Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. -Kính bái bạch Chư Tôn giáo phẩm Trung ương GHPGVN ; -Kính bái bạch Chư Tôn giáo phẩm Tỉnh Hội PGKG ; -Kính thưa Quý vị đại diện Đảng, Chánh quyền, Mặt trận TQ Tỉnh KG ; -Kính thưa Quý vị đại biểu,
Lời thưa đầu tiên, chúng tôi xin bày tỏ niềm vinh hạnh lớn lao khi được đại hội cho phép đứng trên diễn đàn này, đại diện cho giới cư sĩ Phật tử trong tỉnh, nói lên tâm tư tình cảm của chúng tôi trong ngày vui trọng đại của Phật Giáo tỉnh nhà. Chúng tôi hân hoan và thành kính dâng lên Chư Tôn Đức cùng toàn thể quý đại biểu lời chào mừng nồng nhiệt nhất. Kính chúc đại hội thành công viên mãn.
Kính bạch Chư Tôn Đức; Kính thưa Quý vị, Trong kho tàng lịch sử văn hóa Phật Giáo tỉnh Kiên Giang từ năm 1930 trở về trước, chúng ta thấy hầu như không có sự kiện nào đáng kể. Nhưng kể từ khi có phong trào Chấn Hưng Phật Giáo khởi đầu từ năm 1930, thì Phật Giáo Kiên Giang có nhiều sự kiện sáng chói, đáng được ghi vào sử sách Phật Giáo nói riêng và lịch sử tỉnh Kiên Giang nói chung. Theo sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của tác giả Nguyễn Lang, công cuộc chấn hưng Phật Giáo tại tỉnh nhà với sự ra đời của Hội Kiêm Tế Phật Học trụ sở đặt tại chùa Tam Bảo-Rạch Giá và tạp chí Phật học mang tên Tiến Hóa, cơ quan ngôn luận của Hội Kiêm Tế. Những nhân vật chủ chốt trong phong trào gồm có :Thiền sư Trí Thiền (Nguyễn Văn Đồng), thiền sư Bửu Thành (Ngô Thành Nghĩa), thiền sư Bửu Ngươn (Nguyễn Văn Ngọ), thiền sư Thiện Ân, thiền sư Thiện Chiếu, các nhà giáo Phật tử Phan Thanh Hà, Đỗ Kiết Triệu, Giang Minh Xinh v.v… Từ ngày ra đời cho đến cuối năm 1939, Hội Phật Học Kiêm Tế tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội như : mở cô nhi viện, nhà dưỡng lão, các lớp bình dân học vụ, phòng thuốc Nam miễn phí ngay tại chùa Tam Bảo, đồng thời tổ chức nhiều đợt cứu trợ nạn nhân bão lụt, hỏa hoạn cùng nhiều hình thức từ thiện xã hội khác. Trong khi đó, tạp chí Tiến Hóa với những bài viết bài trừ mê tín, xiển dương Chánh Pháp làm cho Đạo Phật được sáng tỏ trong quần chúng nhân dân. Bên cạnh những việc làm công khai, hội Kiêm Tế và tạp chí Tiến Hóa còn tham gia tuyên truyền chủ nghĩa Cộng Sản một cách âm thầm và khéo léo nhằm khơi dậy lòng yêu nước và ý chí chống thực dân Pháp trong quần chúng đang sống trong vùng địch tạm chiếm. Ngoài ra, các nhân vật chủ chốt của Hội còn trực tiếp tham gia các hoạt động chống Pháp do Việt Minh lãnh đạo Sử sách còn ghi lại, vào một đêm cuối năm 1939, giặc Pháp và tay sai bao vây chùa Tam Bảo, bắt toàn bộ nhân vật chủ chốt của Hội Kiêm Tế , chấm dứt 9 năm hoạt động của Hội, đưa Phật Giáo Kiên Giang trở về thời mông muội vào những năm sau đó. Tuy vậy, ngọn lửa mà phong trào Kiêm Tế đốt lên vẫn còn âm ỉ trong tâm tư tình cảm của nhiều thế hệ tăng, ni và Phật tử Kiên Giang để ngày hôm nay, trong bối cảnh nước nhà độc lập tự do, ngọn lửa ấy có điều kiện bùng cháy để tạo nên phong trào “hộ quốc an dân” trong GHPGVN Tỉnh Kiên Giang . Phật Giáo Kiên Giang ngày nay được hưởng phước báu từ phong trào Kiêm Tế , đã vươn vai lớn mạnh tiếp nối truyền thống “hộ quốc an dân” do thầy tổ để lại qua những hoạt động “tốt đời đẹp đạo” như sau :
-Về Giáo dục tăng ni được Giáo hội xem trọng và đẩy mạnh đã làm biến đổi chất và lượng hàng ngũ chúng Trung tôn. Kết quả từ 10 năm trở lại đâycó nhiều vị tăng ni trẻ tuổi tài cao học rộng đầy đủ trí và lực đảm đương Phật sự trong tỉnh và tham gia một số Phật sự của Giáo hội TW. -Về Hướng dẫn Phật tử, ngoài những thành tựu trong hoạt động hướng dẫn cư sĩ Phật tử tại các đạo tràng, Kiên Giang còn tự hào với đội ngũ hơn 500 đoàn viên Gia Đình Phật Tử sinh hoạt nề nếp và tuyệt đối không có đơn vị nào sinh hoạt ngoài Giáo hội. -Về Hoằng Pháp, Phật tử Kiên Giang vẫn còn ngây ngất với thành công của lần tổ chức Hội thảo Hoằng Pháp toàn quốc vào năm 2010. -Về Từ thiện xã hội, PG Kiên Giang đang tái hiện lại hoạt động của Hội Kiêm Tế Phật học ngày xưa với 01 trung tâm nuôi dạy 120 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã hoạt động hữu hiệu trong 10 năm qua. Ngoài ra còn có 01 Nhà Dưỡng lão do một vị tăng PG đỡ đầu và trực tiếp điều hành. Các Tuệ Tĩnh đường cũng mọc lên tại đều khắp các tự viện. Bên cạnh đó, PG Kiên Giang cũng tự tổ chức hoặc tham gia với chánh quyền tổ chức thực hiện nhiều hình thức TTXH đem lại hiệu quả thiết thực và nhiều ý nghĩa cao quý thể hiện hạnh Từ Bi của người con Phật giữa xã hội nhân sinh.
Kính bạch Chư Tôn Đức; Kính thưa Quý đại biểu, Nhân cơ hội này, chúng tôi thay mặt cho giới Phật tử tại gia kính đề nghị lên Giáo hội một vài thỉnh nguyện sau đây : -Về Giáo dục tăng ni, chúng con kiến nghị Giáo hội Trung ương và địa phương lưu tâm tổ chức những trường học hoặc khóa học đào tạo tăng ni hiến mình cho công tác từ thiện xã hội của Phật Giáo ta. Hiện nay các trung tâm TTXH Phật Giáo, nhất là các trường nuôi dạy trẻ mồ côi, các nhà dưỡng lão, các Tuệ Tĩnh đường … còn thiếu nhiều bóng dáng tăng ni phục vụ . Ngoài ra, chúng con thỉnh nguyện Giáo hội các cấp cần có chiến lược sử dụng tăng ni trẻ có học tài vào đúng chỗ để tránh phí phạm nhân tài của Giáo Hội. Điển hình như trường hợp một vị ni trẻ có học vị thạc sĩ giáo dục từ nước ngoài trở về. Giáo hội điều động vị ấy trụ trì một ngôi chùa nhỏ ở vùng sâu. Theo thiển nghĩ, nếu vị ni ấy được điều về phụ trách một cơ sở giáo dục hay một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi của Giáo Hội thì sẽ không uổng phí công lao học tập của vị ấy, đồng thới cũng không uổng phí tịnh tài của đàn na tín thí đã nuôi vị ấy ăn học trong bao nhiêu năm.
-Về Hướng dẫn Phật tử, chúng con thỉnh nguyện BTS Tỉnh hội cùng quý thầy trụ trì càng quan tâm hơn nữa trong việc phát triển các đơn vị Gia Đình Phật Tử để giới Phật tử trẻ có cơ hội tiếp cận với nền giáo lý vi diệu của Phật Đà.
-Về hoạt động Từ thiện xã hội, chúng con kính đề nghị Giáo hội quan tâm đến các hình thức giúp người nghèo tự vươn lên xóa đói giảm nghèo hơn là đem gạo cho người ta ăn chẳng mấy hồi cũng hết. Đặc biệt chúng con ước mong sao trong công tác TTXH tới đây, Giáo hội cũng như quý Thầy trụ trì quan tâm ưu tiên trợ giúp cho Phật tử nghèo các chùa trong tỉnh
Kính bạch Chư Tôn Đức Kính thưa Quý vị đại biểu, Phật Giáo Kiên Giang đồng hành cùng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đến nay cũng đã 30 năm. Trong 30 năm ấy, PG Kiên Giang luôn trung thành với tôn chỉ và đường lối của Giáo hội trung ương, nhưng đồng thời vẫn giữ gìn bản sắc của một nền Phật Giáo nhập thế cứu đời, hộ quốc an dân mà khởi nguyên là phong trào Chấn Hưng Phật Giáo tại Rạch Giá trong thập niên 1930-1940. Còn nhớ vào đêm khai mạc SEAGAMES 26 tại đất nước Indonesia, Phật tử chúng tôi ngỡ ngàng và cảm động đến rơi nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh vừa uy nghiêm vừa thân thương của tôn tượng Đức Bổn Sư cùng với mô hình tháp chùa Linh Mụ xuất hiện tại lễ khai mạc SEAGAMES 2011 như là một báu vật quốc gia. Chúng tôi tưởng chừng mình đang sống trong thời đại Lý – Trần . Hay chính thời đại Lý Trần đã trở lại với dân tộc ta hôm nay ? Trong niềm hoan hỷ vô lượng của người Phật tử trước biết bao sự kiện nở hoa của PGVN nói chung, PG Kiên Giang nói riêng, chúng tôi xin kết thúc bài tham luận ở đây. Trước khi dứt lời, chúng con thành kính nguyện cầu Chư Phật Mười Phương gia hộ Chư Tôn Đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu , Phật sự viên thành. Kính chúc quý vị lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Mặt trận các cấp sức khỏe an khang, thành đạt và thăng tiến trong sự nghiệp chính trị. Kính chúc Quý đại biểu thân tâm an lạc, vạn sự kiết tường. Trân trọng cảm ơn và kính chào Quý vị.