Chúng tôi bắt đầu được chế tạo khác nhau, dưới hình thể lớn nhỏ, có danh xưng : đại hồng chung, tiểu hồng chung v.v…, nhưng chúng tôi cùng giống nhau ở một chỗ: lòng lúc nào cũng rỗng không nhưng lại có rất nhiều “lòng” Chúng tôi chỉ là Một. Lời của chúng tôi cũng là lời của các anh đại hồng chung, tiểu hồng chung khác.
“Lòng chúng tôi” là âm ba ngân trong sương sớm lúc mà người người còn đang uể oải chưa vội ngồi lên để bước vào một ngày mới. Chúng tôi đã từ các ngôi chùa lớn nhỏ khắp nơi, theo thời công phu buổi sáng mà len lỏi đến với họ, nhắc nhở mau đón bình minh rực rỡ có làn không khí trong lành, mau hăng hái tiếp tục trả nợ cái Nghiệp và tạo thêm Duyên lành cho đời mình. Tiếng của chúng tôi chỉ ngân nhẹ, âm ba rung động giúp mọi người nhớ đến lòng từ bi của đạo Phật, bỏ sân si giận hờn nếu còn chất chứa trong lòng của ngày qua, rồi suy gẫm để dẹp bỏ cái tội lỗi mình đang dự định sắp làm. Chúng tôi rung động tâm hồn họ, kéo họ trở về với “nhân chi sơ tánh bổn thiện”.
Và chiều đến, khi sắc tím sắp trùm lên vạn vật, chúng tôi lại lần nữa theo buổi công phu chiều, quyện theo không khí bụi bặm thành đô hay len trong khu rừng cây cao rậm mát để đến với mọi người bằng lời nhẹ nhẹ, thì thầm, hỏi han họ đã làm được bao nhiêu điều thiện trong ngày? Nếu họ đang bực bội giận dỗi sau một ngày tranh đua danh lợi, hãy nghe tiếng chúng tôi để trở về với nguồn yêu thương. Họ sắp gây gổ với hàng xóm? Tiếng chuông nhắc nhở họ về với thực tại: từ bi, hỷ xả.
Nhiệm vụ của chúng tôi cũng có lúc lên xuống theo sự thăng trầm của Đạo suốt 25 thế kỷ. Chúng tôi đã tạo được nhiều “Đất Lành”, những nơi “Cực Lạc Hạ Giới”.
Còn nhớ cách đây trên nửa thế kỷ, ở vùng Hà Tiên, Thất Sơn, Hòa Hảo, Châu Đốc, dân chúng đã sống thật sự đời hạnh phúc của mình. Nhà nhà không cần đóng cửa vì không ai tham lam trộm cắp, tiền rơi rớt ngoài đường không ai muốn lượm, bởi vì khi chiều xuống, từ trên núi Bình Sơn qua Tô Châu, từ núi Thạch Động qua vùng Thất Sơn, dọc theo bờ Kinh Vĩnh Tế đến những thôn xóm hiền hòa bên bờ sông Hậu, tiếng đại hồng chung trầm hòa với tiếng tiểu hồng chung thánh thót nơi này, nơi khác, nối tiếp âm thanh quyện nhau không dứt và tiếng chuông nhỏ boong boong khiêm nhường cũng ráng hòa điệu với tiếng mõ lóc cóc trong các am lá, tạo âm ba dìu dịu trong không gian đã đi vào tâm hồn mọi người, nên ai cũng quy về đại pháp.
Chúng tôi không nề hà dù ở nơi xa xôi hẻo lánh cũng ráng đưa tiếng của mình đến với thiên hạ để khỏi phụ lòng các Sư bác chay trường diệt dục, thân thể ốm gầy nhưng tâm hồn sáng trong, các chú tiểu, chú điệu tóc cạo chừa chỏm, lòng thơ còn ham vui, nhưng siêng năng trong các buổi công phu, cho nên chúng tôi đều có bổn phận đưa âm thanh bay đi khắp vùng.
Chúng tôi ráng hết sức mình vì các vị Sư bác, các chú tiểu khi mở đầu hồi chuông đã thành tâm ngâm bài kệ:
Nguyện thử chung sinh siêu pháp giới
Thiết vi u ám tất giai văn
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông
Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác
Bài kệ của đạo đã nói lên ý nguyện : “Đem tiếng chuông này đến khắp các cõi, nơi thiết vi tối tăm không còn phân biệt giữa năng văn và sở văn thì cái nghe sẽ dung thông khắp cả pháp giới, từ đó chúng sanh đều thành tự được giác ngộ”
Các xứ Phật Giáo vùng Đông Nam Á có những chùa nguy nga to lớn, những ngôi tháp khổng lồ sừng sững như ngọn núi nhỏ, quanh chùa có xây nhiều tháp chuông 4 cột chống đỡ mái ngói màu đỏ cong vút, cách nhau khoảng 5 thước, mỗi tháp treo một cái chuông do Phật tử dâng cúng. Tùy theo người cúng chuông lớn hoặc nhỏ, chạm trổ cầu kỳ hay trơn tru, nhưng cái nào cũng đẹp và âm thanh vang xa tạo sắc thái độc đáo cho ngôi chùa.
Ai đã đến Thái Lan thăm tỉnh Sarajburi, viếng chùa “Dấu Chân Phật” hoặc đến chùa tháp khổng lồ ở Nakhorn Phathom để được một lần đi quanh chùa, tay cầm cây dùi chuông, miệng lâm râm khấn nguyện, bước đến bên chuông treo, gõ vào nó để ký thác lời khấn của mình, rồi bước tới cái kế tiếp và cũng làm như vậy…Người này vừa gõ chuông, lại có người sau bước đến. Vòng theo chùa treo 108 cái chuông, âm thanh cao thấp tùy theo chuông to nhỏ phát ra, cứ vang lên, quyện vào nhau, ngân trong không khí thơm hương trần không dứt. Người Phật tử cảm thấy như lời nguyện của mình đang bay lên cao, lên cao mãi, mang theo niềm tin đến với đức Phật. Quang cảnh náo nhiệt và làn sóng âm thanh trong những ngày hội nơi các chùa đó khác biệt với nhiều ngôi chùa trong ngày thường.
Có nhiều chùa nhỏ nằm hiền hòa bên cạnh cội Bồ Đề của xứ Lào, Miên, mái chùa treo nhiều chuông nhỏ, chuông bằng đồng thau lớn cỡ cổ tay có đính toòng teng một miếng đồng mỏng hình lá bồ đề. Chiếc lá bồ đề này nhờ làn gió lay động gõ vào chuông tạo ra âm thanh leng keng. Tiếng leng keng cứ vang đều đều suốt ngày hòa cùng tiếng chim hót, tiếng ve sầu. Hãy ngồi dưới bóng bồ đề râm mát nhìn mái chùa hai lớp chạm trổ, màu sắc đã phai lạt theo thời gian, tai lằng nghe tiếng cuông reo nhờ gió, không cần ai đánh, để thấy nơi đây là đất Phật, nơi không còn đua chen danh lợi, nơi đã gạt bỏ mọi nghiệp chướng ưu phiền.
Âm thanh chúng tôi giúp cho ai nếu tin vào Đức Thế Tôn và noi theo đạo pháp của Ngài thì dầu cho ngôi chùa giàu có ở thị thành, hay cổ tự xiêu vẹo trong rừng sâu, hoặc trong am nhỏ ở quê nghèo xứ Việt, đâu đâu tác dụng của chuông đều giống nhau.
Khoảng năm Tự Đức thứ 8 (1854), tổ đình Hội Phước là mái tranh nhỏ bé của hai vợ chồng nông dân hiền lành phát tâm quy diệt dục, cất lên để tu hành. Lúc bấy giờ, vùng Nha Mân trên đường Vĩnh Long – Sa Đéc này còn hoang vu. Ngôi chùa lá nằm bên con rạch nhỏ (sau này gọi là Rạch Chùa). Con rạch mọc đầy lau sậy, nhiều rắn rít, ngoài sông Nha Mân còn có cá sấu. Sư Ông ra công phát quang cho có đường rộng rãi quanh chùa. Một hôm, Sư lội bộ đến chợ Sa Đéc cách đó hơn 8 cây số để mua tương chao. Trên đường về nét mặt Sư rạng rỡ vì đang ôm trong vạt áo cái chuông tròn nhỏ bé. Đó là tôi ! Sư Ông đã mua tôi trong một quán chạp phô (*) nhỏ ở chợ. Thân tôi chỉ lớn cỡ trái dừa gọt vỏ màu nâu đen. Tôi nằm êm trong vạt áo màu đà (**) mà lòng bồi hồi xúc động theo sự vui mừng của Sư.
Tôi nhìn hai bên đường còn hoang vắng. Nhà lá, nhà tranh rải rác nằm im lìm giữa khu vườn dừa, cau. Tôi hơi lo : tôi sẽ có nhiệm vụ đưa âm thanh của mình đến với những người nông dân chất phác này đây. Rồi họ có “hiểu và theo” tiếng gọi của chúng tôi sau này ? Sư trang trọng đặt tôi lên bàn Phật. Thân tròn bé bỏng của tôi được nằm trên một vòng vải êm ái, cạnh chiếc dùi nhỏ có bọc vải đỏ phía đầu. Sư sợ tôi đau mình nên bọc thêm mấy lớp vải đỏ vào anh bạn đời của tôi ? Hay Sư muốn âm vang của tôi hòa vào nhau êm ái hơn ?
Bà đứng cạnh đó chắc cũng xúc động lắm. Bà nói với Sư:
-Thầy có đánh thử coi nó kêu tốt hông ?
Bà đã gọi Sư Ông là Thầy từ khi phát tâm tu hành. Sư mĩm cười trả lời :
-Yên tâm, tôi có đánh thử trước khi mua. Bây giờ, để thượng lên bàn xong, đúng giờ công phu chiều nay tôi khai chuông, bà nghe chắc sẽ vui lòng.
Chiều hôm đó là buổi trọng đại của đời tôi.
Từ lúc ông thợ già đúc ra, tôi cũng phát ra âm thanh khi có người đánh thử, nhưng hôm nay mới thật sự là âm vang, là tiếng nói của tôi. Tôi sẽ ngân lên từ mái chùa lá để cho khắp xóm, khắp vùng biết nơi này có dấu chân đức Phật, nơi đây đang có một đệ tử thành tâm hướng về Ngài, tay gõ vào chuông tạo âm thanh huyền diệu cho bá tánh lân cận lắng nghe lời kinh tiếng kệ sau đó.
Tiếng của tôi hôm đó sao mà cảm động quá. Tôi để hết lòng tôi vào âm ba lướt trên đầu cây ngọn cỏ, theo gió đồng lan đi, lan đi khắp vùng… Rồi bắt đầu hôm đó, ngày ngày hai buổi công phu khuya chiều, Sư đã dùng tiếng tôi để đưa đến dân chúng “tiếng Đạo Pháp” của Phật môn.
Lúc đầu chỉ vài bà già, rồi dần dần gần hết bà con lối xóm đến chùa lá để lạy Phật nghe kinh và cũng như tôi, họ càng hoan hỷ hơn, vì càng ngày nhận thấy Sư Ông đạo cao đức trọng. Lời đồn đi xa như hương bông bưỡi, bông cao tỏa khắp vùng. Dân chúng đến lễ Phật càng đông mới thấy ngôi chùa không đủ chỗ chứa nhiều người mộ đạo, họ bèn phát tâm quyên tiền để xin Sư xây dựng chùa khang trang rộng rãi. Sau một năm quyên góp, số tiền đã lên tới 1.000 quan. Lúc bấy giờ, số tiền một ngàn quan rất lớn. Sư Ông một mình lên đường đến Biên Hòa, thời đó còn nhiều rừng hoang và gỗ quý.
Dân chúng ở lại chờ 4 tháng, 6 tháng rồi 1 năm, chưa nghe tin gì của Sư. Bỗng một hôm, một người dân từ vàm sông Nha Mân chạy miết về xóm chùa để báo tin mừng: Sư Ông đã đem gỗ về tới. Từ chùa đến sông hơn 5 ngàn thước, mọi người chạy bộ ra đó để mà xúc động khi thấy Sư Ông một mình tự chèo chống bè gỗ trên sông. Trên bè gỗ quý lớn thân tròn mỗi cây cả ôm, bóng dáng mảnh khảnh của vị sư già đen sạm vì mưa nắng.
PHẠM THĂNG
( Canada)
Chú thích :
(*) Tiệm chạp phô = tiệm tạp hóa
(**) Màu đà = màu nâu
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1