Những Góc Khuất Xấu Xí (1)

G

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

NHỮNG GÓC KHUẤT XẤU XÍ

Bạn thân mến,

Qua rất nhiều lá thư tôi đã gởi đến bạn chỉ đề cập về cái hay cái đẹp của người Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, như ông bà mình thường nói: "Khi thương trái ấu cũng tròn". Quả thật trong trường hợp này cũng có phần đúng chớ chẳng phải không. Song le, ngoài tình cảm đối với người huynh trưởng GĐPT, còn một phần khác quan trọng hơn, đó là chỉ cho hàng huynh trưởng trẻ thấy rõ giá trị của việc mình đang làm  để khơi dậy lòng tự tin, tự trọng và đem đến sự phấn khởi cho  các anh chị nhằm mục đích động viên khuyến tấn nhau dấn thân vào nghề huynh trưởng đầy thử thách cam go này.

Tuy nhiên, muốn nên người bằng cách chỉ có khen không là chưa đủ, mà còn phải chỉ ra cái tốt lẫn cái chưa tốt để mọi người hiểu đúng giá trị con người của mình , phát huy mạnh mẽ mặt tốt và thành tâm sửa chữa cái chưa tốt, như vậy mới mong nên người được.

Huynh trưởng GĐPT chúng ta là những người đang trên con đường hòan thiện nhân cách theo tinh thần Phật Giáo để trở thành người Phật tử chân chánh. Chúng ta chưa ai là Thánh cả, vì vậy, việc trong con người chúng ta còn lẫn cái tốt và cái chưa tốt là sự bình thường, không có gì phải che dấu, không có gì phải sợ hãi. Có điều, chúng ta phải biết hỗ thẹn với những mặt chứa tốt còn lẫn khuất trong con người chúng ta và nỗ lực quyết tâm sửa chữa nó, đó mới là điều quan trọng.

Những mặt chưa tốt còn lẫn khuất trong từng người chúng ta, tôi xin tạm gọi nó là "Những góc khuất xấu xí". Cụm từ này, tôi mượn từ câu chuyện "Chú Vịt Con Xấu Xí" của nhà văn người Đan Mạch Hans Christian Andersen với lòng mong mỏi rằng: những điều chưa tốt hôm nay rồi sẽ trở thành những đức tính tốt đẹp mai sau, cũng giống như chú vịt con xấu xí hôm nay sẽ trở thành chàng thiên nga lộng lẫy mai sau vậy.

Nói về những góc khuất xấu xí trong mỗi người chúng ta thì nhiều vô số kể, ở đây tôi chỉ xin nêu lên một số tồn tại trong hành vi của huynh trưởng có liên quan đến chất lượng sinh hoạt Gia Đình Phật Tử mà anh chị em chúng ta hoặc vô tình không biết, hoặc có biết mà chưa khắc phục sửa chữa được. Mục đích của việc làm này nhằm chỉ bảo cho nhau để cùng tiến bộ, mà sự tiến bộ của mỗi huynh trưởng có ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển đi lên của tổ chức Áo Lam. Vì vậy, đây không phải việc làm "vạch áo cho người xem lưng"' cũng hoàn toàn không phải đem việc chê bai nhau ra làm trò giải trí.

Người xưa thường bảo : "Yêu, cho roi cho vọt ; Ghét, cho ngọt cho bùi" và cũng có câu  "Thuốc đắng dã tật; lời thật mích lòng" Chính vì có thương, có muốn anh em tiến bộ nên mới chỉ bảo cho nhau; còn cái gì cũng khen để lấy lòng nhau, để anh em khỏi mích lòng, thì đó là "ôm nhau mà chết chùm" chờ chẳng hay ho gì.

