Thử So Sánh Cuộc Đời Và Công Đức Hộ Pháp Của Ba Vị Vua Phật Tử: A Dục , Lương Vũ Đế, Trần Nhân Tông (kỳ 4)

G

Bài 4:
THỬ SO SÁNH CUỘC ĐỜI CHÍNH TRỊ
VÀ CÔNG ĐỨC HỘ PHÁP CỦA 3 VỊ VUA

Trong ba bài viết trước chúng ta đã khái quát về sự nghiệp chính trị và công đức hộ trì Phật pháp của 3 vị vua : A Dục, Lương Vũ Đế và Trần Nhân Tông. Nay, chúng ta thử làm một cuộc so sánh về cuộc đời chính trị và công đức hộ pháp của mỗi vị vua theo quan điểm của Phật giáo. Việc so sánh này sẽ mang lại cho chúng ta những bài học có ích trong cuộc sống và trên con đường tu học của mỗi người Phật tử.

I-SỰ NGHIỆP CHÍNH TRỊ:

1) Vua A Dục:

Đối với dân tộc Ấn Độ thì vua A Dục được xem như một hoàng đế vĩ đại và triều đại A Dục là một triều đại huy hoàng trong lịch sử Ấn Độ. Bằng chứng là ngày nay nhà nước Ấn Độ lấy hình tượng “trụ đá A Dục” làm quốc huy và lấy hình ảnh “bánh xe pháp luân” trên quốc kỳ thời vua A Dục làm quốc kỳ hiện tại của quốc gia Ấn Độ. Với những cống hiến to tát cho dân tộc trong 40 năm trị vì, vua A Dục thật xứng đáng là một vị đại đế trong lịch sử Ấn Độ.

Tuy nhiên, nếu lấy quan điểm của đạo Phật để đánh giá vua A Dục thì sự nghiệp chính trị của nhà vua chưa thật sự hoàn mỹ bởi các lý do sau:

  • A Dục chiếm ngôi vua bằng thủ đoạn tàn ác, giết cả anh em trong nhà để độc chiếm ngôi vua.
  • Vì lo sợ kẻ khác cạnh tranh ngôi vị của mình nên A Dục đã tàn sát vô số đối thủ chính trị trong nước.
  • Dùng vũ lực đánh cướp các quốc gia lân bang, gây nên cảnh máu đổ đầu rơi, tang tóc chia ly, vợ mất chống con mất cha, oán hờn tràn ngập bốn phương.

Vua A Dục đã gây nghiệp SÁT khủng khiếp trong sự nghiệp chính trị của mình, không biết trả nợ máu cho đến kiếp nào mới xong. Sau này, dù ngài đã quy y Tam Bảo làm Phật tử, đem tài đức ra phục vụ nhân dân rất đắc lực, tạo nên một triều đại huy hoàng… nhưng triều đại A Dục cũng chưa được trăm năm. Sau khi A Dục băng hà, triều đại của ông chỉ kéo dài thêm 50 năm rồi cũng bị người khác tiêu diệt cướp ngôi. Đem công và tội so sánh nhau theo quan điểm của đạo Phật, chúng ta có thể chấm vua A Dục 8,5 điểm về cuộc đời chính trị

2) Lương Vũ Đế:

Khác với A Dục, Lương Vũ Đế không được nhân dân Trung Hoa tôn sùng vì nước Lương chỉ là một nước nhỏ trong 6 nước thời Nam-Bắc triều ở Trung Hoa.

Lương Vũ Đế cũng lên ngôi bằng thủ đoạn, tuy không tàn ác như A Dục nhưng cũng đầy mưu mẹo, lọc lừa, gian trá để chiếm được ngôi vua từ tay nhà Tề.

Một điểm khác nổi bật ở Lương Vũ Đế là sau khi trở thành Phật tử, ông trở nên quá nhu nhược đối với thuộc hạ,  hậu quả là vua phải chết đói trong loạn lạc do Hầu Cảnh mưu phản. Xem thế mới biết hạnh từ bi của đạo Phật chỉ cách với thói nhu nhược một làn ranh mong manh. Vì vậy chư thầy tổ thường dạy “Từ Bi phải đi đôi với Trí Tuệ và Dũng mãnh”. Từ bi mà không có trí tuệ và dũng mãnh sẽ trở thành bạc nhược, hèn yếu.

Trong 48 năm trị vì nước Lương, nhà vua cũng không làm được thành tích to tát nào để lại cho hậu thế và triều đại nhà Lương cũng sớm suy tàn sau khi Lương Vũ Đế qua đời 8 năm. Vì vậy theo quan điểm đạo Phật, chúng ta chấm cho Lương Vũ Đế 5 điểm về sự nghiệp chính trị.

3) Trần Nhân Tông:

Trong khi A Dục và Lương Vũ Đế lên ngôi vua bằng sự tàn ác và thủ đoạn gian trá thì vua Trần Nhân Tông đường hoàng lên ngôi vua trong sự danh chánh ngôn thuận và trong sự trên thuận dưới hòa của toàn thể triều đình Đại Việt.

Công trạng vĩ đại nhất của vua Trần Nhân Tông là lãnh đạo đất nước 2 lần chiến thắng quân xâm lược Mông Nguyên từ phương bắc. Chúng ta nên biết vào thời gian đó, quân Mông Cổ đã chiếm trọn đất nước Trung Hoa lập ra triều Nguyên và làm chủ cà châu Á lẫn châu Âu, nhưng khi đến Việt Nam chúng phải chùn chân trước dân quân Đại Việt dưới tài năng và phước báu của Trần Nhân Tông.

Ngoài việc đánh bại quân Mông Nguyên, vua Trần Nhân Tông còn mở rộng bờ cõi Đại Việt về phương Nam bằng cách nhận lời cầu hôn của vua Chiêm Thành là Chế Mân xin cưới công chúa Huyền Trân làm vợ. Sính lễ cầu hôn của vua Chiêm là hai châu Ô và Lý, tức hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay.

Bằng tài lãnh đạo theo tinh thần Phật giáo, vua Trần Nhân Tông đã  đưa đất nước Đại Việt phát triển nhiều mặt và đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn thể dân chúng. Vậy, theo quan điểm của đạo Phật, chúng ta sẽ chấm điểm 10 cho sự nghiệp chính trị của vua Trần Nhân Tông.

Thu So Sanh Cuoc Doi Va Cong Duc Ho Phap Cua Ba Vi Vua Phat Tu A Duc Luong Vu De Tran Nhan Tong Ky 4nguoi Viet Tham Lang

 II-CÔNG ĐỨC HỘ PHÁP

1) Vua A Dục:

Sau khi thức tỉnh và trở thành Phật tử, vua A Dục đã có công đức vĩ đại hộ trì đạo Phật không thể nói hết. Nổi bật nhất là công trình trồng các thạch trụ ghi lại lịch sử đạo Phật tại nơi các thánh tích như: vườn Lâm Tỳ Ni, Bồ Đề Đạo tràng, Vườn Lộc Uyển, rừng Sa-la tại Câu Thi Na v.v…Nhờ các thạch trụ này mà đến thế kỷ XX các nhà khoa học người Anh mới đưa đạo Phật từ bóng tối ra ánh sáng và từ đó Phật giáo mới có cơ hội phục hồi và phát triển khắp thế giới như ngày nay, đồng thời người Phật tử khắp năm châu mới có cơ hội chiêm bái các Phật tích tại quê hương của Đức Phật.

Một công đức khác của vua A Dục đối với Phật giáo, đó là ngài đã chủ trì cuộc kết tập kinh điển lần thứ III tại kinh đô Hoa Thị. Trong kỳ kết tập này, tam tạng kinh điển đã được ghi chép thành văn tự trên lá bối và được truyền sang nước Tích Lan (Sri Lanka) Nhờ đó mà khi Phật giáo tại Ấn Độ bị diệt vong dưới bàn tay khát máu của bọn Hồi giáo Á Rập vào thế kỷ XIII thì kinh điển Phật giáo vẫn còn được gìn giữ tại đất nước Tích Lan.

Vua A Dục đã cho hai người con là hoàng tử Mahinda và công chúa Sanghamitta xuất gia và sang Tích Lan truyền giáo, chính hai vị này đã đích thân mang tam tạng kinh điển sang truyền bá tại Tích Lan.

Những gì vua A Dục đã làm cho Phật giáo thật vĩ đại không sao kể hết. Vì vậy chúng ta chấm điểm 10 cho vua A Dục về công đức hộ pháp

2) Lương Vũ Đế:

Công đức hộ trì Phật pháp của Lương Vũ Dế cũng hết sức lớn lao như: xây chùa, đào tạo tăng tài, in ấn kinh sách, chỉnh đốn giáo hội…Đặc biệt bằng chính thân giáo của mình, nhà vua đã xây dựng một nền đạo đức Phật giáo thật rộng rãi trong đời sống nhân dân nước Lương. Chỉ tiết là triều Lương không tồn tại lâu và nước Lương cũng chỉ là một nước nhỏ chưa đủ sức ảnh hưởng ra các nước khác.

Cách tu của nhà vua còn mang nặng tính chất huyền bí, xa rời thực tế cuộc sống nên những đạo đức Phật giáo mà nhà vua gieo rắc đã sớm phai nhạt sau khi nhà vua qua đời.

Cũng vì tiếp thụ ý nghĩa Phật pháp một cách nông cạn mà Lương Vũ Đế đã để vuột mất một ngôi sao sáng thời ấy là đại sư Bồ Đề Đạt Ma, tổ thứ 28 của Phật giáo Ấn Độ vừa qua Trung Hoa với ý định phát huy Thiền tông tại đây. Qua cuộc trò chuyện với nhà vua, tổ Đạt Ma đã thất vọng bỏ đi. Giả sử, nếu Lương Vũ Đế lưu được Tổ Đạt Ma ở lại cộng tác với vua thì có thể nhà Lương sẽ không phải mất về tay Hầu Cảnh và Lương Vũ Đế cũng không phải chết vì bị bỏ đói.

Thế mới biết, tu không đúng chánh pháp chẳng những không được lợi lạc gì mà còn có hại nữa.Với những gì Lương Vũ Đế đã cống hiến cho đạo Phật chúng ta có thể chấm điểm 8 cho công đức hộ pháp của ông.

3)Trần Nhân Tông:

Cùng với sự nghiệp trị nước hiển hách, vua Trần Nhân Tông cũng có một đời sống đạo thật vuông tròn, chẳng những đưa Phật giáo lên hàng quốc giáo mà còn làm nên một bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam, đó là một đạo Phật nhập thế, hộ quốc an dân, làm kim chỉ nam cho Phật giáo Việt Nam trong tương lai.

Ngài dâng hiến những năm cuối đời cho Phật giáo bằng cách nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để lên núi Yên Tử xuất gia và thiết lập ra thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Ngài bôn ba đi khắp đất nước truyền bá chánh pháp, kêu gọi dân chúng xa rời mê tín. Ngài còn du hành đến tận nước Chiêm Thành xa xôi để giao hiếu và tìm cách nới rộng bờ cõi Đại Việt về phía nam và ngài đã thành công.

Với phong thái giác ngộ giải thoát của bậc chân tu, nhân dân rất tôn sùng và tôn kính gọi ngài bằng danh hiệu Phật Hoàng. Sau khi đã xây dựng Thiền phái Trúc Lâm ổn định và hoàn thành mọi công việc cần thiết, ngài đã an nhiên thị tịch, lưu danh thiên cổ cho hậu thế. Với những gì Trần Nhân Tông đã đạt được trong vai trò Phật Hoàng Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chúng ta không ngại ngần gì chấm điểm 10 cho vua Trần Nhân Tông về công đức hộ trì Phật pháp.

III-KẾT LUẬN

Tổng kết số điểm của 3 vị vua Phật tử :

1) Đứng đầu: vua Trần Nhân Tông với …………….. 20 điểm
2) Đứng nhì: vua A Dục với ………………………… 18,5 điểm
3) Đứng ba : vua Lương Vũ Đế với …………………. 13 điểm

Dĩ nhiên, đây là sự so sánh hoàn toàn chủ quan của tác giả. Quý độc giả có người đồng thuận và cũng có người không đồng thuận với cách chấm điểm của chúng tôi. Rất mong quý vị nào không đồng thuận với sự đánh giá của chúng tôi hãy gửi bài phản biện về đăng trên mục diễn đàn này để rộng đường dư luận.

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
27
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Thìn
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 06
Kiên Giang