Trường khai giảng năm học đầu tiên 1968 – 1969.
            Vào tháng 5/1969, một người quen làm trong chánh quyền (Ngụy) có thông tin cho Sư biết là cơ quan an ninh ngụy có bằng chứng vào thời gian diễn ra trận Mậu Thân, Sư có đi vào vùng giải phóng liên lạc với Việt Cộng. Nhận được tin này, một lần nữa Sư lại phải tính đến chuyện ra đi để trốn tránh sự bắt bớ của ngụy quyền. Sư giao lại cho Sư Giác Phước ngôi chùa Phật Quang còn xây dựng dở dang.
            Đầu tháng 6/1969, Sư Thích Giác Nguyên lặng lẽ giã từ Rạch Giá để thực hiện cuộc hành trình mới. Trường trung học miền phí Đức Trí hoạt động được 1 năm học rồi đóng của cũng không ai hiểu vì lý do gì.

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 09 năm 2024
19
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 5
Ngày Bính Tuất
Tháng Quý Dậu
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
17
Tháng 08
Kiên Giang