Tôi Đã Gặp Bồ Tát Quán Âm

G

Nông sản làm ra , chỉ cần vận chuyển đi xa chừng 100 km là đã phải đóng thuế 3- 4 lần, bởi vì vùng nào có luật lệ của vùng ấy và phe nào cũng cần tiền để nuôi quân. Riêng trong vùng Pháp cai trị, đồng tiền được thả nổi, chẳng có giá trị gì mấy. Thiếu tiền lẻ để xài đến nỗi xé đôi tờ giấy bạc Đông Dương ra để mua bán trao đổi với nhau. Thí dụ : tờ Một Đồng xé đôi thì có giá trị là Năm Cắc; tờ Năm Đồng xé đôi thì kể như là Hai Đồng Rưởi v.v… Đời sống dân chúng cực kỳ khổ sở, không phải “một cổ hai tròng” mà là “một cổ ba, bốn tròng”. Hàng hóa vô cùng khan hiếm và đắt đỏ. Tàu, xe chạy bằng than , đi từ quê tôi  lên tới Sài Gòn phải mất hơn 12 tiếng đồng hồ. Dọc đường phải dừng lại chừng 15 lần để nộp “tiền mãi lộ” mỗi khi xe chạy qua vùng cát cứ của những phe phái vũ trang. Đôi khi xe phải dừng lại vì giữa đường có bom mìn, đợi xe quân sự đến tháo gỡ mới đi tiếp được .

Năm 1948, cha tôi đang làm thợ hớt tóc ở  chợ Hỏa Lựu thì được “bên trong” (tức vùng căn cứ kháng chiến ) mật báo cho biết ông đã bị lộ (Mãi sau này tôi mới biết ông hoạt động nội thành cho Việt Minh). Thế là cha tôi đưa cả gia đình xuống một chiếc ghe nhỏ, thay phiên nhau chèo chống suốt 3 ngày đêm trốn qua chợ Sa Đéc để tránh bị mật thám Pháp bắt bớ.

Ở Sa Đéc, chúng tôi thuê một căn nhà nhỏ trong khu “quốc gia” để sinh sống. Về phía Tây (Tân Qui Tây) là vùng do Hòa Hảo chiếm đóng, có mở một sòng “tài xỉu”[1] và xổ đề 40 con số để gây quỹ nuôi quân. Về hướng Đông (Tân Qui Đông) là do lực lượng vũ trang Cao Đài cát cứ, cũng làm kinh tài bằng cách mở sòng “tài xỉu” và xổ đề . Có lần đó, không biết hai bên Đông-Tây xích mích chuyện gì mà dùng súng cối bắn nhau qua lại, khiến cho dân chúng trong vùng “quốc gia” ở giữa, trong đó có gia đình chúng tôi, một phen sợ mất vía vì đạn pháo hai bên cứ bay xèo xèo ngay trên đầu mình.

Tóm lại, tôi không dám nói hết cả xứ Việt Nam, chớ như Miền Tây Nam Bộ thời ấy, đời sống dân chúng thật là nguy hiểm, mạng sống luôn bị đe dọa. Trong cái “cộng nghiệp” ấy, tôi đã một lần thoát chết nhờ được Bồ Tát Quán Thế Âm độ trì. Điều đáng nói là Quan Âm bằng xương bằng thịt hẳn hòi chớ không phải do tôi tưởng tượng đâu.

Câu chuyện như sau :

 

Gia đình tôi bỏ xứ, chạy ra chợ Sa Đéc sinh sống. Cha tôi thuê chỗ trong nhà lồng chợ đặt một chiếc ghế hành nghề hớt tóc qua ngày. Mẹ tôi , mỗi buổi sáng sớm, ra bến đón ghe rau cải từ Long Xuyên qua, mua đi bán lại kiếm sống. Tôi thì đi học trưởng Nữ Tiểu học của tỉnh. Thời buổi loạn ly, đến 12 tuổi tôi mới được đi học, thành ra năm đó tuy tôi mới học lớp Nhất[2] mà đã 16 tuổi.

Sống ở Sa Đéc được chừng nửa năm , một tối nọ, tôi để ý thấy cha tôi ngồi viết gì đó trên mặt trái của bao thuốc lá. Nhưng viết rất nhiều mà không thấy có mực, có chữ nào hiện ra. Tôi buột miệng kêu lên : Á, ngộ quá ! viết của cha không có mực mà viết sao được? Cha tôi giật mình, tay vẫn còn cầm viết, xoay qua bộp tai tôi một cái đau điếng. Chưa bao giờ tôi thấy cha tội giận dữ và hoảng hốt như thế. Cha vẫn còn run, nói lạc cả giọng : Con nít biết gì mà nói. Lần sau còn nói như thế là chết với cha đấy!. Tôi chẳng hiểu tại sao, nhưng cũng đành tiu nghỉu rút lui ra nhà trước. (Mãi sau này khi đã trưởng thành, tôi mới biết lần ấy là cha tôi viết báo cáo gởi cho Việt Minh bằng nước cốt chanh để qua mắt bọn mật thám Pháp). Từ đó về sau, mỗi lần cha tôi ngồi viết bất cứ cái gì, tôi đều lánh ra chỗ khác chứ không dám đứng xem và có ý kiến nữa.

Vào mùa nghỉ hè năm đó, tôi được ở nhà suốt ba tháng. Một hôm,  cha tôi bệnh nặng, không đi làm được. Mẹ tôi cũng bỏ bữa chợ, ở nhà chăm sóc ông. Trưa hôm đó, ông kêu tôi đến bên giường, nói :

-Cha có việc này rất gấp mà vì bệnh không đi được. Con đi dùm cha được không ?

-Dạ, được !

-Nhưng mà việc này rất khó, không đơn giản đâu.

-Dạ, cha cứ chỉ bảo , con sẽ cố gắng hoàn thành

Cha tôi  chần chừ tới lui nhiều lần, cuối cùng ông dứt khoát , thò tay dưới gối lấy một vỏ bao thuốc lá đã xếp làm tám lần, chỉ còn lớn như con tem bưu điện, đưa tận tay tôi và bảo :

-Con thay ba đem tờ giấy này đến giao cho chú Chín Cửu ở Lai Vung

Cha tôi chỉ tường tận đường đi nước bước để tôi  đi đến nơi về đến chốn. Ông còn nói “mật khẩu” cho tôi nghe và dặn kỹ : gặp chú Chín Cửu thì phải hỏi như thế, trả lời như thế vân vân… Tôi vẫn còn nhớ chú Chín Cửu là người cao to, da ngâm đen , ăn nói lớn tiếng, làm nghề thợ mộc thỉnh thoảng có đến nhà chúng tôi chơi. Nhưng nhà chú Chín thì tôi chưa biết, đây là lần đầu tôi được cha tôi chỉ dẫn đến nhà chú. Cha tôi còn cẩn thận dạy tôi cách ăn nói, trả lời nếu bị lính tráng hoặc người lạ tra hỏi lý do tìm chú Chín …

Tôi khởi hành lúc 5 giờ sáng, theo cha tôi dự tính sẽ tới Lai Vung lúc  giữa trưa, đưa thư xong, tôi sẽ đón chuyến đò lúc 2 giờ chiều trở về. Tôi xuống chuyến đò đầu tiên, ngồi giữa những người xa lạ, lòng cảm thấy hồi hộp lạ vì đây là lần đầu tiên tôi đi xa một mình mà không có cha hay mẹ cùng đi. Đò rời bến, ì ạch lướt đi trên dòng nước đen ngòm trong ánh đèn mù mờ của buổi sáng tinh mơ. Chợ Sa Đéc từ từ lui về phía sau rồi cuối cùng khuất sau màn sương mỏng, nhường cho cảnh ruộng đồng, vườn cây trái um tùm bắt đầu hiện ra hai bên bờ sông. Tôi nghĩ ngợi lan man hết chuyện này đến chuyện nọ. Ngồi cạnh tôi là một người đàn ông trạc tuổi cha tôi, người gầy ốm, đầu hớt “cua”[3], nước da đen sạm phong trần trông có vẻ như đang bệnh chưa khỏi. Tôi lấy đòn bánh tét trong giỏ xách ra,  cắt chia cho ông  phân nửa . Ông chần chừ một chút rồi nhận lấy cùng ăn với tôi. Kể từ lúc này, tôi đã có bạn đồng hành nên không còn thấy lẻ loi nữa. Ông tỏ ra là người rất từng trải nên bao nhiêu thắc mắc của tôi trên suốt lộ trình đều được ông giải thích cặn kẽ khiến cho cuộc hành trình của tôi đỡ được nhàm chán và buồn tẻ. Giữa tôi và ông dần dần nảy sinh một  tình cảm ấm áp dễ chịu.

Chuyến hành trình của chúng tôi bắt đầu xảy ra chuyện khi đò đi được nửa chặng đường. Đò đang ngon trớn bỗng chạy chậm lại rồi tấp vô bờ đậu lại. Tôi nhìn ra khúc sông phía trước cách chừng ba trăm mét, thấy khói bốc mù mịt, tiếng súng đạn đủ loại đủ cỡ thi nhau nổ vang. Mọi người nhốn nháo cả lên, mạnh ai nấy đoán già đoán non xem ai đánh với ai. Tôi lo lắng cho chuyến đi của mình sẽ không thành công như dự tính, không biết đêm nay ăn đâu ngủ đâu. Bác Năm (người đàn ông ngồi cạnh tôi) nói trấn an : Cháu đừng lo, chắc không lâu đâu. Tuy nhiên trận chiến hai bên kéo dài vượt quá sự mong đợi của chúng tôi cho đến giữa trưa, rồi từ trưa kéo dài đến chiều tối, lúc ác liệt lúc cầm chừng, mãi không dứt hẳn. Dĩ nhiên chủ đò không dại gì mà cho đò chạy vào giữa làn tên mũi đạn, thành ra đò cùng người phải nằm chịu trận giữa khúc sông vắng, chờ cho chiến trận tan đi.

Mãi đến hơn 6 giờ chiều tiếng súng mới im bặt. Chủ đò cho đò chầm chậm trôi ra khỏi bãi sông và nổ máy chạy về phía trước. Ai cũng thở phào nhẹ nhỏm. Tuy nhiên, đò chỉ chạy được vài trăm mét bỗng có tiếng người trên bờ thét bảo đò ghé vô. Khi đò vừa cập bến , có hai người  lính nhảy xuống xét giấy tờ. Trên đò có chừng hai mươi mấy khách đi đò thì hơn phân nửa bị “mời” lên đồn tiếp tục xét hỏi. Tôi đã được cha dặn trước nên kịp thời phi tang xuống dòng nước tờ giấy bao thuốc lá mà cha tôi bảo đưa cho chú Chín Cửu. Tuy nhiên tôi cũng bị lính bắt lên đồn vì trong người không có giấy tờ tùy thân ( tôi chỉ mới 16 tuổi, lại là con gái nên chưa làm giấy căn cước)  Bác Năm cũng chịu thân phận như tôi.

Đồn lính xây bằng gạch tiểu giống như hình dạng cái lò gạch, bên trong bàn ghế sơ sài, một người Pháp tuổi khoảng năm mươi, thân hình to lớn phục phịch, mặt mũi đỏ gay, đang ngồi bên chiếc bàn ọp ẹp, miệng ngậm tẩu thuốc . Mùi thuốc súng bắn nhau lúc chiều còn phảng phất khắp nơi hòa với mùi tanh của máu những người bị thương đang nằm la liệt ngoài sân đồn, biến thành một thứ mùi ghê tởm khiến tôi cồn cào muốn ói . Vài dấu hiệu đổ vỡ do cuộc chiến ban chiều để lại còn rải rác đó đây.

Viên quan Pháp bắt đầu thẩm vấn từng người thông qua lời phiên dịch của một thông ngôn người Việt. Thái độ của tên quan rất dữ dằn, xem mạng người như cỏ rác. Hắn chỉ hỏi vài câu, nếu người bị thẩm vấn ấp úng, trả lời không trót lọt thì hắn thét bảo lính trói gô ngay. Bác Năm là người thứ tư bị thẩm vấn. Tôi rất ngạc nhiên vì bác trả lời trôi chảy bằng tiếng Pháp mà không cần phiên dịch của viên thông ngôn. Không biết bác Năm đã nói với tên Pháp những gì mà sau một hồi hỏi cung, tên quan đã khoát tay cho bác xuống đò. Tôi là người bị thẩm vấn sau cùng. Nảy giờ đã có bốn người được cho xuống đò và bảy người bị lính bắt trói để lại.

Tên quan Pháp hỏi tôi những câu cần thiết. Tôi trả lời trôi chảy không vấp váp. Về lý do chuyến đi thì tôi nói : Đi về nhà bác Chín ở Lai Vung ăn đám giỗ ông nội tôi.  Tên quan không còn gì để hỏi, tôi cảm thấy yên lòng, chỉ chờ hắn khoát tay cho tôi xuống đò. Không ngờ có một người nhỏ thó, trên đầu trùm khăn choàng tắm che gần hết mặt bỗng xuất hiện, đến nói nhỏ vào tai tên quan Pháp một hồi. Tên Pháp liền đổi  ngay thái độ, thét bảo lính xông đến trói quặt hai tay tôi ra sau lưng . Tôi hết hồn, chết điếng vì sự việc xảy ra quá đột ngột. Tôi chỉ biết mếu máo nói với viên thông ngôn hỏi tên Pháp vì lý do gì bắt tôi. Viên thông ngôn nói gì đó với tên Pháp nhưng tên này không trả lời, chỉ đứng lên bỏ đi.

Tôi ngồi đó, chung với bảy người cùng chuyến đò, bị trói chặt, bụng đói meo, kiệt sức, run sợ, tâm thần bấn loạn không biết thân phận mình sẽ ra sao. Trong tám người ngồi đây, chỉ có tôi là nữ. Không khí xung quanh chết chóc thê lương, vắng lặng, ghê rợn. Tôi nhìn ra màn đêm, thương cha nhớ mẹ, nước mắt hai hàng chảy dài trên đôi má. Chợt có bàn tay ai đó lay nhẹ vai tôi. Tôi ngước lên nhìn. Trong bóng tối chập choạng, tôi nhận ra dáng hình quen thuộc của bác Năm. Tôi mừng rỡ kêu lên : Bác Năm ơi, cứu con với ! Bác cúi xuống mở trói cho tôi, đỡ tôi đứng dậy và nói : Cháu đi theo bác ! Tôi không hiểu ra sao, chỉ biết vâng lời, ríu ríu đi theo bác xuống đò đang nổ máy. Tôi vừa bước xuống, đò liền tách bến xuôi dòng tiến về hướng Lai Vung.

Theo lời dặn của cha, tôi lên bờ khi còn cách chợ Lai Vung  ba cây số. Bác Năm tiếp tục cuộc hành trình. Tôi bịn rịn chia tay bác mà chân không nở bước lên bờ. Suốt đoạn đường từ đồn lính cho tới đây, tôi cứ hỏi đi hỏi lại bác Năm mấy câu :

-Người trùm khăn choàng tắm đã nói gì với tên quan Pháp ?

-Vì sao tên Pháp chịu để cho bác cứu con ?

-Bác đã nói gì với viên quan Pháp ? v.v…

Nhưng bác Năm không trả lời hoặc trả lời quẩn quanh làm cho tôi càng băn khoăn thắc mắc không thể nào hiểu được căn nguyên sự việc. Tôi có linh cảm rằng bác Năm có gì đó không thể nói thật với tôi, và rằng có những điều mà bác có nói thì tôi cũng sẽ không hiểu nổi, vì vậy bác không thể giải tỏa hết những thắc mắc của tôi. Nghĩ vậy nên tôi không hỏi bác thêm nữa.

Tôi bước lên bờ sông trong màn đêm tĩnh lặng. Lạ chỗ lạ người, không thuộc đường đi, tôi loanh quanh hỏi thăm mãi mới đến được nhà bác Chín Cửu. Bác gái dọn cơm cho tôi ăn, bác trai hỏi thăm những gì tôi đã trải qua từ sáng đến giờ. Tôi đem lý do cha sai tôi đến đây và thuật lại đầu đuôi sự việc xảy ra trên lộ trình cho bác nghe. Bác trầm ngâm nghe xong rồi bảo tôi : Thôi, con đi ngủ đi, sáng mai đón đò về sớm.

Sáng hôm sau, bác gái đưa tôi ra bờ sống đón đò về Sa Đéc. Chuyến đò chật cứng người. Tôi nhìn trên nhìn dưới xem có bác Năm đi chuyến đò này không, nhưng không thấy. Khi đò đi ngang đồn lính hôm qua, mọi ngươi lao xao chỉ trỏ và nói với nhau : Đồn Xẻo Cạn này, đêm qua đã  bị Việt Minh tiêu diệt rồi ! Vài người khác tỏ ra hiểu biết, kháo thêm : Nghe nói toàn bộ quan, lính trong đồn đều chết hết.

Tôi kiểng chân lên nhìn kỹ cảnh tượng trên đồn, nơi mà mới chiều hôm qua tôi còn ngồi đây và nếu không có bác Năm cứu thì giờ đây tôi chỉ còn là cái xác không hồn chung với những người lính kia. Cảnh vật thật tang thương và đầy tử khí. Cái đồn giống như lò gạch hôm qua thì sáng nay chỉ còn là đống gạch vụn. Khói vẫn còn bốc lên nghi ngút nơi này nơi kia. Tôi cố nhìn nhưng không thấy xác người vì tầm nhìn khá xa và bị che khuất nhiều chỗ. Đò lướt qua chỗ đồn lính như lánh xa một thứ bệnh dịch ghê tởm. Tiếng hành khách bàn luận chuyện thời sự lan man mãi bên tai tôi nhưng tôi nào có nghe được tiếng gì, bởi tôi đang hồi tưởng lại những gì tôi đã từng trải trong buổi chiều qua nơi đồn lính kia . Tôi hình dung lại từng chi tiết từ khi bị đưa lên đồn, bị thẩm vấn và cuối cùng bị bắt trói cùng với bảy hành khách cùng chuyến đò. Tôi nhớ lại tất cả các tâm trạng của mình trong lúc bị trói và ngồi vô vọng trong đêm tối, đói rét, run sợ, bấn loạn tinh thần… như thế nào;  Rồi đến giây phút mừng rỡ như người sắp chết đuối vớ được cái phao khi bác Năm xuất hiện giải cứu. Tôi nhớ đến từng hơi thở ấm áp của bác, đến mùi mồ hôi của bác  trong lúc bác cúi người xuống mở trói cho tôi… Bây giờ bác đang ở đâu ? Tất cả những gì tôi muốn biết về bác đều không được toại nguyện. Bác mãi mãi là một ẩn số đối với tôi. Có lẽ suốt đời tôi sẽ không còn gặp lại bác nữa.

Khi hòa bình lập lại (1975), tôi có về Lai Vung thăm bác Chín Cửu và tìm thăm bác Năm nhưng cả chợ Lai Vung không ai biết  về bác. Tuy cũng có vài người tốt bụng chỉ cho tôi tìm thử nhưng khi đến nhà thì lại không phải là bác Năm. Bác như một Ông Bụt hiện ra giữa cuộc đời tôi trong thoáng chốc rồi biến mất không để lại dấu vết nào.

Thời gian trôi qua thật nhanh. Mới đây mà đã hơn sáu mươi năm đi qua đời tôi. Giờ đây, sau bao nhiêu biến cố trong đời, tôi đã là một cụ bà tám mươi. Tôi đã hoàn tất mọi trách nhiệm trong đời : lấy chồng, nuôi con lớn khôn, thành đạt… và giờ là lúc tôi an hưởng tuổi già, tìm vui trong nếp sống tâm linh. Một lần nọ, nhân ngày vía Quan Âm, nhà chùa tổ chức khóa tu một ngày cho Phật tử. Nhân dịp này, tôi xin với Thầy trụ trì kể lại câu chuyện của mình cho hội chúng cùng nghe. Câu chuyện của tôi được Thầy kết hợp thành bài giáo lý nói về hạnh nguyện cứu khổ cứu nạn của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Thầy giảng như sau : “… Chúng ta học Kinh Pháp Hoa nói về Quán Thế Âm, phải hiểu đúng lời Phật ý Kinh. Thực sự không có một Đức Quan Âm ngự ở trên trời cao nhìn xuống thế gian để chờ coi có ai cầu xin ngài thì ngài ra tay cứu độ.

“Quán Thế Âm” không phải là TÊN một vị thần thánh, mà chính là một HẠNH của chư Phật muốn truyền dạy lại cho con người. Chư Phật muốn con người học và làm theo hạnh quán thế âm để cuộc đời này bớt khổ thêm vui. Vậy, nếu người nào có đủ tấm lòng thương người, biết thông cảm với nỗi khổ của người khác và sẵn lòng cứu giúp người khác, thì người ấy chính là Quán Thế Âm, hay nói chính xác là người ấy đã thực hành được HẠNH QUÁN THẾ ÂM rồi vậy…”

DIỆU NGUYÊN

(Vị Thanh – Hậu Giang)



[1]Tài xỉu : một loại hình cờ bạc. Dùng xúc xắc đổ rồi so điểm –Tài : số lớn; Xỉu : số nhỏ (theo tiếng Hoa)
[2]Lớp Nhất: lớp Năm bây giờ.
[3]Cua : Cour (tiếng Pháp) kiểu tóc cắt ngắn, sợi tóc chỉ dài 1-2 phân

 

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang