Nếu có ai hỏi: Bạn đi sinh hoạt GĐPT để làm gì ? Thì xin bạn cứ mạnh dạn trả lời : để tu ! Thật đấy bạn ạ, cứu cánh sau cùng của huynh trưởng chúng ta chính là tu thân, sửa mình sao cho xứng đáng với nhân cách một Phật tử chân chính và (đương nhiên) là một công dân gương mẫu trong một đất nước. Mục tiêu của chúng ta là hoàn thiện nhân cách làm người trước khi hướng đến mục tiêu làm thánh. (Thật nực cười cho những ai thường tự cho mình là “Thiệu long thánh chủng”nhưng khi đụng chuyện thì cư xử như kẻ phàm phu)

 

Vào GĐPT, chúng ta tu những gì ? Nhiều lắm bạn ơi, trong cuộc sống cần những đức tính gì thì trong sinh hoạt GĐPT đều có thể giúp ta tu tập từng ấy đức tính. Tất nhiên, những đức tính này được đánh giá bằng nhãn quan của Phật Giáo, chứ trong đời này thiếu gì loại “đức tính” được người đời ca tụng nhưng thật ra đó chỉ là những sản phẩm của tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến… mà thôi!

Lối tu trong GĐPT là một lối tu đặc thù của người cư sĩ Phật tử. Đó là lối tu lấy cuộc đời làm đạo tràng , lấy phụng sự làm công phu, lấy lợi tha làm công đức. Vì vậy, chúng ta tu trong mọi công việc thường ngày, lúc nào cũng phấn đấu phụng sự cho lý tưởng GĐPT và tất cả vì đàn em thân yêu. Tu như vậy, theo quan điểm của một số người là “Có tu gì đâu!” . Chúng ta có tu hay không, mời bạn tiếp tục cùng tôi trao đổi thêm.

Bạn thân mến,

Các thiền giả ngày xưa thường được sư phụ, tùy theo tâm tánh, căn cơ của đệ tử, mà giao cho một công án hay thoại đầu để tư duy quán chiếu cho đến ngày vỡ ra chân lý, gọi là “đắc thiền”. Ngày nay, huynh trưởng GĐPT trong quá trình tu tâm sửa tánh cũng có những đề mục để tập trung công phu vào đó mà tu tập cho đến ngày hoàn thiện bản thân từng phần hay rốt ráo, ta không gọi đó là “đắc đạo” mà gọi đó là “hình thành nhân cách của một Phật tử chân chánh” . Khác với các thiền giả ngày xưa, có khi suốt cả đời cũng chưa tỏ ngộ được công án của sư phụ giao cho; huynh trưởng chúng ta tu tập các đề mục một cách xuyên suốt, đan xen các đề mục với nhau tùy theo nội dung, tính chất công việc và tùy theo hoàn cảnh khách quan, nội tại… mà tu tập không ngưng nghỉ và cũng không có thời gian hạn định cho mỗi đề mục.

Nếu kể ra hết các đề mục mà một huynh trưởng phải dụng công tu tập trong suốt một đời người thì không sao kể hết vì nó quá nhiêu khê, Trong phạm vi lá thư này, tôi xin đơn cử một số đề mục (hay có thể gọi là “đề tài” cũng được) dễ thấy, dễ hiểu nhất trong quá trình tu tập của huynh trưởng chúng ta. Các đề tài đó là : Trí tuệ, Hỷ xả, Tinh tấn, Thanh tịnh, Từ bi, Lục Hòa. Từ sáu đề tài này, nếu chúng ta phân tách triển khai cho thấu đáo, sẽ hiện ra một chân trời đạo lý vô biên mà cả một đời người chưa chắc đã thực hành viên mãn.

 

1)Trí tuệ : đối với người huynh trưởng, trí tuệ chính là Chánh kiến . Từ lời Phật dạy mà chúng ta học được qua bốn bậc Kiên, Trì, Định, Lực, đã hình thành trong trí não chúng ta một vốn hiểu biết chân chính về bản chất mọi sự vật, sự việc trên đời này. Chánh kiến sẽ dẫn dắt mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta trong cuộc sống. Tùy theo mức độ tinh tấn tu học của mỗi anh chị em mà chúng ta sẽ có cách cư xử khác nhau theo từng trường hợp. Người có chánh kiến nhiều sẽ cư xử hợp đạo lý hơn người ít chánh kiến. Đó chính là kết quả tu tập của người huynh trưởng, dù ít hay nhiều, dù chậm hay nhanh, điều quan trọng là chúng ta đang rút ngắn dần con đường đi đến chân-thiện-mỹ trong cuộc sống. Tu là vậy, chớ còn đòi hỏi gì cao siêu nữa?

 

2)Hỷ xả : Trong cuộc sống này, hỷ xả là một đức tính không dễ mấy ai có được. Bố thí là phương tiện để tu tập hạnh xả ly. Tha thứ lỗi lầm cho người khác cũng là một hình thức của hạnh xả ly. Một người có hạnh hỷ xả thường có tâm hồn phóng khoáng, tâm địa rộng rãi, đời sống không giàu có nhưng không cảm thấy thiếu thốn thứ gì và họ sẵn sàng làm công việc mà mọi người thường chê là “Ăn cơm nhà đi vác ngà voi hàng tổng” Người huynh trưởng tu tập hạnh xả ly bằng cách tự nguyện phục vụ trong màu áo lam, công việc vất vả mà chẳng cần ai khen chẳng cần ai trả công. Người tự nguyện làm việc lợi tha mà không đòi hỏi gì cho mình, thử hỏi trong đời dễ có mấy ai? Đó chính là hạnh Bồ tát. Người đang thực hành hạnh Bồ tát có được xem là người đang tu hay không?

 

3)Tinh tấn: đối với huynh trưởng GĐPT, chúng ta hiểu từ Tinh Tấn theo nghĩa Siêng năng chịu khó làm các việc thiện . Việc thiện to tát nhất mà người huynh trưởng đang theo đuổi chính là “Làm cho Phật Pháp thấm nhuần vào đời sống tuổi trẻ Việt Nam” thông qua các phương thức sinh hoạt GĐPT. Việc làm này đã, đang và sẽ được hàng vạn huynh trưởng GĐPT khắp cả nước tự nguyện chắt chiu tâm huyết, sức lực, thời gian, phương tiện… đầu tư phát triển cho nó ngày càng thêm hiệu quả và bền vững. Siêng năng luôn là tài sản quý báu của nhân loại, vì từ siêng năng mà con người tạo ra tất cả phương tiện sống tốt nhất cho mình. Đối với huynh trưởng chúng ta, đức tính siêng năng đã trở thành khẩu hiệu cho chúng ta ghi nhớ và thực hành từng giờ từng ngày. Quả thật, trong cuộc đời người huynh trưởng, nếu không có hạnh tinh tấn, chúng ta khó mà vượt qua bao khó khăn trở ngại trên con đường phục vụ tổ chức Áo Lam. Điều này, tôi đã có dịp trao đổi với các bạn trước đây rồi.

 

4)Thanh tịnh: điều luật thứ tư của huynh trưởng GĐPT ghi :”Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm”. Điều luật này nhắc nhở người huynh trưởng thường xuyên tu tâp hạnh Thanh tịnh. Sự thanh tịnh về thể chất và tinh thần bao gồm : không sát sanh, không trộm cướp, không uống rượu, không hút thuốc, không dùng ma túy, không tà hạnh, không nói dối, giữ mình tránh xa những nơi ô nhiễm như vũ trường, bia ôm, mãi dâm, cờ bạc v.v…  Huynh trưởng chúng ta tu tập hạnh thanh tịnh tức là tu Giới, mà giới chính là nền tảng của Định và Tuệ (Giới – Định – Tuệ). Người đắc được hạnh thanh tịnh là người cao thượng, hiếm có trong xã hội. Hiện nay, trong tổ chức Áo Lam chúng ta đang phát động phong trào “bỏ hút thuốc lá”, mong rằng các anh em huynh trưởng hưởng ứng việc làm này, tự bản thân mình hãy bỏ hút thuốc để trong sạch thể chất cho chính mình.

 

5)Từ bi : Từ bi là đặc điểm tinh túy nhất của Đạo Phật. Từ bi gắn liền với nền hòa bình của nhân loại. Vì vậy, Liên Hiệp Quốc đã chẳng ngần ngại tôn vinh Đạo Phật là Tôn Giáo Hòa Bình của toàn thế giới. Từ bi là một đức tính cao thượng tột bậc, chỉ có bậc Chánh đẳng Chánh giác mới viên mãn đức Từ Bi. Đối với huynh trưởng GĐPT, chúng ta tu tập hạnh Từ Bi ở mức độ Nhân thừa, nghĩa là ban vui cứu khổ còn có điều kiện. Thí dụ : chúng ta yêu thương gia đình là những người có cùng huyết thống với ta; chúng ta yêu thương thầy cô, bạn học vì họ có ơn với ta; chúng ta yêu những người bạn Áo Lam vì anh chị em có cùng lý tưởng với ta v.v… Chúng ta cho tiền kẻ ăn xin vì người ấy gợi lòng thương ở ta; chúng ta cứu người gặp nạn là vì đạo lý làm người bắt ta phải làm như vậy v.v…Chỉ như thế thôi, vậy mà đôi khi chúng ta còn làm chưa trọn nghĩa yêu thương bình thường ấy. Vì vậy, người huynh trưởng thường xuyên phải quán chiếu và thực hành hạnh Từ bi trong đời sống.

 

6)Lục Hòa : trong sinh hoạt GĐPT, Lục Hòa luôn là một đòi hỏi bức thiết mọi lúc mọi nơi. Vì Lục Hòa chính là sợi dây kết nối những “đứa con trăm nhà” khác tánh khác tình lại làm một khối để tạo ra sức mạnh cho tổ chức Áo Lam. Tổ chức chúng ta tồn tại hơn 70 năm qua là nhờ anh chị em chúng ta biết tu tập Lục Hòa. Chắc bạn còn nhớ Lục Hòa gồm : 1)Thân hòa đồng trụ  2)Khẩu hòa vô tranh  3)Ý hòa đồng duyệt  4)Kiến hòa đồng giải   5)Giới hòa đồng tu   6)Lợi hòa đồng quân. Tinh thần Lục Hòa có thể tóm gọn thành một câu “Hãy chấp nhận sự khác biệt và chung sống với nó”. Trong Lục Hòa, vai trò người lãnh đạo vô cùng quan trọng, vì họ chính là “trung tâm đoàn kết” của mọi người trong một đoàn thể hay tổ chức ấy. Kết quả của Lục Hòa chính là đoàn kết.

Bạn thân mến,

Trên đây, tôi vừa nêu lên sáu đề mục quan trọng mà một người huynh trưởng GĐPT phải tư duy, quán chiếu và thực hành một cách thường xuyên. Đó là lộ trình tu của người huynh trưởng, là cứu cánh của mọi anh chị em một khi đến với chiếc áo lam. Dù cho trong quá trình sinh hoạt GĐPT, chúng ta có gặp phải khó khăn gì, hoặc gặt hái được thành công gì; dù cho chúng ta đang mang cấp bậc gì hay giữ chức vụ gì v.v… thì tất cả chúng ta vẫn còn đang trên con đường tu tập . Con đường của bạn, của tôi dài hay ngắn là do công phu và hoàn cảnh của mỗi người, nhưng chúng ta cùng nhắc nhở nhau một điều cốt tử là :nếu chúng ta không tu hay thiếu tu là chúng ta đã vô tình giết chết tổ chức GĐPT một cách từ từ vậy”


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang