Vì Hạnh Phúc Của Chư Thiên Và Loài Người (2)

G

Câu Chuyện Mùa Phật Đản

VÌ HẠNH PHÚC CỦA CHƯ THIÊN VÀ LOÀI NGƯỜI

(kỳ 2)

HT.Thích Phước Sơn

4)Quan niệm cuôc đời theo Phật Giáo :

Như vậy, Phật giáo theo phái nào ? Lạc quan hay bi quan ?  Điều này, tưởng không cần nhắc lại Phật giáo, ít ra cũng từ điểm xuất phát, dĩ nhiên là đứng trên lập trường thừa nhận cuộc đời là khổ. Nhưng, cách đối phó với cái khổ đó như thế nào, đó chính là vấn đề trung tâm của Phật giáo. Ở đây, có điều chúng ta cần phải lưu ý là đừng hiểu lầm cái khổ mà Phật giáo muốn nói, với cái khổ do giác quan trực tiếp cảm nhận. Vì, trên phương diện cảm giác, chúng ta vừa có khổ vừa có sướng, và cũng có trạng thái không khổ, không sướng. Điều này trong tâm lý học Phật giáo phân tích rất rõ ràng. Phật giáo cho cuộc đời là khổ, ngoài cảm giác ra, nó còn xuất phát từ một ý nghĩa sâu xa hơn. Đó là cái bản chất mâu thuẩn cố hữu của cuộc đời do lý trí con người phát hiện.

Phật giáo, tuy một mặt cho rằng đời là khổ; nhưng, đồng thời mặt khác, đứng trên lập trường tôn giáo và đạo đức, lại thừa nhận cuộc đời có một ý nghĩa rất cao cả. Chính vì lý do đó mà Phật giáo cấm ngặt vấn đề tự sát. Không những thế, Phật giáo còn cho rằng người ta được sinh ra đời cũng như “con rùa mù gặp được khúc gỗ nổi”. Đó là cơ hội “ngàn năm một thuở”; cho nên trong kinh Phật thường nói: “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan phùng” (Thân người khó được, Phật pháp khó gặp) để nói lên cái cơ duyên hy hữu và thù thắng đó.

Vì Hạnh Phúc Của Chư Thiên Và Loài Người
Phật giáo cho rằng được sinh vào một thế giới nhiều khổ đau có giá trị và ý nghĩa hơn là sinh vào một thế giới nhiều khoái lạc. (ảnh minh họa)

Còn một điều thích thú hơn nữa, là Phật giáo cho rằng được sinh vào một thế giới nhiều khổ đau có giá trị và ý nghĩa hơn là sinh vào một thế giới nhiều khoái lạc. Do đó mà cõi Nam Thiệm Bội Châu mà chúng ta đang sống được yêu chuộng hơn là cảnh giới Bắc Câu Lưu Châu. Mặc dù Bắc Câu Lưu Châu tựa hồ một quốc gia mà nhân dân sống hoàn toàn khoái lạc tương đương như Bồng Lai Tiên Cảnh. Ấy thế mà Phật giáo lại cho rằng sinh vào quốc độ đó là một điều bát hạnh. Tại sao ? Vì nơi nào không có khổ đau thì nhân cách con người không có đường tiến bộ, còn nơi nào có khổ đau thì con người mới nỗ lực phấn đấu để mở ra một thế giới giải thoát mới. Chính vì thế mà Nam Thiệm Bội Châu có giá trị hơn Bắc Câu Lư Châu.

Như vậy, một mặt tuy nhấn mạnh về sự khổ đau của thế giới, nhưng mặt khác lại chính trong khổ đau đó mà thừa nhận giá trị cuộc đời. Đó là nhân sinh quan đặc thù và là lập trường trung tâm của Phật giáo. Bởi thế, nếu thấy Phật giáo thừa nhận cuộc đời là khổ, mà cho rằng Phật giáo giống như chủ nghĩa bi quan (Pessimisme) của Tây phương là một điều hết sức sai lầm. Vì chữ Pessimisme hoàn toàn diễn tả sự thất vọng về cuộc đời, thậm chí còn đưa đến tình trạng tâm lý muốn tự sát là khác.

Quan niệm của Phật giáo tuy nhìn nhận chân tướng của cuộc đời là khổ, nhưng không phải vì thế mà chán nản, không muốn sống; mà ngược lại, nhìn thẳng vào khổ đau và nỗ lực khắc phục nó để tìm đường giải thoát. Chính vì thế mà cuộc đời trở thành có ý nghĩa. Người Phật tử chân chánh nhờ thấu triệt được chân tướng cuộc đời, cho nên tuy sống trong khổ đau mà không bị khổ đau chi phối. Trái lại vẫn ung dung thanh thản và mạnh tiến trên con đường tu dưỡng để chinh phục hoàn toàn khổ đau.

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2025
04
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Giáp Tuất
Tháng Quý Mùi
Năm Ất Tỵ
Lịch âm
10
Tháng 06
Kiên Giang