Thế nào là “Đạo Phật Gốc”?

HỎI:

Kính thưa Ban biên tập Website www.gdptkiengiang.vn ,

Em là một huynh trưởng trẻ miền Tây. Em thường xuyên lên các trang mạng Phật Giáo để nắm bắt thông tin Phật sự trong nước và cũng để nghe quý Sư thuyết pháp. Vài năm gần đây, em thường đọc hoặc nghe quý thầy nói đến danh từ “đạo Phật gốc”. Em không hiểu lắm về danh từ này. Kính mong Ban biên tập lý giải cho em được rõ : thế nào là “Đạo Phật gốc” ? (minhtrietle…@gmail.com)

TRẢ LỜI:

Bạn (minhtrietle…@gmail.com)  thân mến,

Vấn đề bạn hỏi quá lớn lao, e rằng khả năng và trình độ Phật học của chúng tôi khó lý giải tường tận vấn đề này. Tuy nhiên, vì người hỏi là một huynh trưởng GĐPT nên cũng dễ cho chúng ta trao đổi với nhau về ý nghĩa danh từ này dựa trên quan điểm học Phật của anh chị em Áo Lam. Đây có thể xem như cuộc trò chuyện trao đổi giữa anh em trong nhà, hơn là một lời giải đáp thắc mắc chung cho bạn đọc gần xa. Vì vậy, chúng tôi kính mong các bậc thức giả, nếu có đọc bài này và cảm thấy chưa đồng tình thì xin đóng góp ý kiến thêm cho để vấn đề được sáng tỏ.

Bạn (minhtrietle…@gmail.com)  thân mến,

Đạo Phật ngày nay gồm hai tông lớn là Nam tông và Bắc tông. Nam tông hay còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy gồm các nước: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Camphuchia, Lào và Việt Nam. Phật giáo Nguyên thủy tu học theo 5 bộ kinh Nikàya, được các nhà nghiên cứu Phật giáo trên thế giới công nhận là kinh do chính kim khẩu Đức Phật thuyết giảng trong 45 năm tại thế. Trải qua hơn 2500 năm, nội dung và hình thức tu tập của Phật giáo Nguyên thủy vẫn được bảo lưu giống như Tăng đoàn vào thời Đức Phật còn tại thế.

Bắc tông Phật giáo còn gọi là Phật giáo Đại thừa bao gồm các nước: Trung Hoa, Tây Tạng, Mông Cổ, Nhật Bản, Cao Ly và Việt Nam. Phật giáo Đại thừa tu học theo kinh điển Đại thừa như : Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Bát Nhã, v.v…Kinh Đại thừa do các vị Tổ đắc đạo căn cứ theo tư tưởng của Phật mà trước tác vào khoảng thời gian 200 – 600 năm sau khi Phật nhập diệt. Đặc điểm của Phật giáo Đại thừa là khi du nhập đến quốc gia nào thì thường hòa nhập với nền văn hóa bản địa, cho nên nội dung và hình thức tu tập của Phật giáo Đại thừa không cố định như Phật giáo Nguyên thủy, mà thay đổi tùy theo từng quốc độ .

Thí dụ :

-Phật giáo Trung Hoa chia ra rất nhiều tông môn, hệ phái như : Thiền tông, Tịnh độ tông, Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông, v.v…Mỗi tông lại chia ra nhiều hệ phái nhỏ, giống như một cây chia ra nhiều cành, một cành lại chia ra nhiều nhánh vậy.

-Phật giáo Tây Tạng thì kết hợp với tín ngưỡng dân gian đa thần mà hình thành nên Mật tông, chú trọng vào việc trì chú để được thần thông.

-Phật giáo Nhật Bản lại kết hợp với Thần đạo bản địa, cho nên nội dung và hình thức tu tập có phần sai khác với Trung Hoa và Tây Tạng.

-Phật giáo Việt Nam, qua nhiều thời kỳ bị chánh quyền Nho giáo, rồi đến thực dân Pháp chèn ép dẫn đến tình trạng khan hiếm người xuất gia, từ đó sinh ra tầng lớp tu sĩ được quyền lấy vợ. Thành phần tu sĩ này họp nhau lại hình thành nên một tông phái riêng có danh xưng đàng hoàng và cũng có đủ tư cách pháp nhân được tham gia Giáo hội qua các thời kỳ.

Tại Việt Nam ngày nay, tất cả các tông môn hệ phái Phật giáo Trung Hoa, Tây Tạng… đều có mặt trong đời sống tín ngưỡng của người dân. Một điểm đặc sắc nữa là, bên cạnh các tông phái Phật giáo Đại thừa , thì cũng có mặt Phật giáo Nguyên thủy (còn gọi là Phật giáo Nam tông hay Théraveda), trong đó chia ra hai nhánh:

  1. Phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer.
  2. Phật giáo Nam tông người Việt.

Ngoài ra, tại miền Nam, còn có các giáo phái xuất phát từ Phật giáo như : Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài… Các giáo phái này,  nhiều hay ít đều dựa vào giáo lý Phật mà biên soạn thành giáo lý cho đạo mình.

