A. CÁC CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC CÓ TÁC DỤNG AN THẦN GÂY NGỦ
1.CÂY SEN
Tên khoa học: Nelumbium nuciferum = Nelumbo nucifera
Họ khoa học: Nelumbonaceae (Họ Sen)
1. Đặc điểm thực vật:
Cây Sen được trồng ở nhiều nơi, nhất là ở ao, hồ, vùng đồng bằng. Có thân rễ hình trụ mọc bò lan trong bùn gọi là ngó sen. Lá hình tròn, cuống lá dài đính vào giữa phiến lá, mép lá uốn lượn, cuống lá có gai ngắn.Hoa to đều, lưỡng tính, màu hồng hoặc trắng, có hương thơm, nhiều lá noãn chứa trong 1 đế hoa sau chuyển thành quả. Quả kép gồm nhiều quả bế có vỏ cứng, màu đen gọi là Liên thạch, trong quả chứa cây mầm màu xanh gọi là Liên tâm.
2. Bộ phận dùng:
– Liên thạch (vỏ cứng): là quả già đã phơi khô, bóc vỏ bằng cách ngâm Liên thạch vào nước ấm 1-2g, sau vớt ra tách bỏ vỏ ngoài, lấy riêng Liên tâm phần còn lại là Liên nhục.
– Liên tâm (Lá mầm xanh): là phần cây mầm lấy được trong quả Sen, độ ẩm không quá 12%, tạp chất không quá 0,5%.
– Liên nhục (Hạt): là phần cùi hạt sau khi đã lấy Liên tâm, đem phơi khô độ ẩm không quá 14%.
– Liên diệp (Lá): thu hái lá bánh tẻ vào mùa thu, bỏ cuống phơi khô, độ ẩm không quá 13%.
– Liên tu (Nhị vàng): là tua nhị và bao phấn đã phơi khô, độ ẩm không quá 13%.
– Liên ngẫu ( Ngó): là ngó sen đã phơi khô.
– Liên phòng (Gương sen): là gương sen già đã lấy quả, đem phơi khô.
3. Thành phần hóa học:
– Liên tâm: Alcaloid là liencinin, isoliencimin…
– Liên nhục: Protid, lipid, đường, tinh bột, axit amin
– Liên diệp: Alcaloid là nuciferin, nor-nuciferin; có Flavoloid là quercerin, tanin…
– Liên tu: chất thơm, tanin.
– Liên ngẫu: Protein, vitamin, đường.
– Liên phòng: Flavoloid là Quercetin.
4. Công dụng:
– Liên tâm: chữa tâm phiền, kém ăn mất ngủ, thổ huyết, phiền khát (pha như trà, số lượng ít lần đầu).
– Liên nhục: chữa tỳ hư, thân yếu, di mộng tinh, kém ăn, mất ngủ, suy nhược cơ thể, trẻ em chậm lớn, quấy khóc, PN ít sữa sau sanh.
– Liên diệp: chữa kiết tả do thử thấp, xuất huyết, đại tiện ra máu.
– Liên tu: chữa thổ huyết, băng huyết, an thần, làm trà sen
– Liên ngẫu, Liên phòng: chữa thổ huyết, băng huyết, tiểu tiện ra máu.
5. Cách dùng – liều dùng:
– Liên tâm: dùng 2-4g/ngày (sao vàng kỹ) dạng thuốc hãm.
– Liên nhục: dùng 30g/ngày, có thể dùng tới 100g/ngày dạng thuốc sắc, thuốc bột, thuốc hoàn.
– Liên diệp: dùng 15-20g/ngày dạng thuốc sắc.
– Liên tu: dùng 5-10g/ngày dạng thuốc hãm, thuốc sắc.
– Liên ngẫu: dùng tươi 30-40g/ngày hoặc dạng phơi khô 6-12g/ngày dạng thuốc sắc.
– Liên phòng: dùng 15-30g/ngày dạng thuốc sắc.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Phẩm Song Yếu