Người Tài Xế và Hành Khách Trên Một Chuyến Xe

G

Tài xế và hành khách đều là người cùng ngồi chung trên một chuyến xe, nhưng tâm lý hai bên khác biệt nhau rất lớn.

1-Tài xế

Tài xế là người làm chủ chiếc xe trong suốt quãng đường dài từ bến xe A cho đến bến xe B. Chiếc xe dù là mới mua hay đã cũ thì ông ta cũng vẫn yêu mến nó vì nhờ nó mà ông ta có thu nhập để nuôi sống vợ và các con. Đôi khi, chiếc xe trở chứng hành hạ ông rất chi là khổ sở, nhưng khi cơn đau khổ qua rồi thì ông lại yêu quý chiếc xe như chưa có gì xảy ra.

Ông hiểu chiếc xe như hiểu chính mình. Bất cứ một trục trặc nhỏ nào xảy ra trong khi ông đang lái xe trên đường, lập tức ông biết ngay. Có những trục trặc ông phải dừng xe lại để sửa chữa,  nhưng cũng có những trục trặc mà ông vẫn tiếp tục cho xe chạy và nói thầm :”Về bến sẽ sửa sau”

Tùy theo lộ trình của từng hãng xe mà con đường có thể dài hay ngắn. Nhưng dù dài cả mấy trăm cây số hay chỉ ngắn vài chục cây số, thì con đường hằng ngày ông cùng chiếc xe đi và về, trở nên thân quen đến lạ lùng. Người tài xế quen thuộc con đường như chỉ tay trong lòng bàn tay vậy. Con đường có đoạn bằng phẳng êm ái nhưng cũng có đoạn dằn xóc rất khó chịu. Những địa phương mà con đường đi qua, có nơi rộng rãi xinh đẹp dễ thương, cũng có nơi bị dân họp chợ lấn chiếm rất nguy hiểm khi đi qua. Người dân những nơi mà ông đi qua mỗi ngày cũng không giống nhau, có nơi người dân hiền hành dễ mến; có nơi người dân hung dữ tham lam v.v…

Tất cả mọi tốt xấu, vui buồn trên con đường ông đi qua mỗi ngày, ông đều thuộc lòng và xem chúng như quy luật của cuộc sống. Gặp đoạn đường tốt ông thoải mái được một chút, đến đoạn đường xấu, dù có nhọc nhằn nhưng ông vẫn bình thản lái xe qua, không bất mãn hay oán than. Gặp nơi rộng rãi dễ đi hay khi gặp chợ chặn đường, ông vẫn bình tỉnh làm chủ tay lái v.v…

Tóm lại, tài xế là người làm chủ phương tiện, làm chủ con đường và làm chủ tất cả tình huống gặp phải trên đường đi trong khi điều khiển chiếc xe đưa khách từ bến xe A đến bến xe B. Nhờ biết rõ chúng, chấp nhận vượt qua chúng nên người tài xế làm chủ mọi nhận thức và cảm giác của mình trước mọi hoàn cảnh, dù đó là thuận duyên hay chướng ngại.

Người tài xế như vậy sẽ là người hoàn thành xuất sắc trách vụ được giao; là người đáng tin cậy trong giới tài xế, người đáng được kính trọng trong xã hội.

2.Hành khách

Hành khách là người bỏ tiền ra mua vé để được nhà xe phục vụ đưa mình từ bến A đi đến bến B một cách an toàn và tiện nghi nhất. Vì câu “khách hàng là thượng đế” nên họ có tâm lý đòi hỏi được phục vụ tốt nhất, được tận hưởng một chuyến đi hoàn toàn thoải mái, nhanh chóng và tiện lợi.

Hành khách thường mong muốn được đi trên một chiếc xe còn mới, ghế nệm phải rộng rãi, êm ái và sạch sẽ, máy lạnh phải hoạt động tốt; xe chạy phải êm không dằn xóc v.v… Nếu một trong những mong muốn đó không được đáp ứng tốt đều gây ra bực bội, ức chế cho họ trong suốt lộ trình.

Trên đường đi, tâm trạng hành khách luôn thay đổi theo từng chặng đường. Gặp đoạn đường bằng phẳng, họ thả hồn theo những mơ mộng viễn vông. Nhưng khi đến đoạn đường xấu, họ kêu la rên rỉ vì khó chịu. Khi xe phải bò qua những chợ búa đông người hay những đoạn đường người ta đổ lúa ra mặt đường để phơi thì hành khách la lối chửi mắng “những kẻ vi phạm giao thông” không tiếc lời.

