Tập truyện tranh mà quý vị đang cầm trên tay là đứa con tinh thần của hai Phật tử người Úc, David Lourie, người viết lời thoại và Ted Blackall, họa sĩ vẽ tranh. Cả hai đều sống ở miền duyên hải, phía Bắc Sydney, tiểu bang New South Wales, Úc Châu. Đây là hoa trái của họ sau những năm tháng tu học và nghiên cứu giáo lý nhà Phật. Tác phẩm này đã từng được phổ biến trên báo, tạp chí của 28 quốc gia trên thế giới và được dịch ra 18 thứ tiếng khác nhau như Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha, Nam Phi, Tân Tây Lan, Israel, Iceland, Chile, Argentina, Croatia… trang nhà (http://www.DharmaTheCat.com) phổ biến truyện tranh này đã đoạt giải “top ten” về tranh biếm họa và được đài BBC (Anh quốc) đưa vào danh mục là một trong những trang mang tính giáo dục tốt nhất.
Tập truyện tranh biếm họa này xoay quanh ba nhân vật chính: chú tiểu Bodhi, con mèo Dharma tinh khôn và Siam, một chú chuột, không để ý bất cứ chuyện gì khác ngoài món phó mát (cheese). Cả ba nhân vật đang dấn bước trên con đường đầy chướng ngại để đi tới “Niết Bàn”. Quả thật vậy, con đường ngược dòng này luôn giăng bủa những chông gai, hiểm trở; những cô đơn, lạnh lẽo, nên phải can đảm lắm, kham nhẫn lắm, thông tuệ lắm, hành giả mới không vấp ngã hoặc bỏ cuộc giữa đường.
Nếu trước đây, truyện tranh thiền của ngài Tsai Chih Chung ở Đài Loan làm cho người đọc phải ôm đầu bóp trán để hiểu thấu được những bí ẩn uyên áo của thiền và triết lý Đông phương, thì tập truyện lần này của David và Ted với một nhãn quan khác biệt của người Phương Tây đối với Đạo Phật, qua cách chuyển ngữ điêu luyện của Nhị Tường, một dịch giả quen thuộc về nếp sống đẹp của trang nhà Quảng Đức, đã cho ta cái cảm giác nhẹ nhàng và dễ hiểu, tiếp cận một cách trực tiếp với giáo lý Phật Đà. Đó đây độc giả sẽ bắt gặp những lời lẽ biếm nhẽ sâu sắc, hài hước, nghịch ngợm, thong dong tự tại của chú Mèo Dharma và chú chuột Siam, nhằm để cảnh cáo, để thức tỉnh, để nhắc khéo, để nói nhỏ với chú tiểu Bodhi hầu giúp chú chánh niệm nhiếp tâm mà loại bỏ đi những “ngã”, những “ái”, những “ si” mà chú còn toan tính tiếc rẻ mang theo trên con đường thánh đạo này. Và nếu độc giả tự mình cảm thấy “tâm đắc” lặng lẽ hé nở một nụ cười hàm tiếu hoặc cảm thấy khó chịu vì “có tật giật mình” thì đó cũng là một phần thành công của tác phẩm vậy.
Với tâm niệm đó, tôi xin trang trọng giới thiệu tác phẩm nhỏ này đến với độc giả xa gần. Cầu chúc quý vị một mùa Vu Lan Báo Hiếu vui tươi và hạnh phúc trong tình thương bất diệt của Cha Mẹ.