Tìm Hiểu Ý Nghĩa Một Số Thành Ngữ, Tục Ngữ

BBT:Nhiều huynh trưởng trẻ trong thời gian qua có hỏi về ý nghĩa một số thành ngữ, tục ngữ thường thấy xuất hiện trên các bài viết. Ban biên tập xin tập họp các câu hỏi lại để trả lời chung cho các bạn.

1- Câu  “MẠT CƯA GẶP MƯỚP ĐẮNG”

Chuyện kể : “Có một người làm nghề mua bán thức ăn gia súc, vì muốn lời nhiều nên lấy mạt cưa cho vô bao tải đem ra chợ, nói gạt người mua rằng đây là cám, khiến nhiều người mắc mưu mua phải cám giả.

Lại có một người bán dưa chuột gặp năm dưa chuột thất mùa không có dưa để bán. Người nọ nghĩ ra một kế là lấy mướp đắng gọt bớt vỏ giả làm dưa chuột mà mang ra chợ bán. Nhiều người bị gạt mua phải dưa chuột giả.

Một hôm, hai người gian dối ấy gặp nhau ở chợ. Người bán mạt cưa gạt được anh bán mướp đắng mua một bao cám giả của mình nên hí hửng vô cùng, đâu ngờ rằng mình cũng bị anh bán mướp đắng lừa bán cho mình cả một cân dưa chuột dỏm”

Các văn nhân thi sĩ trong dân gian mượn câu chuyện trên đặt ra câu thành ngữ “Mạt cưa gặp mướp đắng” để ám chỉ hạng người lừa lọc, gian dối trong xã hội thường “đụng độ” nhau trong cuộc sống, người này lừa người kia, đâu ngờ cũng bị người kia lừa lại.

(ảnh minh họa)

 

2-  “LOAN PHỤNG HÒA MINH, SẮT CẦM HẢO HIỆP”

Đây là câu chúc cô dâu chú rể trong ngày đám cưới.

-Loan – Phụng = là một loài chim huyền thoại của người Trung Hoa, còn có tên là Phượng Hoàng. Con trống gọi là Phụng, con mái gọi là Loan. Theo các tranh tượng còn lưu tại các đình, chùa mô tả loài chim này có hình dáng rất duyên dáng và quý phái với bộ lông nhiều màu sắc, đặc biệt là bộ lông đuôi sặc sỡ , mỗi chiếc lông đuôi dài gấp 2-3 lần thân chim, khiến cho Phượng Hoàng có dáng vẻ thanh cao quý phái hơn hẳn các loài chim khác.

-Hòa minh = hòa chung tiếng hót.

Câu này ngụ ý ví chú rể như chim Phụng và cô dâu như chim Loan. Người ta chúc cho cô dâu chú rể luôn luôn tâm đầu ý hợp cũng như đôi chim Phụng – Loan hòa chung tiếng hót vậy.

Trước năm 1975, tại miền Nam Việt Nam cũng như tại các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa (Nhật Bản, Triều Tiên, Singapore,Hồng Kông, Đài Loan…) người ta luôn trang hoàng đám cưới với hình ảnh chim Loan và chim Phụng mỗi con một bên, chính giữa là chữ Song Hỷ được viết cách điệu trong hình tròn tượng trưng cho Mặt Trăng.

Sau năm 1975, không hiểu sao tại Việt Nam lại bỏ hình ảnh Loan – Phụng, thay vào đó người ta lấy hình ảnh Long (Rồng) – Phụng để tượng trưng cho chú rể và cô dâu. Rõ ràng đây là một bước thụt lùi của trình độ văn hóa dân tộc, vì trên lý thuyết cũng như trong thực tiễn, loài rồng không thể nào kết hợp làm vợ chồng với loài chim được. Trong khi hình ảnh Loan – Phụng đã tồn tại hàng ngàn năm trong đời sống văn hóa dân tộc như một biểu tượng hài hòa tốt đẹp của hôn nhân, thì không biết vì lý do gì mà người ta thay đổi một cách ngớ ngẩn như vậy.

-Sắt, Cầm = là tên hai thứ đàn (đàn Sắt, đàn Cầm)

-Hảo hiệp = khéo léo kết hợp hòa tấu nên khúc nhạc du dương thánh thót.

Câu này mang ý nghĩa chúc đôi uyên ương hòa hợp trong cuộc sống lứa đôi như hai cây đàn Sắt và Cầm cùng nhau hợp tấu.

Ngoài hình ảnh Loan – Phụng,  đàn Sắt – đàn Cầm, người xưa còn lấy hình ảnh Cau – Trầu và Trúc – Mai để làm biểu tượng cho hôn nhân hòa hợp. Các bạn để ý thấy người xưa chọn những thứ cùng loại để ghép đôi với nhau, chứ không ai chọn hai loài khác nhau như hiện nay. Điều này chứng tỏ người xưa rất sâu sắc và tinh tế trong suy nghĩ, chứ không hời hợt, thô tháo, thực dụng như con người hôm nay.

Hình ảnh “Loan phụng hòa minh” thường được in, thêu trong các vật dụng ngày cưới. (ảnh minh họa)

3-“LẬT ĐẬT NHƯ MA VẬT ÔNG VÃI”

Đây là một kiểu nói “tam sao thất bổn”, không đúng với câu thành ngữ chính gốc cho nên vô nghĩa.

Câu thành ngữ chính là “Lật đật như thoi giật khung vải”. Ngày xưa, người ta dệt vải bằng khung cửi được người thợ dệt điều khiển bằng tay và chân. Thoi (con thoi) là một bộ phận trong máy dệt có chức năng đưa những sợi chỉ đan vào nhau tạo thành tấm vải. Khi khung cửi làm việc, con thoi chạy qua chạy lại trong khung vải một cách nhanh nhẹn và chính xác, người đứng ngoài nhìn vào hoa cả mắt, không thể theo kịp tốc độ di chuyển của con thoi, vì thế mới có câu “Lật đật như thoi giật khung vải”.

Về nghĩa bóng, câu này có ý chê những người làm việc gì cũng hấp tấp, bộp chộp, vội vàng, nhanh nhẹn nhưng không hiệu quả.

4- “ÔNG TƠ BÀ NGUYỆT”

Theo truyền thuyết Trung Hoa, chuyện hôn nhân của con người đều do Ông Tơ – Bà Nguyệt se duyên . Ông Tơ Bà Nguyệt đã se duyên ai với ai thì hai người đó sẽ thành vợ chồng suốt đời. Còn như Ông Tơ Bà Nguyệt đã không se duyên thì dù có kết thành vợ chồng với nhau cũng không lâu bền, thế nào cũng chia tay.

Hình tượng ông Tơ, bà Nguyệt được thờ cúng rộng rãi trong văn hóa dân gian Trung Quốc (ảnh minh họa)

Để minh họa cho thuyết này, truyện tích Trung Hoa có ghi lại câu chuyện như sau :

“Vi Cố là một thư sinh, gia cảnh bậc trung. Năm đó chàng tròn 18 tuổi, đang ngày đêm dùi mài kinh sử với hy vọng thi cử đỗ đạc ra làm quan. Một hôm nọ, nhân lúc nhàn rỗi, chàng thơ thẩn dạo chơi trong rừng núi. Bước chân vô định dẫn dắt chàng lên tới đỉnh núi lúc nào không hay. Bất giác trông thấy hai ông bà già dáng vẻ tiên phong đạo cốt đang ngồi se chỉ đỏ dưới bóng râm cổ thụ. Vi Cố bước đến chào hỏi lễ phép, xưng tên tuổi và hỏi hai cụ là ai và đang làm công việc gì.

Ông già trả lời:” Chúng tôi là Ông Tơ Bà Nguyệt, công việc của chúng tôi là se tơ kết tóc cho trai gái dưới trần gian kết thành vợ chồng.”

Vi Cố hỏi: “Xin ông cho biết sau này cháu sẽ kết vợ chồng với người nào?”

Ông già mang sổ ra tìm một lúc rồi nói: “Sau này cậu sẽ kết vợ chồng với con bé ăn xin dưới chợ huyện”

Vi Cố vừa thẹn, vừa giận, quyết giết chết con bé ăn mày ấy để sau này nó không thể làm vợ mình. Chàng phục kích trên đường, đợi khi con bé dẫn người cha mù trở về sau một ngày đi xin ăn, dùng dao chém một nhát vào đầu nó rồi bỏ trốn sang xứ khác.

Mười năm sau, Vi Cố thi đậu làm quan, được quan huyện gả con gái cho làm vợ. Hai vợ chồng sống với nhau đầm ấm, hạnh phúc. Một hôm, cô vợ gội đầu xong, ra ngồi trước hiên nhà chải tóc. Vi Cố nhìn thấy trên đầu vợ có một cái sẹo to bèn hỏi duyên cớ vì sao. Cô vợ kể rằng:”Hồi nhỏ, vì mẹ mất sớm, cha mù lòa, nhà nghèo quá nên hai cha con ra chợ huyện xin ăn. Mười năm trước, một hôm hai cha con trên đường về nhà sau một ngày xin ăn vất vả thì bị một tên vô lại từ trong bụi nhảy ra chém vào đầu em một phát, cũng may em không chết nên mới có vết sẹo này”.

Nhìn vẻ kinh ngạc trên gương mặt chồng, cô vợ kể tiếp: “Một năm sau, cha em vì bệnh mà qua đời. Quan huyện biết chuyện, thương tình cho em vào huyện đường làm gia nhân hầu hạ quan. Về sau, thấy em tánh tình hiền lành chất phác, sẵn vợ chồng quan không có con  nên nhận em làm con nuôi, chớ em không phải là con ruột của quan.”

Vi Cố hỏi vợ về quê quán, chỗ ở, nơi thường ăn xin và địa điểm cụ thể khi bị chém, v.v.. Khi nghe vợ mô tả  rõ ràng những gì mình cần biết, chàng sửng sờ không thể không tin vào lời nói của Nguyệt Lão xưa kia.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.