Tóm lại, Phật giáo Đại thừa đi đến nước nào liền hòa nhập với văn hóa và tín ngưỡng nơi đó mà hình thành nên một đạo Phật “riêng” của dân tộc đó. Ngoài ra, đại đa số các chùa (được biện minh là “phương tiện”) còn đem các thần thánh và tín ngưỡng dân gian không liên quan gì đến Phật giáo vào trong chùa.

(ảnh minh họa)

Về thần thánh thì có: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Bà Chúa Xứ, Quan Thánh Đế Quân, Cửu Thiên Huyền Nữ, Diêm Vương, v.v… Về các thứ mê tín như : bói toán, xin xăm, cúng sao giải hạn, đốt vàng mã, coi ngày tốt xấu, coi hướng xây nhà, v.v…

Tình trạng này được các nhà học giả chuyên nghiên cứu về đạo Phật gọi là sự biến tướng, sự pha tạp hay sự tha hóa của đạo Phật.

Sự pha tạp, biến tướng và tha hóa của đạo Phật tại Việt Nam đã lên tới đỉnh điểm. Từ đó giáo lý nguyên thủy của Đức Phật Thích Ca chắc chắn đã bị người ta “xào nấu, bẻ cong, cắt gọt” theo ý đồ của họ, thậm chí người ta còn bịa ra ra cả nhiều bộ kinh mà Đức Phật chưa bao giờ thuyết và gọi đó là “Kinh Phật”. Việc này không phải do suy đoán, mà các nhà nghiên cứu Phật giáo chân chính trên thế giới đã chỉ rõ tên từng bộ kinh “dỏm”. Nếu bạn chịu khó lên mạng tìm hiểu sẽ thấy ngay.

Trước tình trạng này, các nhà tu hành chân chính kêu gọi Phật tử hãy trở về tu học theo giáo lý nguyên thủy của đạo Phật, nghĩa là các giáo lý gốc như : Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Lý Duyên khởi, Lý Nhân Quả, Thập Nhị Nhân Duyên, Luân hồi-Nghiệp báo, v.v…

Cũng cần nói thêm rằng, danh từ “đạo Phật gốc” không nhất thiết để chỉ cho Phật giáo Nguyên thủy, bởi vì trong Phật giáo Đại thừa cũng không thiếu người tu hành chân chính, và kinh điển Đại thừa cũng từ giáo lý gốc do Phật thuyết mà ra. Rất nhiều bậc cao tăng đắc đạo nổi tiếng trong nước và trên thế giới hiện nay, cũng có không ít vị tu theo Phật giáo Đại thừa, và chính những vị này là người đi đầu kêu gọi phục hồi “đạo Phật gốc”.

Để hiểu thế nào là “đạo Phật gốc” một cách thật đầy đủ với những lập luận chứng minh cụ thể thì e rằng chúng tôi không có đủ khả năng làm việc đó. Vả lại, việc làm đó đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian và giấy mực, chứ không thể trong phạm vi một bài báo mà có thể viết hết được.

Tuy nhiên, để giúp đỡ nhau trên con đường tu học của anh chị em huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, chúng tôi có thể nêu ra một số hiện tượng của đạo Phật bị biến tướng, pha tạp và tha hóa để chúng ta tránh xa, không nên tin vào những thứ tà giáo ấy :

1-Không tin vào thứ giáo lý nào bảo ta cầu khấn, xin xỏ Đức Phật và các Bồ Tát y như tín đồ của những tôn giáo nhất thần và đa thần.

2-Không tin vào thứ giáo lý nào bảo ta tin vào các loại thánh thần và các niềm tin mê muôi xuất phát từ tín ngưỡng dân gian.

3-Không tin vào thứ giáo lý nào bảo ta tu có tính cách huyền bí, siêu nhiên, linh ứng, thần thông… mà ta không hiểu rõ, không giải thích được.

4-Không đọc tụng bài kinh, bộ kinh nào mà bạn không hiểu rõ nội dung.

Cuối cùng, chúng tôi đề nghị bạn hãy tinh tấn tu học Phật pháp theo chương trình giáo dục của GĐPT, đồng thời hãy thường xuyên lên mạng tìm đọc và nghe các bài thuyết giảng của những vị Thiền sư chân chính, thí dụ như : Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thiền sư Thích Từ Thông, vân vân… Được vậy, trình độ Phật học của bạn ngày càng tiến bộ, từ đó bạn sẽ có khả năng tự miễn nhiễm với các thứ giáo lý tà đạo đang làm vẩn đục đạo Phật trong thời “Mạt Pháp” này.

Thân ái chúc bạn tinh tấn trên đường Đạo.

BAN BIÊN TẬP

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.