Từ trung tâm thành phố Rạch Giá đi qua khỏi Cầu An Hòa chừng ba trăm mét, nhìn về hướng tay phải, người tinh ý lắm mới nhận ra một cổng chùa giản dị khiêm tốn lặng lẽ nép mình bên con đường Nguyễn Trung Trực ồn ào náo nhiệt ngày đêm, trên cổng có tấm bảng đề mấy chữ “Kim Quang Ni Tự”. Từ cổng chùa dẫn vào chánh điện là con đường chừng năm mươi mét và một khoảnh sân rộng trồng đủ loại hoa kiểng. Bước vào đây, khách chợt đắm mình vào một không gian tĩnh mặc, đặc trưng của những thiền viện Phật Giáo.
Ngôi chùa Kim Quang hiện ra với dáng vẻ đơn sơ giản dị từ kiểu dáng xây dựng cho đến cách bài trí khiến cho khách đến chùa không khỏi cảm thấy thân quen trìu mến với cảm giác như đang đứng trong một ngôi chùa làng quê thời thơ ấu của mình.
Người sáng lập cũng là đương kim trụ trì ngôi “Kim Quang Ni Tự” chính là Ni Trưởng Thích Nữ Như Định, một tấm gương giới đức sáng ngời trong Ni Bộ Bắc Tông thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Tỉnh Kiên Giang hiện nay.
Ni Trưởng Thích Nữ Như Định thế danh Trương Thị Mịnh, pháp danh Như Định, pháp hiệu Không Đạt, thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 41, là con út trong một gia đình trung lưu tại phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang. Thân phụ là Ông Trương Văn Hấu, thân mẫu là Bà Trần Thị Thuận. Hai ông bà sinh tất cả sáu người con gồm ba trai, ba gái.
Ni Trưởng giải thích về thế danh của mình : “Mịnh là đọc trại của Mệnh hay Mạng, tức mạng sống, mạng mạch…”
Vào ngày 01/6/1935, cô Trương Thị Mịnh ra đời trong tình thương yêu trìu mến của mẹ cha và các anh chị. Lên bảy tuổi, cô được gia đình đưa đến trường học chữ. Học hết lớp Nhì (lớp Bốn) thì gia đình không cho học nữa. Thời gian này, người anh thứ sáu của cô tham gia kháng chiến do Việt Minh lãnh đạo. Vì vậy cô có dịp đóng góp công sức cho Cách mạng bằng cách làm một vài công tác món như : mua thuốc, mua vải, vận động Cây Mùa Xuân giúp cho bộ đội v.v… Dù không trực tiếp đi kháng chiến như người anh, nhưng thời gian làm những việc vặt này cũng đã ảnh hưởng đến tâm tình của cô bé mười ba tuổi, nuôi dưỡng tình yêu nước trong cô cho đến trọn đời.
Đến tuổi 16-17, cô Út Mịnh đã ý thức được nỗi nhục mất nước của dân tộc . Cô gởi thư vào chiến khu cho người anh, đề nghị anh về dẫn cô theo kháng chiến, nhưng Anh Sáu cô trả lời rằng: cô phải ở lại nhà thay thế anh phụng dưỡng mẹ cha, nếu cô ra đi thì lấy ai chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già.
Vâng lời anh, cô ở lại nhà trong tâm trạng không vui, vì từng ngày phải chứng kiến những bất công, những giả dối trong cuộc sống. Cô quyết định xin phép song thân đi xuất gia nhưng không được hai thân đồng ý. Mặc dù vậy, lý tưởng thoát ly không lúc nào rời xa cô. Cho đến một ngày đầu năm 1954, lúc ấy cô vừa tròn hai mươi tuổi, cô quyết định trốn nhà vào chùa xuất gia.
Khởi đầu cuộc đời đạo nghiệp, Cô đến chùa Phước Huệ (Sa Đéc – nay thuộc tỉnh Đồng Tháp) xin thí phát xuất gia với Ni Sư Thích Nữ Như Hoa và nhập chúng tu học. Trong thời gian ở chùa Phước Huệ, Cô lần lượt thọ các giới Sa Di Ni (1955) , Thức Xoa Ma Na Ni (14/4/1959).
Trong 2 năm sau đó (1958 – 1959) Sư Cô Như Định được Bổn sư gởi qua tham dự lớp giáo lý tại chùa Giác Thiên (Vĩnh Long). Sau khi khóa học hoàn mãn, Sư Cô trở về chùa Phước Huệ tiếp tục học Kinh bộ đồng thời học bổ túc văn hóa. Sư Cô thọ giới Tỳ Kheo Ni ngày 22/12/1961
Đầu năm 1963, Sư Cô được bổn sư gởi đến chùa Từ Nghiêm (Sài Gòn) tu học . Học chưa hết chương trình thì nổ ra cuộc vận động của Phật Giáo Việt Nam chống chánh sách kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Sư Cô cùng Chư Ni học viện Từ Nghiêm tham gia các cuộc biểu tình do Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo tổ chức. Đầu năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời. Tưởng đâu từ nay Phật Giáo sẽ được bình đẳng với các tôn giáo khác , thế nhưng các chính phủ tiếp theo ở Miền Nam lúc ấy vì chịu sự chi phối của các thế lực ngoại bang nên vẫn tiếp tục đàn áp Phật Giáo. Vì thế Sư Cô Như Định tiếp tục cùng với Chư Ni Từ Nghiêm xuống đường tham gia cuộc đấu tranh đòi lại sự công bằng cho Phật Giáo Việt Nam. Cuộc đấu tranh mãi tới năm 1965 mới kết thúc khi chính phủ Trần Văn Hương chịu nhượng bộ.
Kỷ niệm những ngày tháng đấu tranh cho Đạo Pháp, Ni Trưởng còn lưu lại bài thơ lục bát sau đây :
Sau nhiều năm tu học (1954 – 1965), Sư Cô Thích Nữ Như Định đã vững vàng về Phật học cũng như giới đức. Sư Cô tự nhũ: Đã đến lúc tiếp nối sự nghiệp hoằng hóa độ sinh để đền đáp công ơn giáo dưỡng của Chư Thầy, Tổ. Vì vậy Sư Cô quyết định trở lại quê nhà Rạch Giá.
Tháng 3/1965, Sư Cô cùng bạn đạo là Sư Cô Như Châu đặt chân trở lại quê hương Rạch Giá. Bước đầu vì chưa có chùa, Sư Cô đến gặp Thượng tọa Thích Minh Giác, chánh đại diện GHPGVNTN, xin Ngài chỉ định cho một ngôi chùa để ở tu. Thượng tọa giới thiệu hai Sư Cô về ở tại chùa Quan Âm thuộc phường Vĩnh Hiệp (ngang nhà máy cháy Việt Thành). Hai Sư Cô ở đây chỉ vài tháng thì ra đi vì không đủ duyên.
Sư Cô Như Định về nhà hỏi chị là bà Trương Thị Sửu xin một miếng đất cất một cái cốc lá tại phường An hòa, thị xã Rạch Giá (nay là phường An Bình, tp Rạch Giá). Quá trình cất cốc thật là gian khổ vì trong tay Sư Cô không có gì cả ngoài nhiệt tâm với Đạo Pháp. Để có tiền trang trải cho sinh hoạt, hai Sư Cô phải nấu đồ chay đem ra chợ Rạch Sỏi bán mỗi ngày, SC Như Châu còn đan vớ, nón trẻ em bỏ mối cho các sạp bán quần áo .
Cuộc sống hai Sư Cô êm đềm trôi qua trong cái cốc lá. Mặc dù vậy nhưng mới chỉ tự độ mà chưa có điều kiện và phương tiện để độ tha. Vào đầu năm 1971, được sự khuyến tấn và giúp đỡ của Thầy Chánh đại diện Thích Minh Giác cùng với sự phát tâm hộ trì của một số Phật tử quen biết, Sư Cô làm lễ đặt đá khởi công xây dựng chùa Kim Quang tại khu đất đang ở vào ngày 15/3/1971 (nhằm ngày 19/2 năm Tân Hợi).
Vì không đủ khả năng tài chánh nên đến năm 1975, ngôi chùa vẫn xây chưa xong. Tiếp đến là thời kỳ khó khăn sau giải phóng càng làm cho việc xây chùa gặp nhiều ách tắc… Năm 1989, người bạn đồng tu là Sư Cô Như Châu trở về chốn tổ là chùa Diệu Ấn, thị xã Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận nên một mình Sư Cô Như Định ở lại bươn chãi với bao khó khăn trong cuộc sống đời và đạo. Sau rất nhiều gian nan thử thách, vượt qua rất nhiều trở ngại, Sư Cô cũng hoàn thành xong ngôi Kim Quang Ni Tự vào năm 1998.
Ngôi Kim Quang Ni Tự sau khi hoàn thành đã thể hiện trọn vẹn hạnh tu, chí hướng và hoài bảo của người sáng lập. Với vẻ ngoài mộc mạc khiêm cung, bên trong bài trí đơn sơ giản dị, ngôi chùa đã thể hiện hạnh “tri túc – kiệm ước” của người con Phật. Dù đất xây dựng còn rất rộng và dù thời gian gần đây có nhiều Phật tử phát tâm cúng dường mở rộng thêm ngôi chùa nhưng Ni trưởng không chủ trương xây chùa to, mà để dành đất trồng nhiều hoa kiểng và tạo một khoảng cách đủ xa với thế giới chộn rộn bên ngoài. Đó phải chăng là chuẩn mực của một ngôi chùa Việt Nam đúng nghĩa là một nơi để tu dưỡng tâm hồn sau khi đã ngộ ra sự giả tạm của thế gian?
Một minh chứng khác cho hạnh tu chân chánh của Ni Trưởng Kim Quang : mặc dù tuổi đã cao và thường xuyên đau yếu nhưng Ni Trưởng vẫn không vì thế mà bỏ quên những mầm non Phật Pháp , tức lớp thanh thiếu niên thường ngày đến chùa. Ni Trưởng cũng biết rằng công việc hướng dẫn Phật Pháp cho thanh thiếu niên sẽ ảnh hưởng không ít đến nề nếp thanh tịnh của ngôi Già Lam , nhưng trên hết vẫn là lợi ích của việc gieo mầm Đạo Pháp trong giới trẻ , vì tuổi trẻ chính là tương lai của Phật Giáo .
Từ quan điểm ấy, Ni Trưởng cho thành lập một đơn vị Gia Đình Phật Tử sinh hoạt hằng tuần vào chiều chủ nhật, quy tụ hơn năm mươi đoàn sinh từ 8 tuổi đến 17 tuổi. Để tạo điều kiện cho GĐPT sinh hoạt có nề nếp, Ni Trưởng cho xây dựng một Đoàn quán khang trang, sạch đẹp trong khuôn viên chùa. Nương nhờ đức độ của Ni Trưởng, các em đoàn sinh GĐPT Kim Quang ngày càng tiến bộ trên đường tu học.
Ni Trưởng Thích Nữ Như Định là một bậc tu hành chân chính nhưng nhiều người vì không hiểu nên thường cho Ni trưởng là khó tính, khó gần. Thực ra cái mà người đời cho là “khó tính” chính là hạnh “Nghiêm Từ” của một bậc xuất thế. Xưa kia lúc Đức Phật còn tại thế , Ngài đã được toàn thể Trời và Người tôn xưng là bậc “Nghiêm Từ Vô Lượng”.
Vì muốn bảo tồn lời dạy của Phật về giới luật người xuất gia nên Ni trưởng Như Định rất kỹ lưỡng trong việc thu nhận và giáo dưỡng các đệ tử. Chính vì vậy mà trong đời tu của mình, Ni trưởng chỉ thu nhận 5 – 6 đệ tử, nhưng rồi họ cũng bỏ chùa đi nơi khác. Hiện tại chỉ còn một đệ tử tâm đắc là Sư Cô Thích Nữ Như Lý có đầy đủ duyên lành chịu sự giáo dưỡng nghiêm túc của Ni trưởng để trong tương lai sẽ là người xứng đáng kế vị trụ trì ngôi Kim Quang Ni Tự.
Ni trưởng không cho việc có nhiều đệ tử là cái hay, cái giỏi của người xuất gia. Người tâm sự : “Thu nhận thật nhiều đệ tử là việc không khó. Khó là làm sao dạy dỗ đệ tử mình nên người, xứng đáng là hàng chúng Trung Tôn để làm rạng danh cho Đạo Phật, chớ không phải thu đệ tử cho nhiều mà giới hạnh chẳng ra chi, chỉ làm “trùng sư tử”phá hoại Đạo Pháp thì chính mình phải mang tội lớn với Phật, với chư Thầy, Tổ”. Chính vì quan niệm như vậy nên Ni trưởng giáo dưỡng đệ tử rất nghiêm. Đệ tử nào “trụ” được lâu dài sẽ trở thành người giỏi, xứng đáng là một Tỳ Kheo Ni chân chính sau này.
Ở độ tuổi 80 hiện nay, Ni trưởng vẫn ngày đêm xem kinh, đọc sách, không quản gì bệnh tật. Ni trưởng thường xuyên giúp đỡ quần chúng trong địa phương bằng nhiều phương tiện như : dạy chữ cho người chưa biết chữ, giúp gạo cho kẻ nghèo đói, hoạn nạn.
Ni trưởng tâm nguyện : “Hằng ngày tôi thành tâm khẩn nguyện với mười phương Chư Phật là : công hạnh tu của tôi, từ ngày xuất gia đến khi thị tịch, nhờ hồng ân Tam Bảo cho tôi được đắc phục nam thân, gặp cha mẹ tận tâm vì Đạo, giàu lòng bố thí cúng dường, bảy tuổi tôi được xuất gia theo quý Hòa thượng tu học, đến tuổi ba mươi xin phép quý Thầy du phương tu hạnh đầu đà. Mỗi mỗi kiếp đều được tu như vậy, chừng nào bằng Phật, đặng quả vị Chánh Giác mới toại chí bình sanh. Chừng ấy, mình được tha hồ để cứu vớt hàm linh thoát vòng khổ hải”
Đối với tình hình sinh hoạt của Phật Giáo tại Kiên Giang hiện nay, Ni trưởng có những nguyện vọng tâm huyết sau đây :
-Đối với chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo Tỉnh Hội, tôi nguyện ước sao cho quý Hòa thượng Thích Bổn Châu và Thích Giác Phước sống lại. Vì sao? vì tôi quý kính đạo tâm và Tình Pháp Lữ của quý Ngài dành cho tăng, ni trong tỉnh. Quý Ngài luôn quan tâm thăm hỏi, động viên tăng, ni mỗi khi gặp mặt, làm cho chúng tôi cảm thấy ấm áp, gần gũi, thân thương biết bao ! Chính tình cảm ưu ái của quý Ngài đối với tăng, ni đã giúp chúng tôi vững bước đường tu dưới sự lãnh đạo của quý Ngài.
-Đối với hàng chư ni hậu học, tôi có lời khuyên : hãy dành hết thời gian cho việc tu học, trau dồi giới đức và giúp đỡ người nghèo đói, hoạn nạn. Đừng phí thời gian và tiền bạc vô việc ăn ngon mặc đẹp, se sua chưng diện, dùng tiền của đàn na tín thí mua sắm những thứ đắt tiền như xe máy, điện thoại di động đời mới … mà có tội với Phật, tu hoài cũng không tiến bộ được.
Tôi thiết tha đề nghị Ban giám hiệu trường Phật học Kiên Giang chú trọng hơn nữa việc giáo dục oai nghi tế hạnh cho chư ni sinh ngoài việc học Kinh-Luật-Luận.
-Đối với Phật sự chung, tôi đề nghị Ban trị sự kết hợp với Chánh quyền giải quyết dứt điểm ngôi chùa Vân Long (chùa Ông Hai Mù) để tránh cho Phật Giáo tỉnh ta mang một cái ung nhọt bấy lâu nay chưa trị dứt được.
Trong cuộc đời đạo nghiệp của Ni trưởng Thích Nữ Như Định có một kỷ niệm khó quên như sau (ghi lại trung thực lời kể của Ni trưởng):
“Cuối năm 1968, giữa lúc tôi vừa cất xong cái cốc lá và cùng bạn đồng tu là Sư cô Như Châu sống những ngày đạm bạc mà an lành thì được tin anh Sáu tôi (Sáu Biên) có đưa con trai, nhắn tôi vào khu giải phóng đem về nuôi dùm vì hai anh chị Sáu tôi đều đi kháng chiến, không nuôi cháu được, phần chính là khó tránh bom đạn vì cháu còn bé quá (mới sinh được hai tuần). Làm sao bây giờ ? Tôi là một sư nữ làm sao nuôi con nít được ? Cuối cùng vì thương hai anh chị, tôi lặn lội vào chiến khu ca củm ôm cháu về nuôi.Có ai hỏi đây là con ai thì tôi cũng không dám nói thật.
Thôi thì dư luận đàm tiếu tràn đầy, người nói thế này người chê thế nọ v.v…Lúc đó tôi 33 tuổi, rất buồn lòng. Nhưng tôi tự nghĩ mình là con của Phật, thôi, ai nói gì mình cũng bỏ qua, miễn mình thật tu là được rồi.Xưa kia, Đức Bồ tát Quan Âm Thị Kính còn oan ức hơn mình nữa kìa. Mình cố gắng làm việc phải, ráng nhẫn nhịn thì Phật biết cho mình cũng đủ rồi. Nghĩ vậy nên tâm tôi được bình an.
Tôi nuôi cháu Trung đến năm 1974 thì bị phát hiện vì con của chú ruột tôi làm bên an ninh quân đội tố cáo. Tôi phải dắt cháu Trung chạy trốn vô vùng giải phóng mà trả lại anh chị Sáu tôi. Lúc này cháu đã được 7 tuổi. Cũng may, cháu chịu đựng chiến cuộc được 5 – 6 tháng thì miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nếu không chắc tôi đã bị nguy hiểm với chế độ ngụy vì tội tiếp tay cho Cộng Sản”
Thật hiếm có một người nào đức độ vẹn toàn, cuộc đời trong sáng tợ viên ngọc lưu ly như Ni trưởng Thích Nữ Như Định. Để tôn vinh một đời tu viên mãn giới hạnh, Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã tấn phong giáo phẩm Ni trưởng cho Người vào ngày 05/12/2000.
Ni chúng và Phật tử Kiên Giang vô cùng tự hào vì Phật Giáo tỉnh ta đã có những bậc tôn sư đạo hạnh tuyệt vời như Ni trưởng Thích Nữ Như Định để làm gương sáng cho hàng hậu học.
Để kết thúc bài viết này, người viết xin mượn một bài trong tập thơ do Ni trưởng sáng tác để độc giả hiểu thêm về nét đẹp của một bậc tôn túc lãnh đạo Ni Bộ Bắc Tông của Phật Giáo Kiên Giang.