Gặp bữa kẹt phà, hành khách không ngừng than thở oán trách nhà nước không chịu mua sắm thêm phà, bắt họ phải chờ đợi bê trễ hết công ăn việc làm. Bực bội với các em bé mang quà bánh lên xe rao bán, họ trách nhà xe sao để cho kẻ bán hàng rong lên xe làm phiền hành khách. Có người bực bội quá, buột miệng nói ra thành lời, liền bị những người bán hàng phản ứng lại, gây thành cuộc khẩu chiến dữ dội càng làm cho tình hình thêm xấu đi.

Vân vân…

Tóm lại, hành khách vì không từng trải trên lộ trình này, chưa hiểu hết cái tốt và cái xấu của con đường và chưa quen với các tình huống vốn diễn ra hằng ngày  trên đường đi, vì thế họ cảm thấy lo âu, bất mãn trong suốt lộ trình.

* * *

Qua câu chuyện trên đây, chúng ta rút ra một bài học đạo lý để ứng dụng trong cuộc sống:

1)Người tài xế

Người tài xế là đại diện cho một số ít người có đủ phước duyên được tiếp thu nền giáo lý Phật Đà,  hiểu biết về Bốn Chân Lý vi diệu của đời sống, đó là:

  1. Bản chất của đời sống là khổ (Khổ Đế)
  2. Cái khổ của đời sống có nguyên nhân của nó (Tập Đế)
  3. Có một đời sống không có khổ đang hiện hữu ngay tại đây (Diệt Đế)
  4. Đây là con đường đi đến đời sống an vui ấy (Đạo Đế)

Nhờ hiểu biết bản chất khổ của cuộc đời nên khi gặp khổ người đó không hoảng hốt, không đau khổ, không trốn chạy, mà bình tâm nỗ lực vượt qua nó

Nhờ nắm rõ nguyên nhân của đau khổ nên dễ dàng vượt qua nó

Biết rằng nơi bến bờ kia có một đời sống an vui đang hiện diện

Nên lúc nào cũng nỗ lực đi trên con đường dẫn đến bến bờ an vui ấy.

2)Những hành khách trên xe

Những hành khách trên xe là đại diện cho những người  vẫn đang sống theo bản năng tham – sân – si mà thiên nhiên đã phú cho họ. Họ chỉ nhận thấy cái vui tạm bợ mà không nhận ra bản chất khổ của cuộc đời. Họ không biết nguyên nhân nào làm ra đau khổ mà họ phải chịu đựng. Họ chẳng biết gì về một đời sống an vui thật sự và ho cũng không cần biết con đường nào đưa họ tới bến bờ an vui ấy. Chúng ta gọi họ là hạng “chúng sanh mê mờ”

3)Chiếc xe

Chiếc xe là tượng trưng cho hoàn cảnh xã hội mà con người đang sống trong đó. Người hiểu biết Phật Pháp là người luôn biết rõ và luôn yêu mến cuộc sống hiện tại, cũng như người tài xế yêu chiếc xe của mình vậy.

4)Những khó khăn trở ngại, tình huống xấu trên lộ trình

Những khó khăn trở ngại, tình huống xấu trên lộ trình là tượng trưng cho nhiều nỗi khổ trong cuộc đời. Trong khi người hiểu biết Phật Pháp xem đau khổ là quy luật của cuộc đời và bình tâm đối phó để vượt qua chúng thì người sống theo bản năng mỗi khi đối diện với đau khổ chỉ biết khóc la, chửi rủa và cầu nguyện thần linh ban phước cho họ, nhưng rốt cuộc là họ càng khổ hơn, đến nỗi khổ quá họ quay ra giết người hoặc tự sát, kết liểu mạng sống chính họ.

5)Bến xe

Bến xe ở đây tượng trưng cho một phần của Niết Bàn (đời sống an lạc). Người hiểu biết Phật Pháp sau khi nỗ lực vượt qua đau khổ để mang lại an vui cho mình và cho cộng đồng, họ sẽ đạt được một trạng thái của Niết Bàn, tức đạt được một phần nào đó của sự an lạc ngay trong đời sống này. Cũng như người tài xế sau khi vượt qua biết bao khó khăn trở ngại trên suốt lộ trình, người ấy đã đưa xe về tới bến một cách an toàn. Giờ đây người tài xế thụ hưởng niềm an lạc của một người vừa hoàn thành trách vụ của mình. Trong khi đó, những hành khách cũng được tới bến, nhưng không được hưởng niềm vui như người tài xế. Vì vậy, đối với người tài xế thì bến xe là một phần Niết Bàn của ông, còn đối với hành khách thì bến xe vẫn chỉ là bến xe mà thôi.

THÍCH PHÁP HẠNH


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang