Đương xứ Niết Bàn Phật Thích Ca
Niết Bàn trong cõi : “đất Ta bà” !
Ngày ngày khất thực nuôi thân huyễn
Giải thoát “tam không” bước bước qua…
GIẢI THOÁT ĐỨC là tên gọi của Niết bàn. Nói rõ ra, giải thoát tức Niết bàn. Giải thoát hay Niết bàn còn gọi là ĐOẠN ĐỨC, với nghĩa sâu sắc là sạch hết, dứt bặc vô minh. Vì vậy, “Niết bàn” trong cõi Ta bà, tại cõi nhân gian mà tất cả loài người đang sống. Xưa kia, đức Phật đạt đạo, chứng đắc “Tam vô” : Không, vô tướng, vô tác. Kể từ đó, ngày ngày Phật vẫn khất thực nuôi cái huyễn thân hữu vi : Mộng, lộ, điện, ảnh… vậy mà mỗi bước, không có một dấu chân lệch khỏi Niết bàn.
Người ta nói Phật già tám mươi tuổi… đến rừng “Ta la thọ” nhập Niết bàn ở đấy ! Cạn cợt ! Tổ chức lễ cúng “ngày Phật Niết bàn”! Không hiểu Phật, nói thế : Sai !
Tịnh độ là đây ! Cõi Tịnh đây !
Niết bàn, Tịnh độ tại nơi nầy
Lòng ai vui đẹp trời xuân đẹp
Hiện tượng vô vàn thể “chẳng hai” !
TỊNH ĐỘ có nghĩa : Cõi sạch, cõi thanh tịnh, không nhiễm ô, không có những gì cấu uế, dứt bặt cấu uế. Cấu uế từ phiền não, từ vô minh là thứ cấu uế đáng sợ hãi ! Các thứ dơ bẩn như thối, hôi, tanh, khai… chỉ cần rửa nước là sạch hết. Thế nên học Phật, phải hiểu TỊNH ĐỘ là cảnh giới của mọi người, ai cũng có thể đóng góp, ai cũng có thể kiến thiết, xây dựng “cõi TỊNH ĐỘ” cho chính mình, bằng cách gột rửa, phủi giũ phiền não vô minh ngay trong đời sống. Kinh điển gọi đó là DUY TÂM TỊNH ĐỘ. Tìm TỊNH ĐỘ hay CỰC LẠC THẾ GIỚI bên ngoài, ở phía mặt trời lặn, hoàn toàn SAI. TỊNH ĐỘ là danh hiệu khác của NIẾT BÀN. Niết bàn, Tịnh độ danh thì hai mà tự thể AN LẠC là một !
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1