Hình tượng mèo trong văn hóa các nước
Loài mèo là một trong những loài vật được con người thuần chủng từ rất sớm. Do đó, trong tình cảm của con người, mèo là con vật rất thân thuộc, gần gũi và đã trở thành vật cưng của rất nhiều gia đình.
Trong các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, ý nghĩa biểu tượng của mèo rất không thuần nhất, vừa xấu vừa tốt. Điểu này có thể giải thích bằng thái độ vừa dịu dàng, vừa vờ vĩnh của con vật này.
Trong Kabbale (truyền thuyết của đạo Do Thái) cũng như trong đạo Phật, mèo được liên kết với rắn: chỉ sự tội lỗi, sự lạm dụng những phúc lợi ở thế gian này. Mèo thỉnh thoảng bị coi là ma quỷ, ví dụ như nó không mang lại may mắn thậm chí là điềm xui xẻo trong nhiều nền văn hoá Trung cổ. Điển hình là niềm tin về việc một con mèo đen băng ngang đường người nào đang đi thì người đó sẽ gặp xui xẻo, hoặc chuyện mèo là những phụ tá cho các mụ phù thủy, giúp các mụ gia tăng công lực. Điều này dẫn đến việc lùng diệt mèo rộng khắp châu Âu trong thời Trung cổ. Chúng được sử dụng trong những nghi lễ hiến tế như là vật hi sinh. Ở Ai-len, khi một con mèo đen đi qua trước mặt thì có nghĩa rằng bệnh tật sẽ đến. Ở Roma, Moldavia và Cộng hòa Séc, quan niệm một con mèo đen đi ngang qua trước mặt bạn sẽ mang lại điềm xui vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Mèo là con vật rất thân thuộc, gần gũi và đã trở thành vật cưng của rất nhiều gia đình. |
Thế nhưng không phải nơi nào ở châu Âu, mèo cũng gặp rủi ro, mà ngược lại, nó còn là biểu tượng cho sự may mắn. Tại Scotland, một con mèo đen lạ vào nhà sẽ đem theo sự thịnh vượng cho gia chủ. Các thủy thủ tại Vương quốc Anh lại tin tưởng sự may mắn mà chú mèo sẽ đem lại cho con tàu của họ, đặc biệt là mèo đen. Đôi khi, những người vợ thủy thủ cũng nuôi mèo ở nhà, với hy vọng chúng sẽ bảo vệ người chồng của họ trên biển.
Ở nhiều nền văn hóa của thế giới, con mèo được tôn vinh là một loài vật linh thiêng. Trong những văn tự cổ nhất, tìm thấy ở kim tự tháp, có nhắc đến một nữ thần mèo tên là Madfet. Người Ai Cập cổ còn tôn thờ nhiều thần mèo khác, nhưng nổi bật nhất là thần mèo Bastet, dưới hình dạng một phụ nữ với cái đầu mèo đen. Đây là vị thần bảo trợ phụ nữ và trẻ em, được người dân Ai Cập ngưỡng mộ và tôn thờ. Người Ai Cập xưa luôn tin tưởng rằng nữ thần mèo sẽ bảo vệ tất cả mọi người, vì thế hình ảnh con mèo đã xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống và nếu một người nông dân Ai Cập nằm mơ thấy mèo, đó là điềm báo trước của một vụ mùa bội thu.
Tại Nhật Bản, tuy mèo không nằm trong 12 con giáp, nhưng mèo lại là biểu tượng của sự may mắn, qua câu chuyện nổi tiếng về “Chú mèo vẫy tay” Tama đã cứu sống một vị lãnh chúa khỏi bị cây đổ do sét đánh. Và ngày nay tại Nhật Bản, ngôi đền thờ chú mèo Tama này vẫn còn tồn tại.
Ở Trung Quốc cổ đại, mèo hay được xem như một con vật báo lành và người ta bắt chước điệu bộ của nó cũng như con báo, trong các điệu múa nông nghiệp. Ở Campuchia, người ta vẫn nhốt mèo vào lồng rồi vừa đi vừa ca hát, rước nó từ nhà này sang nhà kia để cầu mưa.
Ý nghĩa hình tượng mèo trong văn hóa Việt Nam
Mèo là linh vật thứ 4 trong lịch Can Chi 12 con giáp ở Việt Nam, đại diện cho năm Mão. Trong 12 con giáp, có 7 con vật được thuần dưỡng từ lâu đời và đã trở thành vật nuôi trong nhà (trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn). Con mèo tuy không phải là vật nuôi mang lợi ích kinh tế, nhưng lại là người bạn thân thiết chuyên bắt chuột bảo vệ thành quả lao động của con người nên vẫn được con người yêu quý.
Ở Việt Nam, ý nghĩa hình tượng loài mèo trong văn hóa được thể hiện qua các dòng tranh dân gian rồi đi vào văn hóa nghệ thuật. Tranh khắc gỗ làng Đông Hồ ở Việt Nam có hai bức tranh “Đám cưới chuột” và “Trạng chuột vinh quy”. Hai bức tranh này gần giống nhau, người ta bắt gặp hình ảnh tiến sĩ chuột vinh quy cưới vợ, nhưng vẫn phải biếu quà cho chú mèo đang ngồi quặp đuôi vẻ hiền lành, đưa tay ra nhận chút quà mọn trong tiếng trống, tiếng kèn.
Hình ảnh con mèo không chỉ xuất hiện ở trong tranh Đông Hồ, mà người nghệ sĩ dân gian Việt Nam còn cho nó xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục – Quảng Ninh, cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang – Hải Phòng, đều đã phản ánh một nét tư duy của người xưa về con vật gần gũi này.
Tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới chuột”. |
Mèo cũng là động vật đem lại cảm hứng cho võ thuật với dáng đi uyển chuyển, không tiếng động, êm như mèo, giỏi leo trèo, có khả năng nhảy vọt là nguồn cảm hứng môn khinh công. Võ mèo hay được gọi là miêu quyền cũng là một trong những môn võ hay, những động tác mô phỏng của mèo có thể chuyển hóa, phổ quát thành các bài võ, đòn thế tự vệ, chiến đấu hữu hiệu. Ở Việt Nam, võ mèo xuất hiện rất sớm và bài Miêu tẩy diện (mèo rửa mặt) là một trong những bài võ mèo tồn tại lâu đời với khoảng 32 động tác. Ngoài ra còn có một số bài võ mèo tiêu biểu như Linh miêu độc chiến và Bạch miêu quyền.
Trong phong thủy, mèo được coi là linh vật đem lại sự cát tường, thịnh vượng, có thể nhờ linh lực để hóa giải sát khí. Với những ý nghĩa biểu tượng lớn về phong thủy như vậy, người ta thường hay trưng bày tượng con mèo trong nhà với mong muốn cầu mong điều tốt đẹp, tài lộc về cho gia đình.
Và theo một lẽ tự nhiên, hình tượng con mèo đã đi vào thơ ca, ca dao, tục ngữ, trở thành hình ảnh trong các tác phẩm nghệ thuật, văn học, ca nhạc. Những câu ca dao, tục ngữ có hình ảnh con mèo như: “Tiu nghỉu như mèo cắt tai”, “Mèo khen mèo dài đuôi”, “Lèo nhèo như mèo vật đống rơm”, “Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo”,… Mỗi câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ đều có ý nghĩa liên hệ đến con người, nhằm mục đích căn dặn, nhắc nhở con người sống tốt, tận dụng những bản năng, đức tính tốt đẹp của con mèo.