Thế hệ tôi chắc chưa ai quên giai thoại Tổng thống Sadi Carnot (1837 – 1894) thuộc giòng dõi một họ ba đời nổi tiếng, nhân dịp ghé thăm trường cũ, chạy vào lớp ôm lấy thầy của mấy chục năm về trước:
-Con là Sadi đây, thầy còn nhớ con không?
Rồi ông quay lại nói với học sinh:
-Ta bình sanh kính trọng quý thầy ngang với mẹ cha
Gần chúng ta hơn là Tổng thống Georges Pompidou (1911 – 1974) cũng nhân dịp quay về trường cũ ở làng Montboudif, tỉnh Cantal, miền giữa nước Pháp, được gặp lại cô giáo già, giờ đã về hưu, sống có một mình. Ông hỏi:
-Cô có cần con giúp đỡ gì không?
Cô giáo già thản nhiên trả lời:
-Không. Chồng cô mất đã lâu, các con cô đã trưởng thành cả, làm ăn ở các nơi xa, mình cô không có nhu cầu. Cô chỉ mong sao con làm cho dân được hạnh phúc là cô vui lòng.
Ngày 16-10-1945, khi năm học đầu tiên của Việt Nam độc lập bắt đầu, thầy Dương Quảng Hàm, lúc đó làm Giám đốc Học chính Bắc bộ, đã đổi tên Trường Trung học chuyên khoa Bưởi thành Trường Trung học chuyên khoa Chu Văn An.
Chu Văn An sinh năm 1292, mất năm 1370, người huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông, là thầy học của Phạm Sư Mạnh và Lê Bá Quát đều hiển đạt, làm quan đại thần. Khi hai ông này đến thăm thầy cũ, sụp xuống lạy, Chu Văn An chạy vội lại, đỡ học trò dậy.
Trên đây là một vài câu chuyện chung quanh hình ảnh Thầy và Trò ngày xưa. Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có một hay nhiều vị Thầy của mình. Riêng tôi, có những vị Thầy đã để lại ít nhiều kỷ niệm khó quên trong đời:
-Năm tôi lên bảy, mẹ dắt tay tôi vào học lớp Năm (bây giờ gọi là lớp Một) tại ngôi trường Tabert (trường do Nhà Dòng Cơ Đốc giáo mở). Thầy tôi tên Bé, thấp người, da ngâm, đầu hớt "cua", dáng người nhanh nhẹn, vui tính, hiền hậu. Tôi rất thương thầy. Học với thầy chưa được nửa năm học, một buổi sáng nọ, trong khi thầy đang viết bài trên bảng cho chúng tôi tập đọc thì mật thám Tây (hồi đó người dân thường gọi bọn này là "lính kín") ập vào còng tay thầy dẫn đi trước sự chứng kiến của vị linh mục hiệu trưởng (người Pháp). Tôi chứng kiến cảnh thầy tôi bị bắt mà uất ức nghẹn ngào, vừa thương thầy, vừa tức bọn mật thám Tây. Hình ảnh và cảm xúc ngày đó còn theo tôi mãi đến bây giờ.
-Khi lên học lớp Nhất (lớp Năm bây giờ), tôi thương nhất thầy Bi, mọi người thường gọi thầy Ba Bi. Thầy Bi chuyên dạy vẽ, mỗi tuần thầy đến lớp tôi hai lần để dạy chúng tôi môn hội họa. Thầy cao to, mập mạp, tốt tướng, tánh tình hiền hậu, nói năng nhỏ nhẹ, dù học trò có làm lỗi gì thì thầy cũng không bao giờ đánh đòn. Đồng thời với thầy Bi là thầy Thắm, thầy dạy môn thể dục. Tôi thích ngắm thân hình lực lưỡng của thầy mỗi khi thầy ra sân hướng dẫn chúng tôi môn thể dục vào mỗi buổi sáng thứ sáu hàng tuần. Tôi còn nhớ bài hát "Khỏe Vì Nước" mà thầy dạy chúng tôi, mở đầu bằng câu: "Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia – Đoàn thanh niên ta góp tài ba" Câu hát này bị đám học sinh nghịch ngợm chúng tôi cải biên thành: "Khỏe vì nước bánh ướt tôm khô – Đoàn thanh niên ta "quất" mười tô"
-Khi lên học trung học đệ nhất cấp (bây giờ gọi là cấp 2 hoặc trung học cơ sở), tôi rất phục thầy Cường dạy môn sinh vật. Thầy Cường năm đó độ hơn bốn mươi, người thấp, tròn, nhanh nhẹn, hoạt bát. Thầy dạy bài "Hệ tiêu hóa của người" thật là sinh động, dễ hiểu. Bài dạy của thầy thu hút học sinh chúng tôi đến nỗi khi thầy vừa kết thúc bài dạy là chúng tôi cũng thuộc bài luôn. Năm đó, tôi được điểm cao môn sinh vật cũng là nhờ tài dạy của thầy.
-Thầy dạy Văn chúng tôi năm đó là thầy Khang. Thầy là dân Quảng Bình, cỡ chứng 50 tuổi, dáng người khắc khổ, phát âm khó nghe. Chúng tôi khổ sở suốt năm đó với môn Văn do thầy dạy vì không nghe rõ được tiếng Quảng Bình trọ trẹ của thầy. Điều đặc biệt mà tôi không quên thầy là vì thầy tuyên bố chắc nịt "như đinh đóng cột" rằng: "Tiếng Việt không có từ "thuở" mà chỉ có từ "thủa", rồi thầy cho thí dụ: không được nói và viết "thuở xưa" mà phải nói và viết "thủa xưa". Đa số học sinh chúng tôi không nhất trí với thầy nhưng vì thầy là thầy nên không ai dám đứng lên phản đối ý kiến trên của thầy.
Tưởng đâu chỉ có thầy Khang của tôi là người duy nhất "cực đoan" như vậy, không ngờ ngày nay cũng có trường hợp tương tự như thế. Chuyện là:
Có một người đến một cơ quan văn hóa cấp tỉnh xin phép thực hiện một số băng-rôn quảng cáo sản phẩm. Anh cán bộ tiếp nhận hồ sơ xem qua lá đơn rồi trả lại và nói rằng: lá đơn này bị lỗi chính tả nên phải về viết lại:
-Phải viết "Kính gửi" chứ không được viết "Kính gởi"
Anh ta còn nói rằng: "Đây là quy định của Nhà nước, đơn từ phải viết đúng chính tả như quy định mới được cơ quan tiếp nhận"
Tôi không biết có nhà nước nào rảnh rang đến mức đặt ra những quy định vặt vãnh và cực đoan về chính tả như trên hay không, hay là do anh cán bộ này muốn vòi vĩnh gì đó mà không tiện nói ra?
Ai cũng biết rằng: "thuở" hay "thủa"; "gởi" hay "gửi" ; "Võ" hay "Vũ" v.v… chỉ là một phần rất nhỏ trong rất nhiều sự khác biệt về phương ngữ Bắc bộ – Trung bộ – Nam bộ mà thực tế đời sống đã diễn ra kể từ khi dân tộc ta làm cuộc nam tiến từ thời Trịnh – Nguyễn đến nay. Theo tôi được biết, hiện chưa có một Hàn lâm viện nào chính thức phán quyết rằng từ nào là đúng hoặc từ nào là sai ! Có nghĩa là trên mặt ngôn ngữ, người ta chấp nhận sự biến hóa của từ ngữ như trường hợp vừa nêu mà không thấy có gì bất tiện hay sai lạc về ngữ nghĩa khi dùng những phương ngữ này để đàm thoại hay viết trên các công văn, đơn từ cả.
-Năm tôi lên học lớp Đệ tam (tức lớp Mười bây giờ), tôi nhớ mãi thầy Chuyết. Ông là người Bắc (tỉnh nào tôi không biết), dáng người nhỏ thó, tác phong nghiêm nghị, không bao giờ cười trước mặt học sinh. Thầy có cách đi đứng rất lạ là mỗi khi gặp chỗ nào phải quẹo trái hay quẹo phải thì thầy luôn bẻ góc 90 độ như quân đội đi diễu hành vậy. Thầy là người rất kỹ lưỡng, từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc giờ học, thầy không hề cầm tới giẻ lau bảng, toàn bộ bài giảng của thầy được viết một cách trật tự, ngay hàng thẳng lối trên bảng đen, trông giống như những đội hình quân lính đang sắp hàng trước khi xung trận vậy. Khi chuông hết giờ reo vang cũng là lúc thầy giảng xong bài và trên tấm bảng đen cũng ghi lại trọn vẹn bài giảng của thầy. Không sớm cũng không muộn, thầy xách lấy cái cặp da màu nâu sậm của mình và rời khỏi phòng học như một người máy.
-Năm tôi học lớp Đệ nhị (tức lớp Mười một bây giờ), người thầy để lại ấn tượng cho tôi là thầy Trí. Thầy người Bắc, da trắng, đầu hớt "cua", toàn con người thầy toát lên một vẻ quý phái của một "công tử Bạc Liêu". Thầy dạy chúng tôi môn toán. Thầy có giọng nói nhỏ nhẹ như giọng nói phụ nữ. Học trò chúng tôi, đến giờ học với thầy, không ai dám nói chuyện, vì ai cũng phải im lặng dỏng hai tai lên mà nghe thầy giảng bởi giọng nói của thầy nhỏ quá. Đổi lại, thầy có phương pháp dạy toán rất tài tình khiến học trò học với thầy đều từ khá tới giỏi về môn toán.
-Còn một thầy nữa mà tôi rất kính nhớ cho tới bây giờ, đó là thầy Nam, dạy chúng tôi môn Sử – Địa suốt mấy năm tôi học đệ nhị cấp. Thầy là người Bắc, năm đó thầy khoảng trên ba mươi, người hơi mập, da ngâm, tác phong vui vẻ, thậm chí hơi "tếu". Thầy giảng sử nghe thật hấp dẫn, suốt tiết học của thầy, chúng tôi cứ há hốc mồm say sưa theo sát từng diễn biến của dòng lịch sử nước nhà qua cách kể chuyện sinh động và đầy cảm xúc của thầy. Tôi lấy làm lạ tại sao bây giờ học sinh không mặn mà với môn Sử, nếu các em được học sử với thầy Nam của tôi, dám chắc các em sẽ thích môn Sử cho mà coi.
-Còn một vị thầy nữa mà nếu tôi quên kể ra đây thì thật là thiếu sót, đó là thầy Duyên dạy môn Anh văn. Thầy là người xứ Huế, đen, xấu trai, năm đó thầy khoảng chưa tới ba mươi, nhưng thầy có một cô vợ người Bắc rất đẹp. Người ta đồn cô là học trò của thầy, vì mến tài mà về làm vợ thầy. Đại đa số giáo viên mà tôi từng theo học ngày xưa, đều là những giáo viên rất có lương tâm nghề nghiệp, nhưng thầy Duyên lại là người đặc biệt trong số đó. Thầy mở tại nhà một lớp dạy thêm môn Anh văn miễn phí cho học sinh nào muốn học thêm thì cứ tới nhà thầy vào buổi tối từ 7 giờ đến 8 giờ 30 các ngày thứ ba, năm, bảy. Học trò đến học thêm lớp này chẳng những không phải trả học phí mà còn được Cô thết đãi nhiều món bánh Huế rất ngon miệng.
Thật ra, trong suốt quãng đời học sinh, tôi còn rất nhiều điều để kể về các vị thầy của tôi, nhưng vì phạm vi bài viết không cho phép tôi kể hết được. Ngày xưa không có Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam như bây giờ, do đó học trò chúng tôi lúc ấy không có dịp nào để bày tỏ lòng biết ơn của mình với quý thầy cô. Hôm nay, tôi xin mượn Ngày 20-11 này để nhắc lại một vài kỷ niệm khó quên đối với một số thầy cô ngày trước mà tôi đã từng được quý thầy cô dạy dỗ nên người. Giờ đây, chắc rằng quý thầy cô ngày xưa của tôi đã thành người thiên cổ cả rồi. Tôi viết bài này xem như thắp lên một nén tâm hương để tưởng nhớ và nói lên lòng biết ơn đối với quý thầy cô của tôi.