Nói về những góc khuất tồn tại trong sinh hoạt GĐPT của anh em chúng ta, tôi xin chia ra làm hai phần lớn :

-Một là BẤT CẬP

-Hai là THÁI QUÁ

A) BẤT CẬP :

-Bất cập nghĩa là "Không theo kịp", hiểu rộng ra là "làm cho trì trệ, chậm tiến, thoái hóa" . Những góc khuất gây ra sự trì trệ, chậm tiến, thoái hóa… cho tổ chức Áo Lam gồm những tính xấu sau đây :

1)Lười biếng : lười biếng không phải là bệnh lý của thân, nó là bệnh lý của tâm. Lười biếng là mặt trái của Tinh tấn, nhà Phật gọi là giải đãi. Ngoài đời sống cũng như trong thiền môn, lười biếng là một bệnh đáng sợ nhất. Nếu trong cuộc sống lười biếng làm cho xã hội chậm tiến thì trong thiền môn, giải đãi làm cho sự tu hành dẫm chân tại chỗ không biết đến bao giờ mới đến bền bờ giác ngộ giải thoát. Riêng trong GĐPT, nếu tất cả huynh trưởng đều lười biếng thì tổ chức Áo Lam đã không bao giờ được ra đời, nói chi sống thọ đến hôm nay.

Tâm lý lười biếng chiếm hữu con người khi người đó có những suy nghĩ như sau :

-Sinh hoạt GĐPT là sinh hoạt tự nguyện, nên bất cứ việc gì trong GĐPT cũng đều tự nguyện, thích thì làm, không thích thì thôi.

-Việc này có mình cũng được mà không có mình cũng không sao

-Việc này không phải nhiệm vụ của mình, không thuộc trách nhiệm mình

-Việc này làm như thế này là được rồi, không cần phải làm nhiều hơn

-V.v…

2)Thiếu tàm quý : tàm quý nghĩa là "Thấy lỗi mình và tự hỗ thẹn với mình". Thường thì lười biếng đi đôi với không biết tàm quý. Người thiếu tàm quý thường tìm mọi lý lẽ để biện minh cho lỗi của mình chớ không bao giờ thấy được lỗi của mình, hoặc không đủ can đảm nhận lỗi của mình. Không thấy lỗi của mình, hoặc có thấy mà không biết mắc cỡ , đó là góc khuất xấu nhất của huynh trưởng chúng ta, nó biến chúng ta thành những con người vô dụng, ương bướng, ngang ngạnh, chậm tiến, ngu độn… mà người phương Tây ví những người như thế với hình ảnh "CON LỪA ƯA NẶNG". Ở Việt Nam ta có câu thành ngữ "mặt cây, mày đá" để chỉ hạng người không biết tàm quý này.

3)Thiếu kiến thức, thiếu thông tin : đây là bệnh của những anh chị không chịu học hỏi và thường xuyên vắng mặt trong các buổi họp, cũng như không cập nhật thông tin trên website của Ban Hướng Dẫn. Không chịu học hỏi sẽ dẫn đến kém về trình độ, kiến thức và năng lực, từ đó giảm sút uy tín đối với đoàn sinh và giảm sút lòng tin đối với đồng đội và cấp trên..

Thiếu thông tin sẽ dẫn đến làm việc không ăn ý với đồng đội. Khi biết mình sai, họ thường đổ lỗi "hôm đó tôi mắc công chuyện không có dự họp nên không biết". Những người như vậy sẽ không cấp chỉ huy nào dám phân công cho họ vì họ hay mắc phải lỗi "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" , gây tình trạng rối rắm cho tập thể mỗi khi  cùng nhau làm chung công việc.          Người có tính này thường cũng là người lười biếng và không biết tàm quý.

4)Thích được lên cấp nhưng không làm tròn trách nhiệm của người mang cấp: Những anh chị có tính này thường rất quan tâm mỗi khi đến kỳ xét cấp. Nếu được thăng cấp thì vui cười hỉ hả. Ngược lại, nếu không được thăng cấp thì đấu tranh, khiếu nại, đổ lỗi, nói xấu cấp trên không tiếc lời. Nhưng khi đã được xếp cấp thì họ thường không làm tròn trách nhiệm người mang cấp. Những người này cũng có thể liệt họ vào hạng người không biết tàm quý và lười biếng. Những anh chị này giống như tấm bằng khen treo trên tường nhà , ngoài công dụng "khoe mẽ" ra thì chẳng còn công dụng nào khác. (Còn tiếp…)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang