Ảnh Hưởng Của Đạo Phật Vào Nền Văn Hóa Việt Nam

G

HT.THÍCH TRÍ QUẢNG

Phật Giáo truyền sang nước ta từ hai hướng : Ấn Độ và Trung Hoa. Và khi thâm nhập vào Việt Nam, đạo Phật đã gắn liền với tâm hồn người Việt, ảnh hưởng sâu sắc trong nhiều lãnh vực sinh hoạt của dân tộc, thậm chí gắn liền với sự tồn vong của đất nước Việt Nam.

Thật vậy, những nhà truyền giáo mang tinh thần Kinh Pháp Hoa trên bước đường truyền bá chánh pháp, nghĩa là đến nơi nào, các Ngài luôn luôn quan sát xem dân chúng bản địa muốn gì, nghĩ gì, làm được gì mà theo đó hướng dẫn họ sống an vui, lợi ích.

Thể hiện tinh thần này, ngay từ buổi sơ khai, đạo Phật đã trở thành đạo lý sống cho những tâm hồn yêu nước và đóng vai trò tích cực trong việc dựng nước và giữ nước. Đó chính là nét đặc thù của Phật Giáo Việt Nam. Lịch sử còn ghi rõ trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, những phong trào chống giặc phương Bắc của nhân dân ta đều chịu ảnh hưởng của Phật Giáo. Điển hình như một nữ tướng của hai Bà Trưng là tu sĩ Phật Giáo. Hoặc Lý Nam Đế lập nước Vạn Xuân ở thế kỷ thứ VI vừa lên ngôi chưa xây cung điện, mà đã cho xây chùa Khai Quốc, sau đồi thành Trấn Quốc.

Đặc biệt đến thời Đinh, Lê, Lý, Trần có thể khẳng định rằng đó là thời kỳ mà giáo lý đạo Phật đã hòa nhập sâu sắc vào nền văn hóa Việt Nam. Hai tác phẩm nổi tiếng còn lưu lại như Lĩnh Nam Trích QuáiViệt Điện U Linh đã thể hiện rõ nét tinh thần đạo Phật

Theo sách "Lịch Sử Việt Nam" tập 1 của UBKHXH viết như sau : "…Trong buổi đầu thời kỳ độc lập, ngoài văn học dân gian. lực lượng sáng tác văn học lúc đó chủ yếu là các nhà sư, Những tác phẩm văn học thành văn còn lưu truyền đến ngày nay là một số bài thơ chữ Hán của các nhà sư Đỗ Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh v.v…"

"…Vào đời Lý, Phật Giáo vẫn chiếm ưu thế và các nhà sư vẫn giữ vai trò quan trọng. Phật giáo được truyền bá rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân và có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống xã hội, in rõ dấu ấn trong mọi lĩnh vực văn hóa…"

Đời Lý được coi là thời cực thịnh của Phật Giáo Việt Nam trong hơn 200 năm. Phật Giáo đã giữ vị trí độc tôn và góp phần chính yếu cho nền văn hóa dân tộc. Về phương diện văn học, các Tăng sĩ đều thuộc hàng trí thức có ảnh hưởng lớn đến nền văn hóa đương thời. Qua sách Thiền Uyển Tập Anh và một số bia tạo dựng từ đời Lý đã lưu lại cho chúng ta những tác phẩm văn thơ có giá trị. Trong 50 thi sĩ đời Lý có đến 41 người là Tăng lữ. Dưới triều Lý, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của 8 đời vua anh minh sùng kính đạo Phật, đã mở các khoa thi chọn nhân tài, giúp cho nền văn hóa nước nhà được phát triển tốt đẹp.

Về phương diện mỹ thuật, đối với các ngành kiến trúc, hội họa, điêu khắc, đạo Phật đã là động lực hỗ trợ cho việc phát triển mạnh mẽ qua các công trình mỹ thuật còn lưu lại như chùa tháp, tượng thờ, pháp khí v.v…

Đến thời nhà Trần, các vua là những chiến sĩ anh hùng dẹp tan giặc Mông Nguyên một cách vẻ vang. Khi đất nước thái bình, trí tuệ các Ngài đã xây dựng nên những tư tưởng trong sáng của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Có thể nói trải qua dòng lịch sử khá lâu dài và rõ nét, giáo lý nhà Phật đã hòa nhập mật thiết vào nền văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng sâu đậm đến sinh hoạt đời thường của người dân Việt. Tuy lời nói của các vị thiền sư thât đơn giản cùng với nếp sống bình dị thanh thản, nhưng đã vảnh hưởng mãnh liệt, đi sâu vào lòng dân, đáp ứng được nhu cầu tình cảm, trí thức cho họ. Ảnh hưởng "hành vô hành" của các bậc chân tu ngộ đạo đến với người một cách dễ dàng tự nhiên, đến độ Lê Quát, một nho sĩ không mấy thiện cảm với Phật Giáo, đã phải bực mình ganh tỵ. Sự bực tức ấy còn được ghi lại trong văn bia, bực tức vì nho sĩ học hành nhiều nhưng không ai để ý đến, không ai tin theo; trong khi nhà sư chẳng thấy làm gì mà lại được người kính phục, quy ngưỡng.

Qua những sự kiện còn ghi rõ dấu ấn son sắt của Phật Giáo đối với nền văn hóa dân tộc, đối với nếp suy nghĩ, nếp sống của người dân Việt từ bao đời, có thể kết luận rằng khi nào những vị tu sĩ tài đức hiện hữu thì đạo pháp hưng thạnh, góp phần lợi lạc cho đất nước, mang an vui cho dân tộc. Và ngược lại, Phật Giáo suy đồi vì thiếu vắng người tu đắc đạo, thiếu người có khả năng hướng dẫn quần chúng phát huy trí tuệ và đạo đức, thì đất nước cũng bị ảnh hưởng, mất phần lợi lạc.

Với nhịp tiến bước song hành cùng dân tộc Việt Nam theo tinh thần cha ông, chúng ta đã từng thực hiện một cách mỹ mãn, thiết nghĩ ngày nay chúng ta phục hưng Phật Giáo cũng có nghĩa là góp phần xây dựng đất nước. Phật Giáo được phục hưng tức đào tạo được những nhân tài trí thức, đạo đức, chúng ta đã trực tiếp đầu tư những nhân tố quý báu cho một xã hội phát triển giàu mạnh, hướng thiện, an vui.

Phật Giáo Việt Nam mãi mãi tồn tại với dân tộc.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang