CƯ SĨ CHÁNH TRÍ – MAI THỌ TRUYỀN (1905 – 1973)

G

Nhân kỷ niệm húy nhật lần thứ 50 của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (rằm tháng 3 năm Quý Sửu, 1973 – rằm tháng 3 năm Kỷ Mão, 2023), Ban Biên Tập xin gởi đến quý độc giả tiểu sử của vị cư sĩ lớn của thời đại này. Bài viết trích từ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận do TS Thích Nhất Hạnh chắp bút.

Cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (1905 - 1973) - Phật Giáo Nam Định

CƯ SĨ CHÁNH TRÍ – MAI THỌ TRUYỀN (1905 – 1973)

Hội Phật Học Nam Việt được thành lập vào năm 1950 tại Sài Gòn do sự vận động của cư sĩ Mai Thọ Truyền. Ban đầu, hội đặt trụ sở tại chùa Khánh Hưng, và sau đó ít lâu, tại chùa Phước Hòa. Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, một cây cột trụ của hội Lưỡng Xuyên Phật Học cũ đảm nhận trách vụ hội trưởng. Ông Mai Thọ Truyền giữ trách vụ tổng thư ký. Các thiền sư Quảng Minh và Nhật Liên đã triệt để ủng hộ cho việc tổ chức hội Phật Học Nam Việt. Thiền sư Quảng Minh được bầu làm hội trưởng của hội bắt đầu từ năm 1952. Năm 1955, sau khi thiền sư Quảng Minh đi Nhật du học, ông Mai Thọ Truyền giữ chức vụ hội trưởng. Chức vụ này ông giữ cho đến năm 1973, khi ông mất. Hội Phật Học Nam Việt được thành lập do nghị định của Thủ Hiến Nam Việt ký ngày 19.9.1950. Bản tuyên cáo của hội có nói đến nguyện vọng thống nhất các đoàn thể Phật giáo trong nước. Bản tuyên cáo viết: “Đề xướng việc lập hội Phật học này. Chúng tôi còn có cái thâm ý đi đến chỗ Bắc Trung Nam sẽ bắt tay trên nguyên tắc cũng như trong hành động. Sự thống nhất này đã trở nên cần thiết kể từ ngày mồng 8 tháng Sáu dương lịch năm nay, là ngày Việt Nam được chính thức làm hội viên hội Phật giáo quốc tế…”

Chùa Xá Lợi trụ sở thứ ba và vĩnh viễn của hội Phật Học Nam Việt được khởi công xây dựng năm 1956 tại số 89 đường Bà Huyện Thanh Quang, Sài Gòn, và được hoàn thành hai năm sau đó. Chùa được kiến trúc một cách mới mẻ, có tháp chuông, chính điện, giảng đường, thư viện và tăng xá. Năm 1963, chùa Xá Lợi biến thành căn cứ trung ương cho cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm, và trở thành một ngôi chùa lịch sử.

Chánh trí Mai Thọ Truyền là một trong những khuôn mặt Phật tử cư sĩ lớn của thời đại. Ông sinh năm 1905 tại làng Long Mỹ tỉnh Bến Tre, và đã học tại các trường trung học Mỹ Tho và Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Ông thi đậu tri huyện năm 1931 và đã tùng sự tại Sài Gòn, Trà vinh, Long Xuyên và Sa Đéc. Năm 1945, sau Cách Mạng Tháng Tám, ông đã làm chủ tịch Ủy Ban Quận Bộ Châu Thành Long Xuyên rồi trưởng phòng hành chính Ủy Ban Hành Chính Tỉnh Bộ Long Xuyên.

344733658 612309957616583 8626824203901754399 N
Tượng cư sĩ Chánh Trí được tôn trí trong khuôn viên chùa Phật học Xá-lợi

Ông về Sài Gòn năm 1947 và lần lượt giữ những chức vụ sau đây: chánh văn phòng phủ Thủ Tướng của chính phủ Nguyễn Văn Xuân (Hà Nội), chánh văn phòng bộ kinh tế, giám đốc hành chính sự vụ bộ Ngoại Giao, đổng lý văn phòng bộ Nội Vụ của chính phủ Nguyễn Nam Long, đổng lý văn phòng Phủ Thủ Hiến Nam Việt và phó đổng lý văn phòng Phủ Thủ Tướng của chính phủ Bửu Lộc. Năm 1955 ông đổi sang ngạch thanh tra hành chính và tài chính và đến năm 1960 về hưu thời chính phủ Ngô Đình Diệm. Sau cách mạng 1963, ông tham dự Hội Đồng Nhân Sĩ trong chính phủ Dương Văn Minh, và đến năm 1967 ông ứng cử phó tổng thống chung liên danh với ông Trần Văn Hương, năm 1968, ông giữ chức quốc vụ khanh kiêm viện trưởng Giám Sát Viện trong chính phủ Trần Văn Hương, rồi đổi sang chức vụ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa cho đến năm ông mất (1973).

Cũng như cư sĩ Lê Đình Thám, ông ăn chay trường từ ngày thọ tam quy ngũ giới và làm phật sự không biết mệt mỏi. Hội Phật Học Nam Việt đã thành lập được tới 40 tỉnh hội và chi hội khắp miền Nam. Tạp chí Từ Quang của hội mà ông trực tiếp trong nom từ 1951 đã ra được 242 số cho đến ngày ông mất. Những trước tác của ông gồm có:

Tâm Và Tánh (1950) Ý Nghĩa Niết Bàn (1962) Một Đời Sống Vị Tha (1962) Tâm Kinh Việt Giải (1962) Le Bouddhisme Au Viet Nam (1962) Pháp Hoa Huyền Nghĩa (1964) Địa Tạng Mật Nghĩa (1965)

Tác phẩm đầu (Tâm và Tánh) đã được nhà Đuốc Tuệ ở Hà Nội xuất bản; những tác phẩm còn lại đều được Hội Phật Học Nam Việt ấn hành. Ngoài trách vụ hội trưởng hội Phật Học Nam Việt, ông Mai Thọ Truyền đã từng giữ trách vụ tổng thư ký của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo Việt Nam từ 1959 đến năm 1962. Năm 1963 ông giữ trách vụ tổng thư ký của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm. Trách vụ này đã được ông thi hành một cách xuất sắc. Năm 1964 ông được bầu làm phó viện trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, nhưng vì bất đồng ý kiến về hệ thống tổ chức của Giáo Hội, chỉ sau đó một tháng, ông rút lui về cương vị Hội trưởng hội Phật Học Nam Việt.

Trong bản tuyên cáo thành lập hội Phật Học Nam Việt có chủ ý muốn thành lập một Phật học đường lớn để đào tạo tăng tài, nhưng công việc này chưa bao giời được hội thực hiện, có thể đây là vì bên cạnh hội Phật Học Nam Việt đã có Giáo Hội Tăng Già Nam Việt.

Nhưng tạp chí Từ Quang đã là một đóng góp không nhỏ cho công việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh. Tạp chí này đã được chư tăng ở Phật học đường Nam Việt nâng đỡ và đóng góp khá nhiều về phương diện biên tập, nhất là trong những năm đầu.

Thích Nhất Hạnh
(Việt Nam Phật Giáo Sử Luận)

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
14
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 5
Ngày Nhâm Ngọ
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
14
Tháng 10
Kiên Giang