Trong lịch sử truyền bá đạo Phật, người đời sau ghi nhận công đức hộ pháp của ba vị vua Phật tử lần luợt xuất hiện trước sau tại ba đất nước khác nhau:
Ba vị Phật tử này giống nhau ở chỗ đều làm vua tại mỗi nước, cùng sùng tín đạo Phật, tạo rất nhiều công đức trong việc xiểng dương Phật pháp tại quốc gia mình, trực tiếp hay gián tiếp làm lan tỏa đạo Phật trên thế gian, đã ghi đậm dấu ấn của mình lên trang sử truyền bá Phật giáo trên thế giới.
Ngoài ra, ba vị vua này cũng có những điểm khác nhau về con đường đến với đạo Phật, về cách thức hộ pháp và kết quả công đức hộ pháp để lại cho đời sau, về mức độ tiếp thu giáo lý của mỗi vị và ảnh hưởng của Phật pháp lên cuộc đời của mỗi vị.
Hôm nay tôi viết bài này với mục đích thử so sánh cuộc đời và công đức hộ pháp của ba vị vua trên đây trong vai trò của một người Cư sĩ Phật tử đặc biệt (lãnh tụ đất nước). Từ so sánh này sẽ cho chúng ta những bài học hay trên con đường góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội của người Phật tử chân chánh-Huynh trưởng Gia Đình Phật tử Việt Nam.
Theo thứ tự thời gian, đầu tiên chúng ta nói về vua A Dục.
A Dục là phiên âm của chữ ASOKA dịch nghĩa là Vô Ưu (trùng tên với cây hoa Vô Ưu nơi Đức Phật đản sinh). Ông là một trong số rất nhiều hoàng tử con của vua Tần-Đầu-Sa-La (Bindusara) nước Ma Kiệt Đà. Đó là vảo thế kỷ III trước Tây lịch. Lớn lên, hoàng tử là một dũng tướng có nhiều công lao dẹp giặc.
Ngay lúc vua cha vừa qua đời, A Dục đã dùng mưu kế giết anh là hoàng tử Susima để lên ngôi làm vua. Để bảo đảm ngôi vị của mình, ông đã lần lượt giết hết những người nào trong dòng tộc không theo ông. Chưa hết, ông còn lập ra các ngục tù với những trò tra tấn dã man nhất đề giam hãm các kẻ thù chính trị.
Về đối ngoại, ông lần lượt mang quân xâm chiếm hết các nước lớn nhỏ, thống nhất toàn cõi Ấn Độ. Sau cùng,khi mang quân đánh chiếm xứ Kalinga, vua A Dục tận mắt chứng kiến cảnh đầu rơi máu đổ của tướng sĩ hai phe, ông bỗng nhiên tỉnh ngộ khỏi cơn mê tàn sát. Ông tuyên bố: “Dẫu cho số người bị tàn sát trong việc xâm chiếm xứ Kalinga nhiều đến mấy cũng không bằng sự đau khổ của trẫm hôm nay”
Từ đó, vua A Dục quay về với Phật giáo, xây dựng đất nước trên tinh thần chánh pháp, hết lòng chăm lo cho dân được hạnh phuc, lại tích cực hộ trì và xiểng dương Phật pháp ra toàn cõi Ấn Độ. Bản thân vua cũng sống chân chánh theo giáo pháp Như Lai.
Sau đây là những công đức tiêu biểu của nhà vua trong công cuộc hộ trì Phật pháp:
Vua A Dục thống nhất toàn cõi Ấn Độ và trị vì trong 40 năm. Từ ngày thức tỉnh quay đầu theo Phật pháp, đưa đất nước và nhân dân Ấn Độ trải qua 20 năm trong thái bình thịnh trị, vua A Dục cũng phải theo luật vô thường mà rời bỏ thế gian. Đó là vào năm 232 trước Tây lịch. Ngài an nhiên trút hơi thở cuối cùng sau buổi cúng dường trai tăng tại chùa Kê-đầu-ma, để lại cho hậu thế biết bao ngưỡng mộ tôn vinh.
Một con người dù ác độc cách mấy, vẫn có thể quay về nẻo thiện nếu thật tâm hối cải. Có thể hôm qua người đó là kẻ ác nhưng hôm nay trở thành người hiền, và ngược lại. Đó là một chân lý mà Đức Phật thường khuyên dạy. Kinh Sám Hối có câu: “Tội từ tâm khởi đem tâm sám. Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu. Tôi tiêu tâm tịnh thảy đều không. Thế mới thật là chân sám hối” Trường hợp vua A Dục đúng là chân sám hối vậy.
Tinh thần bình đẳng của đạo Phật được thể hiện trung thực nhất trong triều đại A Dục. Thật vậy, dù nhà vua theo đạo Phật nhưng ngài không dùng uy quyền bắt buộc ai phải theo đạo mình, mọi tôn giáo khác tại Ấn Độ đều được quyền bình đẳng trong việc hành đạo mà không hề bị phân biệt đối xử. Sự bình đẳng tôn giáo vào thời A Dục vẫn còn được thấy trong pháp lệnh số 7 khắc trên trụ đá dựng tại vùng Gimar tại Ấn Độ ngày nay.
Vua A Dục đã dùng quyền uy của một vị minh quân sa thải những kẻ mượn hình tướng tăng sĩ, lợi dụng Phật giáo để sống phè phỡn lười biếng, tha hóa, làm mất uy tín giáo hội . Nhờ đó mà Phật giáo Ấn Độ dưới thời vua A Dục rất hưng thịnh, xuất hiện nhiều vị Tăng tài đưa đạo Phật lan truyền đến nhiều quốc gia. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, đôi lúc cũng cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước, vì có những vấn đề mà bản thân Phật giáo không tự giải quyết một cách rốt ráo được ví dụ như vấn đề trong sạch hóa hàng ngũ tăng sĩ nêu trên.
Vua A Dục hoằng truyền Phật pháp bằng gương sáng của chính mình trong đời sống thường ngày. Thật vậy, từ khi quy y Tam Bảo làm người cư sĩ Phật tử, vua A Dục luôn khép mình vào Ngũ giới, sống điều độ, đạo đức, từ hòa, vị tha, khắc kỷ…Tóm lại là ngài sống thực với vai trò cư sĩ của mình chứ không giả dối, lừa mị mọi người chung quanh. Điều đó cho thấy sức mạnh hóa giải của Phật giáo thật là vĩ đại.
Cho dù vua A Dục từ khi trở thành Phật tử đã sống rất đạo đức, xứng đáng là vị minh quân được thần dân tôn kính, thế nhưng những việc làm ác độc trước kia của ông như: tàn sát những người không theo phe mình, đem quân xâm chiếm các nước gây bao cảnh tang thương, oán hờn cho biết bao gia đình v.v… đã để lại cho ông những hậu quả bất thiện, do đó sự nghiệp của ông không kéo dài Sau khi ông qua đời, triều đại của ông tiếp nối được thêm 50 năm nữa rồi điêu tàn do các nước bị ông xâm chiếm trước đó nổi lên giành độc lập. Sau khi triều đại A Dục suy tàn, Phật giáo Ấn Độ cũng bắt đầu di xuống do các vua dời sau trở lại với tôn giáo truyền thống của họ là đạo Bà-la-môn (nay gọi là đạo Hindu hay Ấn giáo) và ngược đãi Phật giáo. Bài học này cho thấy Luật Nhân quả là bất di bất dịch, con người chỉ cải thiện phần nào nghiệp ác đã làm chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn nghiệp ác đã làm trong quá khứ.
(Đón xem tiếp bài 2: Lương Võ Đế)