Thử So Sánh Cuộc Đời Và Công Đức Hộ Pháp Của Ba Vị Vua Phật Tử: A Dục , Lương Vũ Đế, Trần Nhân Tông (kỳ 2)

G

Bài 2
LƯƠNG VŨ ĐẾ

Lương Vũ Đế (chữ Hán: 梁武帝; 464 – 549), tên húy là Tiêu Diễn (蕭衍), tự là Thúc Đạt (叔達), tên khi còn nhỏ Luyện Nhi (練兒), là vị Hoàng đế khai quốc của triều Lương thời Nam-Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc. Thời kỳ ông trị vì là một trong những giai đoạn ổn định nhất và thịnh vượng nhất của Nam triều.

Vũ Đế đã cho mở các trường học và mở rộng các kỳ thi khoa cử, yêu cầu con trai của các quý tộc phải học tập. Ông cũng ham đọc sách, sáng tác thơ và bảo trợ cho nghệ thuật phát triển. Mặc dù triều đình lấy Nho giáo làm chủ đạo, song ông tin theo Phật giáo và bị thu hút trước nhiều phong tục Ấn Độ. Ông đã ngăn cấm hiến tế động vật và chống lại việc hành hình. Ông được cho là đã tiếp thu nhiều giáo lý Phật giáo trong thời gian trị vì, do vậy có biệt danh là Bồ Tát Hoàng đế (菩薩皇帝).

Vào cuối thời gian trị vì của mình, ông đã phải trả giá đắt do có quan điểm quá khoan dung đối với các thành viên trong hoàng tộc và nạn hủ bại của các quan lại, cũng như thiếu cống hiến cho quốc gia. Khi tướng Hầu Cảnh nổi loạn, ông chỉ nhận được rất ít cứu trợ, vì thế Hầu Cảnh đã chiếm được kinh thành Kiến Khang, kiểm soát chặt chẽ Vũ Đế và Giản Văn Đế và đẩy nhà Lương vào tình trạng hỗn loạn. Lương Vũ Đế đã qua đời trong khi bị quản thúc, một số sử gia tin rằng Hầu Cảnh đã bỏ đói Lương Vũ Đế đến chết.

Với thời gian trị vì từ năm 502 đến 549 (48 năm) và thọ 85 tuổi, ông là vị vua trị vì lân nhất trong các ông vua thời ấy và có tuổi thọ cao thứ hai của Trung Hoa chỉ sau Hoàng đế Càn Long (88 tuổi).

I-SỰ NGHIỆP CHÍNH TRỊ:

Tiêu Diễn trước làm tướng nước Tề. Năm 502 do nội tình triều đình nhà Tề rối ren, Tiêu Diễn lật đổ nhà Tề lập ra nhà Lương, đế hiệu là Lương Vũ Đế, đặt niên hiệu đầu tiên là Thiên Giám.

Thời gian trị vì ban đầu của Lương Vũ Đế được đánh giá là giai đoạn đỉnh cao của triều Lương. Ông được xem là một quân chủ mẫn cán và tiết kiệm, và ông đã cố gắng khuyến khích các hạ thần bảy tỏ ý kiến khác biệt so với mình. Lương Vũ Đế thấy hai Nam triều Tống-Tề vì tàn sát lẫn nhau trong hoàng tộc mà bị diệt nên chủ trương hết sức khoan dung trước tội của các thành viên trong hoàng tộc, cũng như của các đại thần mà ông thấy đã có đóng góp cho việc kiến lập triều Lương. Khi có thành viên trong hoàng tộc phạm tội, Lương Vũ Đế chỉ dùng lời lẽ để khuyên bảo chứ không xử phạt. Thái độ khoan dung này của ông đã khiến nạn hủ bại tại Lương ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Lâm Xuyên vương Tiêu Hoành là một người rất tham lam, ra sức thu vét tài sản, trong vương phủ có mấy chục gian kho, lúc nào cũng khóa kín. Có người nghi ngờ rằng trong đó có chứa vũ khí nên đã cáo giác với Lương Vũ Đế rằng Tiêu Hoành cất giữ vũ khí định làm phản. Lương Vũ Đế liền tự dẫn cấm quân đến khám xét, thấy vậy Tiêu Hoành trở nên sợ hãi, khiến Lương Vũ Đế càng thêm nghi ngờ. Lương Vũ Đế liền hạ lệnh mở hết các kho ra khám, phát hiện trong hơn 30 gian kho đều chứa đầy tiền đồng, tất cả có 300 tỷ quan, ngoài ra còn có rất nhiều vải, lụa, tơ, bông và các thứ khác. Tuy nhiên, Lương Vũ Đế chẳng những không trách tội, mà do thấy Tiêu Hoành không có ý làm phản nên càng tín nhiệm hơn trước.

Năm 522, Tiêu Chính Đức đã chạy trốn sang Bắc Ngụy, tự xưng mình là thái tử bị phế truất và yêu cầu Bắc Ngụy trợ giúp. Tuy nhiên, Bắc Ngụy đã không thực sự xem trọng chuyện này và Tiêu Chính Đức đã trở về Lương vào năm 523. Lương Vũ Đế đã không trừng phạt Tiêu Chính Đức mà chỉ quở trách cháu trai, và còn phục tước Tây Phong hầu cho Tiêu Chính Đức.

Vào mùa đông năm 523, quốc gia gặp khó khăn do nạn tiền xu đồng giả, Lương Vũ Đế đã bãi bỏ việc sử dụng tiền xu đồng và bắt đầu đúc tiền xu bằng sắt. Không rõ về tác động tài chính trên thực tế của hành động này, song các sử gia Trung Quốc truyền thống thường xem sắt là vật liệu không phù hợp để đúc tiền.

Năm 541, người dân Giao châu (交州, trị sở nay thuộc Hà Nội, Việt Nam) bất mãn trước sự cai trị tàn bạo của thứ sử Vũ Lâm hầu Tiêu Tư (蕭諮)- cháu trai của Lương Vũ Đế- nên đã tiến hành nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Lý Bí. Quân Lương đã không thể nhanh chóng dập tắt cuộc nổi dậy của Lý Bí, và Lý Bí cuối cùng đã tuyên bố mình là hoàng đế của nước Vạn Xuân vào năm 544. Quân Lương đã không thể đánh bại hoàn toàn Lý Bí cho đến năm 548.

Năm 545, một hạ thần chính trực là Hạ Sâm (賀琛) đã dâng một sớ tấu lên Lương Vũ Đế để nêu ý kiến: các quan lại ở các châu quận tiến hành bóc lột làm nhân dân không chịu nổi; các quan lại cực kỳ hoang phí với lối sống xa hoa; tính khắc nghiệt của hình luật; và bội chi cho các dự án xây dựng (chủ yếu là chùa). Mặc dù những đều Hạ Sâm nêu lên đều là sự thật, song Lương Vũ Đế nghe không lọt tai, cực kỳ phẫn nộ và từ chối đề xuất của Hạ Sâm. Lương Vũ Đế đọc cho thái giám chép một chiếu thư quở trách Hạ Sâm, trong chiếu thư Lương Vũ Đế tự miêu tả mình là một hoàng đế hiền minh, hiếm có trong lịch sử, với đủ các đức tính cần lao và tiết kiệm, gọi các ý kiến của Hạ Sâm là hoang đường, vô căn cứ.

Thu So Sanh Cuoc Doi Va Cong Duc Ho Phap Cua Ba Vi Vua Phat Tu A Duc Luong Vu De Tran Nhan Tong Ky 2 A

II-HẦU CẢNH BỎ ĐÓI VŨ ĐẾ:

Nãm 548, Hầu Cảnh cấu kết với Tiên Chính Đức nổi lên phản lại Lương Vũ Đế. Vũ Đế chủ quan không xem quân Hầu Cảnh ra gì, lại không biết Tiêu Chính Đức đã phản lại mình nên ra lệnh cho Tiêu Chính Đức đem quân đi đánh Hầu Cảnh. Tiêu Chính Đức hợp quân với Hầu Cảnh đánh thốc về Kiến Khang bao vây Lương Vũ Đế. Hấu Cảnh tôn Tiêu Chính Đức lên làm vua và cưới con gái của Tiêu Chính Đức làm vợ. Lúc bấy giờ Lương Vũ Đế cùng một vài cận thần trung thành bị vây khổn trong Đài thành, lương thực sắp cạn, vua đành phải bỏ trường chay mà dùng trứng.

Vào cuối mùa xuân năm 549, Đài thành thất thủ trước quân của Hầu Cảnh, và khi gặp Lương Vũ Đế, Hầu Cảnh ban đầu tỏ ra là mình nguyện vẫn là một thần dân trung thành. Hầu Cảnh tự phong làm đại đô đốc, nắm đại quyền trong triều và về mặt chính thức vẫn tôn kính với Lương Vũ Đế và Thái tử Tiêu Cương, song trên thực tế lại tiến hành quản thúc họ. Hầu Cảnh đã ban một thánh chỉ nhân danh Lương Vũ Đế, theo đó yêu cầu giải tán quân của Liễu Trọng Lễ, Hầu Cảnh cũng giết chết Tiêu Chính Đức.

Trong khi đó, Lương Vũ Đế vẫn tiếp tục chống lại các đòi hỏi của Hầu Cảnh, và đến khi Hầu Cảnh yêu cầu phải phong chức cho một vài thuộc hạ của mình vào các vị trí cao cấp, Lương Vũ Đế đã từ chối. Hầu Cảnh phản ứng lại bằng cách cắt bớt tiếp tế cho Lương Vũ Đế, và vào mùa hè năm 549, Lương Vũ Đế qua đời. Không rõ Lương Vũ Đế qua đời vì bệnh tật hay vì đói. Sử sách chép rằng khi sắp lìa đời, Lương Vũ Đế thấy miệng đắng và muốn có mật ong, song không ai đáp lại yêu cầu của ông. Hầu Cảnh cho phép Tiêu Cương lên ngôi kế vị, tức Lương Giản Văn Đế.

Giản Văn Đế ở ngôi đến năm 557 thì nhà Lương mất vào tay nhà Trần

III-CÔNG ĐỨC HỘ TRÌ PHẬT GIÁO:

Không rõ Vũ Đế bắt đầu trở thành một Phật tử mộ đạo từ khi nào, song từ năm 517 thì Phật giáo đã có ảnh hưởng rõ rệt đối với các chính sách của ông. Vào năm đó, ông hạ lệnh rằng các công xưởng phục trang đế quốc không được dệt hình các thần thánh và động vật lên quần áo, do sau đó các hình tượng này có thể bị hư hỏng, thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với các vị thần thánh và làm hại đến các động vật. Tiến thêm một bước trong việc tách khỏi truyền thống Nho giáo, Lương Vũ Đế đã tính đến việc cúng chay các vị tiên tổ của hoàng thất, thay vì cúng bằng các loại động vật như dê, lợn, bò theo truyền thống. Trước tiên, ông chuyển sang cúng bằng thịt khô, và cuối cùng cúng bằng mô hình động vật giả làm từ bột, rau và quả; bất chấp quan điểm phổ biến khi đó rằng điều này sẽ khiến tổ tiên không hài lòng.

Sự nghiệp hộ pháp của Lương Vũ Đế nổi bật ở các Phật sự sau đây:

1) Xây chùa, đúc chuông, tạc tượng:

Lương Vũ Đế là một vị quân chủ sùng kính Phật giáo, ông đã cho xây dựng rất nhiều ngôi chùa lớn nhỏ trong nước, nổi bật hơn cả có một ngôi chùa quy mô hùng vĩ tại kinh thành Kiến Khang là Đồng Thái tự (同泰寺). Mỗi buổi sáng, ông đều đến chùa thắp hương, cúng Đức Phật, giảng giải Phật pháp cho mọi người, cho rằng làm như vậy sẽ tiễu trừ tai họa cho nhân dân. Ngoài ra, còn các chùa như: chùa Đại Ái Kính dài 7 dặm gồm 36 viện, trong chùa thường xuyên có hơn ngàn Tăng chúng học đạo; Chùa Đại Trí Độ có sưc chứa 500 Ni chúng theo học.

2) Tiếp tăng độ chúng, chỉnh lý tăng già:

Lúc bấy giờ toàn nước Lương có 82.000 tăng, ni. Bản thân nhà vua đã quy y với 3 đại pháp sư danh tiếng là Pháp Vân, Trí Tạng, Tăng Mân. Nhà vua rất trọng đãi các bậc cao đức, thỉnh họ làm Gia tăng, thường mời vào cung giảng pháp cho vua và hoàng tộc nghe. Trong số đó đặc biệt có ngài Chân Đế người Tây Ấn Độ đã dịch được 11 bộ kinh. Nhờ sự hộ trì của Lương Vũ Đế mà số lượng kinh sách do các vị tăng già, cư sĩ thực hiện là rất lớn, giá trị hết sức quý báu.

3) Bốn lần xuất gia làm Hòa thượng:

Năm 527, Lương Vũ Đế xá thân (tức xuất gia làm hòa thượng) tại Đồng Thái tự, dành vài ngày ở tại ngôi chùa này. Đây là lần đầu tiên một vị hoàng đế Trung Hoa đi làm sư song không ai dám phản đối, hơn nữa Phật giáo khi đó đang thịnh hành tại Nam triều cũng như toàn Trung Hoa.

Sau đó, Lương Vũ Đế nghĩ làm như vậy không thỏa đáng, bởi theo phong tục dân gian thì một người muốn hoàn tục phải bỏ tiền ra cho chùa để “chuộc thân”. Vào mùa thu năm 529, Lương Vũ Đế đã lần thứ hai xá thân tại Đồng Thái tự, song không đơn giản lần trước, lần này ông đã trút bỏ long bào và mặc trang phục của hòa thượng, và dành cả ngày để thực hiện các công việc của nhà chùa, bao gồm cả các việc vặt hàng ngày và giảng Đại Bát Niết Bàn kinh. Các đại thần mời ông về cung song ông không chịu, Lương Vũ Đế giành 12 ngày ở tại chùa, và chỉ trở về hoàng cung sau khi các đại thần đã chuẩn bị 10 triệu quan tiền cho Đồng Thái tự để “chuộc thân” cho “Bồ Tát hoàng đế”. Các đại thần chuẩn bị nghi trượng đón Lương Vũ Đế về cung.

Năm 546, Lương Vũ Đế tiến hành việc xá thân lần thứ ba, lần này ông tuyên bố để tỏ lòng tôn kính Đức Phật, ông không chỉ gửi gắm bản thân mà còn gửi gắm toàn bộ người trong hoàng cung và toàn bộ đất đai Lương cho Phật. Ông đã ở Đồng Thái tự trên một tháng, các đại quan lại đem 20 triệu quan tiền[4] nộp cho nhà chùa để chuộc ông về. Đúng ngày hôm đó, tòa tháp của Đồng Thái tự bị hỏa hoạn, hòa thượng trụ trì vội báo cho Lương Vũ Đế, Lương Vũ Đế cho đó là do tà ma quấy rối và hạ thư nói “đạo càng cao, ma cũng càng thịnh” và phải xây tháp cao hơn nữa mới có thể trừ được tà khí.

Một năm sau, Lương Vũ Đế lại xá thân phụng sự Đức Phật lần thứ tư, dành 37 ngày tại Đồng Thái tự và chỉ trở về hoàng cung sau khi các hạ thần đã xuất kho 10 triệu quan tiền để chuộc ông về. Tổng cộng, Lương Vũ Đế đã bốn lần xuất gia làm hòa thượng, các đại thần đã phải xuất kho 40 triệu quan tiền để chuộc thân cho hoàng đế.

4) Chỉnh lý Tăng già:

Thời đó, một số tăng ni còn ăn thịt và uống rượi. Lương Vũ Đề muốn chấn chỉnh tình trạng này bèn tổ chức Hội nghị Ăn chay tại chùa Quang Trạch vào ngày 22 tháng 5 năm Thiên Giám thứ 12, quy tụ 2450 tăng, ni tham dự. Hội nghị chia làm hai phái, một chủ trương không ăn thịt uống rượu, một chủ trương ngược la6i chia nhau chỗ ngồi. Điều khiển hội nghị có các vị pháp sư làm chủ tọa, biện hộ, thuyêt trình, mọi người đều được tự do kiến giải, thảo luận, tranh biện rốt ráo. Bản thân nhà vua ngồi chiếu giữa chất vấn về giới luật. Hội nghị đã thành tựu viên mãn. Trước khi kết thúc hội nghị, nhà vua tuyên bố:”Đệ tử Tiêu Diễn tuy tại gia, không trì đại giới, hôm nay cũng lập đại nguyện để tỏ thật lòng mình. Từ nay cho đến giác ngộ, nếu đệ tử uống rượu, ăn thịt thì đại lực quỷ thần khổ trị đệ tử, trị rồi giao cho Diêm La Pháp Vương, cho đến muôn loài thành Phật cả rồi mà đệ tử vẫn còn ở trong Vô Gián Ngục. Ai ăn thịt, uống rượu mà không sám hối chừa bỏ thì cũng bị trị tội như thế. Kính mong các Đại đức Tăng Ni ai về chùa nấy, chỉnh đốn giới hạnh, hòa hợp với nhau, như pháp tu hành, không được đoạn giống Từ bi, tuyệt huệ mạng chư Phật nữa. Ai phạm giới phá trai thì y theo tăng chế, đúng pháp đàn hạch, ai che dấu không đàn hạch cũng phải chịu tội ấy”

5) Phổ biến chánh pháp:

Dưới triều nhà Lương có rất nhiều các “Pháp xã”, “Ấp xã” là các tổ chức của giáo đoàn để tu học, thực hành nghi lễ tín ngưỡng. Nhà vua cho mở nhiều pháp hội lớn để mọi người cùng tham dự tu trì, thực hành Phật pháp, bố thí cúng dường như: “Vô giá đại hội”, “Bình đẳng Pháp hội”, “Bát quan trai hội”, “Cứu khổ trai đàn”… Rất đông người tham dự trong đó rất nhiều người trong tầng lớp quý tộc.

Ngoài ra, bản thân nhà vua còn đích thân biên dịch kinh sách, giảng dạy Phật pháp, điển hình như những buổi giảng kinh Bát Nhã tại chùa Đồng Thái thường có mấy vạn người nghe pháp gồm cả tăng ni và cư sĩ.

Thu So Sanh Cuoc Doi Va Cong Duc Ho Phap Cua Ba Vi Vua Phat Tu A Duc Luong Vu De Tran Nhan Tong Ky 2 B

6) Trao đổi Phật pháp với Tổ Bồ Đề Đạt Ma:

Là một người phụng sự đạo Phật, Lương Vũ Đế đã cho xây trong nước mình nhiều chùa chiền, bảo tháp. Vũ Đế hỏi nhà sư Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma khi ấy vừa rời Ấn Độ sang Trung Hoa truyền pháp: “Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?”

Đạt Ma đáp: “Không có công đức.”

– “Tại sao không công đức.”

– “Bởi vì những việc vua làm là nhân “hữu lậu”, chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.”

– “Vậy công đức chân thật là gì?”

Sư đáp: “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được.”

Vua lại hỏi: “Nghĩa tối cao của thánh đế là gì?”

– “Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thánh.”

– “Ai đang đối diện với trẫm đây?”

– “Tôi không biết.”

Lương Vũ Đế không hiểu được những tinh yếu mà Bồ Đề Đạt Ma muốn khai thị đành cho ông rời khỏi. Sau đó, Bồ Đề Đạt Ma vượt sông Dương Tử lên núi Tung Sơn và thành lập nên Thiếu Lâm Tự, ngôi chùa nổi tiếng cho đến tận ngày nay.

IV-NHỮNG BÀI HỌC TỪ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP HỘ PHÁP CỦA LƯƠNG VŨ ĐẾ:

1. Bài học thứ nhất:

Cũng như vua A Dục của Ấn Độ, Lương Vũ Đế đến với đạo Phật hoàn toàn do đức tin của bản thân vào các giá trị của đạo Phật. Điều này cho thấy Phật giáo không dùng bất cứ thủ đoạn nào để ép buộc, dụ dỗ hay gài bẫy khiến người ta phải trở thành Phật tử mặc dù họ chẳng có niềm tin vào bất cứ giá trị nào của đạo Phật. Tất cả những gì Lương Vũ Đế đã thi hành để hộ trì Phật pháp đều xuất phát từ đức tin và từ thiện tâm của nhà vua muốn cho thần dân ai cũng hưởng được lợi ích do Phật giáo mang lại, chứ không phải vì muốn lợi dụng đạo Phật để khuếch trương quyền lực của vua.

2. Bài học thứ hai:

Chính nhờ nhà vua tin vào Phật pháp và cai trị đất nước bằng đức độ từ bi của Phật giáo mà nước Lương mới hưởng sự thái bình thịnh trị trong suốt 48 năm Lương Vũ Đế làm vua. Sau khi Lương Vũ Đế qua đời, ngôi vua được truyền lại cho Lương Giản Đế dưới quyền hành giám hộ của Hầu Cảnh thì nước Lương bắt đầu đi vào suy yếu để rồi bị nhà Trần chiếm ngôi.

3. Bài học thứ ba:

Đức từ bi của Phật giáo đôi khi bị người Phật tử hiểu chưa tới, do đó khi ứng dụng vào một số trường hợp đã để lại hậu quả tiêu cực. Lương Vũ Đế thường hành xử khoan dung thái quá với mọi người. Điều đó khiến cho quan lại dưới quyền và những người trong hoàng tộc khinh lờn luật vua phép nước, đưa đến tình trạng kỷ cương lỏng lẽo ngày càng tăng, dẫn đến việc Hầu Cảnh tạo phản, quản thúc, bỏ đói vua cho đến chết. Tính khoan dung thái quá của vua phải chăng xuất phát từ sự hiểu chưa tới về hạnh Từ bi của nhà Phật?

Hơn nữa, sự việc nhà vua bốn lần vào chùa xuất gia, bỏ bê triều chính, hao tốn ngân sách, gây bức xúc cho bá quan cũng là bài học cho cư sĩ chúng ta suy gẫm lại

Qua sự việc trên đây, chúng ta nghiệm ra rằng: người Cư sĩ Phật tử học Phật phải phát huy trí tuệ, quán chiếu giáo lý sâu sắc trước khi ứng dụng vào đời, chứ không nên “y kinh giải nghĩa” rồi đổ thừa cho Phật dạy như thế.

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang